Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

GIAO CẢM / TÌM HIỂU KINH SÁM HỐI / THANH CĂN

 


TÌM HIỂU KINH SÁM HỐI

T H A N H  C Ă N

Phan Ngọc Lợi (1951-2019)

Bảo Học Quân Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên

Tủ Sách NGHIÊN CỨU ĐẠI ĐẠO – Quyển 158.4 trong

Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo

hướng về một trăm năm đạo Cao Đài (1926-2026) và ghi dấu

tròn mười sáu năm ấn tống (tháng 6-2008 / tháng 6-2024)

GIAO CẢM (bản in 2024)

Minh Lý Ðạo (Minh Lý Thánh Hội, với thánh sở Tam Tông Miếu, số 82 Cao Thắng, quận 3) được các Ðấng thiêng liêng lần lượt giáng cơ ban Kinh Sám Hối trong hơn bảy tháng, bắt đầu từ ngày 19-4-1925 (27-3 Ất Sửu) đến ngày 21-11-1925 (06-10 Ất Sửu) thì hoàn kinh, gồm có 420 câu thơ song thất lục bát, với trình tự như sau (đánh số nhảy các câu 125-148, nơi *Ðức Quan Âm Bồ Tát, ngày 24-6-1925):

Ðức Thái Thượng Đạo Tổ (19-4-1925), câu 1-24;

Ðức Thái Thượng Lão Quân (22-4-1925), câu 25-52;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (26-4-1925), câu 53-64;

Ðức Nam Cực Chưởng Giáo (05-5-1925), câu 65-72;

Ðức Quan Thánh Ðế Quân (22-5-1925) câu 73-88;

Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật (ngày ?), câu 89-100;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (14-6-1925), câu 101-104;

*Ðức Quan Âm Bồ Tát (24-6-1925), câu 105-124; 149-160;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (04-7-1925), câu 161-212;

Ðức Khổng Phu Tử (20-7-1925), câu 213-284;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (08-8-1925), câu 285-308;

Đức Tề Thiên Đại Thánh (25-8-1925), câu 309-356;

Đức Thập Ðiện Minh Vương (27-8-1925), câu 357-376;

Ðức Lữ Tổ (09-9-1925) và Đức Thái Ất Thiên Tôn (25-9-1925), câu 377-392;

Đức Alfred Aya (21-10-1925), câu 393-424;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (21-10-1925), câu 425-440;

Ðức Vân Trung Tử (21-11-1925), câu 441-444.

Sau khi các Đấng ban xong Kinh Sám Hối, Ðức Ðông Phương Lão Tổ giáng cơ ban thêm Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối, gồm 14 câu lục bát.

Đến ngày 27-11-1925 (12-10 Ất Sửu) Đức Đông Huê Đế Quân giáng cơ dạy: “Nhơn ta đi tuần, thấy chư nhu thiết đàn, ta giáng tại thử đặng chứng từ đầu. Nghe đọc Kinh Sám Hối tới chữ nhơn,([1]) chẳng đủ nghĩa. Để ta cho thêm ít câu.”

Kế đó Đức Đông Huê Đế Quân ban thêm sáu khổ thơ (câu 125-148) chen vào giữa hai đoạn *Đức Quan Âm Bồ Tát đã tả ngày 24-6-1925. Như thế Kinh Sám Hối tổng cộng 444 câu.([2])

Tiền bối Minh Chánh, thế danh Âu Kiệt Lâm (1896-1941), cũng gọi Âu Minh Chánh, tự Âu Kích, là vị trụ trì đầu tiên của Tam Tông Miếu. Trong bài Lược Thuật Về Việc Tiếp Kinh viết ngày 10-6 Ðinh Mão (08-7-1925) Âu tiền bối cho biết:

“Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Ðức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.

“Sau lần lần, mỗi khi cúng, có Tam Giáo Ðạo Chủ, hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Ðiện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.

“Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Ðức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa, đặng ngày sóc, ngày vọng, đến đó dưng hương và sám hối.

“Rất may cho chúng tôi mới gặp ông chủ chùa và ông Giáo Thọ tại Linh Sơn Tự,([3]) rất hảo tâm, vừa nghe qua những lời của chúng tôi nói, thì cho là việc phải, nên vui lòng cho phép cúng tại chùa. Nhờ nơi đó, nên mỗi tháng, đến ngày 14 và 30 (tháng thiếu 29) âm lịch, có chỗ thiết lễ mà cúng và tụng Kinh Sám Hối cho người biết điều phải mà làm theo.” ([4])

Khi mới thành lập nền tảng phổ độ của đạo Cao Ðài (1926), Ðức Chí Tôn dạy các tiền bối khai Đạo đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh. Trong lúc ấy các tiền bối ở Minh Lý Đạo cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy chuẩn bị truyền kinh. Cùng với một số kinh khác, Kinh Sám Hối từ Minh Lý Đạo đã được truyền sang đạo Cao Đài như thế, và chính thức là một phần của Kinh Thiên Đạo.([5])

*

Mở đầu bài Kinh Sám Hối (ngắn) là câu “Quỷ lục dục thất tình cám dỗ ...Thật vậy, mỗi người sống ở thế gian đều có đủ sáu dục và bảy tình, nên hễ sẩy ra một chút là lập tức tạo cho mình ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba nghiệp này mãi xoay vần, ràng buộc con người vào vòng đau khổ triền miên vì luân hồi nhân quả báo ứng. Do đó, Ơn Trên ban Kinh Sám Hối để truyền giảng lời lành khuyến thiện, dạy rõ luật nhân quả công bình để con người tỉnh ngộ, rèn tâm sửa nết.

