CUỘC
HUỆ
KHẢI
Chịu ảnh
hưởng văn hóa Trung Hoa, từ xưa phần đông người Việt vẫn tin rằng các cuộc hôn
nhân là do ông Tơ và bà Nguyệt se duyên. Năm 1999, Robin Lee Shope cho
in câu chuyện “Mom’s Last Laugh”
(Mẹ Cười Lần Cuối), kể về một thiếu nữ trong đám
tang mẹ mình tình cờ gặp được ý trung nhân để rồi cả hai kết thành giai ngẫu. Tuy
người Mỹ không có khái niệm về ông Tơ bà Nguyệt, nhưng cô gái lại tin là có bàn
tay thiêng liêng se duyên cho đôi lứa uyên ương.
Đây là chuyện tôi
nghe:
Chị đang trong đám tang mẹ. Cuối cùng, mẹ
đã bại trận sau cuộc chiến dai dẳng chống lại bệnh ung thư.
Mẹ luôn luôn là người cổ vũ hăng hái, vỗ
tay to nhất trong các buổi diễn kịch ở trường chị. Mẹ là người đưa cho chị hộp
khăn giấy trong khi lắng nghe chị thổ lộ nỗi lòng tan nát đầu đời. Mẹ an ủi chị
khi cha mất. Mẹ khuyến khích chị những năm đại học, và cầu nguyện cho chị suốt
đời chị.
Khi mẹ được chẩn đoán bị ung thư thì chị
cả của chị vừa vượt cạn, cậu em út mới cưới vợ. Việc chăm sóc mẹ là phần của chị,
đứa con gái hai mươi bảy tuổi chẳng vướng bận gì, và chị coi đó là một vinh dự.
Ngồi trong nhà thờ, chị thầm hỏi: “Bây giờ thì sao, Chúa ơi?” Chị
cảm thấy cuộc sống của mình trải dài phía trước, như một vực sâu trống trải.
Cậu em út nghiêm nghị, ngồi hướng mắt về
phía thánh giá trong khi nắm chặt tay vợ. Bà chị cả ôm lấy bé sơ sinh, gục đầu
vào vai chồng, và người chồng ôm lấy vợ. Tất cả đều chìm trong nỗi đau xé lòng,
dường như chẳng ai nhận ra chị đang lẻ loi.
Thời gian qua chị luôn bên cạnh mẹ, lo
bữa ăn, dìu từng bước, đưa đi bác sĩ, chăm sóc thuốc men, cùng đọc Kinh Thánh
bên nhau. Bây giờ mẹ đã về với Chúa, phận sự chị đã xong, và chị đơn độc.
Phía cuối nhà thờ có tiếng mở cửa và đóng lại mạnh tay. Tiếng đôi bàn chân rảo bước. Một anh dáo dác nhìn xung quanh rồi sà xuống bên cạnh chị. Anh chấp tay và đặt lên đùi. Nước mắt đoanh tròng, anh bắt đầu sụt sịt.
– Xin lỗi, tôi tới trễ.
Anh nói như giải thích, dù chả cần thiết.
Nghe được vài đoạn trong bài điếu văn,
anh nghiêng sang phía chị, khẽ khàng:
– Tại sao họ cứ gọi dì Mary là
Margaret nhỉ?
Chị cũng khe khẽ đáp lại:
– Bởi vì bà tên Margaret, không phải Mary.
Bất chấp vài người đang liếc nhìn cả hai và tỏ vẻ khó chịu, anh cứ khăng khăng:
– Không, không đúng. Dì ấy tên
Mary, Mary Peters.
Chị xác
định:
– Đây không phải là đám tang bà Mary
Peters.
Anh ngỡ
ngàng:
– Ủa, đây
không phải là nhà thờ Lutheran à?
– Nhà thờ Lutheran ở bên kia
đường. Anh đến nhầm chỗ rồi.
Chị giữ
giọng nói vừa đủ cho anh nghe, đồng thời đưa hai bàn tay bưng lấy mặt, cố ép tiếng
cười nén trong cổ trở thành âm thanh giống như tiếng khóc nghẹn ngào.
Chị liếc nhìn, thấy anh vừa bối rối vừa
cố nín cười. Và chị tưởng tượng mẹ mình nằm đằng kia hẳn cũng đang cười.
Khi cả hai cùng ra tới bãi đậu xe, anh tự
giới thiệu là Rick. Trót lỡ đám tang của bà dì, anh mời chị đi uống cà phê.
Buổi chiều hôm đó khởi đầu cho một hành
trình dài suốt đời chị bên cạnh anh, chàng trai đã đến nhầm đám tang, nhưng lại
đến đúng một nơi ai đó an bài giùm. Một năm sau buổi tao ngộ, chị và anh làm lễ
kết hôn tại một nhà thờ khác. Lần này anh đến đúng giờ, và vào đúng nhà thờ.
Chị cảm nhận rằng trong thời gian chị đau
buồn vì mất mẹ, Chúa ban cho chị tiếng cười. Lấp đầy nỗi cô đơn, trống trải của
chị, Chúa ban cho tình yêu. Tháng Sáu vừa qua (năm 1999), chị và anh kỷ niệm
hai mươi hai năm hôn phối.
Còn anh thì sao? Hễ ai đó hỏi hai người
gặp nhau như thế nào, anh chỉ có một câu trả lời:
– Mẹ vợ tôi và dì Mary của tôi
đã se duyên cho hai đứa một cách huyền bí.
Nhiêu
Lộc, 05-4-2024
Báo CGvDT số 2441, tuần lễ từ 03-5 đến
09-5-2024
Trích: CHUYỆN TÂM LINH (bản thảo của Huệ Khải)