Thứ Năm, 25 tháng 4, 2024

THƯ GỞI NGƯỜI XA LẠ / Chuyện Tâm Linh 1

 


THƯ GỞI NGƯỜI XA LẠ

HUỆ KHẢI

Là người mẹ có năm con, năm 1999 Susan Morin viết “Letters to a Stranger”, kể lại trải nghiệm tâm linh khi gởi những lá thư tới một người không quen.

Đây là chuyện tôi nghe:

Vào một buổi tối tháng Giêng năm 1992, điện thoại reo và cậu con trai mười lăm tuổi của chị kêu lớn: Má ơi, có điện thoại nè!

Ai vậy, con?

Ông Bob Thompson, má à.

Chị không quen biết người này. Nhưng cái họ Thompson khiến chị liên tưởng tới một phụ nữ là Beverly Thompson. Thế nên trong lúc rảo bước tới điện thoại, ký ức chị vùn vụt quay lại cuốn phim dĩ vãng.

*

Tháng Ba vừa qua, trong lúc lái xe đi làm, bỗng dưng chị có mong muốn là hãy bằng cách nào đó chị có thể phục vụ Chúa một cách có ý nghĩa. Hôm đó, chị cầu xin Chúa tha thứ vì tự xét thấy chị chưa làm được gì xứng đáng để có thể gọi là phục vụ Chúa. Trái lại, dường như chị luôn luôn cầu xin Chúa đáp ứng cho những nhu cầu của chị quá đỗi nhiều vì cuộc sống của chị vốn không mấy dễ dàng.

Chị nghe mình thầm gọi: Chúa ơi! con có thể làm gì cho Chúa? Con cảm thấy hầu như con chỉ luôn luôn nhận được quá nhiều từ Chúa mà vẫn chưa biết cách báo đáp ơn Chúa. Và rất lạ, chị liền nghe như có tiếng trả lời: “Cầu nguyện!”

Không hề nghĩ đó là lời ảo do bản thân tự huyễn hoặc, chị nghe mình độc thoại: “Dạ, con sẽ cầu nguyện. Nhưng cầu cho ai, và về việc gì, lạy Chúa?” Lần này thì im lặng. Nhưng trong hơn bốn mươi phút còn lại tiếp tục lái xe tới sở làm, chị thấy lòng nhẹ nhõm.

Chị làm việc cho một công ty sản xuất thú nhồi bông, và có nhiệm vụ theo dõi các khoản thanh toán của khách hàng. Ngồi vào bàn của mình, chị mở một bao thơ, thấy tấm séc kèm theo mẩu giấy nhỏ: “Tôi xin lỗi vì trả tiền chậm. Tôi đang bệnh nặng. Xin cảm ơn. Beverly Thompson.

Chả hiểu vì sao, trực giác bảo chị rằng Chúa muốn chị cầu nguyện cho người bệnh này. Tức là Chúa đã trả lời câu hỏi của chị trước đó, khi chị đang còn ôm tay lái trên đường tới sở làm.

Thoạt đầu, chị không khỏi lúng túng khi cầu nguyện cho một người xa lạ. Quả thật, chị chẳng biết gì về người ấy, ngoài cái tên và địa chỉ một tiệm buôn mà công ty chị đã gởi sản phẩm về đó theo đơn đặt hàng. Người ấy là góa phụ, độc thân hay đã ly hôn? Đang mắc bệnh gì? Bao nhiêu tuổi? Dẫu không có câu trả lời nào, chị vẫn cầu nguyện vì tin tưởng rằng Chúa sai chị làm như thế. Dần dần chị thấy lòng mình chuyển biến. Có những lúc cầu nguyện cho người xa lạ mà chị không cầm được nước mắt. Chị cầu xin Chúa ban cho người ấy mọi điều an ủi để đủ sức chịu đựng những nghịch cảnh đang đối mặt.

Sang tháng Năm, chị gởi tới cửa tiệm kia tấm thiệp đầu tiên, nói sơ vài nét về bản thân, cho biết nhờ đâu có được tên và địa chỉ người ấy. Chị giải thích rằng chị đã cầu nguyện cho người ấy vì vâng theo lời Chúa sai bảo. Như vậy, Chúa biết tất cả những khó khăn người ấy đang trải qua và Chúa yêu thương người ấy biết bao nên đã sai chị hãy cầu nguyện.

