Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

1b. GIAO CẢM (Đạo Uyển 31)

GIAO CẢM

Trong đạo Cao Đài từ xưa tới nay, Ơn Trên giáng cơ ban truyền thánh huấn vẫn hay mượn nhiều thể thơ khác nhau để khuyên dạy chúng ta. Ngay cả khi xưng hồng danh mở đầu bài thánh giáo cũng là thơ, hoặc bốn câu, hoặc tám câu.
Đại để thơ có mấy đặc điểm thế này: đảo ngữ cho phù hợp luật thơ; kiệm lời cho đúng số chữ quy định ở từng câu và từng bài (như ngũ ngôn tứ tuyệt thì chỉ được vỏn vẹn hai mươi chữ); chữ nghĩa bóng bảy theo kiểu mượn mây vẽ trăng, mượn cảnh nói tình, mượn người nói ta, v.v… Phải chăng vì thế mà phần đông đại chúng thường không dễ dàng đồng cảm với những điều ẩn áo mà lời thơ cô đọng đã kín đáo gởi trao? Có lẽ cũng bởi vậy mà nhiều bài thơ dẫu rất hay vẫn thường bị hững hờ, lạnh nhạt. Đem thái độ này mà đọc thánh thi thì tất nhiên khó lòng cảm thụ, thấm thía ý tứ Ơn Trên gởi gắm trong từng chữ, từng câu, từng vần điệu mỹ miều, u ảo.
Trừ những ai sẵn khiếu Trời cho, mỗi một loại hình nghệ thuật nếu muốn có thể thưởng ngoạn tới bến tới bờ thì đều cần được hướng dẫn. Thơ cũng cần như vậy. Do đó, Đạo Uyển Thu 2019 hoan hỷ gởi tới quý đạo hữu bài Vì Sao Người Ta Làm Thơ? của Nguyễn Đức Tùng. Dĩ nhiên một bài viết dù công phu thế nào chăng nữa cũng không thể trong “nháy mắt” giải quyết được trọn vẹn khoảng trống cách ngăn giữa người đọc và thơ. Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo do đó vẫn phải cần thêm nhiều nỗ lực và đóng góp khác nữa để tạo điều kiện thuận lợi trợ giúp hiệu quả việc học hỏi thánh giáo nói chung và cảm thụ thánh thi nói riêng.
BAN ẤN TỐNG