Thứ Hai, 22 tháng 7, 2019

11a. VÌ SAO NGƯỜI TA LÀM THƠ? (Đạo Uyển 31)



Trích sách Văn lớp Sáu nhóm Cánh Buồm

VÌ SAO NGƯỜI TA LÀM THƠ?
NGUYỄN ĐỨC TÙNG
Bạn đã đọc bài Vì Sao Người Ta Làm Ra Tác Phẩm Nghệ Thuật.([1])
Bài này nói về cảm hứng làm thơ. Thơ đến từ đâu là công trình nghiên cứu của tác giả Nguyễn Đức Tùng - người soạn bài này.([2])
Bài này giúp bạn thấy thơ đến trước hết từ tấm lòng nhà thơ - để tránh cho bạn bị mê hoặc vì những con chữ nhiều khi rất hay nhưng không giúp ta cảm thây nỗi lòng của nhà thơ.
Nhưng chỉ “đến từ nỗi lòng nhà thơ” thì vẫn chưa đủ để thành một bài thơ, càng không thể bảo đảm là bài thơ hay.
Bài thơ, và bài thơ hay, còn là sự đóng góp của những con chữ. Điều này các bạn sẽ còn đi sâu khi nghiên cứu các tác phẩm thơ của những nhà thơ tiêu biểu.
1. Mở đầu
Nhà thơ Mỹ gốc Anh W.H. Auden nêu ra ý tưởng mang tính chất định nghĩa này đối với thơ: Thơ là biểu đạt trong sáng của những cảm xúc rối bời. (Poetry is the clear expression of mixed feelings.)
Nếu bạn cũng đồng ý với định nghĩa trên về thơ, có lẽ chúng ta có thể minh họa định nghĩa đó bằng bài thơ của một “tác giả” vô danh. Nào, chúng ta hãy cùng đọc thầm bài Ru Con này.
Ru Con
Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay.
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim.
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau.
Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma.
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa.
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn.
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay.
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời.
2. Người ta làm thơ cho ai?
Trên kia, các bạn đã đến với ý tưởng về làm thơ: Con người ta làm thơ khi trong lòng rối bời và cần nói tâm sự của mình ra. Nói ra để làm gì? Nói ra để mong có người đồng cảm, mong sao cho vơi bớt nỗi rối bời đó.
Các bạn hãy cùng nghĩ câu trả lời: Giả sử người đàn bà trong bài Ru Con bên trên chính là tác giả của bài thơ đó, vậy người đàn bà tác giả đó có định nói tâm sự rối bời với người chồng không? Tại sao có? Tại sao không? Có định nói những nỗi rối bời với mẹ chồng (hoặc bố chồng, em chồng, chị chồng) không? Tại sao có? Tại sao không? Và có định nói những nỗi rối bời đó với đứa con không? Liệu đứa con có đồng cảm được với người mẹ không? Tại sao có? Tại sao không?
Ngày nay, ta quen làm thơ rồi đưa in báo hoặc in thành sách, rồi bán lấy tiền, có khi vừa có tiền vừa có danh tiếng. Nhưng như trường hợp người đàn bà tác giả bài thơ Ru Con, người đàn bà đó có thể gửi in báo nào, có thể in thành sách ở đâu? Liệu người đàn bà tác giả bài thơ Ru Con có biết chữ không? Chúng ta sẽ có câu hỏi: Giống như người xưa vẽ tranh trong hang động, có cần biết chữ không? Người xưa không cần biết chữ cũng có thể nói ra lời thơ cho dễ nhớ. Người xưa cũng nói ra lời thơ êm tai cho người khác dễ nghe, dễ nhớ, đó là một cách để cầu mong được thông cảm; khi đó cả đôi bên có cần biết chữ không? Vậy, các bạn hãy tự nêu câu hỏi và tự trả lời: Người mẹ làm thơ để ru con có cần biết chữ không và đứa con nhỏ có biết chữ không?
Vậy người mẹ, hoặc người mẹ làm thơ, hoặc nhà thơ, khi họ có điều rối bời trong lòng muốn nói ra, nhưng biết nói với ai? Nói cho ai nghe?
Nhà thơ Nguyễn Du là người nhiều chữ nghĩa hơn người đàn bà tác giả bài thơ Ru Con. Nguyễn Du là người viết Truyện Kiều là tập truyện thơ dài hơn ba nghìn câu. Truyện Kiều của Nguyễn Du còn có tên khác là Đoạn Trường Tân Thanh nghĩa là “Tiếng kêu đứt ruột”, hoặc “Tiếng kêu xé lòng”. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng rối bời và đứt ruột xé lòng chẳng kém gì bài Ru Con của người đàn bà không biết chữ. Nguyễn Du đã viết những chuyện đứt ruột xé lòng của mình và của mọi người. Nguyễn Du từng viết “Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”; câu chữ Nho đó có nghĩa là “Ai biết hơn ba trăm năm nữa / Liệu có ai thầm khóc thương Tố Như này.” Tố Như chính là Nguyễn Du đó. Tố Như - Nguyễn Du làm thơ và phải đi tìm người nghe thơ của mình. Và hoài nghi chưa chắc đã tìm được ai đồng cảm.