Mùa hè đến rồi tiếp nối sang thu, chị tiếp tục gởi thiệp và viết thư cho người ấy. Dù chưa từng nhận được một hồi âm, chị vẫn cầu nguyện. Chị còn chia sẻ câu chuyện của mình với nhóm người lớn học Kinh Thánh vào tối Thứ Ba hằng tuần trong cộng đoàn của chị ở thị trấn Old Town (bang Maine). Thế là mọi người cùng chung lòng cầu nguyện cho người ấy.

Tuy nhiên, không tránh khỏi đôi lúc chị nói với Chúa rằng chị thực sự ước ao nhận được một hồi âm, rất muốn biết người ấy nghĩ gì về chị và những lá thư, cánh thiệp cứ gởi đến thường xuyên. Liệu người ấy có cho rằng chị không bình thường? Có muốn chị dừng lại tất cả?

*

Đón lấy điện thoại từ tay con trai, chị nói: Chào ông Thompson.

Đầu dây bên kia, giọng đàn ông chậm rãi: “Thưa bà, tôi và con gái vừa thu dọn lại đồ đạc của vợ tôi thì tìm thấy các cánh thiệp, thư từ, và số điện thoại của bà. Tôi gọi điện để nói cho bà biết những thứ đó quý giá với vợ tôi ra sao.

Trái tim chị thắt lại trong khi người chồng đau buồn tiếp tục câu chuyện: Những cánh thiệp và thư từ của bà được buộc lại bằng một dải ruy băng đỏ. Ắt hẳn vợ tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần vì tất cả trông có vẻ cũ.

Giọng người chồng bỗng chùng xuống: Vợ tôi bị ung thư phổi năm bốn mươi tám tuổi. Vợ tôi hoàn toàn không hề đau đớn. Giờ đây tôi biết là nhờ vào những lời cầu nguyện của bà. Thời gian qua sở dĩ không hề có hồi âm bởi vì vợ tôi còn bị ung thư não. Tôi muốn bà biết rằng vợ tôi đã xin được làm lễ rửa tội trước khi qua đời hai tuần. Cái đêm trước khi mất, vợ tôi nói rằng có thể ra đi thanh thản vì sẽ về ở bên Chúa.

*

Sau cuộc trò chuyện ấy, chị nhận ra cuộc sống của mình không hề vô nghĩa. Chúa đã mượn chị để chan rưới tình yêu của Chúa lên một mảnh đời khác, ban cho người ấy một món quà quý báu không ai có thể đoạt lấy. Trải nghiệm này củng cố đức tin của chị nhiều hơn nữa. Chị nhận ra rằng khi ta sẵn sàng vâng lời, Chúa sẽ làm việc theo cách của Chúa một cách huyền nhiệm mà ta không thể nào dự đoán.

Chuyện kể của Susan Morin gợi nhớ lời Amanda Bradley (nữ sĩ Mỹ): “Vì hạnh phúc mang lại hạnh phúc, còn tình yêu mang lại tình yêu, và sự cho đi là kho báu tạo nên lòng mãn nguyện. ([1])

Nhiêu Lộc, 22-4-2024

HUỆ KHẢI

Báo CGvDT số 2440

 tuần lễ từ 26-4 đến 02-5-2024



([1]) For happiness brings happiness, and loving ways bring love, and giving is the treasure that contentment is made of.

Thứ Tư, 17 tháng 4, 2024

MÙI MƯA / Chuyện Tâm Linh 2

 


MÙI MƯA

Nancy Miller chuyên viết những mẩu chuyện về con cái và các cháu của chị. Năm 1999, chị viết The Smell of Rain, kể câu chuyện có thật về cháu ngoại chị là cô bé Danae Blessing.

Đây là chuyện tôi nghe:

Trong cơn gió tháng Ba lạnh lẽo đang luồn qua thành phố Dallas (bang Texas), bác sĩ bước vào phòng bệnh nhỏ bé của Diana Blessing. Đêm đã khuya và chị vẫn chưa hồi sức sau ca mổ. Chồng chị nắm lấy tay chị trong lúc chuẩn bị tinh thần đón nghe tin tức mới nhất.

Vào buổi chiều mưa rét mướt ngày 10 tháng 3 năm 1991, các biến chứng phức tạp đã buộc bà mẹ mới mang thai được hai mươi bốn tuần phải lên bàn mổ khẩn cấp. Bé gái Danae vì thế phải sớm chào đời bằng cách sanh mổ, khi cháu mới dài nhỉnh hơn ba tấc và chỉ nặng già hơn bảy trăm gam.

