XÂY DỰNG ĐẠI ĐỒNG XÃ
Trung Hưng Bửu Tòa
ngày 13-12 Kỷ Hợi (Thứ Hai 11-01-1960)
THI
HƯNG vượng lần ba giải khổ đời
ĐẠO mầu gieo rải tận nơi nơi
LÝ chánh đường chơn dẫn dắt người.
Bản Thánh chào chư liệt vị Thiên ân. Chào chư đạo tâm nam nữ.
BÀI
Muốn cho trăm họ thân hòa
Xa gần đều được chung nhà ấm no
Ai giác ngộ toan lo xây dựng
Ai vâng chịu lấy mạng Trời
Đời là chỗ sông mê bể khổ
Người quẩn quanh trong chỗ tối tăm
Làm sao khỏi phải mê lầm
Biết lầm sớm tỉnh mà tầm lý chơn.
Kỳ tận độ được ơn giáo hóa
Buổi hạ nguơn đại xá cho đời
Bốn phương chung hưởng ơn Trời
Muốn ai cũng về miền cực lạc
Ai cũng thành Bồ Tát gắng tu
Công phu tạo con đường giải thoát
Nhẹ không, lòng chẳng nhuốm đời
Đời người thanh sạch, thảnh thơi thanh nhàn.
Muốn đời được vinh quang hạnh phúc
Thì là tỉnh ngộ mau mau
Lập công bồi đức, khổ đau đâu còn.
Trong khu Thánh Vệ ([10]) đều là người háo đức lạc thiện,([11]) ngày tháng vui với đạo mầu, sẵn sàng đem thân phục vụ cho chơn lý, cho chính nghĩa. Lòng người trong khu an lạc địa không cầu danh cạnh lợi,([12]) san đều mức sống, hòa nhịp cùng thiên nhiên, chung một khối thương yêu, lấy sự tu thân làm gốc.
Tu thân để tề gia,([13]) cầu lấy đầm ấm, thảo thuận làm hạnh phúc cho gia đình. Cha mẹ là mẫu mực của con cháu. Anh chị là phép tắc của đàn em. Chồng đính chính,([14]) vợ thuận hòa. Dưới biết kỉnh trên, trên để lòng lo cho kẻ dưới. Sống một cuộc đời tươi đẹp, không một chút sóng gió gợn lên. Gia đình được hòa thuận ấm no. Trong nhà, ngoài vườn sạch sẽ, ngăn nắp. Nghèo cũng thanh cao, giàu không bẩn thỉu.
Tề được nhà mình, còn phải góp phần xây dựng nhà bạn, nhà trong láng giềng, lân lý ([15]) gần xa. Láng giềng, lân hữu ([16])được đồng hóa ([17]) theo con đường tu thân tề gia, thì việc trị quốc, bình thiên hạ cũng chẳng khó gì. Nếu thân chưa tu, nhà chưa tề thì có nước cũng không giữ được, có thiên hạ trong tay cũng khó thể bình.
Vì vậy Đại Đồng Xã ([18]) cần làm sao, bất cứ nữ hay nam, già nua hay trẻ nhỏ, đều uốn nắn con người theo một khuôn phép đạo đức, cách ăn thói ở đều được tốt lành. Lòng mỗi người đều có sẵn một đức tin, một lòng hồi hướng về Thượng Đế. Người người biết tuân nghe quyền pháp, hành động không vượt ngoài khuôn viên đạo đức làm người. Đói cho sạch, rách cho thơm. Tư cách ấy khả dĩ tượng trưng cho một người dân trong thánh địa.
Trong xã có chia nhiều đoàn đội để tập thể sống bằng học hỏi, bằng sinh hoạt, bằng cộng sự, thực hành xây dựng nền tảng. Có trường trại giảng dạy, có đất đai trồng trọt, làm các vườn hoa thảo, yên dưỡng cho tráng lão, cho ấu nhi, cô nhi. Có nhà tu, dưỡng lão viên, giải thoát viên, an lạc viên, thanh tịnh viên, bảo tích viên, v.v... Trong lúc đó còn tổ chức đời sống công thương kỹ nghệ tập đoàn, hoặc văn nghệ thể thao. Nếu đầy đủ thì còn nhiều, nhiều lắm trong các công việc xây dựng Đại Đồng Xã.
Bây giờ đây đất đai chật hẹp, người ở cách bức xa xôi, chung trộn trong nhiều dòng tư tưởng, nhiều hạng nhơn dân. Muốn đi đến một xã thành hình phải nhiều công phu,([19]) phải cả một sự cố gắng và phần đông giác ngộ. Mà ở trong cảnh địa như hoàn cảnh thành đạo ([20]) nơi nầy, một đô thành náo nhiệt, người người đương cạnh tranh miếng đời danh lợi vật chất. Ai ai cũng toan sống để ăn để mặc, để chơi cho mê ly đắm đuối, nghiêng ngả đủ đầy; sống không nghĩ ngày mai; sống không tương liên, không dính líu gì với vận mệnh chung về nhà hay về đời.
Toàn bộ đạo hữu ta được nứt nở, hiện hình một tổ chức, có đoàn thể bảo trợ, có quyền pháp xây dựng, có tổ chức điều khiển an bài, có Thiên ân giáo hóa dẫn đạo, có toàn đạo cộng sự chung, có thiện gia ([21]) lành mạnh gương mẫu, có hương tộc đóng góp sự sống tình thương giữa nhau. Ai cũng tượng trưng một đời đạo đức, một người đạo đức. Đời sống sanh đau già chết là bốn cảnh khổ, mà khổ ấy toàn đạo đều xúm nhau san sớt lẫn nhau.