Sám hối hiển nhiên lúc nào cũng rất cần thiết cho mọi người, nhất là đối với người tu. Đức Chí Tôn dạy: “Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối ăn năn.” ([6])

Giúp môn sanh đối trị lỗi lầm hiện tại, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Tội lỗi hiện kiếp có thể dùng hình thức sám hối để xóa mờ ... ([7])

Giúp bổn đạo đối trị nghiệp chướng quá khứ, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy: “Các em cũng còn duyên phúc được nương ngụ nơi đây, gần bạn đạo, hãy cố gắng đường ngay lối thẳng, đừng nghe lời gièm siểm tiếng thị phi, hoặc những cạm bẫy bên ngoài xui giục mà gây tội lỗi. Mỗi ngày rán dành chút thì giờ sám hối cho nhẹ tội tiền khiên.” ([8])

Đức Hồng Đức Chơn Tiên dạy: “Hằng đêm tụ hội lại thánh tịnh tụng Kinh Sám Hối và cầu an.” ([9])

Đối với người tu bước vào hàng Thiên đạo đại thừa, sám hối lại càng quan trọng biết bao, và là nghi thức không thể thiếu mỗi khi mở đầu một khóa tu tịnh (thiền).

Thật vậy, Đức Đông Phương Lão Tổ tha thiết để lời khuyến dạy môn sanh đã thọ tâm pháp Cao Đài như sau: “Lễ sám hối là một thang thuốc khử độc diệt trùng, chữa bịnh trầm kha cho các đệ tử. Nếu không rán mà uống, không nhận là hay, thì Phật Tiên cũng ôm trán mà than. Ôi! Nước mắt vì thương trò chảy xuống cũng cam lấy lòng buồn, chớ biết sao mà cứu được? Các trò rán, rán đi!” ([10])

Đức Như ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy các tịnh sĩ: “Nếu sơ tâm lầm lỗi, sớm sám hối cải chừa. Nhứt cử nhứt động đều có thần minh hộ trì chứng giám.” ([11])

*

Kinh Sám Hối trong Cao Đài có vài bản dài ngắn khác nhau, tùy theo Hội Thánh hay thánh sở. Riêng bản kinh của Minh Lý Đạo (dài 444 câu song thất lục bát) mà các Hội Thánh Cao Đài xưa nay vẫn dùng có thể nói là phổ biến hơn cả. Tuy nhiên, trong thư tịch Cao Đài dường như chưa có được mấy bản giảng giải khả dĩ giúp tín đồ thấu đáo nghĩa lý sâu kín của bài kinh. Vì lẽ đó, chúng tôi rất vui mừng khi may duyên được đọc Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của hiền huynh Thanh Căn (thế danh Phan Ngọc Lợi).

Hiền huynh sinh năm 1951 tại xã Thanh Hưng, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường (nay là xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Nhờ thân phụ theo đạo Hòa Hảo nên từ bé hiền huynh sớm thuộc lòng nhiều bài trong Sấm Giảng Thi Văn của Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngày 15-02-1963 nhập môn Cao Đài tại thánh tịnh Trước Cảnh Minh Đàn (xã An Thái Trung, quận Giáo Đức). Được ban thánh danh Thanh Căn (1965) và phò loan tại Giáo Hội Tiên Thiên Minh Đức. Năm sau về Tam Giáo Điện Minh Tân (Giáo Hội Cao Đài Thống Nhứt) phò loan sáu tháng. Những năm 1969-1972 phò loan tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam và Tam Tông Miếu (Minh Lý Thánh Hội). Từ 1973 trở đi trải nhiều lúc thăng trầm. Về giúp Ban Cai Quản thánh tịnh Ngọc Minh Đài trong việc phổ huấn (1991). Thọ phong Truyền Trạng (2008), sau đó thọ phong Bảo Học Quân ngày 14-4-2014, đều tại Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên.

Là người văn nhã, ca ngâm lẫn thư họa, dù bận bịu rất nhiều đạo sự của một chức sắc tài hoa đa năng, nhưng hiền huynh vẫn nhiệt thành đem tâm huyết khảo cứu, biên soạn tài liệu thuyết minh giáo lý và thường xuyên đi giảng tại nhiều thánh tịnh gần xa thuộc Hội Thánh Cao Đài Tiên Thiên ngõ hầu trợ duyên cho đồng đạo và những vị thiện tâm tìm nẻo học tu có thêm phương tiện tham cứu khả tín.

