NGHĨ VỀ CÁI ĐỈNH ĐẶT TRƯỚC TRUNG HƯNG BỬU TÒA
GIÓ BỐN PHƯƠNG
Gió muốn thổi đâu thì thổi. GIOAN 3:8
@ Hiền tỷ ở quận Bình Thạnh. Điện thư ngày 08-01-2022:
Trước sân Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, Đà
Nẵng) có đặt một cái đỉnh lớn. Từ cột phướn nhìn vào thì thấy trên đỉnh có đúc
bốn chữ “loằng ngoằng”. Kính nhờ Đạo Uyển giải thích giúp ý nghĩa bốn chữ này.
Cảm ơn Đạo Uyển.
Huệ Khải: Hiền tỷ ở Bình Thạnh mà hỏi chuyện ngoài Đà Nẵng, lại không kèm
theo ảnh minh họa thì quả là hỏi khó rồi vậy. (Cười…) Chúng tôi đã nhờ hiền tỷ
Đỗ Thị Kết chụp giúp một ảnh gởi vào Sài Gòn để xem tận mắt bốn chữ “loằng ngoằng”
như hiền tỷ nói trong thư. Nhân đây, xin cảm ơn Đỗ hiền tỷ, nhiều năm qua luôn
luôn là một bạn thơ cộng tác viên kiêm phát hành giúp Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo rất nhiệt tâm.
Bốn chữ
Nho viết theo lối triện đọc từ phải sang trái là “Chánh vị ngưng mạng” 正位凝命. Một dạng chữ triện khác, gần giống như bốn chữ đúc trên đỉnh được
đính kèm phía trên ảnh minh họa để tiện đối chiếu.
Ảnh 1: Chiếc đỉnh trước Trung Hưng Bửu Tòa, và bốn chữ triện “Chánh vị ngưng mạng”.
1.
Về xuất xứ, bốn chữ “chánh vị ngưng mạng”
có trong Đại Tượng Truyện của
quẻ Dịch thứ 50, tên quẻ là Hỏa Phong Đỉnh.
Đỉnh 鼎 hay vạc (cauldron)
loại tròn có ba chân, loại vuông có bốn chân; trên miệng có hai quai (để tiện xỏ
đòn khiêng đi).
Đỉnh (vạc) là một vật mang tính biểu
tượng. Thật
vậy, để tượng trưng cho quyền lực, thành tựu, thống nhất giang san, và vững bền
của vương triều, vua Minh Mạng (trị vì 1820-1840) cho đúc chín cái đỉnh đồng
vào cuối năm 1835, hoàn tất đầu năm 1837, đặt trước Hiển Lâm Các, đối diện Thế
Miếu, phía tây nam hoàng thành.
Trong
văn học, việc phò vua giúp nước gọi là “đỡ
vạc nâng thành”. Chẳng hạn, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo dạy: “Đến lúc cấp thiết cũng lo đỡ vạc nâng thành, cứu dân cứu
nước, như Vạn Hạnh Thiền Sư đời Lý, Phù Vân Quốc Sư đời Trần trong lịch sử nước
nhà của chư đệ muội.” ([1])
Do đâu
mà trước Trung Hưng Bửu Tòa lại đặt cái đỉnh? Chúng tôi chưa tìm được thánh
giáo nào dạy về việc này. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất của đỉnh (vạc) là biểu
tượng cho quyền
lực, thành tựu, thống nhất giang san, và vững bền của một vương triều, thì
trong cửa đạo, ở Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, cái đỉnh đặt trước sân Trung
Hưng Bửu Tòa tượng trưng cho quyền pháp được Đức Chí Tôn ban trao cho Hội
Thánh, sự thành tựu của công cuộc gieo giống Kỳ Ba ở Trung Kỳ trải qua thời
gian dài gian khổ (1934-1956), hy sinh cả xương máu của biết bao chức sắc, tín
đồ trung kiên. Cái đỉnh còn nhắc nhở về sứ mạng của Hội Thánh là thống nhất tôn
giáo Cao Đài để Đại Đạo được vững bền, v.v…
2. Ý nghĩa bốn chữ “chánh vị
ngưng mạng” là gì? Đại Tượng Truyện quẻ Đỉnh nói: “Quân
tử dĩ chánh vị ngưng mạng.” 君子以正位凝命. Tức là người quân tử xem biểu tượng
quẻ Đỉnh mà làm cho mình đạt được chỗ “chánh
vị ngưng mạng”.
