TẶNG QUÀ
Th.s. B.s. LAN HẢI
Hồi còn là thành viên chính thức của “Hội độc thân”, tôi có dịp tặng quà
thầy giáo dạy ngoại ngữ của lớp học thêm. Ngày ấy mới ra trường nên chất sinh
viên còn đậm lắm, nghèo, xa gia đình, ở tập thể thiếu thốn đủ thứ, chỉ có lòng
dũng cảm là có thừa.
Vừa lãnh lương nên tôi tự tin mời thầy vào chọn quà ở cửa hàng chuyên bán
đồ lưu niệm cho khách du lịch Tây. Trái với sự “phòng xa” ban đầu của tôi là sẽ
bị từ chối, thầy vui vẻ đồng ý đi ngay.
Mới bước vào cửa hàng, thầy đã reo lên trước mấy món đồ chế tác từ sừng
trâu, ngắm từ góc này sang góc kia, lấy máy ảnh ra chụp. Rồi bước sang bên,
thầy xuýt xoa trước tấm lót đĩa rất tinh tế được móc bằng chỉ, mấy con kiến làm
từ rễ tre cực kỳ ngộ nghĩnh, những chiếc giỏ xinh xinh đan từ xơ dừa... Theo
chân thầy mà độ lo lắng sợ hãi của tôi tăng lên từng phút. Thầy “chấm” nhiều
mục tiêu như vầy chắc tôi không đủ “đạn” mất.
Đi dạo một vòng, không bỏ sót tủ trưng bày nào, hiện vật nào, thầy mỉm
cười và thốt lên đầy cảm thán: “Tuyệt quá! Người Việt rất sáng tạo và khéo tay.
Những mặt hàng thủ công độc nhất vô nhị, không cái nào giống cái nào. Ngay cả
cái lỗi nhỏ cũng trở nên độc đáo.”
Lấy hết can đảm, tôi nói với thầy: “Mời thầy chọn quà ạ.” Lòng bàn tay
tôi đổ mồ hôi, ôi có lẽ tôi không đủ tiền để trả cho mấy món đồ ở đây mất. Có
lẽ tôi sẽ phải mua chịu, hay ký sổ, trả sau vào tháng lương tới hoặc vay bạn
bè…, sao tôi lại hăng hái liều mạng tặng quà thầy cơ chứ.
Thầy nhìn một lượt các quầy hàng và những món quà, ánh mắt lấp lánh niềm
vui.
Tôi thành thật nói: “Em chỉ đủ khả năng tặng thầy món quà chừng… x USD
thôi ạ.” Với tôi lúc ấy, nói ra điều này nó thô thiển, bất tiện làm sao!
Và đây là điều làm tôi nhớ mãi.
Thầy nói chậm và rõ để tôi có thể hiểu đúng từng từ: “Cảm ơn bạn. Tôi đã
nhận quà rồi. Cảm ơn ý nghĩ tặng quà của bạn. Bạn đã dành cho tôi cả buổi để
ngắm nghía những món đồ xinh đẹp này, tôi rất vui. Bây giờ thì chúng ta về thôi
và ngồi uống mỗi người một trái dừa.”
Một câu trả lời gần gũi và rất lịch sự, với sự trân trọng dành cho người tặng
quà.
*
Khi con gái tôi là “sinh viên năm nhất bậc tiểu học”, tôi cùng bé vật vã
đánh vần bài “Người Ăn Xin” của Tuốc-ghê-nhép (sách Tập Đọc lớp 1, nay bài này
nằm trong sách Tiếng Việt lớp 4):
“Lúc ấy, tôi đang đi
trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt ông
lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại…
Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết
nhường nào! Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ
cầu xin cứu giúp. Tôi lục tìm hết túi nọ đến túi kia, không có tiền, không có
đồng hồ,
không có cả một chiếc khăn tay. Trên
người tôi chẳng có tài sản gì. Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy
bẩy. Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia: ‘Ông
đừng giận cháu. Cháu chẳng có gì để cho ông cả.’
Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở
nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi: ‘Cháu ơi, cảm ơn cháu. Như vậy là
cháu đã cho lão rồi.’ Ông lão nói bằng giọng khản đặc.
Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của
ông lão.”
Món quà mà hai ông cháu trao cho nhau là
sự tôn trọng phẩm giá con người, là tấm lòng chân thành giữa người với người.
*
Sau này, tôi kinh qua rất nhiều trải
nghiệm mang tên “quà cáp”. Đi biếu có, được nhận có, trao đổi “có qua có lại”
cũng có. Được nhờ tư vấn mua quà, xách hộ, trao giùm quà, thấm thía câu thành
ngữ “Của biếu là của lo, của cho là của
nợ”, “Ghét người yêu của”… Vui vì quà cũng lắm mà khổ vì quà cũng nhiều. Có
những món quà rất ưng ý, có món quá mắc tiền, có món “của nhà trồng được”, “cây
nhà lá vườn”, có món quà công phu phải chuẩn bị trong nhiều năm tháng và người
nhận phải chờ khá lâu... Tôi càng cảm nhận sâu sắc rằng giá trị của việc tặng quà
không nằm ở món quà, mà trong chính tấm lòng của người trao tặng, như Prasant Mishra
– diễn viên kịch Shakespeare người Ấn
Độ – đã nói: “Món quà lớn nhất ta có thể tặng ai đó là ở
bên họ, vì khi ta trao tặng thời gian của ta, đó là một phần của cuộc đời –
điều mà ta không bao giờ có thể nhận lại.”
Th.s. B.s. LAN HẢI
Công
Giáo và Dân Tộc, số 2327
Tuần lễ từ 14 đến 20-01-2022