GIỮA
HAI MIỆNG CỌP
HUỆ KHẢI
Đây là chuyện tôi nghe:
Trong lúc đi qua cánh đồng, anh chàng kia thình lình nhìn thấy thấp
thoáng bóng dáng một con cọp từ xa. Sợ hãi, anh liền vắt giò lên cổ chạy trối
chết. Con cọp đuổi theo tức thì. Chẳng mấy chốc anh phải vội dừng chân vì trước
mặt là vực sâu chắn lối. Hốt hoảng, anh dáo dác ngó đông nhìn tây mong tìm nẻo
thoát thân vì con cọp sắp vồ được anh rồi.
Thời may, anh bắt gặp một sợi dây leo mọc trên miệng vực, đang buông
thòng xuống bên dưới. Nó khá lớn, trông như sợi thừng và có vẻ đủ bền chắc. Ắt
hẳn nó đã phơi sương tắm nắng, dãi gió dầm mưa ở mỏm đá này nhiều năm rồi. Chẳng
chút đắn đo, anh vội túm chặt lấy sợi dây leo mà tuột dần xuống, và rồi anh
thấy mình giống như bị treo ở lưng chừng vách đá.
Trong lúc thân mình đang đòng đưa như thế, hai bàn chân không có một điểm
tựa nhỏ nhít nào, anh ngước nhìn lên miệng vực và hết hồn khi thấy con cọp
ngoan cố chẳng chịu bỏ miếng mồi ngon. Đứng sát mép vực, nó thò đầu xuống nhìn
anh chòng chọc. Nó chưa bỏ đi thì làm sao anh dám leo trở lên. Mà cứ tiếp tục
đánh đu với sợi dây leo, liệu sức anh còn chịu đựng thêm được bao lâu?
Ngước nhìn một lúc thấy mỏi cổ, anh cúi đầu xuống ngó bên dưới và hoảng
vía, suýt nữa thì tuột tay khỏi sợi dây leo. Quả là họa vô đơn chí, vì ở đáy
vực chẳng hiểu ở đâu ra một con cọp khác đang chực sẵn từ lúc nào. Nó nghểnh cổ
lên nhìn, nhẫn nại chờ anh đuối sức mà rơi thẳng xuống.
Bỗng nghe như có tiếng động là lạ phía trên đầu, anh vội ngẩng lên đưa
mắt tìm kiếm. Thì ra hai con chuột, một đen một trắng, từ xó xỉnh nào đó bò ra
đeo bám sợi dây leo, và chúng đang dùng bộ răng sắc lẻm thi nhau gặm nhấm sợi
dây cứu sinh của anh.
Vậy là mạng ta tiêu rồi! Trong bụng anh than khổ như vậy. Nhưng chính vào lúc đó, anh
chợt phát hiện ở khe nứt trên vách đá, chỗ rất vừa tầm tay anh vói, có một
nhánh dâu mọc gie ra với trái chín đỏ mọng treo lủng lẳng, trông thật bắt mắt.
Sẵn đang mệt và khát, thế là một tay bấu chặt sợi dây leo, anh thò ngay
bàn tay kia dễ dàng bứt gọn trái dâu và bỏ ngay vào miệng. Chua chua ngọt ngọt,
ngon ơi là ngon. Nuốt xong trái dâu, anh chép chép miệng tận hưởng dư vị còn
sót lại trên đầu lưỡi. Trong phút chốc anh quên béng tình cảnh chỉ mành treo
chuông của mình.
*
Là dụ ngôn (parable), mẩu chuyện trên xưa nay được
giải mã theo vài cách khác nhau. Chẳng hạn, có người bảo sợi dây leo là dòng
đời của mỗi kiếp người. Dây đứt thì tàn đời, mất mạng. Thế nên hai con chuột ám
chỉ thời gian. Chuột đen là ban đêm; chuột trắng là ban ngày. Thời gian ví như bộ
răng chuột sắc lẻm, cứ từ từ gặm mòn đời người. Gặm chậm thì người sống được
dài lâu; gặm nhanh thì người đành vắn số. Hai con cọp tượng trưng cho tử thần.
Con cọp đứng trên miệng vực là thần chết xuất hiện khi đứa trẻ mới chào đời.
Con cọp dưới đáy vực là thần chết đang chờ sẵn ở cuối hành trình từng người
trên cõi thế gian. Việc thưởng thức trái dâu chua chua ngọt ngọt khoái khẩu làm
anh chàng quên hết sự đời được hiểu theo hai cách:
Thứ nhất, trái
dâu chín đỏ ám chỉ sự may mắn, tốt lành bất ngờ đến với mình trong cuộc sống,
giúp mình tạm khuây khỏa những phiền não, bất hạnh để mà tiếp tục sống. Nó ví
như cái van (valve) an toàn của nồi
áp suất để tự động dẫn hơi nóng thoát ra ngoài mỗi khi áp suất trong nồi tăng
lên quá cao; nhờ thế người nấu bếp tránh được rủi ro đáng tiếc.
Thứ hai, lúc
ăn được trái dâu chín đỏ, anh chàng quên luôn con cọp trên miệng vực, tức là
không bận lòng tới cái quá khứ đã xô đẩy anh tới tình huống nguy hiểm. Anh quên
luôn hai con chuột và con cọp dưới đáy vực, tức là chẳng thèm màng tới tương
lai bất trắc ra sao. Anh chỉ cần biết hiện tại và chỉ hiện tại mà thôi; thế nên
cứ bình tâm thưởng thức trái dâu cho khỏi lãng phí.
