Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

6. BỐN BÀI DÂNG TAM BỬU (Đạo Uyển 31)


Bản thảo giáo khoa Cao Đài
Trong đạo Cao Đài hiện nay đang có nhu cầu biên soạn các bài giảng về kinh cúng, giáo lý căn bản, v.v… ngõ hầu triển khai trong các khóa học được tổ chức tại các Hội Thánh, thánh thất, thánh tịnh, học viện, v.v… Mục BẢN THẢO GIÁO KHOA CAO ĐÀI mở ra nhằm dần dần đáp ứng chút ít tài liệu tham khảo, ước mong góp phần bé mọn để quý đạo hữu giảng viên có thể nhẹ bớt phần nào “gánh nặng” trong muôn một.
Biển học vô bờ. Chúng tôi kính mong và tin tưởng quý đạo hữu luôn hoan hỷ lượng thứ mọi nhầm lẫn, thiếu sót nếu chúng tôi vướng phải, và sẽ vui lòng chỉ giáo để chúng tôi kịp thời sửa chữa chỗ sai lầm, bổ túc chỗ thiếu sót. Gọi mục này là “Bản thảo giáo khoa” cũng vì lẽ ấy. (H.Kh.)
BỐN BÀI DÂNG TAM BỬU BAN SƠ
I. KINH VĂN
BÀI DƯNG BÔNG
Hoa tươi năm sắc, sắc thiên nhiên
Đầu cúi xin dâng lễ kỉnh thiềng
Cảm Đức Cao Đài lòng đoái tưởng
Từ bi cứu thế giáng đàn Tiên.
BÀI DƯNG BỒ ĐÀO
Bồ đào cam giá tửu Tây Phương
Bả trản cung trần mỹ vị hương
Đệ tử thành tâm kiền phụng hiến
Cao Đài hoan lạc kiết trinh tường.
BÀI DƯNG RƯỢU TRẮNG
Tửu vị hương hề tửu vị hương
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường
Cao Đài hứng cảnh nhàn quan nhã
Đệ tử cung trần mỹ vị hương.
BÀI DƯNG TRÀ
Đông độ thanh trà mỹ vị hương
Khấu đầu cung hiến chước hồ trường
Cao Đài hứng cảnh nhàn quan nhã
Đệ tử cung trần mỹ vị hương.
II. LỊCH SỬ
1. Tương truyền, các bài này do tiền khai Ngô Văn Chiêu (1878-1932) mượn của đàn Hiệp Minh ở Cái Khế (Cần Thơ).([1]) Bởi có xuất xứ từ đàn Tiên ở Cái Khế,([2]) nên câu 4 Bài Dưng Bông là: Từ bi cứu thế giáng đàn Tiên. Đàn Tiên tức là đàn cầu cơ thỉnh Tiên (Immortal-evoking seance).
2. Khoảng hạ tuần tháng 01-1926 (trung tuần tháng 12 Ất Sửu), Đức Cao Đài dạy ba vị Cao Quỳnh Cư (1888-1929), Cao Hoài Sang (1901-1971), Phạm Công Tắc (1890-1959) phải hiệp cùng tiền khai Ngô Văn Chiêu, và phải kính Ngô tiền khai là Anh Cả. Sau đó ba vị được Ngô tiền khai chỉ dẫn nghi thức thờ phượng, nhất là cách sắp đặt bàn thờ (Thiên bàn) có thánh tượng Thiên Nhãn. Các bài dâng tam bửu vì thế đã được ba vị Cao-Phạm tiếp nhận từ Anh Cả Ngô Văn Chiêu.([3])
3. Năm 1926, tiền khai Nguyễn Ngọc Thơ (1873-1950) in Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh (Sài Gòn: nhà in Xưa Nay, 34 trang ruột và bìa, khổ 12x15,5cm). Trang 10 in ba bài Dâng Bông, Dâng Trà, Dâng Rượu Trắng. Trang 11 in bài Dâng Rượu Lễ (tức là Bài Dưng Bồ Đào). Khi khảo dị, gọi đây là bản NNT 1926.
4. Năm 1927, tiền khai Hương Thanh (1874-1937) in Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Kinh (Sài Gòn: nhà in L’Union, 40 trang ruột và bìa, khổ 12x15cm). Trang 10 in bốn bài Dâng Bông, Dâng Trà, Dâng Rượu Trắng, Dâng Rượu Lễ (tức là Bài Dưng Bồ Đào). Khi khảo dị, gọi đây là bản HT 1927.