Ai cũng biết bé gái sanh quá non thì nguy hiểm ra sao. Những lời nhẹ nhàng của bác sĩ rơi xuống như bom tấn: Tôi không nghĩ cháu bé sẽ qua khỏi. Cơ hội sống sót đêm nay của bé chỉ có mười phần trăm. Mà nếu như có phép mầu xảy ra, tương lai của bé có thể sẽ rất khắc nghiệt.

Bác sĩ cố giữ giọng hết sức ân cần, tử tế, nhưng hai vợ chồng vẫn không khỏi choáng váng trong khi lắng nghe bác sĩ mô tả những vấn đề khốc liệt mà con gái họ có thể phải đối mặt nếu may ra bé sống sót.

Có thể bé sẽ không thể bước đi, nói chuyện, hoặc nhìn thấy. Bé sẽ dễ mắc các bệnh thảm khốc khác, từ bại não đến thiểu năng trí tuệ, vân vân.

Trong những giờ khắc u ám của sớm mai, trong khi bé gái sơ sinh bấu víu vào sự sống bằng sợi chỉ mỏng manh, mẹ cháu chập chờn với giấc ngủ do ảnh hưởng của thuốc. Nhưng chị kiên định rằng con gái mình sẽ sống sót và trở thành một cô bé khỏe mạnh, hạnh phúc. Chồng chị hoàn toàn tỉnh táo, biết rằng mình và vợ phải đối mặt với sự thật không thể tránh khỏi.

Nghe chồng bảo rằng cần bàn về việc chôn cất bé thì chị nói, giọng cương quyết: Không, chuyện đó sẽ không xảy ra. Không đời nào! Em không quan tâm bác sĩ nói gì. Con mình sẽ không chết. Một ngày kia con mình sẽ khỏe lại và về nhà với mình.

Dường như được tiếp thêm sức mạnh nhờ vào ý chí kiên định của mẹ, cháu bé bấu víu vào sự sống qua từng giờ. Nhưng khi những ngày mưa đầu mùa trôi qua, một nỗi đau đớn khác lại ập đến với hai vợ chồng. Vì hệ thần kinh chưa phát triển hoàn toàn, bé nhạy cảm như một vết thương hở, đến nỗi ngay cả một nụ hôn hoặc cái vuốt ve rất đỗi nhẹ nhàng cũng đủ làm cho bé khó chịu. Bởi vậy, hai vợ chồng thậm chí không thể ôm ấp đứa con bé bỏng của mình. Tất cả những gì anh chị có thể làm là cầu nguyện Chúa ở bên cạnh bé con quý báu của anh chị trong khi bé đang chiến đấu để sinh tồn dưới ánh đèn cực tím.

Sau cùng, khi bé được hai tháng tuổi, anh chị có thể bế con mình lần đầu tiên. Thêm hai tháng nữa, bé được ra viện về nhà đúng như lời chị dự đoán, mặc dù các bác sĩ cảnh báo rằng cơ hội sống một đời bình thường của bé hầu như không có.

Thế rồi năm năm sau, tuy nhỏ nhắn nhưng bé bạo dạn với đôi mắt xám long lanh và lòng ham sống mãnh liệt. Bé không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy suy giảm tinh thần hoặc thể chất. Nhưng như vậy vẫn chưa phải là kết thúc có hậu của câu chuyện này.

Vào một buổi chiều hè oi bức năm 1996 ở thành phố Irving (bang Texas), bé đang ngồi trong lòng mẹ tại sân bóng chày là nơi đội bóng chày của anh bé đang tập luyện. Vẫn như mọi khi, đang liền miệng huyên thuyên thì đột nhiên bé nín lặng. Ôm ngang ngực mẹ, bé hỏi: Mẹ ngửi thấy mùi gì không?

Hít lấy một hơi khí trời và cảm nhận rằng một cơn dông sắp ập tới, chị đáp: Ờ, mùi mưa.

Bé nhắm mắt lại và hỏi nữa: Mẹ ngửi thấy mùi gì không?

Một lần nữa, chị đáp: Mẹ nghĩ mình sắp ướt rồi. Mùi mưa đó con.

Bé lắc đầu, vỗ nhẹ lên vai gầy của bé và nói dõng dạc: Không phải. Đó là mùi của Chúa. Mùi của Chúa khi con ngả đầu lên ngực Chúa.

Đôi mắt chị nhòe nhoẹt nước mắt trong khi bé hớn hở tuột xuống để chơi đùa với những trẻ khác trước khi cơn mưa ào đến.

