XEM TRANH THIỀN VẼ CỌP
LÊ ANH MINH
Năm 2022 theo âm lịch là Nhâm
Dần, tức là năm cọp. Vậy, nhân năm cọp, chúng ta cùng xem lại một bức tranh thủy
mặc vẽ năm 963 (đời Tống, Trung Hoa).
1. Ở góc trái phía trên bức tranh là con
triện vuông màu đỏ, khắc bốn chữ 德壽殿寶 Đức Thọ Điện bảo (vật báu Điện Đức Thọ).
Đời Tống có Cung Đức Thọ ở Hàng Châu, bên trong có hơn mười điện: Đức
Thọ Điện 德壽殿, Hậu Điện
後殿, Linh
Chi Điện 靈芝殿, Xạ Sảnh
射廳, Tẩm Điện
寢殿, Thực Điện
食殿, v.v…
2. Con triện vuông đè lên bốn chữ 損齋寶玩 Tổn Trai bảo ngoạn (vật báu cung Tổn
Trai).
Được vua Tống Cao Tông cho xây năm 1158 (năm Thiệu Hưng 紹興 thứ hai mươi tám), Tổn Trai là thư viện chứa sách cổ trong
hoàng cung đời Tống, là nơi vua đọc sách, nghỉ ngơi.
3. Dưới con triện hình hồ lô là hai triện vuông nhỏ: triện bên trên ghi
chữ Thiệu 紹; triện bên dưới ghi chữ Hưng
興.
4. Lạc khoản ghi hai dòng:
Dòng thứ nhất: 乾德改元八月八日西蜀石恪寫 Càn Đức cải nguyên bát nguyệt bát
nhật Tây Thục Thạch Khác tả. (Thạch Khác vẽ tại Tây Thục ngày 8 tháng 8 năm Càn Đức cải
nguyên). Dòng này cho biết các chi tiết như sau:
Tác giả tranh là Thạch Khác 石恪
(không rõ năm sinh và năm mất).
Tây Thục ngày nay ở miền Tây tỉnh Tứ Xuyên.
“Càn Đức cải nguyên” tương ứng với năm 963 Công Nguyên, đời vua Tống Thái
Tổ (tên thật là Triệu Khuông Dận 趙匡胤, người Việt quen gọi là Triệu Khuông
Dẫn).
Trong thời gian làm vua (960-976), ông Triệu Khuông Dận khai sáng nhà
Tống có ba lần đặt niên hiệu 年號:
– Từ năm 960 đến tháng 11-963 gọi là Kiến
Long; do đó, năm đầu tiên (960) gọi là “Kiến Long nguyên niên” 建隆元年.
– Từ
tháng 12-963 đến tháng 11-968 gọi là Càn Đức; do đó, năm đầu tiên thay đổi niên
hiệu (963) gọi là “Càn Đức cải nguyên” 乾德改元.
– Từ
tháng 12-968 tới tháng 11-976 lại đổi niên hiệu là Khai Bảo 開寶.
Dòng thứ hai: 二祖調心圖 Nhị
Tổ điều tâm đồ. (Tranh Nhị Tổ điều tâm.)
Nhị Tổ là thiền sư Huệ Khả 慧可
(487-593). Ngài là học trò thiền sư Bồ Đề Đạt Ma 菩提達磨 (Bodhidharma), gọi
tắt Đạt Ma.
Sinh ở Ấn Độ khoảng năm 470 và quy thiên ở Trung Hoa năm 543, Đạt Ma là
tổ thứ hai mươi tám của Thiền Tông Ấn Độ. Khi sang Trung Hoa năm 520 (đời Lương
Võ Đế), ngài Đạt Ma là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa.
