Thứ Sáu, 14 tháng 1, 2022

TẶNG QUÀ

 


TẶNG QUÀ

Th.s. B.s. LAN HẢI

Hồi còn là thành viên chính thức của “Hội độc thân”, tôi có dịp tặng quà thầy giáo dạy ngoại ngữ của lớp học thêm. Ngày ấy mới ra trường nên chất sinh viên còn đậm lắm, nghèo, xa gia đình, ở tập thể thiếu thốn đủ thứ, chỉ có lòng dũng cảm là có thừa.

Vừa lãnh lương nên tôi tự tin mời thầy vào chọn quà ở cửa hàng chuyên bán đồ lưu niệm cho khách du lịch Tây. Trái với sự “phòng xa” ban đầu của tôi là sẽ bị từ chối, thầy vui vẻ đồng ý đi ngay.

Mới bước vào cửa hàng, thầy đã reo lên trước mấy món đồ chế tác từ sừng trâu, ngắm từ góc này sang góc kia, lấy máy ảnh ra chụp. Rồi bước sang bên, thầy xuýt xoa trước tấm lót đĩa rất tinh tế được móc bằng chỉ, mấy con kiến làm từ rễ tre cực kỳ ngộ nghĩnh, những chiếc giỏ xinh xinh đan từ xơ dừa... Theo chân thầy mà độ lo lắng sợ hãi của tôi tăng lên từng phút. Thầy “chấm” nhiều mục tiêu như vầy chắc tôi không đủ “đạn” mất.

Đi dạo một vòng, không bỏ sót tủ trưng bày nào, hiện vật nào, thầy mỉm cười và thốt lên đầy cảm thán: “Tuyệt quá! Người Việt rất sáng tạo và khéo tay. Những mặt hàng thủ công độc nhất vô nhị, không cái nào giống cái nào. Ngay cả cái lỗi nhỏ cũng trở nên độc đáo.”

Lấy hết can đảm, tôi nói với thầy: “Mời thầy chọn quà ạ.” Lòng bàn tay tôi đổ mồ hôi, ôi có lẽ tôi không đủ tiền để trả cho mấy món đồ ở đây mất. Có lẽ tôi sẽ phải mua chịu, hay ký sổ, trả sau vào tháng lương tới hoặc vay bạn bè…, sao tôi lại hăng hái liều mạng tặng quà thầy cơ chứ.

Thầy nhìn một lượt các quầy hàng và những món quà, ánh mắt lấp lánh niềm vui.

Tôi thành thật nói: “Em chỉ đủ khả năng tặng thầy món quà chừng… x USD thôi ạ.” Với tôi lúc ấy, nói ra điều này nó thô thiển, bất tiện làm sao!

Và đây là điều làm tôi nhớ mãi.

Thầy nói chậm và rõ để tôi có thể hiểu đúng từng từ: “Cảm ơn bạn. Tôi đã nhận quà rồi. Cảm ơn ý nghĩ tặng quà của bạn. Bạn đã dành cho tôi cả buổi để ngắm nghía những món đồ xinh đẹp này, tôi rất vui. Bây giờ thì chúng ta về thôi và ngồi uống mỗi người một trái dừa.”

Một câu trả lời gần gũi và rất lịch sự, với sự trân trọng dành cho người tặng quà.

*

Khi con gái tôi là “sinh viên năm nhất bậc tiểu học”, tôi cùng bé vật vã đánh vần bài “Người Ăn Xin” của Tuốc-ghê-nhép (sách Tập Đọc lớp 1, nay bài này nằm trong sách Tiếng Việt lớp 4):

“Lúc ấy, tôi đang đi trên phố. Một người ăn xin già lọm khọm đứng ngay trước mặt tôi. Đôi mắt ông lão đỏ đọc và giàn giụa nước mắt. Đôi môi tái nhợt, áo quần tả tơi thảm hại… Chao ôi! Cảnh nghèo đói đã gặm nát con người đau khổ kia thành xấu xí biết nhường nào! Ông già chìa trước mặt tôi bàn tay sưng húp, bẩn thỉu. Ông rên rỉ cầu xin cứu giúp. Tôi lục tìm hết túi nọ đến túi kia, không có tiền, không có đồng hồ, không có cả một chiếc khăn tay. Trên người tôi chẳng có tài sản gì. Người ăn xin vẫn đợi tôi. Tay vẫn chìa ra, run lẩy bẩy. Tôi chẳng biết làm cách nào. Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy kia: ‘Ông đừng giận cháu. Cháu chẳng có gì để cho ông cả.’

