Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

THƯ GỞI NGƯỜI XA LẠ / Chuyện Tâm Linh 1

 


THƯ GỞI NGƯỜI XA LẠ

HUỆ KHẢI

Là người mẹ có năm con, năm 1999 Susan Morin viết “Letters to a Stranger”, kể lại trải nghiệm tâm linh khi gởi những lá thư tới một người không quen.

Đây là chuyện tôi nghe:

Vào một buổi tối tháng Giêng năm 1992, điện thoại reo và cậu con trai mười lăm tuổi của chị kêu lớn: Má ơi, có điện thoại nè!

Ai vậy, con?

Ông Bob Thompson, má à.

Chị không quen biết người này. Nhưng cái họ Thompson khiến chị liên tưởng tới một phụ nữ là Beverly Thompson. Thế nên trong lúc rảo bước tới điện thoại, ký ức chị vùn vụt quay lại cuốn phim dĩ vãng.

*

Tháng Ba vừa qua, trong lúc lái xe đi làm, bỗng dưng chị có mong muốn là hãy bằng cách nào đó chị có thể phục vụ Chúa một cách có ý nghĩa. Hôm đó, chị cầu xin Chúa tha thứ vì tự xét thấy chị chưa làm được gì xứng đáng để có thể gọi là phục vụ Chúa. Trái lại, dường như chị luôn luôn cầu xin Chúa đáp ứng cho những nhu cầu của chị quá đỗi nhiều vì cuộc sống của chị vốn không mấy dễ dàng.

Chị nghe mình thầm gọi: Chúa ơi! con có thể làm gì cho Chúa? Con cảm thấy hầu như con chỉ luôn luôn nhận được quá nhiều từ Chúa mà vẫn chưa biết cách báo đáp ơn Chúa. Và rất lạ, chị liền nghe như có tiếng trả lời: “Cầu nguyện!”

Không hề nghĩ đó là lời ảo do bản thân tự huyễn hoặc, chị nghe mình độc thoại: “Dạ, con sẽ cầu nguyện. Nhưng cầu cho ai, và về việc gì, lạy Chúa?” Lần này thì im lặng. Nhưng trong hơn bốn mươi phút còn lại tiếp tục lái xe tới sở làm, chị thấy lòng nhẹ nhõm.

Chị làm việc cho một công ty sản xuất thú nhồi bông, và có nhiệm vụ theo dõi các khoản thanh toán của khách hàng. Ngồi vào bàn của mình, chị mở một bao thơ, thấy tấm séc kèm theo mẩu giấy nhỏ: “Tôi xin lỗi vì trả tiền chậm. Tôi đang bệnh nặng. Xin cảm ơn. Beverly Thompson.

Chả hiểu vì sao, trực giác bảo chị rằng Chúa muốn chị cầu nguyện cho người bệnh này. Tức là Chúa đã trả lời câu hỏi của chị trước đó, khi chị đang còn ôm tay lái trên đường tới sở làm.

Thoạt đầu, chị không khỏi lúng túng khi cầu nguyện cho một người xa lạ. Quả thật, chị chẳng biết gì về người ấy, ngoài cái tên và địa chỉ một tiệm buôn mà công ty chị đã gởi sản phẩm về đó theo đơn đặt hàng. Người ấy là góa phụ, độc thân hay đã ly hôn? Đang mắc bệnh gì? Bao nhiêu tuổi? Dẫu không có câu trả lời nào, chị vẫn cầu nguyện vì tin tưởng rằng Chúa sai chị làm như thế. Dần dần chị thấy lòng mình chuyển biến. Có những lúc cầu nguyện cho người xa lạ mà chị không cầm được nước mắt. Chị cầu xin Chúa ban cho người ấy mọi điều an ủi để đủ sức chịu đựng những nghịch cảnh đang đối mặt.

Sang tháng Năm, chị gởi tới cửa tiệm kia tấm thiệp đầu tiên, nói sơ vài nét về bản thân, cho biết nhờ đâu có được tên và địa chỉ người ấy. Chị giải thích rằng chị đã cầu nguyện cho người ấy vì vâng theo lời Chúa sai bảo. Như vậy, Chúa biết tất cả những khó khăn người ấy đang trải qua và Chúa yêu thương người ấy biết bao nên đã sai chị hãy cầu nguyện.

Mùa hè đến rồi tiếp nối sang thu, chị tiếp tục gởi thiệp và viết thư cho người ấy. Dù chưa từng nhận được một hồi âm, chị vẫn cầu nguyện. Chị còn chia sẻ câu chuyện của mình với nhóm người lớn học Kinh Thánh vào tối Thứ Ba hằng tuần trong cộng đoàn của chị ở thị trấn Old Town (bang Maine). Thế là mọi người cùng chung lòng cầu nguyện cho người ấy.

Tuy nhiên, không tránh khỏi đôi lúc chị nói với Chúa rằng chị thực sự ước ao nhận được một hồi âm, rất muốn biết người ấy nghĩ gì về chị và những lá thư, cánh thiệp cứ gởi đến thường xuyên. Liệu người ấy có cho rằng chị không bình thường? Có muốn chị dừng lại tất cả?

*

Đón lấy điện thoại từ tay con trai, chị nói: Chào ông Thompson.

Đầu dây bên kia, giọng đàn ông chậm rãi: “Thưa bà, tôi và con gái vừa thu dọn lại đồ đạc của vợ tôi thì tìm thấy các cánh thiệp, thư từ, và số điện thoại của bà. Tôi gọi điện để nói cho bà biết những thứ đó quý giá với vợ tôi ra sao.

Trái tim chị thắt lại trong khi người chồng đau buồn tiếp tục câu chuyện: Những cánh thiệp và thư từ của bà được buộc lại bằng một dải ruy băng đỏ. Ắt hẳn vợ tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì tất cả trông có vẻ cũ.

Giọng người chồng bỗng chùng xuống: Vợ tôi bị ung thư phổi năm bốn mươi tám tuổi. Vợ tôi hoàn toàn không hề đau đớn. Giờ đây tôi biết là nhờ vào những lời cầu nguyện của bà. Thời gian qua sở dĩ không hề có hồi âm bởi vì vợ tôi còn bị ung thư não. Tôi muốn bà biết rằng vợ tôi đã xin được làm lễ rửa tội trước khi qua đời hai tuần. Cái đêm trước khi mất, vợ tôi nói rằng có thể ra đi thanh thản vì sẽ về ở bên Chúa.

*

Sau cuộc trò chuyện ấy, chị nhận ra cuộc sống của mình không hề vô nghĩa. Chúa đã mượn chị để chan rưới tình yêu của Chúa lên một mảnh đời khác, ban cho người ấy một món quà quý báu không ai có thể đoạt lấy. Trải nghiệm này củng cố đức tin của chị nhiều hơn nữa. Chị nhận ra rằng khi ta sẵn sàng vâng lời, Chúa sẽ làm việc theo cách của Chúa một cách huyền nhiệm mà ta không thể nào dự đoán.

Chuyện kể của Susan Morin gợi nhớ lời Amanda Bradley (nữ sĩ Mỹ): “Vì hạnh phúc mang lại hạnh phúc, còn tình yêu mang lại tình yêu, và sự cho đi là kho báu tạo nên lòng mãn nguyện. ([1])

Nhiêu Lộc, 22-4-2024

HUỆ KHẢI

Báo CGvDT số 2440

 tuần lễ từ 26-4 đến 02-5-2024



([1]) For happiness brings happiness, and loving ways bring love, and giving is the treasure that contentment is made of.