Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

10. THẦY MỘT CHỮ (Đạo Uyển 31)



Chuyện cũ kể lại: THẦY MỘT CHỮ
KHẢI MINH
Nhà thơ Trịnh Cốc 鄭谷 (849-911) danh tiếng đời Đường có bài thơ Chá Cô 鷓鴣 (chim đa đa) rất hay, bởi thế người đời gọi ông là Trịnh Chá Cô. Trần Trọng San (1930-1998) dịch bài ấy như sau:
Cánh gấm la đà giỡn khói chơi
Hẳn bằng gà núi phẩm cao vời
Qua hồ cỏ biếc, mưa mờ mịt
Kêu miếu Hoàng Lăng, hoa rụng rơi
Nghe vọng, khách đi đầm ướt áo
Hát xong, người đẹp thắm nghiêng mày
Sông Tương ánh ỏi đua nhau gọi
Khóm trúc um tùm, nắng xế tây.
Trịnh Cốc có người bạn thơ là hòa thượng Tề Kỷ 齊己 (863-937). Một hôm, vừa làm xong bài thơ ngũ ngôn bát cú Tảo Mai 早梅 (hoa mai nở sớm), Tề Kỷ liền mang đến Trịnh Cốc xin bạn chỉ giáo.
Trịnh Cốc xem đến hai câu Tiền thôn thâm tuyết lý / Tạc dạ sổ chi khai 前村深雪裡 / 昨夜數枝開 (Thôn phía trước chìm sâu trong tuyết / Đêm hôm qua nở mấy cành mai) thì thấy không ổn, bèn cầm bút và chỉ sửa một chữ sổ thành nhất. Như vậy, sổ chi (mấy cành, vài cành) trở thành nhất chi (một cành), tức là nhấn mạnh cái ý hoa mai nở sớm, chỉ mới được một cành mà thôi.
Tề Kỷ vô cùng khâm phục, tôn Trịnh Cốc là Nhất tự sư 一字師 (ông thầy [dạy] một chữ).
Bài thơ Tảo Mai của Tề Kỷ như sau:

萬木凍欲折
 孤根暖獨迴
前村深雪裏
 昨夜一枝開
風遞幽香出
禽窺素艷來
明年如應律
先發望春臺
Vạn mộc đống dục chiết
Cô căn noãn độc hồi
Tiền thôn thâm tuyết lý
Tạc dạ nhất chi khai
Phong đệ u hương xuất
Cầm khuy tố diễm lai
Minh niên như ưng luật
Tiên phát vọng xuân đài.
Dịch xuôi:
Muôn cây cóng muốn gãy
Riêng một cội ấm lại
Thôn trước ngập trong tuyết
Đêm qua nở một cành
Gió đưa ẩn hương thơm
Chim trộm nhìn bông trắng
Sang năm theo luật trời
Trước rộ đài ngóng xuân.
Tạm dịch ra lục bát:

Giá băng muốn bẻ muôn cây
Duyên may riêng một cội này ấm thôi
Thôn xa tuyết phủ ngập rồi
Đêm qua sớm nở kìa mai một cành
Gió đưa thoáng ẩn hương thanh
Chim nhìn trộm đóa trắng xinh mượt mà
Năm sau đúng luật trổ hoa
Trước tiên sớm rộ ở tòa ngóng xuân.
Truyền sang Việt Nam, câu Tạc dạ nhất chi khai trong bài thơ Tảo Mai của Tề Kỷ có lẽ đã ảnh hưởng” ít nhiều tới thiền sư Mãn Giác 滿覺 (1052-1096) đời Lý. Bởi thế, khi sáng tác bài Cáo Tật Thị Chúng 告疾示眾 (Có bệnh bảo mọi người) thiền sư kết thúc với hai câu nổi tiếng:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
莫謂春殘花落盡
庭前昨夜一枝梅
(Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Ðêm qua sân trước một cành mai.)
Riêng dân gian thì có lẽ lại chịu ảnh hưởng” lời Tề Kỷ tán tụng Trịnh Cốc; thế nên ba chữ Nhất tự sư được cải biên thành tục ngữ Việt Nam là Nhất tự vi sư, bán tự vi sư 一字為師, 半字為師 (Một chữ là thầy, nửa chữ [cũng] là thầy).([1]) Và câu tục ngữ này được người Việt dùng để đề cao lòng tôn sư trọng đạo, khuyên học trò phải luôn nhớ ơn thầy.
Nhiêu Lộc, 29-4-2019
KHẢI MINH


([1]) Người Hoa có thành ngữ: Nhất nhật vi sư, chung thân vi phụ. 一日為師, 終身為父. Học thầy dù chỉ một ngày, suốt đời vẫn xem thầy là cha. (He who teaches you even for a day should be regarded as your father for the rest of your life.)