Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

ANH TỪ ĐÂU ĐẾN?

 


ANH TỪ ĐÂU ĐẾN?

HUỆ KHẢI

Kiến sơn thị sơn, kiến thủy thị thủy.

Kiến sơn bất thị sơn, kiến thủy bất thị thủy.

Kiến sơn nhưng thị sơn, kiến thủy nhưng thị thủy.

Chỉ Nguyệt Lục

(quyển hai mươi tám, 1595, năm Vạn Lịch đời Minh)

見山是山, 見水是水.

見山不是山, 見水不是水.

見山仍是山, 見水仍是水.

指月錄 (卷二十八, 1595, 明萬歷)

*

Đây là chuyện tôi nghe:

Có người rời khỏi quê nhà, lặn lội lên tận ngọn núi cao xa xôi hẻo lánh để cầu đạo. Được ẩn sĩ thâu nhận làm đệ tử, anh ở lại với thầy qua hết mùa mai núi này sang mùa mai núi khác.

Tàn mai cổ thụ làm lọng xanh che nắng đỡ mưa cho mái lều bé nhỏ của hai thầy trò. Mỗi khi mai núi trổ đầy bông trắng tỏa mùi thơm thanh nhẹ phảng phất trong ban mai sương lạnh, thì đó là cuốn lịch thiên nhiên báo cho hai thầy trò biết năm cũ qua rồi, năm mới lại sang.

Những bông mai rụng anh nhặt nhạnh, phơi khô, cất trong hũ đất nung. Những nhánh mai rơi xuống đất anh gom lại, cắt ra từng đoạn ngắn, chẻ nhỏ như cọng tăm, và cất trong hũ đất nung khác. Hằng ngày anh nấu từng giúm nhỏ tăm mai với nước khe trong veo trên núi. Nước sôi kỹ rồi, anh rót vào ấm tích con con đã bỏ sẵn một giúm bông mai khô. Đó là món trà mai thanh đạm quanh năm suốt tháng của hai thầy trò.

Không biết bao nhiêu phen hũ gốm trà mai của hai thầy trò vơi lại đầy, đầy lại vơi. Cái tàn lọng xanh bên trên mái lều thấp cũng không biết bao nhiêu lần điểm bông trắng xóa.

Trà mai mấy độ vơi đầy

Am mây tĩnh lặng tháng ngày nhẹ tênh

Thuyền đời thôi hết lênh đênh

Núi xa vắng vẻ mình ên luyện lòng

Luyện lòng cho trọn chữ không.

Một hôm, cuối buổi trà mai trong sương sớm, thầy nhìn anh một lúc, gương mặt tuy nghiêm trang nhưng dường như thoáng nét bằng lòng. Thầy ôn tồn bảo:

“Bữa nay con xuống núi, vô thành tìm tu viện của sư bá. Mang theo một hũ trà mai làm quà.”

Lần đầu tiên mới biết thầy mình còn có sư huynh làm chủ một tu viện ở chốn phồn hoa, nhưng anh không ngạc nhiên, không hỏi không han một lời. Đem cất bộ đồ trà vào chỗ của nó, anh chấp tay xá thầy, rồi xuống núi.

Vào thành, anh tìm tới tu viện của sư bá không khó, vì sư bá có danh và tu viện có tiếng.

Một tiểu đồng mở cổng tu viện và đưa anh vào thẳng thư phòng sư bá. Pha xong bình trà nhỏ cho thầy đãi khách, tiểu đồng đứng lùi sau lưng thầy, kính cẩn khoanh tay trước ngực, lóng nghe thầy và khách đàm đạo.

Sư bá hỏi:

“Anh từ đâu tới?”

“Bạch sư bá, con từ am núi thầy con.”

"Anh thụ đắc được gì từ đó?”

"Thưa, con chẳng thụ đắc chi hơn so với lúc chưa tới đó.”

“Chẳng được chi thì tới đó làm chi?”

“Nếu không tới đó thì làm sao con biết là mình chẳng được chi hơn.”

Sư bá bấy giờ mới mỉm miệng nở nụ cười đầu tiên với anh và tự tay rót trà ra chén mời khách. Sư bá bảo:

“Uống trà rồi thì về. Đi đâu thì tùy.”

Tiễn khách ra cửa xong, tiểu đồng quay về thư phòng dọn dẹp bàn trà. Rụt rè nhìn thầy, bụng muốn hỏi nhưng chú kiềm mồm giữ miệng.

Hiểu ý, thầy bảo chú, giọng từ ái:

“Con à, giác ngộ không phải là cái từ bên ngoài tới. Giác ngộ thì không thêm được gì mà chưa giác ngộ thì cũng chưa mất đi cái gì. Giác ngộ là nhận thức cái mình vốn dĩ có sẵn mà mình chẳng biết rằng mình có sẵn đó thôi.”

Tiểu đồng mặt bừng sáng:

“Bữa trước giảng đạo cho chúng con, thầy bảo hồi chưa tu thấy núi là núi, thấy nước là nước. Bắt đầu tu thì thấy núi không phải là núi và thấy nước không phải là nước. Tu thành rồi, đắc đạo rồi thì thấy núi vẫn là núi và thấy nước vẫn là nước.”

Thầy gật đầu:

“Con lãnh hội rồi đó. Nhưng nhìn núi và nước lúc trước là thấy hiện tượng; nhìn núi và nước lúc sau là thấy bản thể. Vấn đề then chốt là chính con thật sự thấy bản thể chứ không phải thấy qua sách vở hay nghe thầy nói.”

Nhiêu Lộc, 19-01-2021

HUỆ KHẢI

Tuần san CGvDT, số 2291

từ 22-01 đến 28-01-2021