Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

TÌM HIỂU KINH SÁM HỐI (phần 2/4) / THANH CĂN (bản in 2024)

 


THANH CĂN

TÌM HIỂU KINH SÁM HỐI (phần 2/4)

3. Một chuỗi về nghệ thuật sống đạo làm người

Như trên đã nói, nội dung Kinh Sám Hối nhằm xác lập những tiêu chí về đạo làm người mà người tín hữu Cao Đài xem đó như một tấm gương soi rọi hằng ngày trong cuộc sống, hầu kiện toàn sứ mạng vi nhân,([1]) làm nền tảng cho bước tiến hóa về Thiên đạo. Tịnh tâm tụng đọc, mỗi khổ thơ, mỗi câu kinh như một chuỗi hạt mâu ni; lóng lòng quán xét coi có phạm phải điều nào để kịp thời tu chỉnh thân tâm càng ngày càng trong sáng như chuỗi hạt càng lần càng bóng sạch.

Chúng ta hãy cùng hướng về Thầy Mẹ để cầu xin soi rọi lấy mình:

3.1. Soi rọi về chữ Nhân Đức 仁德

Đừng tính kế độc sâu trong dạ,

Mà gổ ganh ([2]) oán chạ thù vơ,([3])

Trái oan nào khác mối tơ,

Rối rồi không gỡ bao giờ cho ra.[[4]]

Có câu “Dĩ đức báo oán. 以德報怨 Lấy đức trả oán, thì thù oán mới tiêu tan, còn lấy oán trả oán thì oan oan tương báo biết bao giờ mới hết. Sống chung đụng với đời, bên cạnh những người tử tế tốt bụng, làm sao tránh khỏi gặp những người tánh tình hẹp hòi nhỏ nhen, chỉ biết thủ lợi về mình.

Trong quan hệ với ta, nếu họ cảm thấy bị thua sút về mặt nào đó và không nhờ cậy được ở ta điều gì thì họ tìm cách gây trở ngại hoặc nói xấu ta. Chỉ có lòng nhân hậu, đức bao dung mới không cho phép ta ăn miếng trả miếng với họ.

Cứ nghĩ rằng họ thật đáng thương hơn đáng giận, vì căn trí của họ còn mê mờ nên mới nông nỗi đến thế. Ta là người học đạo, dọn lòng trong sạch để tẩy trừ những lớp bụi bùn của kế độc mưu sâu toan nhen nhóm trong lòng để thỏa mãn cơn tức giận do oán chạ thù vơ. Bởi vì những việc đại loại như anh mắng tôi một tiếng, tôi mắng lại anh hai tiếng; anh hại tôi mất một, tôi hại anh tốn mười ... chẳng những đôi bên không gặt hái được lợi lộc gì mà còn gây thêm thương tổn tinh thần, mất ăn mất ngủ vì tìm cách báo thù. Sự mâu thuẫn kéo theo những người liên hệ gây nhiều oan trái với nhau, chồng chéo lên nhau y như tơ vò rối rắm, càng gỡ càng không biết mối ra. Chỉ có mở lòng hoan hỷ mà quăng bỏ nó đi, nhịn, nhịn, và nhịn, tất cả món nợ oán thù giữa hai nhà theo đó đều được xóa hết. (Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận.)([5])

Hãy có dạ kỉnh già thương khó,

Chớ đem lòng lấp ngõ tài hiền,([6])

Xót thương đến kẻ tật nguyền,

Đỡ nâng yếu thế, binh quyền mồ côi.([7])[[8]]

Người xưa thường nói “Kính lão đắc thọ.” 敬老得壽 Ngụ ý rằng nếu ai có lòng tôn kính bậc cao niên lão thành thì sẽ được sống lâu như các cụ ấy. Việc đó xin miễn bàn. Còn bốn câu kinh trên đây thì khuyên ta nên kính trọng người già cả, thương xót người khốn khó, người khuyết tật, người cô thế và mồ côi. “Binh quyền mồ côi” là giúp họ lấy lại quyền sống bình đẳng, không để bị hà hiếp, thiệt thòi. Tại sao?

Tôn kính người già cả vì họ đã trải qua một quãng dài của cuộc đời với bao nhiêu nỗi thăng trầm vinh nhục, trong số họ cũng không ít người mà một đời đã sống ra đời, đã cống hiến nhiều công lao tâm huyết cho xã hội.

Thương người nghèo khó, tật nguyền vì nỗi cảm thông sâu sắc rằng, do quả nghiệp của họ dây dưa chưa hết, nếu có dịp ta cũng nên đến với họ bằng tình thương, an ủi họ vượt qua số phận mà vui sống trọn vai trò, đồng thời giúp họ có thể dẹp lòng đố kỵ để cùng vui với cái vui của người khác.

Thấy người hiền đức có tài mình cũng mừng cho họ, gặp dịp cũng nên phát huy ưu điểm của họ đúng với phương châm “Vui sau cái vui của nhơn sanh, khổ trước cái khổ của nhơn sanh” vậy.

Giàu sang ấy Ơn Trên giúp sức,

Phước ấm no túc thực túc y,

Thấy người gặp lúc tai nguy,

Ra tay tế độ,([9]) ấy thì lòng nhơn.[[10]]

Nếu ta được sanh vào nhà giàu có sang trọng, là do phước báu ba đời còn lại, được Ơn Trên gia hộ bởi âm đức của tổ tiên hay tiền kiếp, nên kiếp nầy đủ ăn đủ mặc (túc thực túc y 足食足衣) và dư giả chút đỉnh, khi gặp người khác lâm cảnh khốn cùng ta đâu đành lòng để mắt làm ngơ mà không ra tay giúp đỡ. Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Hưởng phước bất khả hưởng tận 享福不可享盡 là thế.

Thương đồng loại cũng hơn thí bạc,([11])

Thấy trên đường miểng bát, miểng chai,

Hoặc là đinh nhọn, chông gai,

Mau tay lượm lấy đoái hoài ([12]) kẻ sau.

Ấy làm phước khỏi hao khỏi tốn,

Chẳng có đâu mỏn vốn thâm tiền,([13])

Bắc cầu, đắp sửa đường liền,([14])

Kẻ qua người lại, bước yên gọn gàng.[[15]]

Tục ngữ có câu “Của một đồng, công một lượng.” Làm từ thiện không chỉ có việc dùng tiền của giúp người khốn khó, mà còn nhiều việc từ thiện khác không cần có tiền cũng làm được.

Chẳng hạn trên đường đi, ta chợt thấy có miểng chai miểng chén, chông gai đinh nhọn, hay chai lon nằm rải rác ở giữa đường, lề đường, ta không ngại lượm gom nó lại và tìm chỗ an toàn cất nó đi để kẻ qua người lại tránh được rủi ro, gây hậu quả không lường trước được. Nơi thôn quê, vùng sâu thường có những chiếc cầu cây tạm bợ hay cầu đúc cũ kỹ xuống cấp; có những đường ổ gà lầy lội trợt trơn, ta chịu khó ra công sửa cầu bồi lộ. Một mình làm không nổi thì vận động người khác cùng làm. Ấy là:

Thi ân hậu, bạc ngàn khó sánh,

Ráng tập thành ([16]) sửa tánh từ hòa,

Việc lành chẳng khá bỏ qua,

Tuy là nhỏ nhít, cũng là công phu.([17])

Năng làm phải, nhựt nhu ngoạt nhiễm,([18])

Lâu ngày dồn, tính đếm có dư,

Phước nhiều, tội quá ([19]) tiêu trừ,

Phép Trời thưởng phạt, không tư chẳng vì.([20])

Thấy lỗi mọn chớ nghi chẳng hại,

Thường dạn làm tội lại hằng hà,([21])

Vì chưng tụ thiểu thành đa,([22])

Họa tai báo ứng, chẳng qua mảy hào.([23])[[24]]

Thế mới hay, thi ân lập đức kiểu đó thì khó đem tiền bạc ra mà so sánh được. Vì làm việc nầy, ngoài công đức ra còn có ích lợi khác: Sửa tánh trở nên từ tốn, hòa thuận với tha nhân. Bởi ở trong thôn xóm thế nào cũng có kẻ mà ta cho là xấu bụng, không ưa thích gì ta. Nhưng ta sửa cầu bồi lộ cũng nhằm cho họ tham gia giao thông thuận tiện, ta không thể tách họ đi đường khác được. Hành vi (việc làm) nầy có thể cảm hóa họ làm hòa với ta, vì ta đã thể hiện sự ban vui cứu khổ qua sự tương thân tương trợ nhau.

Tuy những việc làm lành nêu trên là nhỏ nhặt thật, nhưng Kinh Sám Hối dạy ta chớ thấy nhỏ mà bỏ qua, thường hay làm việc phải ngày ngày càng thấm, tháng tháng càng thêm. Lâu sau phước được dư nhiều thì tội quá (tội lỗi) sẽ được tiêu trừ.

Ngược lại, thấy những việc sai trái nhỏ cũng không nên xem thường rồi cho là chẳng nhằm nhò rồi làm mãi sanh ra quen thói dạn tay, càng lâu tội lỗi càng lớn, phước mỏng khó tiêu, đến khi báo ứng có sám hối cũng quá muộn màng.