Lời nói của bé khẳng định một điều mà chị và gia đình chị cảm nhận từ lâu: Trong những ngày những đêm dài dằng dặc suốt hai tháng đầu đời, khi hệ thần kinh của bé quá đỗi nhạy cảm nên không ai chạm được vào thân thể bé, thì Chúa đã bế bé lên, cho bé ngả đầu vào ngực Chúa, và chính mùi hương ấy bé vẫn ghi nhớ rõ ràng.

Nhiêu Lộc, 12-4-2024

HUỆ KHẢI

Báo CGvDT, số 2439,

tuần lễ từ 19-4 đến 25-4-2024

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

GIAO CẢM (Chú Giải Kinh Sám Hối, Huệ Khải soạn)

 


GIAO CẢM

(Chú Giải Kinh Sám Hối, Huệ Khải soạn, ấn tống 2024)

Minh Lý Ðạo (Minh Lý Thánh Hội, có thánh sở Tam Tông Miếu ở số 82 Cao Thắng, quận 3) được các Ðấng thiêng liêng lần lượt giáng cơ ban Kinh Sám Hối trong hơn bảy tháng, bắt đầu từ Chủ Nhật 19-4-1925 (27-3 Ất Sửu) đến Thứ Bảy 21-11-1925 (06-10 Ất Sửu) thì hoàn kinh, gồm có 420 câu thơ song thất lục bát, với trình tự như sau (đánh số nhảy các câu 125-148, nơi *Ðức Quan Âm Bồ Tát, ngày 24-6-1925):

Ðức Thái Thượng Đạo Tổ (19-4-1925), câu 1-24;

Ðức Thái Thượng Lão Quân (22-4-1925), câu 25-52;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (26-4-1925), câu 53-64;

Ðức Nam Cực Chưởng Giáo (05-5-1925), câu 65-72;

Ðức Quan Thánh Ðế Quân (22-5-1925) câu 73-88;

Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật (ngày ?), câu 89-100;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (14-6-1925), câu 101-104;

*Ðức Quan Âm Bồ Tát (24-6-1925), câu 105-124; 149-160;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (04-7-1925), câu 161-212;

Ðức Khổng Phu Tử (20-7-1925), câu 213-284;

Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát (08-8-1925), câu 285-308;

Đức Tề Thiên Đại Thánh (25-8-1925), câu 309-356;

Đức Thập Ðiện Minh Vương (27-8-1925), câu 357-376;

Ðức Lữ Tổ (09-9-1925) và Đức Thái Ất Thiên Tôn (25-9-1925), câu 377-392;

Đức Alfred Aya (21-10-1925), câu 393-424;

Ðức Quan Âm Bồ Tát (21-10-1925), câu 425-440;

Ðức Vân Trung Tử (21-11-1925), câu 441-444.

Sau khi các Đấng ban xong Kinh Sám Hối, Ðức Ðông Phương Lão Tổ giáng cơ ban thêm Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối, gồm 14 câu lục bát.

Đến Thứ Sáu 27-11-1925 (12-10 Ất Sửu) Đức Đông Huê Đế Quân giáng cơ dạy: “Nhơn ta đi tuần, thấy chư nhu thiết đàn, ta giáng tại thử đặng chứng từ đầu. Nghe đọc Kinh Sám Hối tới chữ nhơn,([1]) chẳng đủ nghĩa. Để ta cho thêm ít câu.”

Kế đó Đức Đông Huê Đế Quân ban thêm sáu khổ thơ (câu 125-148) chen vào giữa hai đoạn *Đức Quan Âm Bồ Tát đã tả ngày 24-6-1925. Như thế Kinh Sám Hối tổng cộng 444 câu.([2])

Thứ Sáu 08-7-1927 (10-6 Ðinh Mão), viết bài Lược Thuật Về Việc Tiếp Kinh, vị trụ trì đầu tiên của Tam Tông Miếu là ngài Minh Chánh ([3]) cho biết:

“Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Ðức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một khoản đầu Kinh Sám Hối.

“Sau lần lần, mỗi khi cúng, có Tam Giáo Ðạo Chủ, hoặc là chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Ðiện Minh Vương giáng đàn cho tiếp Kinh Sám Hối.

“Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho kinh đó đặng làm phước giúp người mà thôi, không dè Ðức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm một cảnh chùa, đặng ngày sóc, ngày vọng, đến đó dưng hương và sám hối.