Người ăn xin nhìn tôi chằm chằm bằng đôi mắt ướt đẫm. Đôi môi tái nhợt nở nụ cười và tay ông cũng xiết lấy tay tôi: ‘Cháu ơi, cảm ơn cháu. Như vậy là cháu đã cho lão rồi.’ Ông lão nói bằng giọng khản đặc.

Khi ấy, tôi chợt hiểu rằng cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được chút gì của ông lão.”

Món quà mà hai ông cháu trao cho nhau là sự tôn trọng phẩm giá con người, là tấm lòng chân thành giữa người với người.

*

Sau này, tôi kinh qua rất nhiều trải nghiệm mang tên “quà cáp”. Đi biếu có, được nhận có, trao đổi “có qua có lại” cũng có. Được nhờ tư vấn mua quà, xách hộ, trao giùm quà, thấm thía câu thành ngữ “Của biếu là của lo, của cho là của nợ”, “Ghét người yêu của”… Vui vì quà cũng lắm mà khổ vì quà cũng nhiều. Có những món quà rất ưng ý, có món quá mắc tiền, có món “của nhà trồng được”, “cây nhà lá vườn”, có món quà công phu phải chuẩn bị trong nhiều năm tháng và người nhận phải chờ khá lâu... Tôi càng cảm nhận sâu sắc rằng giá trị của việc tặng quà không nằm ở món quà, mà trong chính tấm lòng của người trao tặng, như Prasant Mishra diễn viên kịch Shakespeare người Ấn Độ đã nói: “Món quà lớn nhất ta có thể tặng ai đó là ở bên họ, vì khi ta trao tặng thời gian của ta, đó là một phần của cuộc đời – điều mà ta không bao giờ có thể nhận lại.”

Th.s. B.s. LAN HẢI

Công Giáo và Dân Tộc, số 2327

Tuần lễ từ 14 đến 20-01-2022


Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Châu Khương, Muội Hỷ là ai?

 

GIÓ BỐN PHƯƠNG:

@ Hiền tỷ Hồng Xuân (quận Bình Thạnh). Điện thư ngày 10-12-2021:

Tại thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng), ngày 14-10 Mậu Dần (05-12-1938), Đức Vân Hương Thánh Mẫu dạy phái nữ:

Phận gái linh đinh giống nước bèo

Lớn ròng muôn kiếp vẫn đeo theo

Thảm thương, bánh méo vì khuôn méo

Chẳng đặng con lân, bởi mẹ mèo

Nước trị, nhà an, đền đáp mãi

Mẹ hiền, con thảo rán noi theo

Châu Khương, Muội Hỷ nên hư đó

Ôi gái, gái ôi, rán chống chèo!

Năm sau, tại thánh tịnh Thanh Quang (Quảng Nam), ngày 23-6 Kỷ Mão (08-8-1939), Đức Diêu Trì Kim Mẫu dạy phái nữ:

“Nữ nhi có thế đứng vững trên con đường xã hội, có thể làm cho hưng quốc thịnh gia như Văn Vương cậy có Châu Khương, có thể làm cho khuynh gia bại quốc như Trụ Vương bởi tay nàng Đát Kỷ.”

Kính nhờ Đạo Uyển cho biết Châu Khương và Muội Hỷ là ai? Đát Kỷ có phải là Đắc Kỷ trong truyện “Phong Thần” không?

LÊ ANH MINH:

1. Về Châu (Chu) Khương, Bách Độ Bách Khoa 百度百科 cho biết: Châu Khương 周姜 là phi của Châu Thái Vương 周太王, sinh ba con trai. Bà dạy con có phương pháp. Mỗi khi Châu Thái Vương gặp chuyện lớn, ắt phải cùng bà bàn bạc, để không hư việc.

Về Châu Thái Vương, Bách Độ Bách Khoa cho biết: Công Đản Phụ 公亶父, họ Cơ , Tên Đản , cũng gọi Châu Thái Vương. Ông là lãnh tụ thị tộc Châu đời thượng cổ, làm vua Tây Bá 西伯, là ông nội của Châu Văn Vương.

Trang zh.m.wikipedia.org, mục từ 三太 (Tam Thái) cho biết: Thái Khương 太姜 là vợ Châu Thái Vương; Thái Nhậm 太任 là vợ Châu Vương Quý 周王季; Thái Tự 太姒 là vợ Châu Văn Vương. Cả ba gọi chung là Tam Thái.

