Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

7a. BƯỚC ĐƯỜNG TU CÔNG LẬP ĐỨC (Đạo Uyển 31)


HÃY CHÚ TÂM VÀO
BƯỚC ĐƯỜNG TU CÔNG LẬP ĐỨC
Thiên Lý Đàn, ngày 15-4 Ất Tỵ (Thứ Bảy 15-5-1965)
DIỆU NGUYÊN
1. THÁNH GIÁO
DIÊU TRÌ KIM MẪU, Mẹ Linh Hồn các con.
THI
ý các con vướng lỗi hoài
CỰC lòng chẳng những kiếp trần ai
TỪ tâm lập đức bòn công để
TÔN tử khỏi phiền buổi hậu lai.
1.1. Vô ý các con vướng lỗi hoài.
Con người nơi thế gian (kể cả những người tu thân học đạo), mấy ai không phạm lỗi. Có khi phạm lỗi do vô tình, có khi phạm lỗi do cố ý. Dù vô ý hay cố tình, đã phạm lỗi thì đều gây tạo nghiệp xấu cho mình. Muốn không “vô ý vướng lỗi hoài”, người tu cần phải tỉnh giác, kiểm điểm nội tâm từng giờ, từng phút, từng giây như lời Đức Quan Âm Bồ Tát dạy:
Hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, luôn luôn kiểm điểm nội tâm, kiềm chế lòng mình như đang đi trên chiếc cầu vồng bằng ván mỏng bắc qua đại dương không tay vịn. Nếu sơ hở một chút là không phân biệt được cái nào là thiện với ác, thanh với trược, ích kỷ với vị tha, chánh tín với mê tín.([1])
Làm đúng theo lời Đức Bồ Tát dạy như trên, đó là chúng ta biết thực hành câu Đạo bất khả tu du ly dã (trong sách Trung Dung), nghĩa là không giây phút nào xa lìa Đạo và sẽ không còn vô ý phạm lỗi nữa.
1.2. Cực lòng chẳng những kiếp trần ai.
Khi phạm lỗi với người khác thì ta làm cho họ phải phiền lòng hay đau khổ. Chẳng hạn, khi vô ý phê phán hay chỉ trích thiếu tế nhị thì ta làm cho đạo hữu của mình buồn phiền. Nếu cứ vô ý vướng lỗi hoài, gây tạo nghiệp chướng hoài thì làm sao ta có thể trở về với Đức Mẹ nơi Diêu Trì Cung? Do đó, khi phạm lỗi, chúng ta chẳng những làm cho người thế gian phiền lòng mà còn làm cực lòng Đức Chí Tôn, Đức Mẹ cùng các Đấng đã hết lòng dạy dỗ, dìu dắt chúng ta. Bởi thế, Đức Mẹ từng than:
Con đến trần gian chịu khổ nàn
Mẹ nơi Diêu Điện dễ nào an
Mây sầu đỡ gót lâm trần thế
Bút lệ nương cơ tả mấy hàng.([2])
Hay là:
Nhớ đến con thơ chốn cõi trần
Nặng lòng Từ Mẫu vội dời chân.([3])
Những câu như Mẹ nơi Diêu Điện dễ nào an, hay những từ ngữ như mây sầu, bút lệ, nặng lòng cho chúng ta thấy Đức Mẹ đã cực lòng với chúng ta biết dường nào.
1.3. Từ tâm lập đức bòn công để / Tôn tử khỏi phiền buổi hậu lai.
Từ tâm là lòng từ ái, biết yêu thương.
Lập đức bòn công là mót bòn công quả để tạo gầy âm đức.
Tử tôn là con cháu.
Mẹ khuyên chúng ta hãy lấy lòng từ ái mà mót bòn công quả, tạo gầy âm chất để khỏi gây phiền toái cho con cháu sau này.