5. Năm 1928, ông Võ Văn Tuấn 武文峻 ở Vĩnh Nguyên Tự in Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh (Chợ Lớn: nhà in My Khouan, 56 trang ruột, khổ 13,3x18,4cm). Trang 38-40 in Bài Dưng Tiên Hoa, Bài Dưng Rượu Bồ Đào, Bài Dưng Rượu Tiên, Bài Dưng Trà Tiên. Khi khảo dị, gọi đây là bản VVT 1928.
6. Năm 1960, Chiếu Minh Tam Thanh - Vô vi bạch cân (áo khăn toàn trắng), tức Thánh Đức Tổ Đình Chiếu Minh Cần Thơ, ấn hành Kinh Cúng Tứ Thời của Chiếu Minh Tam Thanh - Vô vi bạch cân (áo khăn toàn trắng), in lần thứ nhất tại nhà in Nguyễn Văn Châu, số 159 Cô Giang, Sài Gòn (56 trang, 15,5x23cm), theo giấy phép số 56 của HĐKD, ngày 11-01-1960. Quyển này được Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo tái bản (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2011, 80 trang, 14,5x20,5cm) và sửa các lỗi chánh tả trong bản in 1960. Trong bản in 2011, bốn bài dâng tam bửu in ở trang 34-35. Khi khảo dị, gọi đây là bản CM 1960/2011.
Vì các bài dâng tam bửu được truyền từ Ngô tiền khai nên tôi dùng bản CM 1960/2011 làm bản trc (hay bản nền) khi khảo dị văn bản. (Lẽ ra phải dùng bản trục là bản có trước năm 1926.) Khi chú giải cũng dùng bản trục nói trên.
Tôi không dẫn lại đây các bản kinh cúng tứ thời của Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo... , vì các dị bản xét ra cũng không ra ngoài ba bản NNT 1926, HT 1927, VVT 1928.
7. Năm 1929, với phẩm vị Tiếp Lễ Nhạc Quân tại Tòa Thánh Tây Ninh, tiền bối Cao Quỳnh Diêu (1884-1958) đã soạn và trình Hội Thánh ba bài dâng tam bửu khác để thay thế ba bài đã thọ nhận từ Ngô tiền khai.
Thứ Sáu 21-6-1929 (15-5 Kỷ Tỵ), Đức Chí Tôn giáng cơ tại Tòa Thánh Tây Ninh, chỉnh sửa ba bài dâng tam bửu do Tiếp Lễ Nhạc Quân soạn.
Thứ Hai 11-8-1930 (17-6 Canh Ngọ), Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ban hành quyển Nghi Tiết Đại Đàn Và Tiểu Đàn Tại Tòa Thánh Và Thánh Thất Các Nơi (in tại Chơn Truyền Ấn Quán, thuộc Tòa Thánh Tây Ninh).([4]) Như vậy, kể từ tháng 8-1930 trở đi, Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh đã chánh thức không dùng ba bài dâng tam bửu đã do các vị Cao-Phạm thọ nhận từ Anh Cả Ngô Văn Chiêu khi còn ở phố Hàng Dừa, Sài Gòn (1926).
Ở đây, tôi chỉ khảo sát bốn bài dâng tam bửu ban sơ, trực truyền từ Ngô tiền khai (1926), nên tạm thời chưa bàn tới ba bài dâng tam bửu do Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh chính thức ban hành từ tháng 8-1930.
III. KHẢO DỊ
1. Bài Dưng Bông
1.1. Bản NNT 1926, bản HT 1927 in nhan đề là Dâng Bông. Bản VVT 1928 in là Bài Dưng Tiên Hoa.
1.2. Câu 3, bản NNT 1926, HT 1927 in là cám. VVT 1928 in là cám nhưng chua chữ Nho là (đọc là cảm).
1.3. Câu 4, bản VVT 1928 in là đàn tiền. Đàn tiền 壇前 tức là trước bàn thờ (before the altar).
2. Bài Dưng Bồ Đào
Bản NNT 1926, bản HT 1927 in nhan đề là Dâng Rượu Lễ. Bản VVT 1928 in là Bài Dưng Rượu Bồ Đào.
3. Bài Dưng Rượu Trắng
3.1. Bản NNT 1926, bản HT 1927 in nhan đề là Dâng Rượu Trắng. Bản VVT 1928 in là Bài Dưng Rượu Tiên.
3.2. Câu 2, bản HT 1927, bản VVT 1928 in là hồ tương. Bản VVT 1928 chua chữ Nho là ; chữ không thích đáng vì nó chỉ chất lỏng sền sệt hay hồ dán (starch paste).