Trong ý thứ
hai này, ai rành Phúc Âm ắt nhớ ngay lời Chúa Giê-su (Mát-thêu 6:27): “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo
dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?” Và câu này nữa (Mát-thêu 6:34):
“Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: Ngày
mai, cứ để ngày mai lo.”
*
Còn một cách
giảng giải khác nhằm thức tỉnh chúng ta.
Hình tượng
hai con cọp, đôi chuột trắng đen, sợi dây leo và anh chàng treo mình lơ lửng ở
vực sâu là ẩn dụ cuộc đời chúng ta, nó chất chứa đầy rủi ro, nguy hiểm. Vì thế
đạo học phương Đông gọi cõi đời là biển khổ và mỗi người là chiếc thuyền nan
mỏng manh nổi trôi trên khổ hải; những biến cố trong đời người là sóng gió, là
phong ba bão táp sẵn sàng nhấn chìm chiếc thuyền nan ấy bất kỳ lúc nào. Bởi
thế, Đoàn Như Khuê (1883-1957) xuất bản tập thơ Một Tấm Lòng (1917), có bài Bể Thảm mở đầu
như sau:
Bể thảm mênh mông sóng lút trời!
Khách trần chèo một lá thuyền chơi.
Thuyền ai ngược gió, ai xuôi gió,
Coi lại cùng trong bể thảm thôi!
Các đấng Giáo
Chủ như Phật, Chúa đến thế gian là để cứu khổ, giải thoát cho con người. Thế
thì, trái dâu chín đỏ ngon miệng khiến anh chàng đánh đu với sợi dây leo kia quên
luôn hoàn cảnh nguy hiểm của bản thân chính là ẩn dụ (metaphor) ám chỉ những thú vui trần gian cám dỗ làm con người mê
mẩn, mải miết đuổi theo chúng mà quên phứt rằng mình sẽ chết với hai bàn tay
trắng. Người học đạo, tìm đến chánh pháp để cứu độ bản thân cũng chỉ vì những
“trái dâu chín đỏ” mà lạc hướng, mất tập trung nên quên hết những lời Trời,
Phật, hay Chúa dạy bảo.
Cảnh tỉnh con
người tuy đã biết bước theo con đường của Chúa mà vẫn tiếc rẻ “trái dâu chín
đỏ” nên Chúa khuyên (Mát-thêu 6:24): “Không
ai có thể làm tôi hai chủ…” Đức Cao Đài Giáo Chủ dạy:
Điên đảo lòng con nỗi đạo đời
Đời còn rộn rực luyến mê chơi
Đạo thì cũng muốn tu thành Phật
Theo đạo thì con lại tiếc đời.([1])
Đối với người học đạo, sự lạc hướng vì “trái dâu chín đỏ” rất
tinh vi, khó nhận biết, nên nhiều người tu thường bị đánh lừa và sập bẫy. Câu
chuyện Chúa Giê-su ghé nhà chị em Mác-ta và Ma-ri-a được chép ngắn gọn trong
Phúc Âm theo Thánh Lu-ca (10:38-42) có thể hiểu như lời thức tỉnh chúng ta đừng
vô tình để bị lạc hướng.
Thật vậy, Chúa đến nhà mình là cơ hội ngàn năm một thuở. Chúa
đến là để giúp mình học đạo, ban hồng ân cho mình được Chúa đích thân dạy đạo.
Cô em là Ma-ri-a lãnh hội như thế cho nên kể từ lúc Chúa vừa đặt chân vào nhà
thì Ma-ri-a cứ ngồi miết bên chân Chúa để lắng nghe lời Chúa nhủ khuyên, dạy
dỗ. Trái lại, cô chị là Mác-ta cứ bận rộn, tíu tít lo tiếp khách, đãi đằng,
lăng xăng lít xít…
Vừa mệt đuối, vừa có phần bực bội với em mình quá vô tâm, thờ
ơ, chẳng thèm đỡ đần cho chị một tay, Mác-ta bèn tới trước Chúa và khiếu nại (Lu-ca
10:40): “Thưa Thầy, em con để mặc con một
mình phục vụ mà Thầy không quan tâm sao? Vậy xin Thầy bảo nó phụ giúp con với.”
Nào dè, Chúa lại khen ngợi Ma-ri-a (Lu-ca 10:41-42): “Mác-ta ơi, Mác-ta à. Con băn khoăn, lo lắng
nhiều việc. Nhưng chỉ duy một việc là cần thiết, và Ma-ri-a đã chọn phần tốt ấy
mà phần đó sẽ không bị lấy đi.”
Đọc Phúc Âm hời
hợt, người ta dễ tưởng lầm Chúa thiên vị, bênh cô em mà xử ép cô chị. Thật ra,
Chúa dạy chúng ta hãy biết sáng suốt chọn lấy một giá trị vĩnh hằng mà dứt
khoát bỏ qua những “trái dâu chín đỏ” phù phiếm, tạm bợ.
Phú Nhuận, 29-12-2021
HUỆ KHẢI
Tuần san CGvDT, số xuân Nhâm Dần 2022