CÕNG NGƯỜI QUA SUỐI
HUỆ KHẢI
Đây là chuyện tôi nghe:
Tu viện ấy cất ở một miền quê u nhã. Một hôm, hai huynh đệ vâng lời thầy,
rời tu viện đi bộ vào làng để tụng kinh giải nghiệp cho một người mang bệnh lâu
ngày, đang phải nằm mãi một chỗ. Việc tụng kinh là thể theo lời thiết tha cầu
thỉnh của gia chủ, với ước mong người bệnh hoặc chóng thuyên giảm rồi mạnh
lành, hoặc sẽ sớm nhẹ nhàng ra đi, không còn phải chịu thêm nỗi đớn đau hành hạ
thân xác. Trong nghi thức cầu giải bệnh, có tụng bài kinh do Đức Văn Xương Đế
Quân truyền dạy:
Trên Ngọc Đế mắt thần soi khắp
Trí công minh sửa phạt phàm gian
Tên [Giáp] phạm tội mắc nàn
Họ [Nguyễn] căn bịnh rên than muôn
phần
Nguyền Thượng Đế oai thần tế độ
Lòng xót thương ủng hộ phước tăng
Dung cho thuyên giảm bịnh căn
Chúng sanh rõ biết ăn năn làm lành
Cầu Thần Thánh háo sanh bố đức
Giúp chúng tôi gắng sức trợ đời
Có lòng tin tưởng Phật Trời
Cứu an thân thể thảnh thơi linh hồn
Xui kẻ bịnh tâm tồn nhẫn nại
Bền chặt gìn chẳng hoại lòng thiền
Bịnh nhơn đặng mãn tai khiên
Chịu điều khổ não chẳng phiền chẳng
than
Phải khó nhọc đền bồi vận hạn
Kiết quả rồi mới hản phép công.([1])
Lễ xong, hai huynh đệ từ biệt chủ nhà, mau mắn quay về tu viện. Dọc
đường, hai anh em dừng lại bên bờ suối không rộng lắm. Đây là con suối cung cấp
nước ngọt cho cả vùng, tuy dòng nước chảy hơi xiết nhưng vốn dĩ không phải là con
suối dữ dằn đe dọa tính mạng con người. Dân địa phương bấy lâu quá quen thuộc
với lòng suối này, rõ biết chỗ nào sâu nên tránh, chỗ nào đủ cạn có thể lội qua
dễ dàng. Dĩ nhiên hai tu sĩ không là ngoại lệ.
Hai người chực bước xuống suối thì chợt nghe phía sau có tiếng gọi lớn,
giọng nữ trong trẻo. Quay lại, họ thấy một thiếu nữ đang tất tả chạy tới.
Đứng trước mặt hai tu sĩ, chờ cho hơi thở ổn định, cô gái chấp tay xá, lễ
phép nói:
– Con chào
hai thầy. Con có việc đi qua ngang đây, không dè bị dòng suối chắn đường. Nãy
giờ con cứ quanh quất tìm kiếm nẻo khác thì may quá, bỗng trông thấy hai thầy.
Xin hai thầy chỉ đường khác giúp con với.
Sư huynh lắc đầu:
– Không
có đường khác hơn đâu, nhưng suối này lội qua được mà. Cô chắc ở xa mới tới nên
không biết đấy thôi.
Cô gái bối rối, cúi nhìn xuống chân, hai tay vân vê vạt áo.
Sư huynh tặc lưỡi rồi nói:
– Cô
không ngại thì chúng tôi có thể cõng cô sang bên kia.
Vừa nghe nói thế, sư đệ bèn thò tay nắm vạt áo sư huynh giật giật nhè
nhẹ, ra dấu phản đối. Làm như không biết không hay, sư huynh bình thản nhìn cô
gái chờ đợi. Cô miễn cưỡng gật đầu, đôi má đỏ bừng vì thẹn.
Sư huynh đưa mắt nhìn sư đệ, thấy em mình ngoảnh mặt đi hướng khác. Hiểu
ý, sư huynh xoay lưng lại và ngồi thụp xuống cho cô gái dễ leo lên.