Ngài Huệ Khả tên thật là Cơ Quang 姬光, hiệu là Thần Quang 神光. Theo
truyền thuyết, năm bốn mươi tuổi sư đến chùa Thiếu Lâm xin yết kiến Tổ Bồ Đề
Ðạt Ma hỏi đạo; thế nhưng, Tổ lạnh nhạt không thèm tiếp, cứ để mặc cho sư đứng mãi
ngoài trời, hai chân ngập sâu trong lớp tuyết dày lạnh lẽo. Sau cùng, để chứng
minh lòng thành cầu đạo, xem thường sống chết, sư Thần Quang tự chặt cánh tay
trái dâng lên Tổ. Thế là sư được Tổ thâu nhận làm môn đệ. Sau sáu năm tu luyện,
sư đắc đạo và kế tục Sơ Tổ Đạt Ma làm Nhị Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Dựa theo sự
tích ly kỳ này, năm 1496,
họa sư Nhật là Sesshū Tōyō (Tuyết Chu Đẳng Dương 雪舟等楊, 1420-1506) vẽ bức tranh “Huệ Khả chặt tay” (Huệ Khả đoạn tý 慧可臂斷). Ngày
nay danh họa này là báu vật quốc gia Nhật Bản.
*
Trở lại bức danh họa của Thạch Khác.
Nói “Nhị Tổ điều tâm”, thì điều tâm là “điều nhiếp tâm tánh” 調攝心性 (sửa
chữa, chỉnh đốn tâm tánh của mình). Đối với người tu hành thì điều tâm rất quan
trọng, cũng là luyện kỷ (sửa chữa tánh nết bản thân) mà đạo Cao Đài coi là Công
Trình (kết hợp với Công Quả và Công Phu thành pháp môn Tam Công).
Nhưng chủ đề tranh là “điều tâm”, mà cớ sao Thạch Khác lại vẽ hình cọp,
một loài thú dữ? Phải chăng con cọp tượng trưng ý gì sâu kín trong đạo học
phương Đông?
Trong đời tu hành, khó nhứt là giữ cho mình thoát khỏi dâm dục. Hễ còn
dâm thì tu luyện không thành, danh đạo hư mất. Thậm chí, việc dâm chưa làm, thân
xác chưa đụng chạm, chỉ cần trong lòng phát khởi lên ý dâm thì cũng đủ hỏng bét
rồi, là đã phạm tội dâm rồi. Bởi vậy, Chúa Giê-su răn dạy môn đệ: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì
trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mát-thêu 5:28)
Đối với người đàn ông tu luyện, thành ngữ “sát bạch hổ” 殺白虎 (giết cọp trắng) là ẩn dụ cho việc chế ngự dâm dục.
Cọp (hổ) được các Đạo gia ví là thận. Thận sinh ra tinh (trắng đục), cho nên
nói “bạch hổ” là ám chỉ tinh (sperm)
ở đàn ông. “Sát bạch hổ” là không cho xuất tinh, giữ gìn tinh để bảo tồn tam
bửu (tinh khí thần) mà luyện đạo. Đạo gia bảo: Thân chẳng động thì “hổ khiếu” 虎嘯 (cọp gầm rống); “hổ khiếu” thì tinh ngưng.
Người đàn ông tu hành chưa chế ngự được lòng dâm dục thì sự ham muốn ấy được
Đạo gia ví như cọp dữ giết hại đời tu hành. Con cọp trong tranh Thạch Khác thì
lại ngoan hiền, chẳng khác nào con mèo lớn xác, chịu nằm yên cho ngài Huệ Khả
tựa mình lên lưng nó nghỉ ngơi. Người và cọp mà gần gũi đến thế bởi vì con cọp
trong lòng sư Huệ Khả đã được thuần hóa rồi; tức là cái tâm của ngài không còn
“lộn xộn” vì ham muốn sắc dục như phần đông phàm phu thế tục. Những ai thuần
hóa được cọp như ngài Huệ Khả ắt họ sẽ không khiến cho Thánh tông đồ Phao-lô
phải mất công viết thư khuyên nhủ: “Đàn
ông không gần đàn bà là điều tốt. Nhưng để tránh hiểm họa dâm ô, thì mỗi người
hãy có vợ có chồng.” (1 Cô-rin-tô 7:1)
Tóm lại, tranh “Nhị Tổ Điều Tâm” của Thạch Khác cũng là tranh “phục hổ”,
nằm trong số những tranh cổ kiệt tác mang chủ đề Thiền Tông phương Đông. Ngày
nay danh họa này là tài sản quý báu của Viện Bảo Tàng Quốc Gia Nhật tại Đông Kinh
(
LÊ ANH MINH
Đạo Uyển Xuân 2022 (tập 41)