Nhân
Tử Nguyễn Văn Thọ bảo: “Các lời giải thích về Đại Tượng quẻ Đỉnh
này rất khác nhau.” ([2]) Thật vậy, bản thân chữ Dịch nghĩa là
“biến đổi” cho nên các tác giả thường giảng giải các quẻ khác nhau; với quẻ Đỉnh
cũng thế. Chẳng hạn:
2.1. Hai chữ “chánh vị” từng được giảng như sau:
– “nghiêm trang đoan chính ở địa vị mình” (Phan Bội Châu);
– “địa vị chính đáng của mình” (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ);
– “làm cho chính đính cái ngôi của
mình ở” (Ngô Tất
Tố);
– “ngôi vị đúng tài đức, đúng chức phận” (Huệ Minh);
– “giữ cho từng vị trí của mình được
đúng / keeps his every position correct” (James Legge);
– “làm cho địa vị hay vị trí của mình
được đúng / making his position correct” (Richard Wilhelm).
2.2. Hai chữ “ngưng mạng” từng được giảng như sau:
– “mệnh lệnh phát hành (...) được thống nhất tề chỉnh” (Phan Bội Châu);
– “thực hiện cho được định mạng của mình” (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ);
– “làm cho mệnh lệnh an trọng” (Ngô Tất Tố);
– “mệnh lệnh tập trung và ban phát dứt
khoát, nghiêm mật” (Huệ Minh);
– “bảo toàn sứ mạng Trời giao / maintains
secure the appointment (of Heaven)” (James Legge);
– “củng cố số mạng của mình / consolidates
his fate” (Richard Wilhelm).
2.3. Các
giải thích trích dẫn trên đây e rằng không hoàn toàn thích hợp để giảng nghĩa bốn
chữ “chánh vị ngưng mạng” đúc nổi trên cái đỉnh
đặt trước mặt Trung Hưng Bửu Tòa. Bởi lẽ Dịch nghĩa là “biến”, không xơ cứng
theo một công thức nào cố định; do đó, phải chăng chúng ta cần xem bốn chữ này
như một “thông điệp” (message) nhắn gởi
tất cả các bậc Thiên ân hướng đạo có sứ mạng quyền pháp Trời ban trao để thi
hành sứ mạng trung hưng, có trọng trách hoàn thành sứ mạng của Hội Thánh Truyền
Giáo Cao Đài?
3.
Về “chánh vị”, chúng tôi hiểu như sau:
3.1.
“Vị” là “phẩm vị” (rank), là “vị
trí” (position) của mỗi bậc
Thiên ân hướng đạo quyền pháp trong Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài. Các vị này thường
được gọi là “chức sắc” (dignitaries).
3.2.
Căn cứ theo Pháp
Chánh Truyền hay Tân Luật hoặc bản Chú Giải Tân Luật của Đức Giáo
Tông Vô Vi Lý Thái Bạch (ban trao ngày Thứ Năm 25-8-1938), nếu lấy công tâm suy
xét, phải chăng chúng ta thấy rằng rất khó có người hội đủ các điều kiện về
tâm, hạnh, đức, tài để hoàn toàn xứng đáng nhận lãnh một phẩm vị trong Hội
Thánh? Mà thiếu chức sắc đủ điều kiện (qualified
dignitaries) thì lấy ai làm việc cho Hội Thánh? Thế nên buộc phải dùng những
nhân sự tuy chưa hoàn toàn nhưng vẫn có một số ưu điểm nào đó. Vậy, dù cho là
chức sắc Thiên phong, phải chăng cũng nên hiểu là Thầy “lập vị” giúp mình tu tiến,
có đà vượt trỗi lần lần lên?
Bậc chức
sắc chân tu, đạo hạnh khi ý thức thân phận mình là như vậy, thì rất sợ hãi lúc
được nhận áo mão Hội Thánh ban trao, tức là các ngài mang tâm lý phập phồng,
canh cánh âu lo “như đang đi xuống vực sâu, như đang bước trên lớp băng mỏng” (như lâm thâm
uyên, như lý bạc băng 如臨深淵, 如履薄冰)
đúng theo lời Kinh Thi được Đức Thái
Bạch Kim Tinh nhắc lại trong đàn cơ tại Tịnh Đường vào giờ Tý ngày 24-12 Giáp
Thìn (Thứ Ba 26-01-1965).