Thế nên người tu hành trước tiên là bòn mót công quả dù mỗi lần chỉ có một công một đồng, lâu năm nhiều tháng phước báu có dư không nên xem thường. Bồi công lập đức bằng các hình thức đóng góp hương khói, xây dựng chùa chiền để có nơi nhơn sanh chiêm bái tầm đạo; cứu đói trợ nghèo, an ủi đồng bào vượt qua thiên tai nhơn họa ... cũng nhằm thể hiện tính từ bi hỷ xả 慈悲喜捨 (ban vui cứu khổ, vui vẻ dứt bỏ tham lam).

Lòng trời đất thương đều muôn vật,

Đức háo sanh ([25]) Tiên Phật một màu,([26])

Thượng cầm hạ thú ([27]) lao xao,

Côn trùng thảo mộc, loài nào chẳng linh.

Nó cũng muốn như mình đặng sống,

Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi,

Bền công kinh sách xem coi,

Vô can ([28]) sát mạng, thiệt thòi rất oan.[[29]]

Theo Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo thì đến ngày Thứ Bảy, Đức Chúa Trời đã tạo ra muôn loài vạn vật xong, Ngài bèn ban phước cho loài người và phán rằng: “Hãy sanh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy mặt đất; hãy làm cho đất phục tùng; hãy quản trị loài cá dưới biển, loài chim trên trời cùng các vật sống hành động trên mặt đất.” (Cựu Ước: Sáng Thế 1:28)([30])

Đức Chúa Trời lại phán: “Nầy, Ta sẽ ban cho mọi thứ cỏ kết hột mọc khắp mặt đất, và các loại cây xanh quả ấy sẽ là đồ ăn cho các ngươi.” (Cựu Ước: Sáng Thế 1:29)([31])

Thế đủ biết lòng háo sanh của Đức Chí Tôn đối với các đẳng chúng sanh là ngần nào. Cho nên từ hàng Tiên Phật đến người tu chúng ta đều phải thể theo đức háo sanh ấy mà chăm sóc, quản lý mọi vật theo trật tự của Tạo Hóa.

Xưa nay vì không biết mà phạm tội sát sanh; nay biết rồi thì thôi sát sanh đi, “Chẳng những người với cầm thú mà thôi, lần lần cũng đừng sát hại vô ích cho tới côn trùng và thảo mộc nữa.” ([32]) vì bản năng sinh tồn của chúng cũng giống ta, cũng biết tìm cách kiếm cái ăn cái ở, tìm chỗ an tránh chỗ nguy, ham cái sống sợ cái chết. Nếu không phải do nguyên nhân chẳng đặng đừng nào thì tại sao ta đành lòng gây tổn hại cho chúng đến nỗi tuyệt giống dứt nòi từ trong trứng nước? Khi báo ứng đến ta sẽ liệu sao đây?

Người phú túc ([33]) vun nền âm đức,

Lấy lòng nhơn, giúp sức trợ nghèo,

Chớ sanh chước hiểm hẹp eo,

Lời tăng quá vốn, kẻ nghèo siết than.

Làm mặt phải, bạc ngàn cúng Phật,

Ép kẻ nghèo cố đất cầm vườn,

Phật Trời nhơn vật đồng thương,

Có đâu hưởng của bất lương mà mời.

Phận làm chủ lấy lời nhỏ nhẹ,

Mà nghiêm trừng mấy kẻ tôi đòi,

Đừng lòng nham hiểm hẹp hòi,

Buông lời chửi rủa đòn roi không từ.[[34]]

Đoạn nầy nói về người giàu có làm nghề cho vay lấy lãi, nói cách khác là kinh doanh tiền tệ. Luật Đạo cũng không cấm nhưng phải tuân thủ luật pháp ngoài đời. Điểm quan trọng ở đây là kinh doanh để mưu sinh cũng cần phải đặt trong tinh thần nhân đạo, không nên theo phương châm “vi phú bất nhân” 為富不仁 [làm giàu thì không có lòng thương người].

Của tiền có bằng chánh nghiệp mới quý, còn đồng tiền tạo nên bởi mồ hôi nước mắt của người khác là đồng tiền oan nghiệt, đồng tiền ma quỷ. Nó là mầm mống cho sự khuynh gia sau nầy. Do đó, việc cho vay lãi suất thấp giúp vốn cho người nghèo có cơ hội mưu sinh, trong Đạo không ai cấm, lại càng được hoan nghênh hơn nếu tạo điều kiện dễ dàng cho việc chi trả hay xóa nợ đối với người gặp cảnh ngộ rủi ro khốn đốn.

Không nhập lãi thành vốn tính theo phép lũy tiến quá cao khiến kẻ nghèo phải cầm cố ruộng đất, vườn tược; bước đường cùng liều mình làm bậy hoặc tuyệt vọng quyên sinh.

Không sắm sanh lễ vật hoặc đem nhiều tiền của đến cúng chùa, lạy cầu Trời Phật, Thần Thánh hay tìm thầy xin bùa ngải xui cho con nợ trả đủ và trừng phạt kẻ đã quỵt nợ mình.

Đó là người phú túc biết vun nền âm đức vậy.

Đối với kẻ ăn người ở trong nhà, khi muốn quở trách hay dạy bảo cũng phải dùng lời lẽ nhỏ nhẹ ôn tồn, không ỷ lại mình là chủ rồi mặc tình mắng mỏ làm nhục kẻ làm công. Cổ nhân từng nói: “Nếu cậy mình giàu mà khinh bạc kẻ nghèo, thì chẳng qua mình là tên tù mọi giữ tiền mà thôi.” (Thị phú khinh bần, thủ tiền lỗ nhĩ. 恃富輕貧, 取錢虜耳.)

Bởi con người dù nghèo dù giàu ai cũng có nhân phẩm, nhân vị của mình. Chà đạp nhân phẩm người khác cũng đồng nghĩa tước đi quyền làm người của họ. Là người đạo, luôn tôn trọng nhân vị của người khác, không phân biệt hèn sang cao thấp, vì tất cả đều là con cái của Đức Thượng Đế cha chung.

3.2. Soi rọi về chữ Hiếu

Hiếu Kinh (quyển 9) có câu: “Thân thể phát phu thọ chi phụ mẫu, bất cảm hủy thương, hiếu chi thủy dã.” ([35]) (Thân thể, tóc da do cha mẹ tạo ra, không dám hủy hoại hay làm thương tổn nó, đó là cái khởi đầu của hiếu thảo vậy.) Xem ra thân thể còn phải bảo trọng như vậy, về đạo đức tinh thần lại càng phải gìn giữ chặt chẽ hơn.

Thầy Tăng Tử cho rằng hiếu có ba điều: Đại hiếu là tôn trọng cha mẹ, khuyên nhủ cha mẹ sống theo Đạo; thứ đến là không làm gì gây ô nhục cha mẹ; thấp nữa là nuôi được cha mẹ. (Hiếu hữu tam, đại hiếu tôn thân, tiên ý thừa chí, dụ phụ mẫu vu Đạo, kỳ thứ bất nhục, kỳ hạ năng dưỡng.)([36]) Và điều rốt ráo sau cùng của chữ hiếu, theo Hiếu Kinh (quyển 9), là lập chí lớn phụng sự nhơn sanh, xả thân hành đạo, hoằng dương chánh giáo, rạng rỡ tiếng lành về sau, thơm lây cha mẹ. (Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế dĩ hiển kỳ phụ mẫu, hiếu chi chung dã.)([37])

Làm con phải trau dồi hiếu đạo,

Trước là lo trả thảo ([38]) mẹ cha,

Lòng thành thương tưởng ông bà,

Nước nguồn cây cội mới là tu mi.([39])([40])

Bổn phận làm con, đạo hiếu phải giữ làm đầu là vì ta có được thân nầy, sự trưởng thành nầy cũng nhờ công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ. Công ơn tác tạo như biển trời nầy mẹ cha tuy không kể nhưng niềm hy vọng lớn lao của người là muốn cho con cái mình nên thân nên phận, nếu lớn lên không làm được điều gì hiển tổ vinh tông thì ít ra cũng không làm điều gì nhơ danh dòng họ.

Đôi liễn tranh thờ trong dân gian có ghi:

Sơn cao vị báo cù lao đức,

Hải khoát nan thù cúc dục ân.([41])

(Biển rộng khó đền ơn cúc dục,

Non cao chưa trả đức cù lao.)

Cù lao, cúc dục là siêng năng, khó nhọc bồng bế, nuôi nấng con cái. Ý câu nầy là công ơn cha mẹ to lớn quá, dù có báo đáp suốt đời cũng chưa thỏa lòng người hiếu tử. Cho nên việc trả thảo xuất phát từ tấm lòng thương kính ông bà, cha mẹ. Khi cha mẹ già, không còn sức khỏe như xưa bởi suốt cuộc đời hết lao lực đến lao tâm lo cho con cái. Mỗi lúc trái gió trở trời dễ làm cho người đau ốm, chưa kể ngày thường thì tứ chi yếu ớt, mỏi gối nhức lưng. Thậm chí có nhiều bậc cha mẹ còn chưa yên thân ở tuổi già vì bận bịu lo làm giúp con nghèo khó và nuôi đàn cháu dại khờ.