Nói thêm: Châu Vương Quý tên là Cơ Lịch 姬歷, là con út của Châu Thái Vương nên còn gọi là Quý Lịch 季歷. Ông là cha của Văn Vương.

Như vậy câu thánh ngôn của Đức Mẹ “Văn Vương cậy có Châu Khương” hàm ngụ rằng Văn Vương theo gương ông nội nên thường hỏi ý kiến bà Châu Khương (vai vế bà nội Văn Vương) khi gặp những vấn đề phức tạp, khó khăn.

2. Muội H 妺喜 là một ái phi của H Kit, ông vua cui cùng ca nhà H. Được sủng ái, bà xúi giục bạo chúa Kiệt làm những điều rất tàn ác, bày những trò hưởng lạc quái đản, dẫn đến hậu quả là nhà Hạ bị Thành Thang tiêu diệt, và nhà Thương thay thế.

3. Đát Kỷ 妲己() là một sủng phi của Đế Tân (tức vua Trụ). Nhiều sách ở Việt Nam gọi là Đắc Kỷ. Cũng như Muội Hỷ, Đát Kỷ xúi giục vua Trụ đi vào vết xe đổ của vua Kiệt, và nhà Thương phải tiêu vong, nhà Châu thay thế.

 

Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

TRƯỜNG ĐẠO ĐỨC NHỚ CÂU NHẪN NHỤC

 


TRƯNG ĐO ĐC

NH CÂU NHN NHC

Chí Thiện Đàn (Khổng Thánh Miếu, Minh Đức Nho Giáo Đại Đạo)

Trà Vinh, ngày 01-01 Giáp Dần (Thứ Tư 23-01-1974)

Pháp đàn: Minh Dần. Đồng tử: Chơn An.

TIẾP ĐIỂN

THI

TRẦN gian THỔ chuyển hiệp Tam Gia ([1])

THẾ sự ĐỊA đây khuyến bớt ta ([2])

ĐỘ tận NAM sang miền cực lạc ([3])

Dắt người PHƯƠNG chuyển đến ta .([4])

Thổ Địa Nam Phương lai đàn chào mừng chư môn đồ phụng thừa ([5]) Thiên mạng.([6]) Xuân đến, thấy chư đệ đến mừng xuân đảnh lễ Thiêng Liêng, Địa chúc:

Xuân sang nhơn loại an nhàn

Xuân về chúc tụng Thiện Đàn ([7]) cao siêu

Xuân đưa khách lữ dập dìu ([8])

Xuân hòa vi quý Linh Tiêu ([9]) phước lành

Xuân cầu chư vị hùng anh

Xuân sang liệt nữ tạo thành Thuấn Nghiêu ([10])

Xuân đưa khách tục trần diêu ([11])

An hòa lạc nghiệp muôn điều âu ca.

Vậy nghiêm trang tề chỉnh tiếp Đức Bạch Hạc giờ nầy. Địa xin lui.

THI

BẠCH Ngọc ([12]) truyền thánh lịnh

HẠC ngự tứ ([13]) đàn tiền

TIÊN truyền khuyên chữ định

ĐỒNG đạo đắc Kim Tiên.([14])

Kim Tiên giáng thế độ nhân loài

Trau sửa lòng mình chuyển hoát khai ([15])

Hoàng Phụ ([16]) cận kề dìu đệ tử

Niềm tin dâng đến trước Thiên đài.

      Thăng.

TIẾP LỊNH

THI

NGỌC lịnh ([17]) truyền ban khắp Á Âu

HOÀNG Hà tu tỉnh kiếp sồng nâu ([18])

THƯỢNG thừa giáo lý truyền siêu thoát ([19])

ĐẾ đạo tròn xong rất nhiệm mầu.([20])

      Thầy lai đàn chào mừng các con nam nữ. Nghiêm trang được thế nầy, Thầy ban ơn cho đó. Các con an tọa nghe Thầy truyền: Bước đầu niên Giáp Dần các con ân cần chiêm ngưỡng, Thầy và chư Tiên rất vui. Niên Giáp Dần còn biết bao nhiêu sự điêu tàn. Về âm chất, các con được Thầy ban cho là do tấm lòng lo Đạo bấy lâu nay.