Nguyễn Du vẫn hy vọng may chăng ba trăm năm nữa liệu có ai hiểu và khóc cho những điều đứt ruột xé lòng ông đã viết ra. Hy vọng như vậy có nghĩa là ngay khi làm xong Truyện Kiều, Nguyễn Du chưa thấy ai có thể đồng cảm với mình.
Chưa thấy ai đồng cảm với mình, Nguyễn Du vẫn viết Truyện Kiều. Chưa thấy ai đồng cảm với mình, người đàn bà không biết chữ vẫn hát lên bài Ru Con.
Vậy chúng ta có thể đoán gần đúng, rằng người làm thơ khi nói ra hoặc viết ra bài thơ thường là nói cho mình và viết cho mình - nói ra hoặc viết cho vơi nỗi lòng mình đã.
3. Ngôn ngữ thơ chung - mỗi nhà thơ có cách nói riêng
3.1. Nghĩa của lời thơ
Nghĩa của lời thơ vừa giống vừa khác nghĩa thông dụng. Trong nhiều câu thơ, nghĩa của chữ cũng tựa như khi ta đọc một bản tin thời tiết.
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân
[Nguyễn Du]
Tuy nhiên đó vẫn là một câu thơ. Nếu ta đổi câu ấy, viết khác đi, mặc dù vẫn giữ nguyên từng chữ Thúy Kiều là chị, Thúy Vân là em, rõ ràng nội dung thông báo không thay đổi, nhưng câu sau không có vẻ gì là thơ cả. Tại sao? Vì nó thiếu vần điệu, nếu xét trong quan hệ với các câu đi trước và đi sau. Nhưng ngay cả khi tách ra đứng một mình, nó vẫn thiếu nhạc điệu nội tại. Bạn thử nghiệm lại bằng cách đọc to hai câu và so sánh xem câu nào là “bản tin” và câu nào là thơ.
Câu thơ còn có một “nghĩa khác”, không phải nghĩa thông dụng, cần được đọc và hiểu theo cách khác. Muốn thế chúng ta cần phân biệt hai loại nghĩa: nghĩa ngôn ngữnghĩa phi ngôn ngữ, hay nghĩa đennghĩa bóng, hoặc còn gọi là nghĩa hiển lộnghĩa ẩn.
Bữa nay lạnh, tôi đi ngủ sớm.
Là một lời tuyên bố rõ nghĩa: Vì lạnh quá, làm biếng học bài, tạm quên lời nhắc nhở của thầy cô, tôi lên giường đánh một giấc cho xong.
Nhưng câu thơ:
Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm [Xuân Diệu]
không còn có nghĩa rõ như thế nữa, vì ai cũng biết mặt trời không đi ngủ, nó chỉ lặn về phương Tây, hay đúng hơn là trái đất, phần chúng ta đang đứng, xoay về phía khuất của mặt trời. Một ví dụ khác, trong cùng một bài thơ:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
[Nguyễn Vỹ]
là những câu thơ đẹp, nhưng rất rõ nghĩa. Người ta không thể nhầm sương với tuyết, liễu với mai. Câu thơ có nhiều hình ảnh, nhưng trước hết chúng mô tả một cảnh có thể có thật.
Rồi hạt
Sương trong
Tan tác
Trong lòng
[Nguyễn Vỹ]
thì điều nhà thơ mô tả không thể xảy ra được. Ai cũng biết rằng về mặt vật lý, sương không thể tan trong lòng (con người chúng ta), sương chỉ có thể tan trên đất hay trên cành. Nhà thơ đã tả một điều chỉ có thể xảy ra theo nghĩa bóng, với ngụ ý sự buồn, sự tuyệt vọng về một điều gì đó (tình yêu, giấc mộng lý tưởng...). Những nghĩa bóng, nghĩa hình ảnh, nghĩa ẩn như thế tạo nên một thứ ngôn ngữ riêng, gọi là ngôn ngữ thơ.
Xin lưu ý: Không phải chỉ có thơ mới có cách dùng ngôn ngữ kiểu ấy. Trong đời sống hàng ngày chúng ta đôi khi vẫn vô tình dùng ngôn ngữ hình ảnh đấy. Trong lời nói thường:
- Sợ dựng tóc gáy.
- Bị đuổi chạy mất dép.
- Cô ấy là một ngôi sao trong lớp.
Chúng ta không có ý nói một cách cụ thể là mất dép, tóc gáy dựng lên, dù chúng có thể xảy ra thật (mất dép) hay không thể xảy ra (tóc gáy dựng lên). Chúng ta không có ý muốn nói cô ấy là một ngôi sao, vì điều ấy không thể xảy ra được. Chúng ta chỉ muốn nói cô ấy học giỏi nhất lớp, chơi bóng giỏi nhất lớp, v.v... Chúng ta dùng ngôn ngữ ấy vì rõ ràng chúng hiện ra trưóc mắt, dễ gây ấn tượng mà người nói mong muốn. Cả hai thứ ngôn ngữ hiển lộhình ảnh thường đan xen vào nhau cả trong lời nói thông thường và trong thơ hay văn học:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?