Vẫn biết là “lỗ mũi nhìn xuống” nhưng phận làm con, ta cố nhìn lên đi. Tình thương của ông bà, cha mẹ bao la như vậy làm sao không chạnh lòng tưởng đến cho được. Nên chi, dẫu tánh tình cha mẹ có hóa ra lẩm ca lẩm cẩm, hình vóc cha mẹ có gầy còm, tài sản cha mẹ có cạn kiệt, thì người vẫn là cha mẹ ta, đừng chạy theo sĩ diện hão huyền mà chê bai, trách cứ người, e rằng tội lỗi lắm. Cho cha mẹ ăn ngon uống bổ, mặc ấm ngủ yên, kèm theo hiếu tâm, hiếu hạnh thì có gì quý hơn đạo phụng dưỡng song đường.

Hiếu tâm là lòng thương kính; hiếu hạnh là lời nói lễ phép, thái độ ôn hòa, không nói hay làm những việc khiến người phải lo âu sầu muộn. Có vậy thì hiếu dưỡng mới thực sự không bị hoài công.

Ông Trình Hạo (1032-1085) đời Tống (Trung Hoa) nói: “Tử quả hiền hỹ, kim tuy bần tiện, hậu tất phú quý. Tử bất tiếu hỹ, kim tuy phú quý, hậu tất bần tiện.” ([42]) (Làm con hiền đức hiếu thảo, nay tuy chịu nghèo hèn nhưng về sau ắt được giàu sang. Còn làm con mà ngổ nghịch bất hiếu, nay tuy giàu sang nhưng về sau nghèo hèn.)

Cây có cội, nước có nguồn. Làm sao giữ cội tông đường cho sum suê thạnh mậu; giữ nguồn tổ tiên cho trong sạch trường lưu, chỉ có hướng thượng tu hành, vun nền đạo đức mới giúp ta hoàn thành hiếu đạo mà thôi.

3. 3. Soi rọi về chữ Nghĩa

3.3.1. Nghĩa đối với anh ch em trong gia đình

Người tai mắt ([43]) đạo nhà ([44]) khá giữ,

Nghĩa anh em cư xử thuận hòa,

Vẹn tròn đạo cả ([45]) giềng ba,([46])

Kính anh mến chị, thì là phận em.

Trên thương dưới xét xem kẻ nhỏ,

Lúc lâm nàn ([47]) chớ bỏ tránh xa,

Cũng là một gốc sanh ra,

Gồm bao nâng đỡ ruột rà thương nhau.[[48]]

Người tai mắt ở đây có nghĩa là hiểu biết. Tai nghe những điều hay, mắt thấy những lẽ phải về cách cư xử giữa anh em trong gia đình. Cùng chung một giọt máu đào, chung một bào thai sanh ra thì lẽ nào không thương nhau được.

Chị ngã em nâng, em rơi thì anh đỡ, có lòng muốn tốt cho nhau, không so bì hơn thua nhau, dưới tôn kính trên, trên yêu mến dưới, một mực thuận hòa. Cùng nhắc nhau giữ vẹn mối giềng luân lý đạo đức. Dù lớn lên mỗi người đều có gia đình riêng, cuộc sống riêng, vẫn cần quan tâm nhau trong những việc nên hư thành bại. Nhất là gặp anh em trong lúc nguy nàn, ít nhiều cũng giùm giúp nhau, không giúp được vật chất thì tìm cách nâng đỡ tinh thần, tháo gỡ khó khăn, chớ đừng xa lánh. Cuống rún làm sao lìa được, tay đứt ruột mềm mà.

Lời tục nói: “Tốt lá tốt nem, tốt anh tốt em.” Anh giàu mà em nghèo, anh nên mà em hư, những sai biệt nầy cố gắng bù đắp khiếm khuyết cho nhau, không để mặc cảm nào làm ngăn cách tình ruột thịt, vì “một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Ta nghe thêm lời Thầy dạy trong Tu Chơn Thiệp Quyết:

Tình máu mủ đồng bào ([49]) cốt nhục,([50])

Cũng rún nhau ([51]) một cục ([52]) xắn chia,([53])

Đừng toan chước quỷ phân lìa,

Ở cho hòa nhã ([54]) tiếng bia danh đồn.([55])

3.3.2. Nghĩa đối với nhân quần xã hi

Hễ biết nghĩa, thọ ơn chẳng bội,

Giúp cho người chớ vội khoe ra,

Việc chi cũng có chánh tà,

Làm điều phải nghĩa tránh xa vạy vò.([56])[[57]]

Trong quan hệ xã hội, chúng ta mặc nhiên chấp nhận sự thù tạc với nhau giữa bạn bè, bà con, láng giềng qua mấy lúc thạnh suy của cuộc sống.

Nếu ai làm ơn cho ta điều gì dù chỉ một số tiền nhỏ, một vài lon gạo, một hai tiếng nói giúp, hoặc một ít lời khuyên trong lúc ta sa cơ thất thế cũng đã quý hóa rồi, đừng bội bạc quên ơn. Nếu ta có thi ơn cho ai cũng đừng khoe ra cho người khác biết, vì sẽ xúc phạm đến lòng tự trọng của người thọ ơn và mất đi ý nghĩa tốt của việc mình làm. Bởi ở đời lẽ chánh điều tà thường hay đắp đổi nhau như hai mặt của một tờ giấy.

Thí dụ, ta giúp đỡ một người bạn đang khó khăn cần giải quyết, đó là việc chánh. Nhưng khi ta đem khoe với người khác hoặc kể công với người mình giúp thì việc ấy trở nên tà. Chánh tà chỉ cho hai mặt của một sự kiện do con người khéo léo hay vụng về khi cư xử với nhau. Nên đạo nghĩa cũng cần nhắm ngay đích chánh mà thực hiện thì không lạc vào đường tà vạy.

Còn hoi hóp tranh đua bay nhảy,

Nhắm mắt rồi, phủi thảy lợi danh,

Lương tâm thường xét cho rành,

Của không phải nghĩa, chớ sanh lòng tà.

Người quân tử chẳng thà chịu khổ,

Đâu làm điều nhục tổ hổ tông,([58])

Đứa ngu thấy của thì mong,

Không gìn tội lỗi, phép công nước nhà.[[59]]

Đạo nghĩa không chỉ dừng lại ở chỗ đối xử tốt trong tình anh em, bằng hữu, người ơn ... mà phải có dũng khí nhìn lại lòng mình xem có làm chuyện bất nghĩa để nhận về của cải phi nghĩa không.

Đã biết rằng hễ còn sống là còn tranh đua bay nhảy, nhưng tranh đua trong lành mạnh, trong tiến bộ; bay nhảy là linh hoạt trong giao dịch làm ăn chánh đáng để mưu cầu sự an cư lạc nghiệp cho gia đình, góp phần làm cho xã hội phồn vinh, dân giàu nước mạnh, vì sau khi nhắm mắt lìa trần rồi, ta có đem theo riêng được một miếng danh miếng lợi nào đâu.

Nói tranh đua bay nhảy là không phải để thâu tóm lợi lộc cho nhiều bằng những mánh khóe cờ gian bạc lận; sản xuất hay tiêu thụ hàng gian hàng giả, chứa chấp và mua bán đồ vật do trộm cắp; làm môi giới lừa đảo, làm giả chứng từ mua bán ... vì đồng tiền ám nhãn nên bất chấp tiếng kêu than của người bị hại. Đó là những việc làm ô danh tông tổ. Người quân tử chẳng thà chịu sống đói nghèo khổ cho sạch chớ dứt khoát không thể nhúng tay vào vũng bùn ấy.

Thật đáng thương hại cho những ai mê muội không màng tội lỗi, xem thường quốc pháp gia quy.

3.4. Soi rọi về chữ Trung

Người trung trực lo âu nợ nước,

Hưởng lộc vua, tìm chước an bang,([60])

Chớ làm con giặc ([61]) tôi loàn,([62])

Thuế sưu đóng đủ, đừng toan kế tà.[[63]]

Trong ba giềng mối của đạo làm người thì đây là Quân Thần Cang. Người xưa nói trung với vua, bây giờ ta hiểu là trung với nước, với Tổ Quốc, với mảnh đất mà mình đã sanh ra và lớn lên trên đó. Nếu ta phải có hiếu với cha mẹ trong gia đình nhỏ thì cũng phải có trung với gia đình lớn là Tổ Quốc. Công dân của Tổ Quốc được phân ra hai hạng: Hạng hưởng lương bổng của Nhà Nước từ những vị đứng đầu chính phủ đến những viên quan, công chức địa phương và hạng dân thường.

Theo ý nghĩa trong đoạn Kinh Sám Hối trên, lòng trung thành với Tổ Quốc của quan chức được thể hiện qua sự tận tụy, toàn tâm toàn ý cho nhiệm vụ của mình, tìm cách ổn định nước nhà từ việc giữ an bờ cõi đến việc chăm sóc đời sống người dân, làm cho dân giàu nước mạnh, thật sự lạc nghiệp âu ca. Hành vi tham ô nhũng nhiễu, cậy thế ỷ quyền gây mất lòng dân, để ngoại bang thừa nước đục thả câu sẽ bị mang tiếng là “con giặc tôi loàn”.

Còn lòng trung thành với Tổ Quốc của người thường dân là tuân hành mọi chính sách pháp luật mà Nhà Nước quy định, hoàn thành các nghĩa vụ công ích như lao động, quốc phòng và thuế khóa. Làm ăn sinh sống phải lương thiện, không dùng mưu nầy kế nọ lòn lách mua chuộc quan chức để trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế hay những hành động phi pháp khác, gây tổn hại đến nền kinh tế quốc dân để gom lợi về mình nhiều hơn.