Cả ba xuống suối. Sư đệ lùi lại phía sau, nhìn chằm chằm hai con người phía
trước. Cô gái giữ ý, chỉ lấy hai bàn tay bám vào vai tu sĩ. Nhưng lúc tu sĩ bước
nhằm chỗ trơn trợt nên hơi loạng choạng, thì cô bèn áp sát ngực vào lưng tu sĩ,
quàng luôn hai cánh tay ôm chặt quanh cổ, hai chân theo bản năng liền quặp sát
vào hông người đang cõng cô. Thân người cô lúc ấy hơi tụt xuống thấp. Tu sĩ trụ
chân gượng lại vững vàng, đồng thời hai cánh tay đang đỡ bên dưới đùi cô bèn
xốc nhẹ để nâng cô lên.
Sự việc đó diễn ra rất nhanh, nhưng không hề lọt khỏi tầm mắt sư đệ đang chăm
chăm theo dõi phía sau. Sư đệ cảm thấy hơi nóng từ đâu bỗng dồn lên mặt.
Lên bờ bên kia an toàn rồi, cô gái bẽn lẽn sửa sang lại xiêm áo, lí nhí
ngỏ lời cảm ơn, rồi quày quả đi về hướng khác với lối dẫn về tu viện.
Hai huynh đệ cất bước bên nhau, im lặng. Đi được một đoạn xa xa, sư đệ
không kiềm chế nổi, bèn mở miệng cằn nhằn:
– Sư
huynh kỳ cục!
Sửng sốt, sư huynh quay sang nhìn em mình, rồi phì cười:
– Huynh
biết vậy nên đã thả cô ấy xuống ở bờ suối đằng kia rồi. Không dè hiền đệ còn
rán cõng thêm tới chỗ này a!
Đang bực bội, lại cho rằng anh mình bỡn cợt, thì như lửa được rưới thêm
dầu, sư đệ xẵng giọng:
– Sư huynh chớ
ghẹo em. Về gặp sư phụ thì đừng trách em xấu bụng mách lại thầy việc phạm giới
này nhé.
Sư huynh bật cười ha hả, hai bàn tay
trìu mến đặt lên hai bờ vai sư đệ, giọng vui vẻ:
– Cha
chả! Bây giờ hiền đệ còn toan cõng cô gái ấy về tuốt tu viện để trình diện với
sư phụ nữa sao?
Vùng vằng ra điều không vừa bụng, nhưng sư đệ chỉ làm thinh. Sư huynh ôn
tồn nhắc:
– Hôm
rồi chúng mình cùng học bài chữ Nho chép trong sách Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển mười bốn, hiền đệ còn nhớ bốn câu của sư
Thích Phổ Tế đời Tống chứ?
Không để sư đệ trả lời, sư huynh đọc luôn, cơ hồ đang hứng thú:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tung
chi ý
Thủy vô trầm ảnh
chi tâm.([2])
Rồi sư huynh nói tiếp, như thể mượn dịp
giảng giải lại vì thấy sư đệ tuy học rồi mà chưa thuộc bài, không thấm thía
nghĩa lý người xưa gởi gắm:
– Hình ảnh lãng mạn thay! Cánh
nhạn lẻ loi trên bầu trời rộng. Lúc bay ngang qua dòng sông bên dưới, vô tình
in bóng trên mặt nước phẳng lặng. Nhạn bay xa khỏi dòng sông, chiếc bóng lập
tức không còn in trên mặt nước. Nhạn nào cố ý soi bóng trên sông, mà sông cũng đâu
chủ tâm lưu giữ bóng nhạn. Tất cả là tùy duyên. Duyên tới thì có việc; duyên đi
thì hết việc. Hà tất phải níu trì cái duyên tạm bợ cho rộn việc bận lòng, hiền
đệ ơi!
Không nhìn vẻ mặt ngượng nghịu của sư
đệ, sư huynh ngửa mặt lên trời xanh, cất giọng sang sảng đọc luôn bốn câu dịch
thoát vừa chợt nảy ra trong đầu, giống như tụng một bài kệ ngắn:
Trời rộng nhạn bay
Bóng in mặt nước
Nhạn không cố ý
Nước chẳng hữu tâm.
Nhiêu Lộc, 22-01-2021
HUỆ KHẢI
Tuần san CGvDT, số 2292, từ 29-01 đến 04-02-2021