“Rất may cho chúng tôi mới gặp ông chủ chùa và ông Giáo Thọ ([4]) tại Linh Sơn Tự,([5]) rất hảo tâm, vừa nghe qua những lời của chúng tôi nói, thì cho là việc phải, nên vui lòng cho phép cúng tại chùa. Nhờ nơi đó, nên mỗi tháng, đến ngày 14 và 30 (tháng thiếu 29) âm lịch, có chỗ thiết lễ mà cúng và tụng Kinh Sám Hối cho người biết điều phải mà làm theo.” ([6])

Khi mới thành lập nền tảng phổ độ của đạo Cao Ðài vào năm 1926 (Bính Dần), Ðức Chí Tôn dạy các tiền khai Đại Đạo đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh. Trong lúc ấy các tiền khai ở Minh Lý Đạo cũng được Ơn Trên giáng cơ dạy chuẩn bị truyền kinh. Cùng với một số kinh khác, Kinh Sám Hối từ Minh Lý Đạo đã được truyền sang đạo Cao Đài như thế.([7])

*

Mở đầu bài Kinh Sám Hối (ngắn) là câu “Quỷ lục dục thất tình cám dỗ ...Thật vậy, mỗi người sống ở thế gian đều có đủ sáu dục và bảy tình, nên hễ sẩy ra một chút là lập tức tạo cho mình ba nghiệp thân, khẩu, ý. Ba nghiệp này mãi xoay vần, ràng buộc con người vào vòng đau khổ triền miên vì luân hồi nhân quả báo ứng. Do đó, Ơn Trên ban Kinh Sám Hối để truyền giảng lời lành khuyến thiện, dạy rõ luật nhân quả công bình để con người tỉnh ngộ, rèn tâm sửa nết.

Sám hối (kṣamā) là một từ ghép, do sám (sám ma 懺摩 dịch âm kṣamā) và hối (hối hận, ăn năn; dịch nghĩa kṣamā). Sám hối vốn là sự tha thứ, khoan dung (forgiveness, tolerance), còn nghĩa là sự hối lỗi (repentance). Sám hối là tự mình nhận lỗi, có thiện chí sửa lỗi, và cầu xin người khác tha thứ, nhất là sự tha thứ của Thiêng Liêng. Sám hối rất quan trọng và cần thiết cho sự tiến bộ tâm linh. Đó là cách giải trừ (hoặc giảm bớt) những nghiệp ác mà bản thân mỗi người đã tích lũy qua hành động, lời nói và suy nghĩ (thân, khẩu, ý). Sám hối cũng là cách để mỗi người mở lòng yêu thương, từ bi, và trí huệ. Vì thế, sám hối hiển nhiên lúc nào cũng rất cần thiết cho mọi người, nhất là người tu. Đức Chí Tôn dạy: “Mỗi khi đứa nào lầm lỡ một việc gì, rán mà sám hối, ăn năn.” ([8])

Giúp môn sanh đối trị lỗi lầm trong kiếp sống hiện tại, Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “Tội lỗi hiện kiếp có thể dùng hình thức sám hối để xóa mờ…” ([9])

Giúp bổn đạo đối trị nghiệp chướng gây ra trong quá khứ, Đức Hiển Thế Đạo Nhơn dạy: “Các em cũng còn duyên phúc được nương ngụ nơi đây, gần bạn đạo, hãy cố gắng đường ngay lối thẳng, đừng nghe lời gièm siểm tiếng thị phi, hoặc những cạm bẫy bên ngoài xui giục mà gây tội lỗi. Mỗi ngày ráng dành chút thì giờ sám hối cho nhẹ tội tiền khiên.” ([10])

Đức Hồng Đức Chơn Tiên dạy: “Hằng đêm tụ hội lại thánh tịnh tụng Kinh Sám Hối và cầu an.” ([11])

Đối với người tu bước vào hàng Thiên đạo đại thừa (làm hành giả, công phu, tịnh luyện), sám hối lại càng quan trọng biết bao, và là nghi thức không thể thiếu mỗi khi mở đầu một khóa tu tịnh (thiền). Thật vậy, Đức Đông Phương Lão Tổ tha thiết để lời khuyến dạy môn sanh đã thọ tâm pháp Cao Đài như sau: “Lễ sám hối là một thang thuốc khử độc diệt trùng, chữa bịnh trầm kha cho các đệ tử. Nếu không rán mà uống, không nhận là hay, thì Phật Tiên cũng ôm trán mà than. Ôi! Nước mắt vì thương trò chảy xuống cũng cam lấy lòng buồn, chớ biết sao mà cứu được? Các trò rán, rán đi!” ([12])