Câu thứ nhất là nghĩa đen, câu thứ hai vừa là nghĩa đen vừa là nghĩa bóng, vì múc ánh trăng vàng vừa là hình ảnh có thực vừa biểu tượng cho cái khác, như một đêm trăng đẹp.
Do chỗ nhà thơ chỉ hướng vào nội tâm của mình khi làm thơ, nên mỗi nhà thơ cũng có thói quen nói những gì cho riêng mình hiểu. Và vì thế, mỗi nhà thơ có một cách nói. Các nhà thơ có nhiều cách nói, có thể xếp loại không thật đầy đủ như sau.
3.2. Các cách biểu đạt của thơ
3.2.1. Cách tả cảnh bề ngoài - ẩn giấu nỗi lòng mình
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo
Bài Thu Điếu (Mùa thu câu cá) của Nguyễn Khuyến bạn đã được biết đến từ khi học tiểu học. Sách Cánh Buồm khi đó đã hướng dẫn bạn cách đọc chậm rãi, nhắm mắt lại, tưởng tượng ra cảnh mặt ao trong vắt, mùa thu vắng lặng, và đẹp... Thế rồi bạn thấy nhờ bài thơ mà yêu mến thôn quê Việt Nam. Những chữ bình dân mà mới: bé tẻo teo, gợn tí, đưa vèo, làm cho cảnh vật trở nên nhẹ nhõm. Bạn hãy đọc lên cả bài, và có thấy lòng thanh thản, bình tĩnh lại, biết sống với thời gian hiện tại, làm cho thời gian trôi chậm lại. Nhưng bạn hãy tự hỏi: Vì sao nhà thơ Nguyễn Khuyến lại cần đến sự yên tĩnh đến thế? Bạn hãy tưởng tượng và nói ra điều gì khiến ông mệt mỏi và chẳng muốn “chạy nhanh” theo nhịp sống bên ngoài nữa.
Hãy nghe Tú Xương tả vợ mình:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò nơi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Cảnh lặn lội mom sông là để “tả cảnh” người vợ tần tảo nuôi chồng nuôi con, hay đó chính là nỗi niềm với cuộc đời nhà Nho đã dài lưng tốn vải lại thêm nỗi thất thế trước thời cuộc đổi thay và đành phải sống nhờ vợ?
Những câu thơ giản dị tưởng đâu dễ viết, thế mà ngày càng hiếm. Dù chỉ như là tả cảnh, không nói về mình, tình cảm của người viết phải là những xúc động chân thật. Lòng tác giả có khi cũng rối bời.
Điều quan trọng đối với nhà thơ không phải chỉ là họ nhìn vào cái gì, mà họ thấy ra cái gì. Ngay khi tưởng như kể chuyện (câu cá mùa thu, người vợ tần tảo) dường như nhà thơ bao giờ cũng định nói một điều gì khác. Thơ có khả năng làm bộc lộ những kín đáo, ẩn khuất.
3.2.2. Cách nói thẳng tình cảm mình ra
Thơ cũng có khi dùng cách biểu lộ thẳng tâm trạng con người, thường vẫn được gọi là tả tình:
Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đã đến lâu rồi
[Xuân Diệu]
Người xưa đi qua trước cảnh hoang phế, như Bà Huyện Thanh Quan:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Tình ý mênh mang mà chữ hạ xuống lại đẹp, giàu nhạc tính, hình ảnh gây cảm giác bồi hồi. Nếu muốn diễn tả ý ấy bằng lời nói hoặc văn xuôi cần nhiều chữ hơn thế, mà vẫn không lột tả hết xúc cảm nén trong bảy chữ kia.
Có khi nói rõ tâm sự:
Bui ([3]) một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông
(Nguyễn Trãi)
Cảnh làm ví dụ cho tình, nhưng vẫn là cảnh của thơ: tấc lòng, cuồn cuộn. Ví dụ trở thành biểu tượng. Thiên nhiên là người thầy của con người. Tả tình và tả cảnh thường hòa quyện vào nhau. Tuy là tâm sự của người sống trong thời đại khác, ưu quốc ái dân, nó vẫn giúp ta nối kết được với những cảm nghĩ sâu xa của trí thức ngày nay.
Chưa nói đến nội dung, chỉ hình thức ngôn ngữ cũng nói lên tâm trạng:
Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay lả tả
[Nguyễn Khuyến]
Nếu so với đoạn thơ tả mùa thu cũng của Nguyến Khuyến, trong trẻo, thì bài thơ tả mùa hạ, với vần trắc [hạ, ả, tả], gây cảm giác ngột ngạt của thời tiết và tất nhiên có thể ngụ ý về xã hội lúc ấy. Nhạc điệu là một phương cách hoạt động trực tiếp hơn cả của ngôn ngữ.