Việc cưới gả, việc quy liễu là tình đồng đạo. Ai cũng chú ý dựng nên một đời có vợ chồng, rồi có con có cháu. Vợ chồng là hiệp nhau mà làm xong cái sứ mạng xây đắp gia đình, đúc nắn một lớp người tương lai. Dòng giống đó được truyền thụ một tinh thần minh lãng,([22]) một dòng máu ấm áp nhiệt thành, một khuôn phép truyền thống nghìn đời cho con.
Vợ chồng nào phải gặp nhau để thỏa mãn tình dục, mà cả một ái tình thiêng liêng bất diệt. Nên trước khi gả con lấy chồng, hay nói vợ ([23]) cho con là phải được một sự dẫn dắt, một sự uốn nắn rèn tập ở khuôn viên gia đình, ở tinh thần của mẹ cha tiêm xạ vào lòng con, ở sự giáo hóa nhà trường, ở các giảng đường dạy đạo. Vì muốn có một nòi giống tốt đẹp tương lai, có những gia đình kiểu mẫu của xã hội là phải bắt đầu xây dựng, xây dựng đứa con còn trong bụng mẹ. Người mẹ lúc nào cũng tươi tỉnh sáng suốt, đi đứng ngồi nằm được phân minh đính chính. Không nghe điều dữ, không nói chuyện nhảm, không nghĩ điều quấy, không thấy tuồng khiêu khích vô nghì.([24]) Lòng mỗi lúc đều nghĩ đến đứa con sau này, đứa con của quyền năng. Phải hết lòng tu dưỡng trong hồi thai nghén. Khi sinh ra, lúc lớn lên, cha mẹ phải bỏ nhiều công phu, gởi gắm bao nhiêu danh phận sự nghiệp cho con sau này. Đứa trẻ lớn lên, trai cho học gì, gái cho học gì, [là] cả một chương trình xây dựng Đại Đồng Xã.
Việc cải tạo nhà cửa cũng phải công trình ([25]) lắm lắm. Dầu sang giàu hay nghèo khổ, điều ấy không buộc làm y nhau, mà buộc mọi người phải có một ý thức dựng lên gia đình.
Về phần thiêng liêng, đối với tổ phụ phải làm sao hằng ngày để hết bổn phận của con cháu. Con cháu thờ phụng tiên linh ([26])không phải chỉ biết ngày xuân thu kỵ lạp,([27]) hương lửa giữ gìn, mà còn có bổn phận làm cho giống cây gia tộc nảy nở hoa đẹp trái lành, làm cho dòng máu gia tộc được nồng hậu anh minh. Nếu ông bà ngày xưa có những gương tốt nên soi, công nghiệp hậu, ta nên mở mang giữ gìn; bằng ([28]) [ông bà] chưa danh gì với núi sông, [chưa] ơn gì với con cháu thì cũng [là] một hạt giống đã thành cây, ta có bổn phận bón xới, trông nom cho nhánh được nở, cành được tươi, lấy sức làm cho cây gia tộc được đứng ngang hàng cùng các vườn bách thảo khác, làm cho con cháu nhận định được một sứ mạng của mình, thực hiện xong chương trình mà ông cha làm còn lỡ dở. Muốn vậy, đời mình đã nửa đời, trăm năm nào chắc, [chỉ] còn mong mỏi bầy con lũ cháu sau nầy đi theo con đường của tổ tiên, làm cho tổ tiên đẹp lòng, muôn người trông cậy.
Về tinh thần, còn tế nhị ở chỗ dính líu làm một giữa nòi giống với Thượng Đế quyền năng.
Về hình thức, ý niệm tiền của, nhà cửa, ruộng vườn, ăn mặc và tiêu pha, [là] cả một vấn đề quan trọng, nên thông hiểu được phần đó. Nó tác hại thế nào cho tinh thần ý chí toàn bộ hay nó trợ trưởng thúc đẩy cho tinh thần được nhiều sự ích lợi. Có để làm gì? Có phải sử dụng làm sao? Lòng mình phải nghĩ đến cái thừa, biết đến cái thiếu, hầu xây dựng một lập trường lý tưởng trong gia đình.
Về trật tự, vệ sinh, giao tế, hành động, lại cũng [là] một vấn đề cần được học. Nên xây dựng Đại Đồng Xã ([29]) phải đề cập đến bao nhiêu việc, mà việc trước nhất là làm người có tu thân tề gia.
(. . .)
Thôi, Bản Thánh để lời khuyên và ban lành cho toàn đạo.
([7]) bốn tù (tứ đổ 四堵; tứ đổ tường 四堵牆 / the four jail walls, i.e., alcohol, sex, money, and drugs): Nói tắt thành ngữ bốn vách trần tù. Đổ và tường đều là vách tường. Thế gian có bốn thứ giam hãm con người trong ham muốn và nghiện ngập, khiến con người mất tự do, giống như bị nhốt trong bốn vách nhà tù. Bốn tù (tứ đổ tường) là tửu, sắc, tài, khí 酒色財氣 (rượu, sắc dục, tiền bạc, và ma túy).
([18]) Đại Đồng Xã 大同社 (society of great harmony): Trong lúc chiến tranh ác liệt vào giữa thế kỷ 20, bổn đạo chạy loạn đổ xô về Đà Nẵng rất đông. Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tập hợp tín hữu tản cư lại và tổ chức thành Đại Đồng Xã để chăm sóc đời sống và hướng dẫn tâm linh. Khi chiến tranh lắng dịu, tín hữu trở về quê cũ, Đại Đồng Xã vì thế không còn nữa. Vị trí của Đại Đồng Xã sau này trở thành thánh thất Trung Đồng, tại số 170 đường Trường Chinh (quốc lộ 1), quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
([19]) công phu 功夫: Khó khăn, vất vả, tốn nhiều thời gian mới xong việc. Cùng nghĩa công trình.