Thật vậy, có những người suốt cuộc đời miệt mài lo gầy dựng sự nghiệp vật chất, tiền tài danh vọng nên đã gây tạo biết bao lỗi lầm. Điều này đưa đến hai hậu quả:
a. Họ khiến cho con cháu đời sau phải gánh chịu lấy nghiệp quả do cha ông gây tạo. Tục ngữ có câu: Đời cha ăn mặn; đời con khát nước. Kinh Sám Hối dạy rằng nếu ta tạo ác nghiệp thì có khi quả báo trả liền (chính ta trả quả), có khi trả chậm (tức là con cháu phải nhận lãnh):
. . . Cũng có khi tai họa trả liền
Ðó là báo ứng nhãn tiền
Mau thì mình chịu, lâu truyền cháu con.
b. Lúc sống họ không biết tu, gây tạo nhiều nghiệp xấu, sau khi từ giã cõi trần bị đọa địa ngục, phải nhờ đến con cháu tu hành cầu siêu mới thoát cảnh Diêm Phù. Chẳng hạn, vào năm Quý Dậu (1933), tại Trước Tiết Tàng Thơ (Thủ Thiêm, Sài Gòn), có một đạo hữu Cao Đài nhờ hồng ân đại xá của Đức Chí Tôn đã được về đàn cơ, trách các con: Đã ba phen cha có cho các con biết cha bị đọa nơi chốn A Tỳ, cầu các con tu đặng độ cha mà các con mơ mơ màng màng.
Chính vì thế, Đức Mẹ khuyên chúng ta hãy gắng lập công bồi đức trong kiếp này để tự cứu lấy bản thân và chẳng những không gây phiền cho con cháu mà cháu con còn được thừa hưởng phước đức do ông bà, cha mẹ gầy dựng.
2. THÁNH GIÁO
Giờ nay, Mẹ đến để nhắc nhở các con, nhứt là nữ phái, hãy chú tâm vào bước đường tu công lập đức ([4]) của mình.
2.1. Giờ nay, Mẹ đến để nhắc nhở các con . . .
Các con nói đây bao gồm tất cả con cái của Mẹ, kể cả nam lẫn nữ; tuy nhiên, Mẹ lại nhấn mạnh: nhứt là nữ phái, hãy chú tâm vào bước đường tu công lập đức của mình. Vì sao Mẹ lại nhấn mạnh nhứt là nữ phái?
Chúng ta thường thấy, nơi thánh đường, chùa thất, am tự… bao giờ nữ cũng đông hơn nam. Tuy nhiên, nữ phái tu nhiều mà đắc vị chẳng bao nhiêu, bởi lẽ nữ phái bị ràng buộc biết bao nghiệp lực trái oan: nào gia đình chồng con, nào cơm áo gạo tiền, nào cháu nội cháu ngoại. Ngoài ra, nữ phái còn hay nhẹ dạ non lòng trước lời phỉnh phờ gạt gẫm giả dối nên dễ sai đường lạc nẻo, rơi vào chỗ tội lỗi, mê tín dị đoan. Bởi lẽ ấy, có lần Đức Mẹ than:
Nhớ đến nữ lưu Mẹ khổ lòng
Nặng nề duyên nghiệp chốn trần hồng
Ráng tu, đã có huyền linh Mẹ
Định tánh, đừng mơ nẻo bắc đông.([5])
Thế nên, nữ phái cần phải một lòng chuyên nhứt, chú tâm vào bước đường tu công lập đức mới mong hoàn thành sứ mạng làm người và trả dứt mọi oan trái kiếp trước để được trở về với Mẹ như lời Mẹ dặn dò:
Vào đời độ chúng lập công
Rồi quày trở lại hiệp cùng Mẹ con.([6])
2.2. hãy chú tâm vào bước đường tu công lập đức của mình.
Chú tâm nghĩa là để hết lòng chuyên chú vào một việc, không lúc nào buông lơi. Ở đây, Mẹ dạy chúng ta phải chú tâm vào việc tu học, thực hành tam công, gầy dựng âm đức không lúc nào ngơi nghỉ, bởi lẽ nào ai biết được mình sống được bao nhiêu năm trên cõi đời này. Ngày cởi bỏ xác phàm, xuôi tay ra đi vẫn luôn là một ẩn số đối với con người. Nếu chẳng may phải từ giã cõi trần lúc công quả, công trình, công phu vẫn còn thiển bạc thì chúng ta lại phải tái kiếp luân hồi.
3. THÁNH GIÁO
Con ôi! Một kiếp phù sanh tuy ước hẹn ba vạn sáu ngàn ngày, nhưng trăm năm nào có mấy ai hưởng đặng.