Người dân thường, ngoài việc trung với Tổ Quốc, còn phải giữ lòng trung thành với chủ mà mình đang làm việc và nhận lương từ họ. Người dân thường bao gồm những người giúp việc nhà, công nhân tư chức trong các công ty, xí nghiệp. Xem việc nên hư thành bại của cơ quan, của công ty, của chủ như là việc của mình, không có ý tưởng cơ hội lánh nặng tìm nhẹ, làm việc qua loa để chờ tới tháng lãnh lương; không gian dối trong việc làm để bòn rút của công; không điêu ngoa nịnh hót để lợi dụng lòng tin của chủ:

Phận làm tớ thật thà trung tín,

Với chủ nhà trọn kính trọn ngay,

Áo cơm no ấm hằng ngày,

Của người châu cấp,([64]) ơn dày nghĩa sâu.

Đừng gặp việc câu mâu ([65]) biếng nhác,

Mà quên lời phú thác ([66]) dặn dò,

Trước người giả bộ siêng lo,

Sau lưng gian trá so đo tấc lòng.

Phải chừa thói loài ong tay áo,([67])

Bớt học đòi khỉ dạo dòm nhà,([68])

Gìn lòng ngay thẳng thật thà,

Nói năng minh chánh,([69]) lời ra phải nhìn.([70])[[71]]

3.5. Soi rọi về chữ Thành Tín 誠信

Làm người phải kỉnh thờ Thần Thánh,

Giữ lời nguyền tâm tánh tưởng tin,

Hễ là niệm Phật tụng kinh,

Rèn lòng sửa nết khá in như nguyền.[[72]]

Chừa thói xấu đảo điên trong dạ

Muôn việc chi chẳng khá sai lời,

Dối người nào khác dối Trời,

Trời đâu dám dối, há đời ngổ ngang.([73])[[74]]

Đối với người đã lập nguyện nhập môn, sự kính thờ các Đấng là điều tất nhiên không phải bàn, nhưng lòng tin tưởng đôi khi vì ngoại cảnh cũng bị lệch lạc đôi chút, chỉ cần củng cố tâm tánh lại sau mỗi thời cúng và tụng kinh, thâm đắc ý nghĩa từng câu kinh mà rèn luyện lòng lành, sửa trau hạnh nết cho giống y lời nguyện ban đầu của mình: Gìn luật lệ Cao Đài, không lòng một dạ hai ...

Có được lòng thành tín kiên định rồi, thì trong bụng dạ của mình sẽ không còn đảo điên bởi những thói xấu gian xảo nữa. Vì dối người chẳng khác nào dối Trời, như câu “Khi nhơn tức khi Thiên” 欺人即欺天 [khinh người tức là khinh Trời], và người nào dám dối Trời thì việc buôn Thần bán Thánh trong tôn giáo, người đó còn xem ra chi nữa mà không dám làm. Ngoài miệng thì nói thương Thầy, mến Đạo, vị nhơn sanh nhưng thâm ý thì mưu toan mượn danh đạo tạo danh đời. Như thế có phải là quá đỗi ngổ ngang không?

Đời nhiều kẻ khi Thần thị Thánh,([75])

Ám muội lòng, tánh hạnh gổ ganh,([76])

Thấy ai làm phải làm lành,

Siểm gièm cho đặng khoe danh của mình.

Lại còn có tánh tình hiểm độc,

Xúi phân chia thân tộc ruột rà,

Làm cho chồng vợ lìa xa,

Cả đời nghiệp báo oan gia ([77]) chẳng rời.

Muốn tránh đặng khỏi nơi tội quá,([78])

Lánh kẻ tà chẳng khá nên gần ...[[79]]

Ở đời lại có nhiều kẻ vì xem thường Thánh Thần, không có lòng thành tín nên chuyện xấu nào họ cũng dám làm mà không sợ tội lỗi. Tâm địa luôn bị u mê nên tánh tình trở nên hẹp hòi ngạo mạn, hay đố kỵ người khác. Thấy ai hiền hậu được mọi người yêu mến, thấy ai giỏi giang được công chúng ngợi khen bèn nổi máu tỵ hiềm, ngấm ngầm gieo oan gây hại uy tín hoặc to tiếng bài xích chê bai nhằm khoe mình mới chính là hiền nhơn quân tử, tài giỏi hơn người.

Với họ thì “thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông chi họ hàng”. Họ chẳng khác gì cái đòn xóc hai đầu, hết chọc bên nầy lại quay thọc bên kia, xúi giục hai đàng tranh tụng nhau để ở giữa họ làm “ngư ông đắc lợi” gieo chuyện thị phi cho anh em, chồng vợ người khác phải tan đàn sẻ nghé để họ vui cười hể hả. Họ nào hay đâu oan nghiệt đang vây hãm họ và chờ ngày báo ứng.

Người biết đạo đức thì không như thế. Thấy ai hiền tài thì trân trọng hạ mình học hỏi; thấy ai làm lành được nhiều người mến chuộng thì cùng chia sẻ niềm vui; thấy bè bạn, gia đình thân tộc ai bất hòa thì tìm cách dùng lời khuyên lơn, hàn gắn tình cảm đôi bên khỏi bị sứt mẻ. Nhà nhà ấm êm, người người đoàn kết, xã hội an bình, hỏi người chính trực nào không lấy làm vui thích? Cho nên muốn sáng thì phải gần đèn; muốn mau nên tốt thì phải gần người lương thiện, xa kẻ gian tà. Bao giờ tâm chí mình vững như trụ đồng rồi, muốn gần kẻ gian tà để chuyển độ cũng không sao.

3.6. Soi rọi về chữ Lễ

Phải cho biết kỉnh vì trên trước,

Đừng buông lời lấn lướt hồ đồ,

Thuận cùng chú bác cậu cô,

Bà con chòm xóm, ra vô khiêm nhường.

Thấy già yếu, hẹp đường nhượng tránh,

Đừng chỗ đông buông tánh quá vui,

Cợt người ra dạ dể duôi,

Sanh điều chích mích,([80]) đâu nguôi dạ hờn.

Khi tế tự, chớ lờn chớ dể,

Việc quan hôn, thủ lễ nghiêm trang,

Gìn lòng chẳng khá lăng loàn,

Lễ nghi vẹn giữ vững vàng chớ quên.[[81]]

Lễ là đầu mối của đạo xử thế, là trật tự của gia đình xã hội, mà trật tự là công lệ đầu tiên của Tạo Hóa. Lễ cũng là sự tiết chế điều độ trong cách tu thân và đối nhơn xử thế, là phép tắc duy trì sự ổn định, hòa khí, tôn ti có tính tự giác, học hỏi tập tành cho thành thói quen tốt, chớ không bó buộc cưỡng cầu.

Trong nhiều trường học, thầy giáo cho kẻ lên những bức tường của phòng học câu “Tiên học lễ, hậu học văn” 先學禮, 後學文 để học trò hàng ngày nhìn thấy mà giữ gìn nền nếp văn minh từ chốn học đường.

Đối với mọi người, nhất là bậc cao niên trưởng thượng, chú bác cậu cô hay bà con chòm xóm, ta phải tỏ lòng kính trọng bằng thái độ, lời nói từ tốn khiêm cung, nhường nhịn, không dùng lời lẽ hồ đồ hỗn xược trong bất cứ trường hợp nào nhằm bảo thủ tính tự tôn của mình.

Khi đi vào những chỗ đông, đường hẹp, lên xe buýt ... ta nên lưu tâm đến các cụ già yếu, người bệnh hoạn, không giành lối đi hay chỗ ngồi mà phải nhường tránh cho họ đi trước, ngồi trước.

Ở nơi tụ tập đông người, nên nói năng dè dặt, không vì vui vẻ mà cợt đùa quá trớn sanh ra mất vui, chưa kể một câu nói vô ý khiến người khác bị tổn thương tự ái rồi để bụng hờn giận mình, thậm chí sau đó xảy ra gây gổ làm mất đoàn kết lẫn nhau.

Trong việc quan hôn, dù là tiệc tùng hỷ sự cũng nên giữ khuôn phép lịch sự, không vì quá vui mà phát ngôn bừa bãi, cử chỉ lố lăng, gây ấn tượng xấu cho mọi người, mất đi ý nghĩa tốt đẹp của ngày vui.

Thánh Nho xưa phân ra năm điều lễ về quan sự như: cát (lễ ăn mừng may mắn), hung (lễ cúng khi gặp điều xui xẻo, tai nạn), quân (lễ tế khi có việc binh đao), tân (lễ đón khách đến thăm), gia (lễ khi có hỷ sự trong nhà như cưới gả). Khi tham dự lễ tang, lễ tế càng phải giữ nghiêm trang hơn, và lễ tế cha mẹ và Thánh Thần thì không lễ nào quan trọng bằng. Người đứng tế được tiên linh hay Thần Thánh cảm ứng chứng minh không phải do phẩm vật tế mà do lòng thành ngưỡng vọng phụng thờ.