Mặt khác vì thơ có khả năng nói những điều bí ẩn, nó có thể làm người đọc bối rối, như người quen che giấu mình phải tự bộc lộ ra. Khả năng hiển lộ trong bối cảnh thân mật không phải là một khả năng mà ai cũng sở hữu.
3.2.3. Cách kể chuyện
Một trong những chức năng của thơ từ thời xa xưa là kể chuyện, như trong các trường ca dân gian hay các tác phẩm văn học viết.
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh
(Chinh Phụ Ngâm)
Mới hơn, gần gụi với chúng ta hơn:
Hôm nay đi chùa Hương
Hoa cỏ mờ hơi sương
Cùng thầy me em dậy
Em vấn đầu soi gương
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp hóa thân vào nhân vật, một cô bé kể chuyện duyên dáng. Nhân vật trong thơ chỉ bắt đầu cất lên tiếng nói của mình, khi nào tất cả những người xung quanh đều ngừng nói chuyện, chấm dứt cãi vã, im bặt xì xào, lắng nghe. Có lẽ từ thời khởi thủy của con người, người ta đã bắt đầu biết kể chuyện thông qua các hình thức thơ ca. Ngắm một bức tranh, bạn phải mang bức tranh ấy về nhà. Nghe một bản nhạc, bạn phải tự thân đến buổi hòa nhạc. Nhưng để đọc một bài thơ, bạn chỉ cần ghi nhớ nó:
Sao anh không về chơi thôn Vĩ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
[Hàn Mặc Tử]
Cũng như trong phim ảnh, kể chuyện không phải là để cho nhân vật đứng thuyết giảng dài dòng về tình cảm hay đạo đức, mà để cho nhân vật hành động, cảnh vật diễn ra. Những nhà thơ xuất sắc là những người kể chuyện rất tài tình, rất kiệm lời.
3.2.4. Cách nói quan niệm của mình
Có tính khuyên răn, như Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên:
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh là câu trau mình
Người xưa gọi là thi ngôn chí, dường như để chỉ loại thơ nói lên quan điểm đạo đức luân lý của tác giả. Tuyên ngôn, thuyết phục, mà vẫn có giọng tâm tình, bè bạn, trong thơ Nguyễn Công Trứ:
Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhưng có khi quan niệm sống được diễn tả gián tiếp qua việc mô tả cảnh sinh hoạt:
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
(Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Như thế quan niệm trong thơ không cần phải là các tuyên bố, chúng có thể được thể hiện trên cái giá đỡ của các hình ảnh, trên sơ đồ của hiện thực, của một không gian cụ thể. Thơ chưng cất hiện thực, và chính lề lối chưng cất ấy thể hiện quan niệm của nhà thơ. Trong cùng một bài thơ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình, nghệ thuật kể chuyện đan xen vào nhau.
3.2.5. Cách cười vui, châm biếm, đả kích
Nguyễn Khuyến cười hiền lành, dí dỏm mà thâm thúy:
Đã bấy lâu nay bác tới nhà
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa
Ao sâu, sóng cả, khôn chài cá
Vườn rộng, rào thưa, khó đuổi gà.
Khuynh hướng thơ châm biếm xã hội, như cảnh gia đạo suy đồi:
Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng
(Trần Tế Xương)
Đả kích các trò mua vui hời hợt để người dân quên đi trách nhiệm với đất nước:
Khen ai khéo vẽ trò vui thế
Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu.
(Trần Tế Xương)
thời nào cũng đúng.
Hay tự cười mình:
Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch,
người quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho,
thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.
(Nguyễn Công Trứ)
Chỉ cần chúng ta hiểu hai câu phú trên theo lối trái nghĩa, thì sẽ thấy sự mỉa mai châm biếm của nhà thơ qua những hình ảnh mộc mạc, hài hước, giản dị.
Thơ trào phúng là thơ thế sự, có tính chất hướng ngoại. Thơ trữ tình cá nhân không cao hơn cũng không thấp hơn thơ thế sự. Tuy nhiên vẫn có sự hòa hợp giữa thơ trữ tình và thơ thế sự nếu cái cười của nhà thơ hướng về nội tâm.
3.2.6. Cách vui chơi với ngôn ngữ
Vui chơi là một nhu cầu. Không phải ai cũng biết vui chơi, vì đó còn là một kỹ năng, có khi cần phải học. Vui chơi là một hoạt động tự thân không có mục đích, với nghĩa là không đem lại những lợi ích cụ thể, tuy nhiên tác dụng của chúng lại rất lớn đối với tâm trí vì nó giúp thư giãn, tăng cường hoạt động, nâng cao đời sống tinh thần.
Ve sầu kêu ve ve
Suốt mùa hè
Đến kỳ gió bấc thổi
Nguồn cơn thật bối rối
Trên đây là một đoạn thơ [của La Fontaine] dẫn từ bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh ai cũng biết và thuộc. Nhưng khi đọc những câu thơ sau đây của Nguyễn Vỹ:
Sương rơi
Nặng trĩu
Trên cành
Dương liễu
Ta có thể không để ý lắm đến nghĩa của nó, nhưng nhạc điệu của câu thơ gây cảm giác êm dịu trong lòng, vì đó là nhịp điệu của sự rơi của giọt sương, phù hợp với những nhịp điệu khác của cơ thể, như nhịp tim, bước chân, gây ra tình trạng hoạt động, khoan khoái.