Thật vậy, chúng ta thấy có người sống đến năm bảy mươi tuổi, nhưng cũng có người mới sinh ra đôi ba năm thì đã từ giã cõi trần. Thậm chí có người sống được chỉ vài ngày hoặc vài tuần mà thôi:
Năm, bảy mươi tấc hơi không hẹn
Đôi ba năm cũng vẹn một đời
Một hai tuần nhựt con ôi
Biết đâu số kiếp một đời nhân sanh.([7])
Chuyện xưa kể,([8]) có ba ông lão vừa khề khà nhắp rượu vừa bàn luận lẽ đời vô thường (nay còn mai mất). Một ông cảm khái: Năm nay chiếu rượu cùng ngồi / Sang năm chẳng biết vắng người nào đây? ([9])
Cho rằng bạn nói quá xa vời, ông thứ hai bèn sửa: Cởi giày lột vớ chiều hôm / Sáng mai nào biết có còn xỏ chân? ([10])
Như thế, thời gian một năm rút lại chỉ còn một sớm một tối. Vẫn không bằng lòng, ông thứ ba sửa lại: Một hơi ra khỏi mũi rồi / Biết chăng còn có một hơi hít vào? ([11])
Bởi đời người vô thường nên Thánh xưa khuyên dạy: Chớ bảo đợi già sẽ học đạo / Mồ hoang chẳng thiếu kẻ đầu xanh.([12])
4. THÁNH GIÁO
Thiều quang giục thúc, bóng quang âm đưa đẩy lại qua; bao gió tạt, nắng táp, mưa sa, tấm nhục thể cằn cỗi yếu già, mà lòng ham sống chưa hay nấm mồ gần bên cạnh.
Thiều quang hay bóng quang âm đều có nghĩa là thời gian. Thời gian trôi nhanh như bóng ngựa trắng vút qua khe hở.([13]) Đời người trăm năm tưởng là lâu dài nhưng thật ra trôi qua rất mau lẹ, chóng vánh.
Vì cứ mải mê quay cuồng trong vòng sống, ăn, mặc, ở; mải lo gầy dựng sự nghiệp cho bản thân, cho gia đình và con cháu... nên con người không còn nhận ra rằng thời gian đang vùn vụt trôi qua. Đến khi sực tỉnh, nhìn lại mình thì thấy tóc đã bạc, lưng đã còng, răng đã rụng, gối đã mỏi, nấm mồ đã gần kề bên cạnh. Nào ai biết được mình đã vay bao nhiêu oan trái, đã gây tạo bao nhiêu tội lỗi oan khiên từ bao kiếp trước. Nếu cứ giãi đãi biếng lười hoặc chần chừ không lo tu hành lập công bồi đức thì e rằng một kiếp sống trăm năm vẫn không đủ để trả xong nghiệp cũ.
5. THÁNH GIÁO
Ai ai cũng lo trau chuốt, tưng tiu, gìn giữ mảnh hình hài cho sung sướng mà lại quên gìn giữ chơn tánh với bổn căn. Gặp lúc loạn ly, thế thời tai biến, lo chạy đó chạy đây để tìm đường an ổn cho chính thân mình và cho toàn gia quyến, nhưng nào hay duyên nghiệp đưa đẩy về đâu. Có biết đặng mỗi người trong gia quyến đó đồng căn đồng kiếp, đồng phúc đồng duyên hay là phải nghiệp ai nấy gánh!
Con người chúng ta, ai cũng có hai phần: thể xác và linh hồn. Thế nhưng, phần đông thế nhân chỉ biết lo cho thể xác được ăn sung mặc sướng, ở nhà cao cửa rộng cho dù phải làm những chuyện độc ác bất lương mà quên mất rằng phần linh hồn phải gánh chịu hậu quả. Do đó, gặp hồi cuộc thế loạn ly, tai biến xảy ra thì mỗi người phải chấp nhận những gì xảy đến cho mình tùy theo duyên nghiệp mình đã gây tạo. Dù cùng chung một gia đình vẫn chẳng ai có thể gánh giùm nghiệp quả báo ứng thay cho ai.