3.7. Soi rọi về chữ Liêm Sỉ 廉恥

Ở ngay thẳng thần minh ([82]) bảo hộ,

Nết xéo xiên gặp chỗ rạc tù,([83])

Trong đời rất hiếm ([84]) võ phu,([85])

Lường cân tráo đấu, dối tu cúng chùa.([86])

Ăn ở ngay thẳng thật thà gọi là Liêm. Biết xấu hổ khi làm việc xằng bậy trái đạo nhơn luân gọi là Sỉ. Người ngay dù hay gặp hoạn nạn cũng được chư Thần soi xét bảo hộ, có oan tình cũng được chấm công, hạ hồi sẽ lại trời quang mây tạnh.

Còn kẻ tính nết xéo xiên, lòng dạ vạy tà, ngày đáo đầu cũng không tránh khỏi vướng vòng lao lý tại cõi trần gian và chốn Âm Tào Địa Phủ. Rủi ro là trong đời kẻ giả dối lại nhiều, ta tránh bắt chước những cách mà họ làm ăn bất chánh như cân gian đong thiếu, tráo đồ xấu lấy đồ tốt, giả bộ tu hành để gạt gẫm tín đồ, mượn tiếng cúng chùa để phô trương thương hiệu hoặc cầu lấy hư danh ...

Lại có kẻ miệng ngay lòng vạy,

Tởi ([87]) làm chùa, dối cậy in kinh,

Ăn gian xới bớt cho mình,

Đâu qua dương pháp,([88]) luật hình Diêm Vương.

Thêm những sãi giả nương cửa Phật,

Của thập phương châu cấp thê nhi,

Ngày sau đọa lạc Âm Ty,

Thường thường khảo kẹp, chẳng khi nào rời.[[89]]

Điều 3 trong Tứ Đại Điều Quy ghi: “Bạc tiền xuất nhập phân minh ... Một câu rất đơn giản nhưng khi áp dụng vào thực tế cũng không ít người vi phạm, nhứt là ở những người giữ nhiệm vụ thủ quỹ hay quản lý các công trình xây dựng, từ thiện, in kinh sách trong đạo.

Về điểm nầy, có người đặt vấn đề bằng một thí dụ: Tôi bòn rút thâm lạm của anh một số tiền để xài riêng hay cho gia đình, thì quả nghiệp tôi mang chỉ dính dáng đến một mình anh thôi, nhưng nếu tôi bòn rút thâm lạm một số tiền của chùa là gồm của nhiều đạo tâm cúng hiến, quả phước của những vị đạo tâm ấy bao nhiêu thì quả nghiệp tôi phải gánh là bấy nhiêu.

Vì danh thể của đạo, nên trong đạo không ai đi thưa kiện làm chi về những chuyện ăn gian xới bớt bằng những hóa đơn, chứng từ giả nhưng luật nhân quả vô hình mà người vi phạm sẽ không tránh khỏi.

Bày chước độc xúi ra việc quấy,

Tổn cho người mà lấy lợi riêng,

Hễ nghe khua động đồng tiền,

Sửa ngay làm vạy, không kiêng chút nào.

Người nghèo khổ biết sao than kể,

Kẻ lễ nhiều cậy thế ỷ quyền,

Làm quan tính kế đảo điên,

Gạt thâu gia sản đất điền của dân.([90])

Chẳng lẽ vì cái dàm danh khóa lợi ấy mà ta bắt chước như họ được sao? Bề ngoài thì thấy sáng láng thơm tho cho áo lượt quần là, cho cao nhà rộng cửa, cho từng bữa cao lương, nhưng tối tăm cho tâm hồn mê lậu, cho trí não quay cuồng trong từng phút từng giây, không lúc nào thức giác. Ta có thể vì âm vang khua động của đồng tiền mà bất chấp sự ngay thẳng, bẻ cong luật pháp, qua mặt lưới Trời, dối gạt người đời để hưởng phần lợi lạc béo bở hơn sao?

Ta suy gẫm thêm câu nầy của người xưa: “Thuật trá di chi, tử tôn giả vong. Đạo đức di chi, tử tôn giả xương. Bổn cố chi trường, lưu truyền vạn đại.” ([91]) (Do tâm thuật gian trá mà để lại tiền của, con cháu ắt phải tiêu vong. Chẳng bằng để lại đạo đức, con cháu sẽ được thịnh đạt. Gốc có vững thì cành lá mới dài, phước nhà bền bỉ muôn đời truyền lưu.)

Gái xướng kỵ, trai thì du đãng,

Phá tan hoang gia sản suy vi,

Làm người phải khá xét suy,

Của rơi chớ lượm, tham thì phải thâm.

Còn một nỗi gian dâm đại tội,

Lấy vợ người làm lỗi tiết trinh,

Tuy là trời đất rộng thinh,

Mắt dường sao nháy chiếu minh ([92]) lòng người.[[93]]

Chữ xướng kỵ đọc trại từ chữ xướng kỹ 唱妓 (con hát trong các thanh lâu tửu quán, gọi là kỹ nữ 妓女, giống như các cô gái làm nghề tiếp viên ở các quán đèn mờ có Karaoke bây giờ).

Phàm trong cuộc mưu sinh, người ta có hằng trăm nghề để chọn, mà nghề nào lương thiện là nghề ấy tốt tùy theo năng lực mỗi người, chỉ có nơi đổ bác 賭博 (cờ bạc) và thanh lâu 青樓 (bán phấn buôn hương) thì bàng dân thiên hạ cho là nơi thấp nhất của trần tục. Gia đình nào có con cái đến đó đều bị xem là đáng xấu hổ.

Cho nên người biết gìn giữ gia phong, biết thế nào là sĩ diện, thì phải xét suy những việc mình định làm để kiếm miếng cơm manh áo chơn chánh mà phép nước chấp nhận và xã hội đồng tình hay không. Đừng vì lòng tham đắm mà gây khổ lụy cho bao người và tác hại đến danh dự bản thân, gia đình qua những việc như ngoại tình, phong lưu theo lối trụy lạc làm gia sản suy vi, lúc cùng đường đi đâm thuê chém mướn, gây gổ đánh nhau, tranh giành quyền lợi; nhặt lấy của rơi không chịu trả, biết đâu trong khi mình vui sướng hưởng của hoạnh tài nầy cũng là lúc người khác đang thống khổ vì lâm cảnh rủi ro.

Trời đất mênh mông, ngày đêm như vô tình, như không tiếng nói, không có mắt nhìn, con người cứ mặc sức vẫy vùng trong vũng lầy tội lỗi nhưng nào thấy hình phạt gì giáng xuống cho người ta? Nếu cứ tưởng vậy có phải hóa ra lầm lẫn chăng? Giữa khoảng không trung bao la ấy, mắt Thầy tưởng như vô hình nhưng dường thể sao nháy chiếu rõ lòng người, thì cái tâm thiện ác có gì là kín nhẹm đâu. Chỉ có lòng thật sự biết hổ thẹn chừa bỏ sai lầm thì tâm trí mới sáng ra, tìm việc tốt mà làm vì rằng “hùm chết để da, người ta chết để tiếng”.

3.8. Soi rọi về chữ Tiết Hạnh 節行

Giá trong sạch,([94]) nữ nhi trượng tiết,([95])

Giữ cho tròn trinh liệt ([96]) mới mầu,([97])

Ở sao đáng phận đạo dâu,

Thờ chồng tiết hạnh mới hầu gái ngoan.([98])

Đừng có cậy giàu sang chẳng nể,

Không kiêng chồng khi dể công cô,([99])

Ấy là những gái hung đồ,([100])

Xúi chồng tranh cạnh hồ đồ ([101]) sân si.

Tánh ngoan ngạnh ([102]) không vì ([103]) cô bác,

Thói lăng loàn bạn tác ([104]) khinh khi ...[[105]]

Câu “Gìn lòng tuyết sạch giá trong” thường để ám chỉ sự coi trọng trinh tiết của người phụ nữ luôn giữ trắng trong như tuyết giá. Mở đầu truyện Lục Vân Tiên, cụ Nguyễn Đình Chiểu viết: “Trai thời trung hiếu làm đầu, / Gái thời tiết hạnh là câu trau mình” đủ biết cái tiết hạnh và trinh liệt của người phụ nữ xưa nay được đề cao là dường nào.

Tiết là ức chế thị dục, dọn mình cho hợp với lễ nghĩa. Người đàn bà góa không tái hôn gọi là tiết phụ. Hạnh là nết na. Nết na khi tiềm ẩn trong lòng (gìn giữ) thì gọi là Đức, khi thể hiện ra ngoài (thực hành) thì gọi là Hạnh. Hạnh cũng là một trong Tứ Đức (công, dung, ngôn, hạnh 功容言行) của người phụ nữ. Trinh là chính bền, ngay thẳng, thủy chung, không ai làm lay động được. Đàn bà chỉ yêu thương một chồng gọi là trinh phụ. Liệt là cứng cỏi, chánh đáng, như liệt sĩ (chiến sĩ kiên cường chết vì nước, vì chánh nghĩa, không chịu khuất phục bạo quyền); liệt nữ (người con gái chết vì tiết nghĩa, không để ai làm nhục tấm thân).