Đức Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn dạy các tịnh sĩ: “Nếu sơ tâm lầm lỗi, sớm sám hối cải chừa. Nhứt cử nhứt động đều có thần minh hộ trì chứng giám.” ([13])

*

Người La Mã thời xa xưa có câu cách ngôn này: Errare humanum est; rồi người Anh dùng nó làm một thành ngữ là To err is human(Con người thì lầm lỗi). Khi nói như vậy, người La Mã và người Anh xác định rằng bản chất con người là yếu đuối, có xu thế dễ sa vào tội lỗi. Nói khác đi, trong mỗi con người có tính vấp ngã tiềm tàng (the inherent fallibility).

Chính vì vậy, sanh ra đời, mang thân phận con người là đã ở trong “tư thế” sẵn sàng phạm lỗi, tạo nghiệp. Vì lòng từ bi, Đức Đông Phương Lão Tổ cảnh báo điều nguy hiểm ấy như sau: “Ở đời mạt kiếp này, đã là người thì không ai khỏi lỗi. Nhích chơn, hả miệng đã gây nên tội lỗi rồi, cần gì phải hành động. Liếc trừng một cái, xủ mặt một khi, đã gieo vào lòng mình một hay nhiều hạt giống nhân quả, đã phóng vòng dây đến người, rồi sẽ báo trả với nhau.” ([14])

Đã là người thế gian, ai mà không lỗi lầm. Đây là lý do mọi tôn giáo đều có pháp môn sám hối, đều có kinh sám hối, đều khuyến khích con người hằng ngày hãy biết sám hối. Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, đạo Phật và đạo Chúa đều dạy rằng con người cần sám hối để được thứ tha tội lỗi.

Kinh Đức Phật Dạy Xá Lợi Phất Về Sám Hối (Phật Thuyết Xá Lợi Phất Hối Quá Kinh 說舍利弗悔過經) chép lời Đức Phật Thích Ca dạy đại đệ tử là Xá Lợi Phất sự cần thiết phải xưng tội và sám hối như sau: “Nếu có trai lành, gái lành nào không muốn sa vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ thì họ cần phải sám hối lỗi lầm, không nên che giấu.” ([15])

Trong Kinh Bốn Mươi Hai Chương (Tứ Thập Nhị Chương Kinh 四十二章經), ở Chương Năm: Chuyển Nặng Thành Nhẹ (Chuyển Trọng Linh Khinh 轉重令輕), Đức Phật Thích Ca dạy: “Nếu người có li, t hiểu biết sai, bỏ ác làm lành, thì tội sẽ tự nhiên tiêu diệt, như bịnh mà toát mồ hôi thì bịnh dần dần thuyên giảm vậy.([16])

Đức Chúa Giê-su Ki-tô dạy mọi người hãy biết ăn năn, sám hối để được thứ tha. Chúa dạy rằng các Đấng trên cõi trời đều vui mừng nếu người thế gian đã lầm lỗi mà biết sám hối, ăn năn (Lu-ca 15:7): “Cũng y như thế, Ta bảo các người rằng trên trời sẽ vui mừng hơn vì có kẻ tội lỗi biết sám hối ... ([17])

Rồi Chúa nhắc lại (Lu-ca 15:10): “Cũng y như thế, Ta bảo các người rằng trước mặt các thiên thần, Thiên Chúa sẽ vui mừng hơn vì có kẻ tội lỗi biết sám hối.” ([18])

*

Các Hội Thánh Cao Đài có vài bản Kinh Sám Hối dài ngắn khác nhau. Riêng bản kinh truyền từ của Minh Lý Đạo (444 câu song thất lục bát) lại phổ biến hơn cả.([19]) Nhằm cung cấp một bản chú giải khả dĩ giúp tín đồ dễ hiểu nghĩa lý sâu kín của Kinh Sám Hối, tôi hiệu đính và ấn tống Chú Giải Kinh Sám Hối vào đầu xuân Giáp Thìn (2024). Bản chú giải này trước đây in kèm với khảo luận Tìm Hiểu Kinh Sám Hối của hiền huynh Thanh Căn Phan Ngọc Lợi (1951-2019), và lấy nhan đề chung là Tìm Hiểu Kinh Sám Hối (80 trang), Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội: 2009, 2010, 2011); nay tôi tách ra, sửa chữa và bổ khuyết nội dung. Khảo luận của Bảo Học Quân Thanh Căn cũng được hiệu đính và tăng bổ, in riêng thành tập Tìm Hiểu Kinh Sám Hối (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2024, 80 trang).