Sự vui thú của ngôn ngữ và ý nghĩa của một bài thơ là hai vấn đề quan trọng trong sáng tác. Ý nghĩa một câu thơ càng rõ thì câu thơ càng dễ hiểu và ngược lại, như vậy việc dễ hiểu hay khó hiểu của một bài thơ đối với người đọc gắn liền với việc người đọc nắm được “ý nghĩa” của bài thơ đến đâu. Mặt khác, ý nghĩa càng rõ thì khả năng chất chứa thông tin càng thấp, ý nghĩa càng mơ hồ thì lượng thông tin càng cao.
Thử đọc hai câu thơ của Nguyễn Bính :
Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm.
Chưa kịp hiểu nghĩa, cũng đã thấy hay. Nội dung ý nhị nhưng cái hay lại nằm ở lối chơi chữ. Làm thơ là để đi tìm cái mới. Trước hết là mới trong cách nói. Khi Nguyễn Du viết:
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san
Tưởng sau đó thì không ai có thể nói thêm về mùa thu nữa, nhưng Đinh Hùng lại viết giản dị, mà vẫn cứ mới, mà hình như chưa ai nói trước đó:
Thu về em đã gặp thu chưa?
Nhà thơ Saint John Perse từng viết: "Thi sĩ là người phá vỡ các thói quen của chúng ta." Sự làm mới trong thơ thường bắt đầu từ các khoảng cách, các dịch chuyển ra khỏi chuẩn tắc. Có một sự xô lệch, một quãng trễ, giữa điều mà bạn cảm thấy và điều mà bạn có thể bày tỏ. Trong trường hợp này, hình ảnh và âm nhạc trong thơ làm nhiệm vụ nối kết các khoảng cách ấy. Muốn đi tìm sự mới mẻ, nhà thơ cần khả năng trở thành kẻ ngây thơ bỡ ngỡ.
Thơ đầy ngạc nhiên, vì thơ không phải là kiến thức.
Khôn quá thì không làm thơ được. Nhưng làm thơ cũng là cách để bạn tập diễn đạt ngắn gọn, chính xác, là loại bỏ thói quen ba hoa, thừa thãi.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần.
[Truyện Kiều]
Tả cái đẹp bên trong và cái đẹp bên ngoài của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân, Nguyễn Du chỉ cần một câu sáu chữ, uyển nhã mà trầm trọng, thoang thoảng mà sắc bén, bề ngoài như mô tả khách quan mà bên trong giấu nỗi đau thầm kín.
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Là một đoạn văn mô tả tuyệt đẹp một khung cảnh ngày nay khó còn gặp được. Không một chữ thừa trong cả bốn câu thơ. Ngay những người không có ý định trở thành nhà thơ cũng có thể học được ở kỹ thuật ngắn gọn của thơ những bài học giá trị.
Thi sĩ lừng danh Joseph Brodsky đã từng viết: “Càng đọc thơ, bạn càng trở nên khó chịu trước thói diễn đạt luộm thuộm dài dòng, dù trong diễn văn chính trị hay triết học, dù trong môn lịch sử, xã hội nhân văn hay trong nghệ thuật tiêu thuyết.”
3.2.7. Cách giao tiếp hoặc quan hệ
Anh đi đường anh tôi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi
Đã quyết không mong sum họp mãi
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi
Đó là những lời của nhà thơ Thế Lữ nói với Nhất Linh, tác giả Đoạn Tuyệt, lời chia tay ngậm ngùi của hai người bạn thân, lưu luyến. Một quan hệ bị đổ vỡ hay sự thương nhớ giữa hai người xa cách, sự mất mát của một người, tạo ra nỗi cô đơn, lòng thương xót, nhiều khi kéo dài cả đời. Ai nói hộ chúng ta điều ấy? Hầu hết chúng ta sẽ đi suốt cuộc đời mình vơi một vài vết thương âm ỉ, sâu, kín, và một vài gánh nặng tinh thần trên vai.
Quan hệ không những giữa người và người mà còn giữa người và con vật, hay cây cối, thiên nhiên.
Cây bàng lên búp nhỏ
Xanh như là thương nhau
(Lưu Quang Vũ)
Chữ nhẹ nhàng mà tình xúc động. Tuy vậy, thơ Việt Nam chưa có truyền thống đi sâu vào các mối quan hệ cá nhân phức tạp. Có thể hình dung một nhà thơ đề cập tới tình thương trong gia đình dễ hơn nhiều so với việc đề cập đến những tổn thương, rạn vỡ, căm giận và những hối hận. Thơ làm tăng tiến khả năng chú ý, giúp bạn sống sâu xa từng giây phút, nâng cao tinh thần trong một thế giới đau khổ, giúp con người dũng cảm trước dặm đường khó khăn:
Em mơ cùng ta nhé
Bóng ngày mai quê hương
Đường hoa khô ráo lệ
(Quang Dũng)
Thơ có khả năng chia sẻ lớn lao, và vì thế nó là trụ cột của giao tiếp từ khi con người biết đến lửa và biết sống thành những nhóm, bộ lạc, gia đình.
