Chủ Nhật, 2 tháng 1, 2022

Đầu năm 2022 đọc "MÓN QUÀ CUỐI NĂM" (2021)

 


MÓN QUÀ CUỐI NĂM

HUỆ KHẢI

1. Giao cảm

Buổi chiều cuối trung tuần tháng 12-2021, ông bạn hiền (cũng là bạn già lâu năm) ở báo Công Giáo Và Dân Tộc ghé nhà tặng tôi tập sách TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO của linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, tháng 12-2021, dày 772 trang 16,5x24 cm, giá bìa 200,000 đồng).

Tiễn bạn ra về, tôi trở vào nhà với tập sách bìa carton, thiết kế trang nhã. Rọc lớp màng co bao ngoài, lần giở từng tờ giấy couché matt 64 gsm trắng láng, ngắm nhanh một số trong rất nhiều tranh minh họa, tôi nghĩ tới tấm lòng của bạn mà cảm kích.

Do công việc chú giải thuật ngữ Cao Đài có liên quan tới Đạo Chúa, nhiều năm qua tôi hay tra cứu để tìm hiểu thuật ngữ Công Giáo. Những khi không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng trong các từ điển, tôi lại điện thoại cho bạn để hỏi. Bởi vậy, hễ có từ điển Công Giáo nào mới, uy tín thì bạn lại mang tới nhà cho tôi dùng. Quyển TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO trước thềm Giáng Sinh năm nay vì vậy chính là món quà của tình tri kỷ dài lâu.

2. Tản mạn về hai chữ “từ vựng”

Hai chữ “từ vựng” trong nhan đề tập sách e là dễ khiến phần đông đại chúng bối rối nhưng linh mục Huỳnh Trụ không giải thích, mặc dù soạn giả thừa biết rằng thời nay trình độ sử dụng tiếng Việt và hiểu biết từ Hán Việt của phần lớn đồng bào chúng ta rất đáng lo ngại, và thực trạng này vẫn là nỗi bận tâm của những ai có “thiện chí giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt” như lời soạn giả thổ lộ trong sách (tr. 8).

Chữ theo Khang Hy Tự Điển đọc là “vị” (于切貴音胃 vu thiết quý âm vị), nhưng nhiều người Việt quen đọc là “vựng”. Chữ “vị” có nghĩa là phân loại (classifying, classification), hoặc là thâu thập, tập hợp lại (collecting, collection). Thời trước, người Việt hay dùng hai chữ “tự vị / tự vựng” và “từ vị / từ vựng” theo nghĩa tập hợp các “tự” (hay “từ” ) và phân loại chúng theo thứ tự ABC. Chẳng hạn:

a. Bộ Dictionnaire annamite hai tập in tại Sài Gòn trong hai năm 1895, 1896 của Huình Tịnh Paulus Của (1834-1907) có nhan đề chữ Nho là 大南國音字彙, và ghi kèm tiếng Việt là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Theo cách phiên thiết của Khang Hy Tự Điển, Paulus Của gọi bộ “dictionnaire” của mình là “tự vị”, và ông xếp các từ theo từng “tự” (chữ). Thí dụ, các từ “người ta, chúng ta, trai ta, chàng ta, anh ta, ba ta, hai ta, ta tiểu” đều xếp chung vào chữ “Ta” (tr. 322). Paulus Của cắt nghĩa “tự vị” như sau: “Sách hội [thâu thập] giải chữ nghĩa cùng các tiếng nói, làm ra từ [từng] bộ, từ [từng] loài.” (tr. 508). Trong giải thích này, khi viết “sách hội” thì ông dùng cái nghĩa “thâu thập” của chữ “vị/vựng”; khi viết “làm ra từ bộ, từ loài” thì ông dùng cái nghĩa “phân loại” của chữ “vị/vựng”.

b. Có thể nói rằng vào thời xưa hai chữ “tự vị” thông dụng hơn “tự vựng” và thường dùng để dịch chữ “dictionnaire” mà ngày nay quen dịch là “tự điển” 字典 hay “từ điển” 詞典. Vài thí dụ về “tự vị”:

Jean-Baptiste Louis Taberd, 南越洋合字彙 / Dictionnarium anamitico-latinum. India: Serampore, 1838. (Nhan đề quyển này không ghi tiếng Việt, nhưng dòng chữ Nho trong nhan đề đọc là: Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị.)

J.M.J., Tự Vị An Nam – Pha Lang Sa. / Dictionnaire annamite-français. Tân Định: Imprimerie de la Mission, 1877.

Từ Phát, Hỏi Ngã Tự Vị. Sài Gòn: Nxb Thanh Quang, 1958.

Lê Ngọc Trụ, Việt Ngữ Chánh Tả Tự Vị. Sài Gòn: Nxb Thanh Tân, 1959.