Phẩm chất lý tưởng của người phụ nữ được miêu tả bằng mấy chữ Tiết Hạnh Trinh Liệt như trên, rõ ràng vai trò bổn phận của họ vốn cao quý vô cùng. Vì nữ thuộc phần âm nhu, có tính nhẫn nại chở đỡ, tài thành gia thất theo quy củ Tam Tòng:

Tại gia tòng phụ 在家從父. Lúc còn ở nhà thì vâng lời dạy dỗ, lẽ phải điều hay của cha mẹ và giúp đỡ cha mẹ trong những việc cực nhọc, luôn tạo niềm vui cho cha mẹ.

Xuất giá tòng phu 出嫁從夫. Khi về nhà chồng thì sống theo nền nếp bên chồng, xem cha mẹ chồng (công cô) như cha mẹ ruột, anh chị em chồng như anh chị em mình. Nếu may mắn được sống cảnh giàu sang thì cũng nên khiêm tốn, quý trọng và tử tế với cha mẹ, bà con bên chồng. Không nên có tâm địa nhỏ nhen, to nhỏ xúi chồng ngăn cách tình cảm quyến thuộc của họ mà phải giữ lòng ngay chính, cư xử công bình với hai bên chồng vợ.

Phu tử tòng tử 夫死從子. Một mai người chồng vắn số thì người vợ thủ tiết thờ chồng và trách nhiệm càng nặng nề hơn trong việc thay chồng nuôi nấng, dạy dỗ con cái nên người.

Gái tiết hạnh giữ tròn danh giá,

Chớ học đòi mèo mả gà đồng,

Làm điều nhục nhã tổ tông,

Tiếng nhơ giặt rửa biển sông đặng nào.[[106]]

Lại nữa, danh giá của người phụ nữ tiết hạnh bao gồm việc quan hệ nam nữ trong sáng, không theo thói “mèo mả gà đồng”. Mèo đi hoang ngoài gò mả (khu nghĩa địa), gà chạy rong ngoài đồng, ý nói trai gái quan hệ nhau ở những chỗ bất minh. Thân thể dơ có thể dùng nước tắm gội sạch, nhưng tinh thần phẩm giá dơ lấy gì rửa sạch đây, trong khi xã hội mới dù có hiện đại văn minh tiến bộ đến đâu thì nền tảng luân lý đạo đức vẫn đang còn phải được trân trọng, vì nó phù hợp với nếp sống đạo lý muôn đời.

3.9. Soi rọi về ý thức bảo vệ môi trường

Đồ dơ giặt đổ rạch sông,

Đương khi uế trược thẳng xông chỗ thờ.[[107]]

Trong sinh hoạt hằng ngày, người đạo chúng ta cũng phải nêu cao ý thức góp phần bảo vệ môi trường là không đổ rác, không giặt quần áo, chăn màn chiếu gối dưới sông rạch hay ao hồ; không đổ những chất dơ bẩn, chất độc hại xuống sông rạch hay ao hồ để giữ cho nước không bị ô nhiễm. Việc làm nầy tuy đơn giản nhưng hơi khó. Khó không phải do nặng nhọc mà do thói quen và sự phân bì. Thói quen là tiện thế nào thì làm thế ấy. Chỉ cần tốn chút công nghĩ ra biện pháp để điều chỉnh được thói quen xả rác, xả nước thải không đúng chỗ ngay. Thấy nhiều người hàng xóm phóng uế dưới sông, đổ rác không đúng nơi quy định, ta nghĩ nếu chỉ một mình làm cũng không ăn thua gì là sai. Quan trọng là ý thức việc làm tốt xuất phát từ ý thức tốt; ý thức tốt sẽ tạo ra công đức bổ sung cho quả phước của mình, chưa kể việc tốt sẽ cảm hóa được nhiều người cùng tham gia.

Ngoài ra, nơi chỗ thờ phượng trong nhà cũng phải cho trang nghiêm và sạch sẽ. Không nên để gia súc phóng uế hay trẻ con nô đùa trong gian thờ, không bày tiệc nhậu nhẹt náo nhiệt trước bàn thờ. Bởi có thanh khí thì mới có thanh điển, có thanh điển mới dễ phát tâm thành, mà “hữu thành tắc hữu thần” ([108]) vậy.

Đừng cố oán, thầm lo gây họa,

Đem lòng thù, hăm dọa rấp đường,([109])

Đốt nhà, tháo cống, phá mương,

Nước tràn lụt ngập, ruộng vườn tan hoang.[[110]]

Cũng trong phạm vi gìn giữ môi trường sống cho cộng đồng, ta không vì thù vặt cá nhân hoặc thiếu ý thức vị tha, rào đường lấp ngõ gây cản trở lưu thông; vô tình hay cố ý làm vỡ đê bao; hay ỷ lại cái cống ngăn thoát nước nằm bên đất của mình, nhân lúc triều cường mình tháo cống khiến nước tràn vào ruộng vườn gây hư hao hoa màu của người khác. Hành vi nầy tạo ra tội ác quả không nhỏ.

Chớ kiếm thế gọi ngoan ([111]) xảo trá,

Lưới rập chim, thuốc cá, đốt rừng,

Thương thay, phá noãn ([112]) lẫy lừng,([113])

Tội căn ([114]) báo ứng, biết chừng nào an.[[115]]

Con người cậy vào trí khôn của mình để tìm kế mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, tính đến hằng trăm nghề nhưng có những nghề không lương thiện mà đạo đức hoặc luật pháp ngăn cấm, trong đó có nghề giăng lưới bẫy chim; dùng cây thuốc cá giã nát, thuốc trừ sâu đổ xuống ao, lạch, hoặc dùng điện, chất nổ thả xuống ao, sông, biển ... làm cho cá nổi lên mặt nước để vớt. Tất nhiên các loài cá nhỏ lớn, kể cả trứng đều chết hàng loạt. Do đó Kinh Sám Hối dạy không nên mưu sinh bằng việc mắc lưới bẫy chim, bắn chim, săn thú, thuốc cá, đốt phá rừng ... để bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật, giúp cân bằng hệ sinh thái, đó cũng nhằm bảo vệ sự sống an toàn cho con người, đồng thời cũng tránh tạo thêm tội nghiệp sát sanh.

3.10. Soi rọi về nếp sống văn hóa

Các thơ truyện huê tình ([116]) xé hủy,

Kẻo để đời làm lụy ([117]) luân thường,([118])

Nói lời tục tĩu không nhường,

Tội hành cắt lưỡi, trăm đường ghê thay.[[119]]

Về nhu cầu mở mang kiến thức phổ thông trong đời sống xã hội, ngoài những sách vở phục vụ cho các ngành học chuyên môn và nghiên cứu còn có những loại sách về văn học, tiểu thuyết (...) Khi muốn đọc để vừa giải trí vừa học những kinh nghiệm sống của các nhân vật trong sách, ta nên chọn những loại có nội dung lành mạnh, có tính xây dựng tốt.

Không nên lưu giữ và đọc những loại sách có nội dung xấu như cổ vũ nếp sống trụy lạc, khêu gợi dục tính, đề cao bạo lực, dị đoan mê tín. Bị tiêm nhiễm nó, con người sẽ làm đảo lộn luân thường đạo lý, gây mất trật tự trị an, xem thường tội ác, nhứt là lớp trẻ thanh thiếu niên. Vì chọn sách đọc cũng giống như chọn bạn giao du: bạn tốt mình cũng ảnh hưởng tốt, bạn xấu mình cũng ảnh hưởng xấu.

Chẳng những sách mà hiện nay phim ảnh đồi trụy, bạo lực đang tung hoành tràn lan trong xã hội và trên mạng Internet. Biện pháp phòng hộ tốt nhứt là chúng ta thường xuyên quan tâm đến góc giải trí của con em và chính bản thân mình, không để sách vở, ca nhạc, phim ảnh đồi trụy lọt vào mắt vào tai của mỗi gia đình chúng ta.

Mặt khác, cách biểu hiệu ngôn ngữ cũng theo nếp văn hóa, lịch sự tao nhã, không xuất cuồng ngôn loạn ngữ thô tục chưởi thề vì “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ thương”.

Kẻ tham lợi cột mai cột mối,

Chuốt trau lời giả dối ngọt ngon,

Dỗ dành rù quến gái non,

Làm hư hoại tiết cháu con nhà người.[[120]]

Hành vi mà đạo lý xã hội và luật pháp lên án là những người chuyên đi dụ dỗ, lừa gạt con gái nhà lành nghèo khổ đem bán cho những nơi lầu xanh hoặc đưa vào chỗ tửu điếm trà đình, làm hư hoại danh tiết và cuộc đời của con cái người ta. Theo Kinh Sám Hối đó cũng là một trọng tội.

Chịu cực khổ, đắng cay biết mấy,

Cuốc, cày bừa, gieo cấy, gặt đong,

Làm ra lúa gạo dày công,

Dầm mưa dang nắng, kẻ nông nhọc nhằn.([121])

Dù thế gian ta sinh sống bằng nghề gì, cũng không tránh khỏi nhờ đến bàn tay lao động của nhà nông. Ta no bụng mà sống là nhờ hạt cơm, rau, củ ... Ta khỏe mạnh vượt qua đủ bệnh là nhờ cây thuốc ... Ta ấm áp cũng nhờ vải vóc ... Vậy ai làm ra những thứ ấy thì ta chân thành nhớ ơn họ nhà nông.