Xuân đưa con trẻ đến đàn Tiên

Xuân vẹn niềm tin cứu cửu huyền

Xuân tạo nam tài sang bến giác ([21])

Xuân dìu nữ liệt đấng con hiền.

Đấng con hiền điện tiền kết nạp

Có chư Tiên trấn áp tà ma

Gươm thiêng Thầy chiếu điển lòa

Cắt dây oan nghiệt gọi là đền ơn.([22])

Nay cửa Đạo như đờn đúng nhịp

Hòa liên dây để tiếp điển lành

Nhắc con được tạo sử xanh

Dìu con cho đến cội lành Long Hoa.

Được quy hiệp chung nhà Đại Đạo

Công các con đào tạo bấy chừ ([23])

Nam tài son sắt khư khư ([24])

Nữ trang liệt hiếu Phụ Từ ([25]) thưởng công.

Trước Bạch Ngọc đền rồng Thầy ngự

Giáng điển Thiên ân tứ ([26]) Nho đàn

Các con nam nữ trần gian

Biết thương nâng đỡ dịu dàng cành thung.([27])

Ơn các con vô cùng cao quý

Nghĩa kim bằng ([28]) Thầy chỉ từ xưa

Trường Tiên bồi đắp cho vừa

Thượng lưu, nữ liệt ([29]) Thầy đưa trở về.

Khải Nho Giáo ([30]) chiếu phê Bạch Ngọc

Mượn các con để học từ bi

Nho Gia khuyên dạy xá chi ([31])

Tam Tòa ([32]) thọ ký Thầy thì thưởng công.

Trên đất tục cõi lòng cũng tục

Rán dồi mài un đúc tài lành

Sao cho bia sử nêu danh

Ngày về Tiêu Điện ([33]) Thầy dành ngôi cao.

Tuy còn ở trần lao ([34]) cực nhọc

Các con năng gấm vóc trau dồi ([35])

Ơn kia Thầy chấm nào trôi

Phẩm vàng hương vị,([36]) con ôi chói lòa.

Tình đồng đạo Chương Tòa ([37]) sắp xếp

Dưới Thiện Đàn nề nếp thanh cao

Tương giao ([38]) tất cả đồng bào

Hòa chung nhứt trí để trao lời vàng.([39])

Dầu cực nhọc trần gian đừng tiếc

Đến Giáp Dần sẽ biết diệu huyền

Bao lời Thầy dạy cần chuyên

Sổ vàng tô đậm,([40]) con hiền của Cha.

Khai Đạo Nho gọi là cực khổ

Mấy chục niên đến chỗ hôm nay

Văn chương Thầy đã nói dài

Mượn câu thi phú phô bày lý sâu.

Trường đạo đức nhớ câu nhẫn nhục ([41])

Nghĩa đệ huynh thủ túc đừng quên

Ơn nầy Thầy sẽ đáp đền

Nghĩa dày sâu đậm đâu quên con Thầy.

Công cực khổ đó đây truyền giáo

Ấy là con sáng tạo Nho Gia

Bên kia có đấng Trời Cha

Bên nầy có Mẹ gọi là Diêu Cung.

Trên Tam Giáo cội thung nhành quế ([42])

Dưới đài liên không ế chợ chiều ([43])

Lý dài Thầy dạy bấy nhiêu

Nghĩa tình cân đối Linh Tiêu phản hồi.

Chiêng Bạch Ngọc đổ rồi vang động

Các con ôi! Quy thống Kỳ Ba ([44])

Đào viên kết nghĩa gọi là

Quy chung một khối mới là tài trai.([45])

Nghĩa đồng bào con rày bác ái

Tình liên giao con phải hòa chung

Khổng Gia quy hiệp tương phùng

Dầu cho Đại Đạo, nhứt chung một bề.([46])

Tuy nhơn loại còn chê Đạo Khổng

Các con gìn đức trọng từ đây

Ái lòng bác chúng con Thầy

Từ bi, tứ lượng ([47]) chung vầy giúp nhau.

Cơn loạn lạc biết bao thống khổ

Nào đao binh rần rộ đạn tên

Lòng Cha thương đến nào quên

Cát bay đá chạy, đạn tên tránh rày.

Con gắng nhớ, đừng sai lời ngọc

Lo Đạo vàng cố học siêu vi ([48])

Dầu cho quỷ quái kéo trì

Có Thầy, Tiên, Phật dắt thì con lên.