Vũ Văn Kính, Tự Vị Nôm. Sài Gòn: Đại Học Văn Khoa, 1970.

c. Quyển Digestum (dịch ra tiếng Pháp là “Le Digeste) tập hợp tất cả văn bản pháp luật do đại đế Justinien (482?-565) ban hành ở đế quốc Byzantine trong thời gian từ năm 529 tới năm 534. Sách này được giới luật học Việt Nam gọi là “Pháp Luật Vựng Tập”, thì “vựng tập” có nghĩa như sưu tập (collecting), kết tập (compiling).

Từ những mục a, b, c nêu trên, chúng ta có thể hiểu như sau: Linh mục Huỳnh Trụ không gọi quyển sách của mình là “tự vị” mà gọi “từ vựng” vì hai lý do: (i) “Vựng” là cách người Việt đọc thay cho “vị”; (ii) Soạn giả khảo sát các “từ” chứ không phải “tự” (chữ) như Paulus Của.

Tóm lại, nhan đề TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO cho chúng ta biết linh mục Huỳnh Trụ thâu thập các từ (soạn giả gọi là “thuật từ”) Công Giáo và xếp theo thứ tự ABC. Ngoài ra, soạn giả gọi nội dung tập sách của mình là “120 bài” (tr. 8) thay vì 120 mục từ (entries), vì hình thức trình bày quả thật không theo phong cách soạn mục từ trong các từ điển, mà chính là dạng các bài viết vốn đã đăng mỗi tháng một kỳ trên nguyệt san Bài Giảng Chúa Nhật phát hành trong mười năm 2005-2015.

3. Đồng cảm với “Lời Giới Thiệu” rất khéo

Linh mục Phaolô Nguyễn Thành Sang (Thư Ký Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam) viết “Lời Giới thiệu” rất khéo, có những điểm đáng chú ý như sau:

“TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ là quyển sách minh giải các thuật ngữ tiếng Việt thông dụng trong đời sống đức tin Công Giáo. (...) Vì thế có thể nói, tác phẩm này là một nỗ lực tiếp cận chân lý thần linh qua ngôn ngữ nhân linh.” (tr. 5)

“(C)ó thể nói, tác phẩm TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO là công trình của lời, lý tình. Lời vì là công trình của một con người am tường ngôn ngữ Hán Việt. Lý vì là công trình của một Kitô hữu nỗ lực tìm gặp chân lý thần linh. Tình vì là công trình của một linh mục hết lòng yêu mến Thiên Chúa, Giáo Hội Việt Nam và văn hóa Công Giáo Việt Nam.” (tr. 5)

“(V)ới 120 tiểu mục thuộc nhiều lãnh vực khác nhau của đời sống đức tin Công Giáo, tác phẩm TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO là công cụ rất quý giá và hữu ích cho các mục tử, những người giảng dạy và nghiên cứu, các chủng sinh, các tu sĩ, các sinh viên thần học, các giáo lý viên, cũng như mọi Kitô hữu và những ai muốn tìm hiểu văn hóa Công Giáo.” (tr. 6)

Tôi nhấn mạnh dòng chữ “những ai muốn tìm hiểu văn hóa Công giáo” vì quả thật tôi (người tín hữu Cao Đài) thuộc vào thành phần này. Tập sách từ vựng của linh mục Huỳnh Trụ phù hợp mối quan tâm bấy lâu của tôi là tìm hiểu thuật ngữ Đạo Chúa và soi chiếu các thuật ngữ này với cách dùng trong luật đạo và thánh giáo Cao Đài.

Theo góc nhìn nào đó, có thể thấy rằng đạo Cao Đài mang tính liên tôn. Thật vậy:

Đức Giêsu được tôn kính trên bàn thờ Cao Đài (Thiên bàn), được kính cẩn xướng hồng danh “Gia Tô Giáo Chủ Cứu Thế Thiên Tôn” mỗi khi đọc sớ trước Thiên bàn.

Đặc biệt, ngày 24-02 Tân Mùi (Thứ Bảy 11-4-1931), Đức Thể Liên Tiên Nữ giáng cơ ban cho bài kinh tụng nhan đề Kính Lạy Đức Gia Tô Giáo Chủ gồm hai mươi câu lục bát. Sau đó, thánh thất Định Tường in bài này trong cuốn Kinh Nhựt Thời (Sài Gòn: nhà in Xưa Nay, 1932, tr. 27) như sau:

Lạy cầu Con Một Chúa Cha,

Gia Tô cứu thế xót xa tôi cùng.

Cũng vì nơi tội Tổ Tông,

Ngôi Hai phải dụng máu hồng rửa tan.

Chúng tôi ngoại giáo khổn nàn,

Lòng theo ma quỷ tin càn tưởng vơ.

Xa xuôi khác cõi cách bờ,

Đông Dương một cõi thiên thơ chưa tường.

Cúi xin chỉ mối đem đường,

Nước Cha chầu chực xót thương trao lời.