Bản HT 1927 cho thấy khoảng từ năm 1927 trở đi đã có cách đọc Khấu đầu cung hiến chước hồ tương, thay cho cách đọc ban sơ là hồ trường.
4. Bài Dưng Trà
Bản NNT 1926, bản HT 1927 in nhan đề là Dâng Trà. Bản VVT 1928 in là Bài Dưng Trà Tiên.
IV. CHÚ GIẢI
1. Bài Dưng Bông
Câu 1: Hoa tươi năm sắc, sắc thiên nhiên
Năm sắc (ngũ sắc 五色 / five colours): Năm màu, gồm có: xanh, trắng, đỏ, đen, vàng (thanh ,bạch ,xích ,hắc ,hoàng hay huỳnh / blue or green, white, red, black, yellow).
Sắc thiên nhiên (tự nhiên chi sắc 自然之色 / natural colours): Màu tự nhiên, không phải màu do con người tạo ra.
Câu 2: Đầu cúi xin dâng lễ kỉnh thiềng
Kỉnh thiềng (kính thành 敬誠 / respect and sincerity): Cung kính và thành thật.
Câu 3: Cảm Đức Cao Đài lòng đoái tưởng
Cảm (being grateful): Mang ơn, biết ơn.
Đoái tưởng (deigning to think of sb): Bề trên nghĩ đến kẻ dưới, cũng như hạ cố 下顧.
Câu 4: Từ bi cứu thế giáng đàn Tiên
Đàn Tiên (Tiên đàn 仙壇 / Immortal-evoking seance; God’s altar): Đàn cầu Tiên, dùng cơ bút; Thiên bàn, nơi thờ Thượng Đế, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát (Caodai the Immortal Mahabodhisattva Mahasattva).
2. Bài Dưng Bồ Đào
Câu 1: Bồ đào cam giá tửu Tây Phương
Bồ đào 葡萄 (grape): Trái nho. - Bồ đào tửu 葡萄酒 (wine): Rượu nho.
Cam giá 甘蔗 (sugar cane): Cây mía. - Cam giá tửu 甘蔗酒 (rum): Rượu mía, rượu rum.
Tây phương 西方 (the West, the Occident; Western countries): Phương Tây; các nước Âu Mỹ.
 Câu 1 ý nói: Rượu nho và rượu mía của phương Tây.
Câu 2: Bả trản cung trần mỹ vị hương
Bả (holding): Cầm trên tay.
Trản (small cup): Cái chén nhỏ.
Cung trần 恭陳 (respectfully arranging): Cung kính sắp bày.
Mỹ (delicious): Thơm ngon.
Vị hương 味香 (flavour and fragrance): Vị và mùi thơm.
Mỹ vị hương 美味香 (delicious flavour and fragrance): Mùi vị thơm ngon.
Câu 2 ý nói: Tay cầm chén rượu mùi vị thơm ngon cung kính sắp bày lễ dâng lên.
Câu 3: Đệ tử thành tâm kiền phụng hiến
Đệ tử 弟子 (we the disciples): Học trò, lời môn đệ Đức Cao Đài tự xưng.
Thành tâm 誠心 (sincerity): Lòng thành thật.
Kiền (respectfully): Tôn kính, kính cẩn.
Phụng hiến 奉獻 (offering): Dâng lên.
Câu 3 ý nói: Với lòng thành đệ tử kính cẩn dâng lên.
Câu 4: Cao Đài hoan lạc kiết trinh tường
Hoan lạc 歡樂 (happy, glad): Vui mừng.
Kiết (cát / auspicious): Tốt lành.
Trinh tường 禎祥 (auspicious): Tốt lành.
3. Bài Dưng Rượu
Câu 1: Tửu vị hương hề tửu vị hương
Tửu vị 酒味 (flavour of liquor): Vị rượu.
Hương (being scented): Có mùi thơm, thơm tho.
Hề (Chinese character used to express exclamation, placed in the middle or at the end of a sentence): Từ đặt ở giữa hay cuối câu, dùng diễn tả ý cảm thán.
Câu 1 ý nói: Mùi vị rượu thơm ngon vậy thay!
Câu 2: Khấu đầu cung hiến chước hồ trường
Khấu đầu 叩頭 (kowtowing): Rập đầu xuống đất để lạy.