Trong đoạn thánh giáo này, Đức Mẹ khuyên chúng ta hãy tích cực chuyên tâm lo tu hành, trau dồi bản linh chơn tánh bằng cách tu công lập đức. Đừng đợi đến khi tai trời ách nước xảy ra, dù có bôn ba hối hả cũng không còn kịp nữa, ngay cả tấm thân này cũng khó mong giữ đặng. Nếu chẳng may phải từ giã cõi đời thì không biết kiếp sau có còn được tái sinh làm người và may duyên gặp chánh đạo để tiếp tục tu hành tiến hóa, hay là bạc phước mà thoái hóa trong kiếp mang lông đội sừng như lời Đức Quan Thánh Đế Quân dạy:
Có căn mới được kiếp con người
Phải biết mà tu chớ dể ngươi
Kẻo trở lại đời trong thoái hóa
Khó mong gặp đặng phúc ân Trời.([14])
6. THÁNH GIÁO
Trong cảnh tang thương sắp đến, tài cán cũng khoanh tay,
Để nhìn luật trả vay, cùng nghiệp duyên vay trả.
Dẫu bôn ba hối hả cũng khó tránh được lưới Trời.
Luật công bình bao quát khơi khơi,
Cân công lý dễ mấy tay phàm chen sửa đổi.
(…)
Vung Trời đã úp, tài giỏi khó thoát ra,
Tuy rộng hoát bao la, nhưng một mảy hào không sơ lọt.
Chúng ta thấy nơi cõi thế gian, có những người phạm tội bị đem ra xử trước pháp luật, nhưng gia đình dùng tiền chạy chọt, đút lót quan tòa mà tội nhân trắng án, tức là từ có tội thành vô tội, cán cân công lý bị thiên lệch bởi đồng tiền.
Nhưng luật Thiên điều thì không như thế. Mẹ dạy: Luật công bình bao quát khơi khơi / Cân công lý dễ mấy tay phàm chen sửa đổi.
7. THÁNH GIÁO
Mải bảo vệ tấn tuồng giả dối,
Từ giả nầy liên tục những cái giả kia.
Tham, sân, si tạo mãi, quê cũ khó mong về,
Hỉ, lạc, ái, ố, cứ quanh quẩn chốn sông mê đành lặn hụp.
(…)
Mãi tham vọng giả trần càng bận bịu,
Kiếp luân hồi lên xuống xuống lên;
Quanh quẩn, quẩn quanh như miệng chậu kiến bò,
Không lối thoát để gặp đò Tạo Hóa.([15])
Cuộc đời này là giả tạm nên tất cả mọi sự mọi vật từ những thứ hữu hình như tiền tài cửa nhà xe cộ cho đến danh vọng sự nghiệp đều là giả tạm hết. Thậm chí cái thân xác của chúng ta được cấu tạo bằng tứ đại giả hiệp, đến ngày từ giã cõi trần thì thân xác bị chôn vùi, rã tan trong lòng đất, hay hóa thành tro bụi trong lò hỏa táng. Đức Chí Tôn dạy: Thân các con chưa hẳn là thân của các con. Ở cõi sống tạm này, nếu các con cho rằng thân của các con là thiệt thọ thì không thể được.([16])
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy: Thế nên, người tu hành cần phải học hỏi đạo lý để phân định được cái chân cái giả, lẽ thiệt lẽ hư, điều chánh điều tà, sự thiện sự ác. Có chịu khổ công học hỏi suy nghiệm phân tách rõ rệt để tìm lẽ chánh mà lánh điều tà, tìm lẽ chơn mà xa điều giả, tìm lẽ thiệt mà xa điều hư và để làm sự thiện mà xa sự ác, ví như người tìm vàng trong giữa lòng đất cát.([17])
Dùng cái giả để làm phương tiện gầy tạo cái chơn chứ đừng mãi ôm chầm cái giả mà phải chịu luân hồi xuống lên lên xuống.
Vậy thì cái chi là thật? Trong đoạn thánh giáo số 5, Đức Mẹ dạy: Ai ai cũng lo trau chuốt tưng tiu gìn giữ mảnh hình hài cho sung sướng mà lại quên gìn giữ chơn tánh với bổn căn. Bổn linh chơn tánh hay linh hồn của mỗi người mới là cái thật mãi mãi trường tồn niên niên bất diệt.
8. THÁNH GIÁO
Khi biết được đâu là giả, đâu là thật,
Thì sự còn sự mất chẳng màng chi.