Nước Cha chính ngự Ngôi Trời,

Chúa Con ngai hữu đời đời hiển vang.

Bởi nơi Người thác rõ ràng,

Mà nên sống lại đặng ban ơn lành.

Chúng tôi muôn tội đã đành,

Vì chưng tối mắt chưa nhìn biết Cha.

Cả kêu một tiếng lạy Cha,

Chúng con biết tội xin tha con mà.

Lạy cầu Con Một Chúa Cha,

Gia Tô cứu thế xót xa tôi cùng.

Đạo Chúa cùng với Tam Giáo (Nho, Thích, Lão) kết thành Tứ Giáo và Tứ Giáo được đạo Cao Đài kế thừa, xiển dương trong sứ mạng cứu độ Kỳ Ba. Thế nên, tôi luôn chia sẻ với đồng đạo áo trắng của mình rằng người Cao Đài muốn hoằng pháp Cao Đài thì ngoài Tam Giáo còn phải học hỏi Đạo Chúa thật nhiều. Như thế, TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO của linh mục Huỳnh Trụ rất nên có sẵn trong tủ sách gia đình các tín hữu Cao Đài, nhất là trong thư viện các cơ sở đào tạo của đạo Cao Đài.

4. Đồng cảm với “Lời Nói Đầu” có tình có lý

Trong “Lời Nói Đầu”, linh mục Huỳnh Trụ bày tỏ:

“TÌM HIỂU TỪ VỰNG CÔNG GIÁO là một nỗ lực đóng góp nhằm làm rõ ý nghĩa mt số thut ngữ dùng trong giới Công Giáo, đc bit là những từ Hán Vit, ngõ hầu độc giả có thể lựa chọn sử dụng những từ ngữ này trong những lãnh vực có liên quan đến tôn giáo, nói hoc viết cách tốt hơn.” (tr. 7)

Thật ra, “làm rõ ý nghĩa một số thuật ngữ (...), đặc biệt là những từ Hán Việt” để có thể “nói hoặc viết cách tốt hơn” cũng là điều đáng phải làm trong đạo Cao Đài. Là tôn giáo xuất phát từ đất Nam Kỳ, tiếng Việt và từ Hán Việt được ghi chép theo cách phát âm của người miền Nam mà không có chữ Nho kèm theo, thế nên các văn bản, kinh kệ, v.v... trong đạo Cao Đài dễ sai chánh tả, khiến cho câu văn, câu kinh lạc nghĩa hoặc vô nghĩa.

Ở hai đoạn khác, linh mục Huỳnh Trụ giãi bày:

“Do đó, khi khảo sát một số thuật từ nào đó quen dùng trong sinh hoạt của cộng đồng Công Giáo (...), chúng tôi không muốn can thiệp trực tiếp vào sự phát triển của ngôn ngữ dân gian (...). Nhưng chúng tôi chỉ nhằm đóng góp vào sự phát triển của ngôn ngữ văn hóa trong Giáo Hội mà cụ thể là về phương diện từ vựng – một phần của ngôn ngữ văn hóa mà thôi.” (tr. 7)

“Đây không phải là ‘tác phẩm nghiên cứu về ngôn ngữ học’ lại càng không phải là ‘tiếng nói của giáo quyền’, nhưng đơn giản chỉ là ý kiến của cá nhân trong lĩnh vc ngữ nghĩa từ vựng Công Giáo với thiện chí giữ gìn sự trong sáng tiếng Việt.” (tr. 8)

Hai dòng chữ “không phải là ‘tiếng nói của giáo quyền’”, và “chỉ là ý kiến của cá nhân trong lĩnh vực ngữ nghĩa” được tôi nhấn mạnh với sự đồng cảm của kẻ cùng mắc bệnh săm soi chữ nghĩa giống như soạn giả.

Quả thật, như tôi từng trải nghiệm, khi đem “ý kiến của cá nhân trong lĩnh vực ngữ nghĩa” mà nói khác với những gì đã từ lâu định hình thành “thói quen” hay “lẽ đương nhiên” trong tôn giáo mình thì rất dễ nhận lấy sự không hài lòng của đồng đạo hay giáo quyền.

5. Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ (giáo xứ Phanxicô Xaviê, tục gọi nhà thờ Cha Tam) đã tám mươi tuổi ta (ngài sinh năm 1942), và sức khỏe ngài đang chịu ảnh hưởng của lớp người tuổi hạc... Nghĩ đến công khó của vị linh mục cao niên bao năm qua tỉ mẩn với đôi quang gánh chữ nghĩa nhà Đạo trên vai, lòng tôi phát sinh một tình cảm mà tôi không biết dùng từ gì diễn tả cho xác đáng. Rồi nghĩ đến bạn hiền tri kỷ tặng sách quý nhằm trợ giúp công việc biên khảo phụng đạo tôi đang đeo đuổi, tôi vui thầm tấc dạ.

HUỆ KHẢI

Phú Nhuận, 23-12-2021