Cung hiến 恭獻 (respectfully offering something): Kính cẩn dâng hiến.
Chước (pouring liquor): Rót rượu ra.
Hồ (pot): Cái bình, cái bầu, cái vò chứa nước hay rượu. Bình rượu, vò rượu gọi là tửu hồ 酒壺 (liquor pot). Bình trà gọi là trà hồ 茶壺 (tea pot). Bình trà có vòi dài ngoằng gọi là trường chủy trà hồ 長嘴茶壺 (long spout teapot).
Trường (goblet, chalice, drinking glass with a foot and a stem): Ly, cốc có chân đế, dùng uống rượu hay uống trà. Chữ này đúng ra đọc là thương (shāng).
Nguyễn Bá Trác (1881-1945) viết bài thơ bất hủ Hồ Trường (hai mươi mốt câu), trong đó có đoạn (câu 8-13):
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Như vậy, khi nói hồ trường thì phải chăng có thể hiểu là bình và chén uống rượu (hay uống trà)? ([5])
Câu 2 ý nói: Cung kính rót rượu, cúi lạy dâng lên.
Càu 3: Cao Đài hứng cảnh nhàn quan nhã
Cao Đài 高臺 (Caodai God): Đức Chí Tôn, tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.
Hứng cảnh 興景 (feeling happy enjoying the scenery): Vui thích trước cảnh đẹp.
Nhàn (leisurely): Thong dong, thong thả.
Quan nhã (beholding a fine sight): Ngắm, xem cảnh đẹp mắt.
Câu 3 ý nói: Đức Cao Đài vui lòng trước cảnh hiến lễ của đệ tử (Cao Đài hứng cảnh) và Ngài thong thả ngắm xem cảnh tượng đẹp mắt này (nhàn quan nhã).
Câu 4: Đệ tử cung trần mỹ vị hương
Đệ tử 弟子 (we the disciples): Học trò, tiếng môn đệ Đức Cao Đài tự xưng.
Cung trần 恭陳 (respectfully arranging): Cung kính sắp bày.
Mỹ (delicious): Thơm ngon.
Vị hương 味香 (flavour and fragrance): Vị và mùi thơm.
Mỹ vị hương 美味香 (delicious flavour and fragrance): Mùi vị thơm ngon.
Câu 4 ý nói: Môn sanh Đức Cao Đài kính cẩn sắp bày rượu thơm ngon dâng lên.
4. Bài Dưng Trà
Câu 1: Đông độ thanh trà mỹ vị hương
Đông độ 東土 (the East, the Orient; the East Asian countries): Phương Đông; các nước Á Đông.
Thanh trà 青茶 (green tea): Cũng gọi lục trà 綠茶, là trà xanh.
Đông độ thanh trà (East Asian green tea): Trà xanh ở Á Đông.
Mỹ vị hương: Xem câu 4 Bài Dưng Rượu.
Câu 1 ý nói: Trà xanh ở Á Đông có mùi vị thơm ngon.
Câu 2, 34: Xem Bài Dưng Rượu.
V. TỔNG LUẬN
1. Hoa, rượu, trà trong nghi lễ Cao Đài tượng trưng cho tinh, khí, thần, tức là tam bửu hay tam bảo (the three precious ones).
Theo đạo Cao Đài, tam bửu ở trời là nhật, nguyệt, tinh tức là mặt trời hay thái dương, mặt trăng hay thái âm, và các ngôi sao hay tinh tú; tam bửu ở đất là thủy, hỏa, phong hay nước, lửa, gió; tam bửu ở người là tinh, khí, thần.
Đại Thừa Chơn Giáo (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2016, tr. 166) giảng giải như sau:
Trời nhờ ba báu ấy mà dưỡng dục muôn loài, hóa sanh vạn vật, luân chuyển càn khôn mới chia ra ngày đêm, sáng tối.
Đất nhờ ba báu đó mà phong võ [gió mưa] điều hòa, cỏ cây tươi nhuận, phân ra thời tiết xuân, hạ, thu, đông.
Người nhờ ba báu đó mà tạo Tiên tác Phật.
Khi cúng tứ thời, dâng tam bửu là ngụ ý phải quý trọng, giữ gìn ba báu của con người, bởi lẽ: Tinh, khí, thần hiệp nhứt mới thành đạo… (Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 166).