Nhớ ơn nhà nông cũng có nghĩa là nhớ ơn công nhân, nhớ ơn đồng bào. Vì sau cái kết quả của sự nhọc nhằn dầm mưa dang nắng, tưới nước bón phân, cắt phơi gặt hái làm ra ngũ cốc, bông vải, dược liệu, cũng cần phải nhờ đến mồ hôi, công sức của công nghiệp chế biến thành thực phẩm, phân phối đến tay ta dùng.

Khá tiết kiệm hằng ngày no đủ,

Tánh siêng năng lam lụ ([122]) làm ăn,

Lòng chừa biếng nhác kiêu căng,

Của tiền lãng phí không ngằn ([123]) phải tiêu.([124])[[125]]

Biết quý trọng công lao của xã hội như vậy, ta mới không dám lãng phí những của cải ấy. Cơm ăn, thuốc uống, đồ dùng, không nên để thừa mứa, hủy hoại trong khi có người cơm cũng thiếu ăn, áo cũng thiếu mặc, thuốc cũng thiếu uống, đồ cũng thiếu dùng. Tiết kiệm chi tiêu không phải là hà tiện bỏn xẻn. Việc nào cần xài thì không tiếc, việc nào vô bổ thì một cắc cũng không chi. Siêng năng làm lụng để cải thiện sự ích nước lợi nhà, lười biếng sẽ phát sanh tánh kiêu căng và ăn xổi ở thì nảy ra làm việc chẳng lành: nhàn cư vi bất thiện 閒居為不善.([126]) Có cực khổ mới cảm thông người khổ cực. Siêng năng, cần kiệm là đạo đức mà làm người ai cũng phải có. Đời sống văn hóa tinh thần có tốt đẹp mới thể hiện được tâm linh hoàn hảo, xã hội văn minh, tốt trong đạo và đẹp ngoài đời. Xâu chuỗi lại những đức tính cần thiết cho đạo làm người mà Kinh Sám Hố đã dạy, để chúng ta định hướng cho cuộc sống đạo: Sống đạo là sống trong nếp sống văn hóa vậy.

II. LỢI ÍCH CỦA VIỆC TU THEO KINH SÁM HỐI

Có câu “Nhân vô thập toàn”. Trong bữa cơm đôi khi vẫn còn làm rơi rớt vài hạt cơm hay sót cơm trong chén. Điều đáng nói là ta nhận biết cái sai sót ấy mà khắc phục, lần lần sẽ không còn đổ cơm, sót cơm trong mỗi bữa ăn nữa, thì có ngày tự mình hoàn thiện lấy mình bởi vì:

Giữa bụi thế ([127]) giữ sao khỏi vấy,

Biết ăn năn xét lấy sửa lòng ...[[128]]

Về lợi ích của việc tu tâm sửa tánh theo Kinh Sám Hối, thì Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối chỉ rõ:

Nghe lời khuyến thiện rất may,

Nguyện lòng niệm Phật, ăn chay làm lành.

Ngày ngày tập sửa tánh thành,([129])

Đêm đêm tự tỉnh,([130]) tu hành ăn năn.

Một là hối ngộ tội căn,([131])

Hai là cầu đặng siêu thăng cửu huyền.[[132]]

Như vậy, hằng ngày tụng đọc Kinh Sám Hối sẽ giúp mình tự thức tỉnh, tự tu hành; biết chừa bỏ lỗi trước để tránh lỗi sau.

Khi tìm hiểu Kinh Sám Hối, chúng ta hệ thống lại các câu dạy về cách thức bồi bổ những phẩm chất đạo đức tốt đẹp mang tính tích cực, để người tu hằng ngày kiểm chứng lại, soi rọi lại cả tam nghiệp (thân, khẩu, ý) có đạt được bao nhiêu điểm chuẩn mà trong Kinh đã đề ra. Ngày ngày tụng đọc, ghi nhớ và thực hành, nhựt nhu ngoạt nhiễm, càng ngày hồng quang thanh điển của chúng ta càng lớn, càng nhiều thì đến ngày chung cuộc từ giã cõi trần, lo chi linh hồn không được nhẹ nhàng mà siêu thăng Tiên cảnh.

15-7 Quý Mùi (12-8-2003)

THANH CĂN

 



([1]) sứ mạng vi nhân: Sứ mạng làm người.

([2]) gổ ganh: Ganh gổ, ganh tỵ, không muốn ai hơn mình (envying someone).

([3]) oán chạ thù vơ: Oán thù vô lý (unreasonable hostility).

[[4]] Đức Thái Thượng Lão Quân, Kinh Sám Hối, câu 37-40.

([5]) ,,,責主冤家從此盡. Nhẫn, nhẫn, nhẫn, trái chủ oan gia theo đó mà chấm dứt tất cả.

([6]) lấp ngõ tài hiền: Chận đường không cho người tài đức tiến thân. Tứ Ðại Ðiều Quy cũng răn cấm: “Chớ che lấp người hiền.” (Điều 2); “Đừng cậy quyền mà yểm tài người.” (Điều 4)

([7]) binh quyền mồ côi: Bênh vực quyền lợi của người thân cô thế cô không có ai giúp sức (upholding the rights of the helpless).

[[8]] Đức Thái Thượng Lão Quân, Kinh Sám Hối, câu 45-48.

([9]) tế độ 濟度: Cứu giúp (helping someone).

[[10]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 121-124.

([11]) thí bạc: Cho tiền bạc (giving money).

([12]) đoái hoài: Nghĩ đến (thinking of someone).

([13]) mỏn vốn thâm tiền: Mòn vốn, thâm hụt tiền bạc (short of money).

([14]) đắp sửa đường liền: Đắp đường sửa lộ cho bằng phẳng (building or mending a road).

[[15]] Đức Đông Huê Đế Quân, Kinh Sám Hối, câu 125-132.

([16]) tập thành 習成: Tập cho quen, cho thành thục (making familiar by practice).

([17]) công phu 功夫: Nỗ lực, gắng sức (effort).

([18]) Nhựt (nhật) nhu ngoạt (nguyệt) nhiễm 日濡月染: 1/ Ngày ngày thấm ướt thì tới tháng sẽ nhuốm sâu vào. 2/ Lâu ngày chầy tháng sẽ ngấm sâu vào. Ý tương tự như mưa lâu thấm đất (Perseverance pays off).

([19]) tội quá 罪過: Tội lỗi (sins).

([20]) không tư chẳng vì: Không tư vị 私為, không thiên lệch, chẳng vì tình riêng, vô tư và công bình (fair, impartial).

([21]) hằng hà: Nói tắt của hằng hà sa số 恆河沙數 (nhiều như số cát ở sông Hằng bên Ấn Độ), nghĩa là vô số (innumerable).

([22]) tụ thiểu thành đa 聚少成多: Tích tụ nhiều cái nhỏ thì gộp thành cái lớn (Many a little makes a mickle).

([23]) chẳng qua mảy hào: Chẳng sót, chẳng lọt chút xíu nào dù rất nhỏ nhặt (Even the slightest cannot escape).

[[24]] Đức Đông Huê Đế Quân, Kinh Sám Hối, câu 133-144.

([25]) háo sanh (hiếu sinh) 好生: Yêu sự sống.

([26]) một màu: Y như nhau, giống in nhau (the same).

([27]) thượng cầm hạ thú 上禽下獸: Chim chóc trên trời, muông thú dưới đất (birds in the sky, animals on the ground).

([28]) vô can: Chẳng dính líu gì (uninvolved).

[[29]] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 205-212.

([30]) Have many children, so that your descendants will live all over the earth and bring it under their control. I am putting you in charge of the fish, the birds, and all the wild animals. (Genesis 1:28)

([31]) I have provided all kinds of grain and all kinds of fruit for you to eat. (Genesis 1:29)

([32]) Tòa Thánh Tây Ninh, Chánh Phối Sư Thượng Tương Thanh, Châu Tri số 28, ngày 18-8 Tân Mùi (Thứ Ba 29-9-1931), dạy về Ngũ Giới Cấm.

([33]) phú túc 富足: Giàu có đầy đủ (rich).

([34]) Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 293-304.

([35]) 身體髮膚受之父母,不敢毀傷 ,孝之始也.

([36]) 孝有三, 大孝尊親, 先意承志, 誘父母于道, 其次不辱, 其下能養.

([37]) 立身行道, 揚名於後世, 以顯其父母, 孝之終也.

([38]) trả thảo: Trả hiếu, báo hiếu (fulfilling one’s filial duty).

([39]) tu mi 鬚眉: Đàn ông, kẻ mày râu (tu: râu; mi: lông mày). Phụ nữ không có râu lại thường cạo hoặc nhổ sạch lông mày để vẽ cho đẹp; do đó tu mi chỉ đàn ông.

[[40]] Đức Thái Thượng Lão Quân, Kinh Sám Hối, câu 49-52.

([41]) 高未報劬勞德 / 海闊難酬鞠育恩.

([42]) 子果賢矣,今雖貧賤,後必富貴. 子不肖矣,今雖富貴後必 貧賤.

([43]) người tai mắt: 1/ Người có tiếng tăm, địa vị (celebrities). 2/ Người có kiến văn, có hiểu biết nhờ nghe nhiều (văn ) thấy rộng (kiến ), cũng là người có học (learned men).

([44]) đạo nhà: Gia đạo 家道, phép tắc đối xử trong gia đình (family ethics).

([45]) đạo cả: Đạo lớn, nền luân lý cao cả (sublime ethics).