Ý thức
như vậy thì chức sắc càng cao phẩm vị càng khiêm tốn cực kỳ. Do đó, để cho mình
được “chánh vị” tức là “xứng đáng ở vào phẩm vị một chức sắc”, các ngài luôn
luôn trau giồi, học hỏi, tu tập để nâng cao phẩm chất bản thân, nghĩa là “tự cường bất tức”
自強不息 (Đại Tượng
Truyện, quẻ Càn), và không ngừng “tiến đức tu nghiệp” 進德修業 (Văn Ngôn,
quẻ Càn, hào Cửu Tam).
Ý thức
như vậy thì chức sắc cố gắng chu toàn phận sự của chính mình, hãy ở đúng chỗ của
mỗi ngài (chánh vị), không tham lam
quyền lực mà giành quyền, lấn quyền của người khác. (Phận sự bản thân đã xong
đâu mà còn muốn đưa tay vói sang chức trách của người khác?)
4.
Về “ngưng mạng”, chúng tôi hiểu như sau:
4.1. "Ngưng" 凝 là chữ Nho; không có nghĩa "ngưng lại, ngưng nghỉ, ngừng lại" (stopping, ceasing. . .) như tiếng Việt.
Động từ “ngưng” có nghĩa là “hoàn thành, hoàn tất, thành tựu” (accomplishing sth, actualising sth). Đây
chính là nghĩa chữ “ngưng” trong sách Trung
Dung: “Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên.” 苟不至德, 至道不凝焉 (Nếu không phải là bậc đức hạnh tột cùng
thì không thành tựu được cái đạo tối thượng.)
4.2. “Mạng” là “sứ mạng” (mission). Vậy, “ngưng mạng” là “hoàn thành sứ mạng” (accomplishing a mission).
Chúng tôi thấy Baidu (Bách Độ), tức là Bách Độ Bách Khoa 百度百科 của Bắc Kinh cũng giảng “chánh vị ngưng mạng” 正位凝命 là “hoàn thành tự thân sứ mạng” 完成自身使命, nghĩa là hoàn thành sứ mạng của mình (chúng tôi dịch sang tiếng Anh là: accomplishing one’s own mission).
Nguồn: https://baike.baidu.com/item/%E6%AD%A3%E4%BD%8D%E5%87%9D%E5%91%BD/1782823
(truy cập 09-01-2022).
5. Như đã nói, vì chưa tìm được thánh giáo nào dạy về việc đặt chiếc đỉnh “chánh vị ngưng mạng” trước sân Trung Hưng Bửu Tòa, chúng tôi không thể xác quyết được việc lập đỉnh năm xưa là do thánh ý chỉ bày hay do sáng kiến của lớp tiền nhân đạo cao đức trọng dày công xây dựng Hội Thánh, kiến tạo Bửu Tòa. Nhưng, giả thiết việc này là do sáng kiến minh triết của các ngài, thì quả thật các ngài rất cao siêu.
Là lớp hậu tấn, khi thấu hiểu ý nghĩa thâm sâu của bốn chữ
“chánh vị
ngưng mạng” đúc nổi trên chiếc đỉnh, thì những vị nặng lòng với sứ mạng
trung hưng, những vị đau đáu với sứ mạng thống nhứt đạo Cao Đài của Hội Thánh
Truyền Giáo, mỗi khi ra vào Bửu Tòa, mỗi khi nhìn thấy chiếc đỉnh, phải chăng
đó cũng là lúc nhớ tới bốn chữ “chánh vị ngưng mạng” và lấy đó làm lời sách tấn
bản thân?
6. Để hoàn thành sứ mạng
trung hưng, chu toàn sứ mạng thống nhứt đạo Cao Đài, thì không chỉ ở cấp Hội
Thánh trung ương mà còn rất cần có sự toàn tâm toàn ý góp phần của các thánh đường,
thánh thất địa phương.
Bởi thế, những địa phương nào may duyên có đất rộng, cơ sở
khang trang đẹp đẽ, thì việc đặt chiếc đỉnh trước sân giống như Bửu Tòa trộm
nghĩ cũng rất ý nghĩa, vì suy cho cùng, đó là cách mượn vật hữu hình để
thường xuyên sách tấn lấy mình trên đường tu học, hành đạo Kỳ Ba. Như thế chẳng
phải là hay lắm ru?
Huệ Khải (09-01-2022)