Theo Đại Thừa Chơn Giáo (tr. 130), tam bửu của con người hao mòn vì ba nguyên nhân chánh:
Như con người lo lắng vọng tưởng điều nầy sự nọ thì hao thần (linh hồn); còn muốn ham, mơ mộng phú quý vinh hoa thì tán khí; bằng say đắm mê sa tình trường dục hải thì tổn tinh [sperm].
Hễ tam bửu hao mòn thì nào khác chi cái ngọn đèn tàn, dầu hao tim lụn, leo lét canh khuya, khi mờ khi tỏ, tất nhiên một hồi phải tắt ngay. Vả như tam bửu hư hoại thì tự nhiên ngũ hành, ngũ tạng cũng phải xiêu bè suy nhược theo nhau.
Người tu phải biết bảo tinh, dưỡng khí, tồn thần, rồi luyện sao “cho tinh hóa khí, khí hóa thần, thần huờn hư. Ba báu quy về tại kim đảnh là thành đạo.” (Đại Thừa Chơn Giáo, tr. 168).
2. Khi cúng dâng hoa năm màu là ngụ ý nhắc đến mối tương quan giữa ngũ sắc với các “nhóm năm” như sau:
5 màu
Xanh
Trắng
Đỏ
Đen
Vàng
5 đức
Nhân
Nghĩa
Lễ
Trí
Tín
5 giới
Sát sanh
Du đạo
Tà dâm
Tửu nhục
Vọng ngữ
5 hành
Mộc
Kim
Hỏa
Thủy
Thổ
5 khí
Ấm áp
Mát mẻ
Khô nóng
Lạnh lẽo
Ẩm thấp
5 phương
Đông
Tây
Nam
Bắc
Trung ương
5 tạng
Gan
Phổi
Tim
Thận
Lá lách
Theo Đại Thừa Chơn Giáo (tr. 168): Trời có ngũ khí thì đất có ngũ phương, người có ngũ tng.([6]) Người ngộ đạo phải lấy ngũ hành ấy chế tạo mà luyện kim đơn cho thành xá lợi. Muốn thành xá lợi cần vận chuyển pháp luân cho ngũ khí triều nguơn, tam huê tụ đảnh.
Như vậy, dâng hoa năm màu, rượu và trà trong lễ cúng tứ thời hằng ngày là mượn vật chất hữu hình thể hiện lẽ đạo sâu kín nhiệm mầu vô hình vô vi của tân pháp Cao Đài.
HUỆ KHẢI



([1]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo [Huệ Nhẫn soạn], Lịch Sử Đạo Cao Đài, Quyển I: Khai Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2005, tr. 452.
([2]) Xem: Huệ Khải, “Vài nét Về Đàn Tiên Hiệp Minh Ở Cái Khế”, Đạo Uyển Xuân 2018. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 61-73.
([3]) Huệ Khải, Lược Sử Đạo Cao Đài - Thời Tiềm Ẩn 1920-1926 / A Concise Caodai History - The Earliest Beginnings 1920-1926. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2017, tr. 54.
([4]) Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo [Huệ Nhẫn soạn], Lịch Sử Đạo Cao Đài, Quyển II: Truyền Đạo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2008, tr. 176-177.
([5]) Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) giảng: Về chữ [trường] đó, từ điển T.H. [Trung Hoa] giải nghĩa là tên chỉ chung các đồ (chén) đựng rượu thời xưa. / Tiếng đó cổ quá rồi, tôi chỉ gặp nó mỗi một lần trong 1 bài thơ đời Đường. / (…) người ta không đựng rượu mà đựng trà thì cũng có thể dùng chữ đó được (…). (Huệ Khải, Tấm Lòng Một Người Thầy. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2018, tr. 60.)
([6]) Dưỡng Chơn Tập (4. Nhơn Sanh / Con Người) giải thích:
(T)rời có ngũ hành là: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. (…).
(N)gười ta có ngũ thường là Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.  (…)
Nhưng ngũ hành, ngũ thường này đều có đủ trong mình ta, tức là ngũ tạng: Tâm, Can, Tì, Phế, Thận. Ngũ tạng đây là gốc lớn sanh con người. Nếu phạm đến gốc lớn này thì không thể nào sống được. Cho nên thầy thuốc rành nghề trị bịnh, thì trước phải điều hòa ngũ tạng. Khi phát ra trong việc làm hằng ngày thì gọi là ngũ luân: Quân Thần, Phụ Tử, Phu Thê, Huynh Đệ, Bằng Hữu.
(Nguyễn Minh Thiện dịch)