Với trọn tấc lòng thành kính biết ơn tất cả quý ân nhân gần xa luôn luôn thương mến, tin cậy, và ủng hộ Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo suốt mười sáu năm nay, tôi trân trọng đặt vào tay quý đạo hữu tập sách Chú Giải Kinh Sám Hối này và xin chúng ta cùng nhau hướng tâm về một trăm năm khai đạo Cao Đài (1926-2026) để cùng nhau tinh tấn tu học, hành đạo, phụng sự nhơn sanh.

Nhiêu Lộc, năm Giáp Thìn (2024)

HUỆ KHẢI


([1]) Câu 124: Ra tay tế độ, ấy thì lòng nhơn.

([2]) Kính thành nhớ ơn hai vị đạo trưởng Minh Lý Đạo là: a/ Quyền Siêu Tịnh Sư, Tổng Lý Tường Định, thế danh Lê Chơn Huệ (1929-2021); b/ Vĩnh Tịnh Sư, Hiệp Lý Đại Bác, thế danh Lâm Lý Hùng (1939-2021). Hai vị đã chỉ dẫn rõ trình tự ban Kinh Sám Hối. Nhờ thế, khi chú giải Kinh Sám Hối, Huệ Khải có thể ghi rõ ngày tháng ban trao từng đoạn kinh căn cứ theo bản gốc của Minh Lý, và ghi rõ hồng danh của Đấng đã giáng tả đoạn đó. Việc này cũng để lưu ý nhơn sanh đừng tùy tiện sửa lời kinh của các Đấng.

([3]) Khi xưa, Đức Chúa Giê-su chọn mười hai Thánh tông đồ thay Chúa đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. Sau này, để khai sáng Minh Lý Đạo, Ơn Trên chọn mười hai vị có tên thánh (thánh danh 聖名) liệt kê trong hai câu đối này: MINH Chánh Giáo Đạo Truyền Thiện Hạnh / LÝ Trực Đàm Đức Hóa Cường Ngôn. Qua đó, kể tên các vị theo thứ tự như sau: 1/ Ngài Âu Kích (1896-1941), tự Âu Kiệt Lâm, thánh danh MINH CHÁNH, đắc quả Minh Chánh Hộ Pháp. 2/ Ngài Nguyễn Văn Xưng (1891-1957), thánh danh MINH GIÁO, đắc quả Minh Chiếu Chơn Quân. 3/ Ngài Nguyễn Văn Đề (1893-1925), thánh danh MINH ĐẠO, đắc quả Khai Thiền Chơn Nhơn. 4/ Ngài Lê Văn Ngọc (1887-1965), thánh danh MINH TRUYỀN, đắc quả Bảo Đức Chơn Nhơn. 5/ Ngài Nguyễn Văn Miết (1897-1972), thánh danh MINH THIỆN, đắc quả Bác Nhã Thiền Sư Tam Tông Pháp Chủ Nguyên Quân Bồ Tát. 6. Ngài Trương Văn Ký (1907-1984), thánh danh MINH HNH, đắc quả Đăng Minh Chơn Nhơn. 7/ Ngài Võ Văn Thạnh (1895-1976), thánh danh MINH TRC. Năm 1948, Ngài tách ra và lập Thiền Tịnh Đạo Tràng Phật Bửu Tự (số 80/2 đường Cao Thắng, quận 3, Sài Gòn). Sau khi thoát xác, Ngài về chầu Tam Giáo Tổ Sư. 8/ Ngài Nguyễn Hữu Hay (1899-1961), thánh danh MINH ĐÀM, đắc quả Quảng Tế Chơn Nhơn. 9. Ngài Nguyễn Văn Hoài (1904-1945), thánh danh MINH ĐC, đắc quả Ly Cấu Chơn Nhơn. 10/ Ngài Nguyễn Minh Đức (1884-1964), thánh danh MINH HÓA, đắc quả Minh Quang Chơn Thánh. 11. Ngài Lâm Thiên Hứa (1907-1994), thánh danh MINH CƯNG, đắc quả Hạnh Nguyên Chơn Thiền. 12/ Ngài Lê Kim Bằng (1885-1967), thánh danh MINH NGÔN, đắc quả Phổ Thiện Chơn Nhơn.