Thơ nói cho bạn nghe: bạn là ai
Vì sao bạn trượt chân, ngã sóng xoài
Và bằng cách nào, lạ lùng thay, bạn lại đứng lên
(Maya Angelou)
Hình thức giao tiếp quan trọng trong thơ là nhịp điệu, tiết tấu.
Tà tà bóng ngả về tây
(Truyện Kiều)
Nhịp điệu quan trọng lắm: hai chữ tà tà đọc chậm, sau hai chữ ấy bạn dừng một khoảng ngắn, chữ ngả hơi được nhấn mạnh hơn, khác với cũng câu thơ ấy mà đọc nhanh, đều đều, nó trở thành vô hồn.
3.2.8. Cách tìm sự thật hoặc ý nghĩa sự vật
Trong khi mô tả những cảm xúc của mình, những hoàn cảnh mà mình đã gặp, nhà thơ có thể tìm thấy sự thật trong chính ngôn ngữ đặc thù của thơ ca. Sự thật thường bị lấp khuất ở dưới những khía cạnh khác của đời sống, bị lộ ra khi thi sĩ chạm tay vào bằng ngôn ngữ thơ của mình. Đó không phải là một thứ sự thật báo chí, mà là sự thật của tâm hồn, của những thể nghiệm của người viết.
Đường trong làng: hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
Đọc hai câu thơ này của Huy Cận, ta cảm được không khí thanh nhàn thời ta còn bé, miền tâm linh dân tộc ngày nay khó còn giữ được.
Làm thơ là để đi tìm các ý nghĩa. Mục đích của đời sống không phải là thành công hay hạnh phúc, mà là ý nghĩa. Sự hy sinh của cha mẹ sẽ không đem lại lợi ích gì nếu các con của họ không hiểu vì sao cha mẹ hy sinh cho con cái.
Những Chủ Nhật Mùa Đông
Cha tôi dậy sớm vào cả ngày Chủ Nhật
Thay áo quần trong tối lạnh mờ xanh
Bàn tay cha nứt nẻ vì công việc
Nhóm lửa lò cháy rực. Chẳng ai cần
Nói cảm ơn. Tôi thức giấc, than hồng
Lách tách, bếp ấm dần, cha mới gọi tôi
Dậy mặc áo quần, nhưng tôi lười nhác
Căn nhà xiêu cột kèo kêu răng rắc
Tôi cũng chuyện trò ấm ớ với người
Cha dậy sớm chẳng phải vì tôi sao?
Và đánh bóng những đôi giày dơ bẩn
Nhưng tôi có để ý gì đâu. Nào biết gì đâu.
Mưa nắng dãi dầu, tình yêu khổ hạnh
(Robert Hayden)
3.2.9. Cách tạo thay đổi
Thay đổi vì một xã hội, một đất nước, một thế giới tốt đẹp hơn là ý nguyện của nhiều nhà văn, nhà thơ.
Thay đổi trước hết bằng lời kêu gọi nồng nàn, lý lẽ thuyết phục, hướng tới đám đông:
Một là vua, sự dân chẳng biết
Hai là quan chẳng thiết gì dân
Ba là dân chỉ biết dân
Mặc quân với quốc, mặc thần với ai
(Phan Bội châu, Hải Ngoại Huyết Thư,
bản dịch của Lê Đại)
Thơ yêu nước thường buồn, cảm khái, như thơ Đặng Dung:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
Kỷ độ long tuyền đái nguyệt ma
(Thù trả chưa xong đầu đã bạc
Bao phen mài kiếm dưới trăng tà)
Nhưng cũng có thể vui hơn, lạc quan hơn:
Chúng tôi đi
Nắng mưa sờn mép ba lô
Tháng năm bạn cùng thôn xóm
Nghỉ lại lưng đèo
Nằm trên dốc nắng
Kỳ hộ lưng nhau ngang bờ cát trắng
Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa.
(Hồng Nguyên)
Chúng ta có thể thay đổi thế giới, nhưng chỉ có thể bắt đầu sự thay đổi ấy trước hết từ bản thân ta. Cô gái Malala Yousafzai mười bảy tuổi, giải Nobel Hòa Bình [2014] có nói: “Chúng ta hãy nhớ: Một cuốn sách, một ngòi bút, một đứa trẻ, và một người thầy, có thể thay đổi thế giới.”
Thơ chính trị, thơ cách mạng đều có ý ấy, nhưng các nhà thơ có cách nói khác nhau. Như Walt Whitman:
Tôi ca ngợi tôi, tôi ca hát về mình
Tôi tin tưởng điều chi, bạn nghĩ điều như thế
Mỗi nguyên tử thuộc về tôi tất thảy thuộc loài người.