Chỉ e cho chơn tánh bị loạn ly,
Lòng hoảng hốt chẳng biết đường ngay cùng khúc khuỷu.
(...)
Lo là lo tâm hồn sa đọa,
Lo là lo vấp ngã bởi lợi danh,
Sợ e cho mất hẳn tính lành,
Quên căn cội để thân hành về chốn cũ.
Đức Mẹ dạy, một khi đã phân biệt được cái nào là giả, cái nào là chơn thì sẽ không còn màng chi đến sự mất còn của những cái giả tạm mà chỉ lo giữ gìn cái chơn thật là bổn linh chơn tánh của mỗi người.
Bản linh chơn tánh hay linh hồn sáng suốt tiến hóa mới là cái bất hoại trường tồn trở về cùng Đấng Từ Phụ.
9. THÁNH GIÁO
Cất tiếng kêu nữ nhi con còn mê ngủ,
Giấc mộng huỳnh sớm thức tỉnh hồi tâm.
Đức Mẹ sợ rằng chúng ta không ghi nhớ lời Mẹ dạy để thi hành hầu tự cứu lấy bản thân nên Mẹ thiết tha kêu gọi như trên.
Học thánh giáo Cao Đài, chúng ta thấy các Đấng thiêng liêng thường nhắc tới điển tích giấc mộng huỳnh (hay giấc mộng hoàng lương hay giấc mộng kê vàng), liên quan tới ngài Lữ Động Tân, một vị trong Bát Tiên.
Ngài họ Lữ tên Nham, tự Động Tân, là con quan thứ sử Lữ Nghị ở Hải Châu (Trung Quốc). Thời trẻ tuổi, ngài thi tiến sĩ ba lần vẫn không đậu. Lần thi rớt thứ ba, dọc đường trở về nhà, ghé vào quán rượu nghỉ chân, ngài gặp một đạo sĩ áo trắng tự xưng là Vân Phòng Tiên Sinh. Đạo sĩ này thật ra là ngài Hớn Chung Ly (hay Đức Chung Tổ) cũng là một vị trong Bát Tiên.
Chung Tổ rủ ngài Lữ đi chơi núi nhưng ngài Lữ lưỡng lự. Chung Tổ biết ý ngài Lữ vì chưa đậu tiến sĩ nên còn muốn có dịp trổ danh tiếng với đời. Chung Tổ bèn cho người nấu hoàng lương (kê vàng) và đưa gối cho ngài Lữ Động Tân nằm nghỉ trong lúc chờ kê chín. Chung Tổ đã làm phép trong cái gối. Vì thế, ngài Lữ nằm mơ thấy thi đỗ trạng nguyên, rồi cưới vợ, sanh con đẻ cháu. Khi làm quan đến chức thừa tướng, vì nịnh thần vu oan giá họa, ngài bị vua bắt tội, phải chịu lưu đày cực khổ vô cùng. Mơ đến đó thì ngài Lữ giựt mình tỉnh giấc. Chung Tổ cười lớn và bảo: Nồi bắp hãy còn ngòi, chiêm bao đà thấy cháu.
Ngài Lữ Động Tân ngẫm nghĩ thấy rằng bao nhiêu vinh hoa phú quý, thăng trầm kiếp người, tất cả chỉ thoảng qua như giấc mộng, còn ngắn ngủi hơn cả thời gian nấu chín một nồi kê. Ngài giác ngộ, liền xin theo Đức Chung Tổ học đạo tu Tiên.
10. THÁNH GIÁO
Nghe chuông linh khi bổng lúc trầm,
Đờn Mẹ khảy tri âm mà ghi dạ.
Đường công quả khá tua hối hả,
Cùng chị em giục giã mau lên,
Kìa nạn tai tới tấp kề bên,
Sao còn ở bấp bênh dùn thẳng!
Rủi con trẻ quên lời Mẹ dặn,
Nghiệp oan khiên mãi tạo tơ vương,
Dẫu lòng Mẹ đây từ ái xót thương,
Nhưng con thiểu đức làm sao cứu rỗi.
Do con trẻ sớm toan tự hối,
Tự cứu mình chớ ỷ lại Trời cao,
Từ dưới trên Bắc Đẩu, Nam Tào,
Gìn công luật khôn hề sửa chữa.