([4]) giáo thọ, cũng gọi giáo thọ sư 教授師 là ông thầy giảng giới luật (a teacher of rules, discipline, or morals) cho người thọ giới (giới tử 戒子; thụ giới chi đệ tử 受戒之弟子). Dùng như danh từ, giáo thọ là thầy dạy (teacher); dùng như động từ, giáo thọ là truyền thụ kiến thức, dạy học (to teach). Tiếng Sanskrit gọi vị giáo thọ là ācārya (người Hoa dịch âm là a xà lê). Ghép cách dịch nghĩa với dịch âm, gọi là giáo thọ a xà lê 教授阿遮利.

([5]) Nay ở số 149 Cô Giang, quận 1. (HK chú)

([6]) Minh Lý Đạo, Kinh Bố Cáo. Sài Gòn 1973, tr. II.

([7]) Theo tiền bối Huệ Lương Trần Văn Quế (1902-1980), bốn vị đến Minh Lý Đạo thỉnh kinh là các tiền khai Lê Văn Trung (1876-1934), Phạm Công Tắc (1890-1959), Vương Quan Kỳ (1880-1940), và Cao Quỳnh Cư (1888-1929). xem: Tạp chí Cao Đài Giáo Lý, số 77. Sài Gòn: Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (CQPTGL CĐG VN) xuất bản, 1972, tr. 10.

([8]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Thứ Tư 27-8-1969 (15-7 Kỷ Dậu).

([9]) CQPTGL CĐG VN, Chủ Nhật 03-4-1977 (15-02 Đinh Tỵ).

([10]) Thánh tịnh Ngọc Minh Đài, Thứ Năm 16-11-1967 (15-10 Đinh Mùi). Đức Hiển Thế Đạo Nhơn thế danh là Phan Văn Thanh (1890-1950). Sinh thời, ngài hành đạo tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài (đường Nguyễn Khoái, quận 4, Sài Gòn).

([11]) Thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo, Chủ Nhật 10-11-1974 (27-9 Giáp Dần). Ngài Võ Hồng Sa (1880-1946) sinh thời tu theo pháp môn Chiếu Minh, đắc quả Thái Thanh Đồng (1953), sau thăng quả vị Hồng Đức Chơn Tiên (1954). Nhà riêng của ngài nay là thánh tịnh Chiếu Minh Ẩn Giáo (xã Tân Thới, huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ).

([12]) Tam Tông Miếu, Thứ Tư 08-12-1965 (16-11 Ất Tỵ).

([13]) CQPTGL CĐG VN, Thứ Sáu 28 rạng Thứ Bảy 29-12-1979 (10 rạng 11-11 Kỷ Mùi). Ngài Lê Văn Tiểng (1843-1913) tu Minh Sư tới phẩm Thái Lão Sư, đạo hiệu là Lê Đạo Long. Ngài có công khai sáng chi Minh Đường, lập Vĩnh Nguyên Tự vào năm 1908. Ngài đắc quả Như Ý Đạo Thoàn Chơn Nhơn. Từ năm 1926, Vĩnh Nguyên Tự (nay ở xã Long An, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) trở thành thánh sở Cao Đài.

([14]) Tam Tông Miếu, Thứ Tư 08-12-1965 (16-11 Ất Tỵ).

([15]) Phật ngứ Xá Lợi Phất: Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, ý bất dục nhập nê lê, cầm thú, bệ lệ trung giả, chư sở tác quá giai đương hối quá chi bất đương phúc tàng.佛語舍利弗: 若有善男 , 善女人, 意不欲入泥犁禽獸薜荔中者, 諸所作過皆當悔過之不 當覆藏. Ghi chú: 1/ Nê lê 泥犁 là địa ngục. 2/ Bệ lệ 薜荔 là ngạ quỷ (quỷ đói).

([16]) Nhược nhơn hữu quá, tự giải tri phi, cải ác hành thiện, tội tự tiêu diệt, như bệnh đắc hãn, tiệm hữu thuyên tổn nhĩ. 若人有過, 自解知非, 改惡行善, 罪自消滅, 如病得汗, 漸有痊損耳.

([17]) In the same way, I tell you that there will be more joy in heaven over one sinner who repents ... (International Standard Version)

([18]) In the same way, I tell you that there is joy in the presence of God’s angels over one sinner who repents. (International Standard Version, 2014)

([19]) Xem thêm: Giải Nghĩa & Minh Họa Kinh Sám Hối. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2023, tranh 4 màu (120 trang). Quyển số 148 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.