MÓN
QUÀ CHO KẺ XA NHÀ
HUỆ
KHẢI
Không chỉ là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất ở bang
Tây Virginia (Hoa Kỳ), Jim Comstock (1911-1996) còn là diễn giả và nhà báo. Năm
1946, ông cùng Bronson McClung sáng lập tờ Nicholas
County News Leader (Nguồn Tin Quận Nicholas); tuần báo này đình bản năm
1984). Năm 1957, ông ra mắt một tuần báo với cái tên hài hước như tính cách
ông: West Virginia Hillbilly (Lão Nhà
Quê Ở Tây Virginia). Tờ báo được bán lại cho người khác năm 1976 và nó đình bản
vào cuối năm 2001. Trong sự nghiệp báo chí kéo dài nửa thế kỷ, Jim Comstock
được trao tặng sáu bằng tiến sĩ danh dự. Ông và người vợ trước có ba người con:
một trai, hai gái. Năm 1999 ông đăng báo hồi ức “A Farewell Gift” (Quà Chia Tay), kể lại kỷ niệm thời làm
sinh viên và lúc làm cha một cô sinh viên.
Đây là chuyện tôi nghe:
*
Sau khi con gái làm xong thủ tục vào ở ký
túc xá của trường đại học, hai vợ chồng anh trở về, lái xe vượt qua hai trăm
bốn mươi cây số. Buổi tối, nằm trên giường, anh hồi tưởng lúc mình xa gia đình
để vào đại học. Nhà có bốn anh em trai, anh là thằng út và là kẻ đầu tiên bước
qua khỏi bậc trung học. Hôm ấy mẹ phải ở nhà canh chừng mấy con bò kẻo chúng
phá phách ruộng bắp. Tiễn chân anh ra ngõ, mẹ khóc; anh cũng khóc. Bố đưa anh
vào thành phố bằng chiếc xe vẫn dùng chở nông sản. Thùng xe phía sau trơ trọi
cái rương anh mới mua nhờ món tiền công lãnh được từ những ngày hè đi gom cỏ
khô giúp việc nông dân quanh vùng.
Khi hình ảnh ngôi nhà thân yêu lùi xa
khuất khỏi tầm mắt, anh bắt đầu cảm thấy lo lắng và không khỏi sờ sợ. Bố cho xe
chạy chậm và anh rất bằng lòng, vì chẳng muốn mau vào thành phố. Dọc đường, xe
dừng bên một con suối. Hai bố con tìm chỗ mát ngồi ăn bánh xăng-uých được mẹ
làm sẵn ở nhà.
Ngày con gái anh nhập học, mọi chuyện đều
khác hẳn. Vợ chồng anh và con gái ghé vào một quán ăn sang trọng ven đường và
gọi món gà rán. Sau khi con gái đã nhận phòng tại ký túc xá, anh chở vợ quay
về.
Còn anh? Hồi đó bố không cho ở ký túc xá.
Bố bảo anh gởi cái rương ở một trạm xăng. Sau khi tìm và thuê được phòng trọ rẻ
tiền, anh sẽ trở lại lấy.
Đến thành phố, vẫn ngồi trên xe tải, anh
bắt tay bố để từ giã. Bố im lặng, nhìn thẳng về phía trước. Một lúc sau, bố
chậm rãi nói:
– Bố không thể dặn dò con điều gì cả. Cũng
như các anh con, bố chưa từng vào đại học. Bố không thể bảo con nên làm điều
này hay đừng làm điều kia, bởi vì mọi thứ đều khác biệt và bố nào biết chuyện
gì sẽ xảy ra. Bố cũng không có nhiều tiền để giúp con, nhưng bố nghĩ mọi chuyện
rồi sẽ đâu vào đó mà thôi.
Đưa cho anh một tập séc mới tinh, bố nói
thêm:
– Nếu khó khăn quá, con cứ viết séc chi trả
khoản tiền nhỏ. Nhưng nhớ biên thư cho bố biết rõ là bao nhiêu. Ở nhà mình lúc
nào cũng có thứ gì đó bán được.
Rồi bố cầm lấy quyển Kinh Thánh đã để sẵn
cạnh chỗ ngồi. Nó cũ kỹ, vài chỗ sờn rách. Bao nhiêu năm qua bố luôn giở quyển
Kinh thân thuộc này để tìm kiếm những lời khuyên minh triết dẫn dắt đời bố. Anh
biết mình sẽ phải nhận lấy và chắc chắn bố sẽ rất nhớ nó.
Thay vì bảo anh phải đọc kinh mỗi buổi
sáng, bố chỉ nói:
– Nếu con đọc, có thể sẽ giúp con.
Anh không nhớ mình đã từng được giúp như
thế nào, nhưng anh giỏi kiếm tiền. Anh tốt nghiệp đại học mà không hề là gánh
nặng cho gia đình. Bằng đủ những việc xoay xở làm thêm một cách lương thiện,
anh đã giải quyết được nhu cầu về tiền bạc. Suốt bốn năm đại học, tổng số tiền
anh trả bằng séc chưa tới một ngàn đô la.
Lúc anh mang trả lại quyển Kinh Thánh, bố
bảo:
– Con cứ giữ lấy. Sẽ đến ngày đứa cháu nội
đầu tiên của bố vào đại học, nhớ trao Kinh này cho nó.
Hồi sáng, dọc đường trở về nhà, vợ anh
chợt nhìn thấy cái radio nhỏ và máy hát dĩa nằm chỏng chơ trên băng ghế sau.
Con gái anh trót bỏ quên, không mang theo vào ký túc xá. Và anh cũng trót quên
lời bố dặn khi xưa. Cuốn Kinh Thánh gia truyền ấy, lẽ ra thì ... Bây giờ muộn mất rồi!
Thời con
gái anh khác hẳn thời của anh. Anh thành đạt còn bố thì không. Anh đã
đặt chân đến nhiều nơi nhiều chốn, còn bố chỉ quanh quẩn với mảnh ruộng, cánh
đồng. Anh hầu như có thể mua tặng con gái mọi thứ, nào phải chỉ là cái radio và
máy hát dĩa kia để nghe nhạc cho khuây khỏa những lúc nhớ nhà. Còn bố chỉ có
thể cho anh một quyển Kinh Thánh cũ kỹ, sờn mòn. Nhưng anh không chắc rằng mình
đã có thể tặng con gái đúng những thứ thiết cần. Anh e rằng con gái mình chưa
được lấy phân nửa những gì mà bố đã dành cho anh.
Sáng hôm sau, anh gói ghém kỹ quyển Kinh
Thánh và gởi cho con qua đường bưu điện. Trong cái gói nho nhỏ đó anh kèm theo
mảnh giấy, với dòng chữ nắn nót: “Nếu
con đọc, có thể sẽ giúp con.”
Nhiêu Lộc, 19-5-2024
HUỆ KHẢI
Báo CGvDT số 2444
tuần
lễ từ 24-5 đến 30-5-2024