Không phải chỉ có thơ chính trị, thơ cách mạng, hay thơ phản kháng mới có thể tạo ra các thay đổi. Những lời tâm sự, những ưu ái tình cảm, một khi được buông ra một cách nghệ thuật, đều có khả năng ấy. Tôi tự hỏi biết đâu mấy câu thơ của Vũ Đình Liên:
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
đã không khỏi khiến bao người chạnh lòng cảm thương, góp phần làm cho phong trào xin câu đối ngày xuân phát triển như hiện nay? Các tuyên bố hùng biện chưa chắc có tác dụng bằng!
3.2.10. Cách đi sâu vào tâm hồn mình
Trò chuyện với chính mình. Đi vào bên dưới các bề mặt, và lắng nghe:
Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
(Thâm Tâm)
Đọc lên thì ta thấy tiếng sóng trong lòng thật, tức là thấy được dòng trôi chảy va đập của tâm hồn mình, của nỗi niềm tâm sự của mình. Những câu thơ như thế dạy người ta sống có chiều sâu, tập cho ngươi ta biết lắng nghe thiên nhiên và lắng nghe cuộc đời. Vượt qua thời gian, để chuộc lỗi. Khi bạn lớn đến một tuổi nào đó, sự giới hạn của cuộc đời, tuổi già, sự tan vỡ, sự chấm dứt, cái chết, sẽ ám ảnh bạn. Bạn thấy mình nhỏ bé trước cõi nhân gian rộng lớn, vũ trụ vô cùng. Hơn thế nữa sự mất mát của một người thân, cha mẹ, bạn bè, làm bạn tổn thương, bạn muốn chống lại điều ấy.
Bằng cách nào? Bằng cách nương tựa vào người khác, vào thế hệ đi trước chúng ta và thế hệ đi sau chúng ta. Tức là dựa vào sự liên tục, tính liên tục của kiếp người. Thơ giúp bạn thấy được điều ấy, kéo dài một kỷ niệm chốc lát trở thành vô hạn trong ký ức, làm cho sự sinh nở và cái chết có thể giao thoa với nhau, xen lẫn vào nhau trong một đầu mối của chu kỳ sinh diệt.
Em còn nhớ không Barbara
Em còn nhớ không Brest hôm xưa
trời mưa không ngừng giữa đôi ta
Brest là một thành phố hải cảng ở vùng cực Tây của Pháp. Barbara là tên một người thiếu nữ. Ai cũng muốn được như Jacques Prévert đóng đinh kỷ niệm về người thiếu nữ ấy, thành phố ấy, ngày mưa ấy, tình yêu kia, vào ký ức vĩnh viễn của nhân loại trong bài thơ Barbara được nhiều người ưa thích của ông.
Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
[Bạch Cư Dị, Tỳ Bà Hành, Phan Huy Vịnh dịch]
Bến Tầm Dương ở đâu chắc không mấy ai biết, nhưng nó trở thành một nơi chốn đi về trong tâm hồn người Việt từ khi có bản dịch Tỳ Bà Hành. Con người sinh ra, tự trong bản chất, đều muốn để lại dấu vết lâu dài cho cuộc đời ngắn hạn. Tình yêu và sáng tạo có lẽ là hai thứ quý giá nhất mà chúng ta muốn để lại.
Nhưng bạn có để ý Brest và Barbara cùng một vần B không? Còn câu thơ trong bản dịch Tỳ Bà Hành có hai âm kh chiếu chênh chếch vào nhau không?
Không phải vô lý khi Henry Thoreau, nhà văn và nhà triết học Hoa Kỳ, nói rằng: “Every man wants to be a poet if he can.” (Ai cũng muốn trở thành thi sĩ nếu họ có thể làm điều ấy.) Một bài thơ hay là một bài thơ mà các chữ mang đầy năng lượng. Năng lượng là ý nghĩa, ý nghĩa là hòn đảo nổi lên trên bề mặt tối của vô thức. Thương tiếc cái mất mát, lỡ làng, như người con gái đẹp mà bạc mệnh, thì câu thơ của Nguyễn Du:
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương
có thể kéo dài được vẻ đẹp ấy, tưởng đến vô hạn.
Làm thơ cũng là để đi tìm cõi bình an hay niềm tin ở bên trong, tìm sự an ủi và nhẹ nhõm. Có một cõi lặng lẽ ở bên dưới các bề mặt, ít lo âu hơn, có thể mang lại an bình cho một người. Bạn tìm ra được căn phòng trong ngôi nhà của mình, nơi bạn có thể ngồi một mình, ca hát một mình, khóc thương cho lầm lỗi của mình, suy nghĩ một mình, và sau đó khi bạn trở lại với cuộc đời ngoài kia, bạn sâu sắc, vững chãi hơn.
Trước khi bạn biết lòng tử tế là gì
Bạn phải mất đi nhiều thứ
(Naomi Shihab Nye)
Trong các hình thức văn học, có lẽ thơ gần với cảm giác bình an nhất. Vì bình an mà thời gian trôi chậm lại: Thơ làm cho một người sống lâu hơn thời gian của chính mình.