Mẹ ban ơn lành các con, Mẹ hồi Diêu Điện.
Thăng.
Một lần nữa, Đức Mẹ lại nhắc đến luật Thiên điều công bình thưởng phạt không ai có thể sửa đổi được. Nếu chúng ta không biết sớm tự cải hối lo tu hành, tô bồi âm chất mà cứ mê lầm gây tạo tội lỗi oan khiên nghiệp chướng thì dù cho có thương xót chúng ta đến thế mấy đi nữa Đức Mẹ cũng không thể nào cứu vớt chúng ta được bởi vì: Từ dưới trên Bắc Đẩu, Nam Tào, / Gìn công luật khôn hề sửa chữa.
Nam Tào (hay Nam Cực Tiên Ông) coi bộ sanh, Bắc Đẩu Tiên Ông coi bộ tử của nhân loại nơi cõi trần. Hai vị xem xét tội phước của tất cả chúng sanh để thưởng phạt theo đúng luật Thiên điều, không hề tư vị. Do đó chúng ta không thể ỷ lại vào tình thương của Thầy Mẹ mà phải tích cực lo tu hành để tự cứu. Đức Chí Tôn răn dạy điều này ngay từ buổi đầu khai Đạo: Thầy đã nói cho các con hay trước rằng nếu các con không tự lập ở cõi thế nầy, là cái đời tạm của các con, thì Thầy cũng không bồng ẵm các con mà đỡ lên cho đặng. Ấy vậy, vấn đề tự lập là vấn đề các con phải lo đó.([18])
Học tập và ghi nhớ lời Đức Mẹ dạy, xin cùng nhau cầu nguyện rằng tất cả huynh tỷ đệ muội chúng ta, nhứt là nữ phái, sẽ tích cực hơn nữa trên bước đường tu công lập đức để một ngày kia được trở về bên gối Mẹ.
DIỆU NGUYÊN


([1]) Minh Lý Thánh Hội, 02-4 Kỷ Dậu (17-5-1969).
([2]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-4 Mậu Thân (11-5-1968).
([3]) Chơn Lý Đàn (Vạn Quốc Tự), 20-11 Ất Tỵ (12-12-1965).
([4]) Tạm mượn các chữ in đậm làm nhan đề thánh giáo của Đức Mẹ.
([5]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-3 Bính Ngọ (05-4-1966).
([6]) Trúc Lâm Thiền Điện, 04-01 Ất Tỵ (07-02-1965).
([7]) Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thiên Lý Đàn, 01-4 Ất Tỵ (01-5-1965).
([8]) Huệ Khải, Bắc Cầu Tâm Linh. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2013, tr. 41-42.
([9]) Kim niên tửu tịch diên tiền hội / Bất tri lai niên hựu thiếu thùy? 年酒席筵前會 / 不知來年又少誰?
([10]) Kim vãn thoát hạ hài hòa miệt / Bất tri minh nhật xuyên bất xuyên? 今晚脫下鞋和襪 / 不知明日穿不穿?
([11]) Giá khẩu khí ký nhiên xuất khứ / Bất tri tấn lai, bất tấn lai? 這口氣 既然出去 / 不知進來不進來?
([12]) Mạc đãi lão lai phương học đạo / Cô phần đô thị thiếu niên nhân. 莫待老來方學道 / 孤墳都是少年人.
([13]) Trang Tử Nam Hoa Kinh 莊子南華經, thiên Trí Bắc Du 知北遊 có câu: Nhân sinh thiên địa chi gian, nhược bạch câu chi quá khích. 人生天地之間, 若白駒之過隙. Người ta ở trong trời đất như ngựa trắng khỏe vút qua khe hở. (Đạo Uyển chú)
([14]) Thánh thất Tân Định, 03-01 Ất Tỵ (04-02-1965).
([15]) Đò Tạo Hóa chính là mối đạo Cao Đài mà Trời đã mở ra cho nhân loại để giải thoát con người khỏi vòng luân hồi sanh tử.
([16]) Thánh Huấn Hiệp Tuyển, quyển I, bài Vật Chất Là Giả Tạm.
([17]) Minh Lý Thánh Hội, 25-9 Canh Tuất (24-10-1970).
([18]) Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, đàn ngày 15-4-1927.