Tìm Hiểu Kinh Sám Hối là một trong nhiều công trình như thế của hiền huynh Thanh Căn, được viết với văn phong giản dị, trong sáng, gọn gàng, và duyên dáng. Ngoài những khía cạnh luân lý đạo đức truyền thống, hiền huynh còn liên hệ tới các vấn nạn thời đại như thực hiện nếp sống văn hóa và bảo vệ môi trường. Do đó, với lòng tán thưởng, chúng tôi đã xin phép hiền huynh để xuất bản chính thức trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo ngõ hầu có thể phổ biến trong toàn đạo một khảo luận giá trị.

Sau ba lần ấn tống (2009, 2010, 2011) với tổng cộng mười bốn ngàn (14.000) bản in, năm nay chúng tôi tái bản Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của Bảo Học Quân Thanh Căn để tiếp tục đáp ứng nhu cầu tu học của đông đảo tín hữu Cao Đài, không phân biệt là Hội Thánh nào hay thánh sở nào. Khác với ba lần in trước đây, kỳ tái bản này chúng tôi tách phần chú giải của Huệ Khải để in riêng thành một tập khác. Đồng thời, chúng tôi trích phần chú giải của Huệ Khải để bổ sung cho tập khảo luận của hiền huynh Thanh Căn, tức là giải thích các từ ngữ khó trong các đoạn Kinh Sám Hối mà hiền huynh dẫn ra trong khảo luận.

 Trong hành trình mười sáu năm (tháng 6-2008/tháng 6-2024) triển khai Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo, chúng tôi vô cùng cảm kích, hằng biết ơn sâu đậm, vì luôn luôn nhận được lòng tin cậy, tình thương mến, sự ủng hộ về tinh thần lẫn vật chất của biết bao chức sắc, chức việc, tín hữu, nhất là các tác giả và dịch giả gần xa đã hy hiến bản thảo cho chúng tôi ấn tống hoàn toàn vô vị lợi.

Tất cả các nghĩa cử ấy, dù nói vắn tắt, nhưng quá đủ để khẳng định hoài bão và ý chí chung tay, chung tâm góp sức ngõ hầu cùng nhau hoằng pháp Kỳ Ba thông qua con đường ấn tống kinh sách trên căn bản thuần chơn vô ngã, nhằm kiến tạo nhịp cầu tương liên, tương giao và tương tri trong thâm tình đồng Đạo, đồng Thầy, đồng sứ mạng. Chỉ như thế chúng ta mới vượt ra và vượt lên khỏi mọi định kiến phái chi của một thời dĩ vãng với ít nhiều góc khuất lịch sử.

Với trọn tấm lòng thành biết ơn tất cả quý vị ân nhân, chúng tôi trân trọng đặt vào tay quý đạo hữu tập sách Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của Bảo Học Quân Thanh Căn.

Cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn lành đến quý vị và cửu huyền thất tổ của quý vị.

Nam mô Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát.

Tháng 4-2024

Thay mặt Ban Tu Thư & Ấn Tống

HUỆ KHẢI



([1]) Câu 124: Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn.

([2]) Chân thành đa tạ đạo trưởng Tường Định, Tổng Lý, và đạo trưởng Đại Bác, Chủ Trì (Minh Lý Thánh Hội), đã chỉ dẫn rõ trình tự ban Kinh Sám Hối. Nhờ thế, khi biên tập Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của hiền huynh Thanh Căn, Huệ Khải có thể ghi rõ xuất xứ từng đoạn kinh căn cứ theo bản của Minh Lý, và chú thích hồng danh của Đấng đã giáng tả đoạn đó. Việc này cũng để lưu ý nhơn sanh đừng tùy tiện sửa lời kinh của các Đấng.

([3]) Nay ở số 149 Cô Giang, quận 1.

([4]) Minh Lý Đạo, Kinh Bố Cáo. Sài Gòn, 1973, tr. II.

([5]) Theo tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế, bốn vị đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh là các tiền khai Lê Văn Trung, Phạm Công Tắc, Vương Quan Kỳ, và Cao Quỳnh Cư. (Tạp chí Cao Đài Giáo Lý, số 77. Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam [CQPTGL CĐG VN] xuất bản, 1972, tr. 10.)

([6]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-7 Kỷ Dậu (27-8-1969).

([7]) CQPTGL CĐG VN, 15-02 Đinh Tỵ (03-4-1977).

([8]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, 15-10 Đinh Mùi (16-11-1967).

([9]) Thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo, 27-9 Giáp Dần (10-11-1974).

([10]) Ngày 16-11 Ất Tỵ (08-12-1965).

([11]) CQPTGL CĐG VN, 11-11 Kỷ Mùi (28-12-1979).