4. Thử bàn về “công việc” làm thơ
Làm thơ là công việc đòi hỏi sự hồn nhiên, trong sáng, thậm chí thơ ngây. Nhưng thơ hay lại cần đến sự lão luyện về ngôn ngữ. Lão luyện mà vẫn hồn nhiên, trong sáng, vẫn thơ ngây - ấy mới tài!
Để giải thích thế nào là hồn nhiên, trong sáng, thơ ngây, không gì thuận tiện bằng xem xét thơ thiếu nhi và thơ “cho" thiếu nhi.
Đây là hiện tượng giao tiếp đặc biệt, giữa trẻ con và trẻ con, giữa trẻ con và người lớn, viết bởi trẻ con hoặc bởi người lớn. Xin lấy vài ví dụ:
Hôm nay trời nắng chang chang
Mèo con đi học chẳng mang thứ gì
(Phan Thị Vàng Anh)
Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
(Trần Đăng Khoa)
Những khổ “thơ thiếu nhi” trên có hay không? Có chứa đựng nhiều giá trị nghệ thuật không? Thật khó trả lời!
Còn một lĩnh vực nữa cũng thử thách tính chân thực đầy lão luyện của thơ - đó là lĩnh vực thơ ngưỡng mộ hoặc bộc lộ tình yêu với đấng cao siêu.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
(Hàn Mặc Tử)
Chúa, Phật, Thượng Đế, trong trường hợp những người có niềm tin tôn gỉáo, hoặc những xúc cảm mang tính tâm linh, sự cảm thán, lòng tri ân đối với tình yêu, cái đẹp, sự bao dung và nhân ái.
Lụa hay tre nào khiến bút ai ghi
Chỗ Người ngồi: một thỉên-thu tuyệt-tác
Trong vô hình sáng chói nét Từ-Bi
(Vũ Hoàng Chương)
Đối với những người có niềm tin vào các đấng thiêng liêng, làm thơ có thể giúp họ tạo ra những liên kết với thần linh, với Thượng Đế, tỏ lòng tri ân, tìm kiếm sự nương tựa. Không phải khi nào họ cũng nói về Thượng Đế nhưng bao giờ trong thơ cũng bàng bạc niềm tin bao la. Đây là thơ của Rumi, nhà thơ A Rập:
Phía sau đúng và sai
Có một cánh đồng
Ta hẹn người ở đó.
Và Quách Thoại:
Đứng im ngoài hàng giậu
Em mỉm nụ nhiệm mầu
Trong hai câu thơ của thi sĩ Quách Thoại, không chỉ có cảnh vật mà cả cảm xúc như được chiếu rực rỡ bởi ánh sáng của một thứ giao hưởng giữa người và vũ trụ.
5. Vài lời kết luận
Có nhiều cách để trả lời câu hỏi Tại sao người ta làm thơ?, như đã trình bày, và có thể còn nhiều nữa.
Đặt câu hỏi đó để làm gì? Để đi tìm ý nghĩa cho việc đọc thơ và làm thơ.
Tại sao cần tìm ý nghĩa đó? Vì con người ngày càng ít lưu tâm đến thơ.
Các nghệ thuật khác như ca nhạc, sân khấu, phim ảnh... đang lấn át thơ. Ta cần về nhà, đóng cửa lại, vặn thấp ngọn đèn, ngồi một mình, một góc, một bóng, khóc một mình, cười một mình. Không có cách nào khác để đến với thơ.
Làm thơ và đến được với thơ là công việc hồn nhiên, trong sáng, có khi thơ ngây. Nhưng thơ còn cần đến cả sự trải nghiệm. Đầy trải nghiệm mà vẫn hồn nhiên, trong sáng, vẫn thơ ngây - ấy là cái đích ta hướng tới...
Cái đích trên con đường đi tìm cái Tôi không được để bị mất. Trong mỗi con người chúng ta vẫn còn có một cái tôi nhân từ, thương yêu, dũng cảm và yếu đuối, ngu ngốc và thông minh, hài hước, nghiêm trang, thơ mộng.
NGUYỄN ĐỨC TÙNG


([1]) Đạo Uyển Xuân 2019 (tập 29), tr. 103-114.
([2]) Trích VĂN 6 : Cảm Hứng Nghệ Thuật (Vì Sao Người Ta Làm Ra Tác Phẩm Nghệ Thuật). Hà Nội: Nxb Tri Thức, 2016, tr. 19-39. Xin cảm ơn nhà giáo Phạm Toàn, chủ trương nhóm Cánh Buồm, đã hoan hỷ cho phép Ban Ấn Tống được trích và lần lượt đăng lại trên Đạo Uyển các bài trong bộ sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm. Trong bài in trên đây, những chữ đặt trong dấu ngoặc vuông [...] là do Ban Ấn Tống thêm vào.
([3]) bui: (Từ Việt cổ) chỉ có. [Đạo Uyển chú]