([46]) giềng ba: Tam cương (cang) 三綱: Ba giềng mối, ba mối quan hệ xã hội: 1/ Quân thần cang 君臣綱 là quan hệ chánh phủ và người dân (dân trung thành với Tổ Quốc, chánh phủ chăm lo cho dân). 2/ Phụ tử cang 父子綱 là quan hệ cha mẹ và con cái (cha mẹ thương yêu con, con hiếu thảo với cha mẹ). 3/ Phu thê cang 夫妻綱 là quan hệ vợ chồng (chung thủy).

([47]) lâm nàn: Lâm nạn 臨難, gặp hoạn nạn (being in peril).

[[48]] Đức Nam Cực Chưởng Giáo, Kinh Sám Hối, câu 65-72.

([49]) đồng bào 同胞: Cùng một bọc. Nghĩa bóng là anh chị em cùng cha cùng mẹ, cùng một bọc hay bào thai của mẹ sanh ra (siblings born of the same parents). Hiểu rộng ra là người cùng một dòng giống; là dân cùng một nước (fellow citizens; compatriots). Trong câu này nên hiểu theo nghĩa anh chị em ruột thịt vì có kèm hai chữ “cốt nhục”.

([50]) cốt nhục 骨肉: Xương thịt. Nghĩa bóng là tình máu mủ, anh chị em cùng cha cùng mẹ (blood relation; kin; ones flesh and blood).

([51]) rún nhau: Đỗ tề hòa tề đái 肚臍和臍帶 (the navel and the umbilical cord); cái rún (rốn) và dây nhau (nối liền cái rún đứa con với tử cung 子宮 hay dạ con người mẹ).

([52]) một cục: Một cục máu (huyết khối 血塊: a clot of blood).

([53]) xắn chia: Phân hưởng 分享; cắt xẻ và chia ra (cutting and sharing).

([54]) hòa nhã 和雅: Ôn hòa và nhã nhặn (affable, genial).

([55]) tiếng bia danh đồn: Có được danh thơm tiếng tốt đồn đại (đồn đãi) trong đời (having good fame widely disseminated). Ca dao: Trăm năm bia đá thì mòn / Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.

([56]) vạy vò: Không ngay thẳng (crooked).

[[57]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 149-152.

([58]) nhục tổ hổ tông: Làm cho tổ tông, dòng họ nhục nhã, hổ thẹn (dishonouring one’s ancestors and family clan).

[[59]] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 161-168.

([60]) an bang 安邦: Trị nước cho yên bình (pacifying the country).

([61]) con giặc: Dân làm loạn, chống lại nhà nước (rebel).

([62]) tôi loàn: Quan chức làm phản, làm loạn (betrayer).

[[63]] Đức Quan Thánh Đế Quân, Kinh Sám Hối, câu 73-76.

([64]) châu (chu) cấp 周給: Cung cấp (supporting, providing).

([65]) câu mâu: Gây gổ, kiếm chuyện (picking a quarrel with someone).

([66]) phú (phó) thác 付託: Tin cậy gởi gắm (entrusting someone with something).

([67]) loài ong tay áo: Ám chỉ kẻ phản bội (traitor).

([68]) khỉ dạo dòm nhà: Ám chỉ kẻ gian rình rập, dò la tin tức (snooper).

([69]) minh chánh 明正: Trong sáng và ngay thẳng (straightforward).

([70]) lời ra phải nhìn: Nhìn nhận, không chối bỏ lời đã nói ra (keeping one’s word, being true to one’s word).

[[71]] Đức Quan Thánh Đế Quân, Kinh Sám Hối, câu 77-88.

[[72]] Đức Nhiên Đăng Cổ Phật, Kinh Sám Hối, câu 97-100.

([73]) há đời ngỗ ngang: Có lẽ đâu lại là đời ngang ngược.

[[74]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 101-104.

([75]) khi thần thị thánh: Coi thường thần thánh (disregarding deities).

([76]) gổ ganh: Ganh gổ, ganh tỵ, không muốn ai hơn mình (envying someone).

([77]) oan gia 寃家: Kẻ thù (enemy).

([78]) tội quá 罪過: Tội lỗi (sins).

[[79]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 241-250.

([80]) chích mích: Làm mích lòng nhau (tiếng Việt xưa).

[[81]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 109-120.

([82]) thần minh 神明: Thần thánh (deities, gods).

([83]) rạc: Chỗ giam cầm, cùng nghĩa với tù ngục (jail, prison).

([84]) rất hiếm: Rất nhiều. (Hiếm là từ Việt cổ, nghĩa là chẳng hiếm, có nhiều).

([85]) võ phu: 珷玞 Một loại đá giống như ngọc nhưng kém chất lượng (a kind of inferior gem), ám chỉ người giả dối (dishonest person).

[[86]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 157-160.

([87]) tởi: Quyên góp tiền bạc (collecting money for a charitable cause).

([88]) dương pháp 陽法: Pháp luật dương gian, của một nước.

[[89]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 261-268.

[[90]] Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 169-176.

([91]) 術詐遺之, 子孫者亡. 道德遺之, 子孫者昌. 本固之長· 留傳萬 .

([92]) chiếu minh 照明: Chiếu sáng, soi sáng (illuminating).

[[93]] Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 181-188.

([94]) giá trong sạch: Nói tắt của tuyết sạch giá trong. Giá (băng, nước đá) trong suốt và tuyết trắng sạch tượng trưng đức hạnh phụ nữ đoan chính, không buông thả theo tình dục, ham muốn xác thịt.

([95]) trượng (trọng) tiết 重節: Coi trọng đạo đức, khí tiết, không làm việc dâm ô (esteeming moral integrity).

([96]) trinh liệt 貞烈: 1/ Trinh (chaste) là giữ được tấm lòng thủy chung trước sau như một, như trung trinh 忠貞, kiên trinh 堅貞. Đàn bà không thất tiết (không yêu ai khác, chỉ yêu một chồng) gọi là trinh phụ 貞婦. Con gái đoan chính, không thất tiết gọi là trinh nữ 貞女. 2/ Liệt (stern, upright) là cứng cỏi, dám hy sinh mạng sống vì đại nghĩa, như liệt sĩ 烈士 là kẻ sĩ cứng cỏi, thà chết vì nước chứ không chịu khuất; liệt nữ 烈女 phụ nữ cứng cỏi thà chết vì tiết nghĩa chứ không chịu nhục thân.

([97]) mới mầu: Mới là quý, mới là khôn ngoan.

([98]) mới hầu gái ngoan: Mới được là gái đức hạnh.

([99]) công cô 公姑: Cha mẹ chồng (husband’s parents).

([100]) hung đồ 凶徒: Bè lũ hung dữ (ferocious gang).

([101]) hồ đồ 糊塗: Không rõ sự lý, không biết phán đoán đúng sai.

([102]) ngoan ngạnh: Ương bướng, không biết sửa lỗi (perverse).

([103]) ikhông vì: Không vị nể, không nể nang (disregarding someone).

([104]) bạn tác: Bạn bè ngang hàng, cùng trang lứa (peers).

[[105]] Đức Quan Âm Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 53-62.

[[106]] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 193-196.

[[107]] Đức Lữ Tổ và Đức Thái Ất Thiên Tôn, Kinh Sám Hối, câu 387-388.

([108]) hữu thành tắc hữu thần 有誠則有神: Có lòng thành thì có thiêng liêng (If there is sincerity, then there is divinity).

([109]) rấp đường: Rào bít đường không cho ai qua lại (blocking up a road).

[[110]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 233-236.

([111]) ngoan: Khôn ngoan (wise).

([112]) noãn : Trứng (egg).

([113]) lẫy lừng: Mạnh mẽ, dữ dội (violently).

([114]) tội căn 罪根: Cội rễ gây ra lỗi lầm, tội lỗi (the root of sins).

[[115]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 213-216.

([116]) thơ (thư) truyện huê tình: Sách truyện gợi dục (erotic stories).

([117]) làm lụy: Làm hại (ruining, harming).

([118]) luân thường 倫常: Đạo lý con người phải luôn noi theo, gồm có ngũ luân (năm mối quan hệ nhà nước và công dân, cha mẹ và con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè) và ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín).

[[119]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 257-260.

[[120]] Đức Tề Thiên Đại Thánh, Kinh Sám Hối, câu 337-340.

[[121]] Đức Khổng Phu Tử, Kinh Sám Hối, câu 273-276.

([122]) lam lụ (lũ): Nhọc nhằn, vất vả (strenuously).

([123]) không ngằn (vô ngằn): Không chừng đỗi, không giới hạn (unlimitedly).

([124]) tiêu: Tiêu tan (vanishing).

[[125]] Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát, Kinh Sám Hối, câu 201-204.

([126]) nhàn cư vi bất thiện: Ở không thì làm điều chẳng lành (Living idle causes doing evil).

([127]) bụi thế: Bụi trần.

[[128]] Đức Đông Huê Đế Quân, Kinh Sám Hối, câu 145-146.

([129]) tánh thành: Tánh nết thành thật, ngay thẳng.

([130]) tự tỉnh 自省: Tự xét mình, tự kiểm điểm bản thân (examining oneself critically).

([131]) tội căn 罪根: Cội rễ gây ra lỗi lầm, tội lỗi (the root of sins).

[[132]] Đức Đông Phương Lão Tổ.