Ai là kẻ biết đền nghĩa vụ

Lo tu hành ưu tú nhân thường ([49])

Lòng hiền Tiên, Phật còn thương

Huống chi các trẻ Nho đường,([50]) Thầy quên?

Dâng thi mừng Thầy. (...)

Lời Thầy đã dạy truyền ra

Gắng ghi vào dạ để mà lo tu

Giã từ nam nữ truyền lưu

Thầy về Bạch Ngọc ngao du mây ngàn

Các con ở lại trần gian

Lo tu chơn chánh đừng than sự đời

Tà tà bóng ác ([51]) con ơi

Năng tu, năng luyện Thầy thời mến thương.

Thăng.



([1]) hiệp Tam Gia: Hiệp Tam Giáo: Hợp ba nền tôn giáo lớn ở Á Đông, gồm Thích Giáo, Lão Giáo và Nho Giáo lại thành một, đó là Đại Đạo.

([2]) khuyến bớt ta: Khuyên hãy bỏ bớt cái ta phàm ngã.

([3]) Độ hết tất cả người dân Việt Nam về cõi của chư Phật.

([4]) Đức Thổ Địa Nam Phương đến cõi trần (ta bà) để dẫn dắt chúng sanh.

([5]) phụng thừa: Vâng lệnh Ơn Trên mà làm theo.

([6]) Thiên mạng: Các bậc hướng đạo đang nhận lãnh sứ mạng Trời giao phó. Đồng nghĩa với Thiên ân sứ mạng.

([7]) Thiện Đàn: Chí Thiện Đàn.

([8]) Đưa đông đảo (dập dìu) khách trần vào hầu đàn.

([9]) Linh Tiêu: Linh Tiêu Điện, nơi Đức Thượng Đế thiết triều.

([10]) Các vị tài đức (hùng anh, liệt nữ) gắng lo gầy dựng xã hội thánh đức mai sau. (Thuấn, Nghiêu: Hai vị vua ở Trung Quốc cổ đại, nổi tiếng tài giỏi và đạo đức. Đời thượng nguơn thánh đức cũng gọi là trời Nghiêu đất Thuấn.)

([11]) trần diêu: Trần gian, dùng từ diêu để hiệp vần với Nghiêu ở cuối câu trên.

([12]) Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh, nơi Đức Thượng Đế ngự, ở đây ý nói Đức Thượng Đế.

([13]) ngự tứ: Xuống đến.

([14]) Hai câu 3-4: Đức Bạch Hạc khuyên các đạo hữu giữ tâm an định để cùng đắc Kim Tiên.

([15]) Người tu phải trau sửa lòng mình cho rộng mở bao dung.

([16]) Hoàng Phụ: Cha Trời, là Đức Thượng Đế.

([17]) Ngọc lịnh: Lịnh của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.

([18]) Hãy lo tu luyện. Hoàng Hà: Tương truyền Long Mã mang theo bát quái tiên thiên trên lưng xuất hiện tại sông Hoàng Hà. Bát quái tiên thiên biểu thị bản linh chơn tánh của con người lúc nguyên sơ (với hai quẻ Kiền và Khôn ở chánh vị nam và bắc), còn bát quái hậu thiên biểu thị cho lòng người khi vào thế gian thì thiên tánh đã bị lòng tham dục biến dời (với hai quẻ Kiền và Khôn bị lệch sang hướng tây bắc và tây nam). Tu luyện cho hậu thiên trở lại tiên thiên hay nói một cách khác, con người phục hồi được bản linh chơn tánh thuở ban sơ. sồng nâu: Nâu sồng, đồ mặc của người tu; nghĩa bóng là tu hành.)

([19]) Giáo lý bậc cao truyền dạy nhơn sanh thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử.

([20]) Làm tròn những điều Đức Thượng Đế dạy sẽ thấy nhiệm mầu.

([21]) bến giác: Giác ngạn, bờ giác ngộ; trái nghĩa với bến mê (mê tân: Cuộc đời, thế gian).

([22]) Người nào tu hành chân chính thì những điều oan khiên sẽ được Đức Thượng Đế dẹp bỏ.

([23]) bấy chừ: Bấy giờ.

([24]) son sắt khư khư: Một lòng một dạ trung thành với đạo.

([25]) Phụ Từ: Từ Phụ, Cha Hiền, Đức Thượng Đế.

([26]) ân tứ: Ban ơn.

([27]) thung (xuân): Một loài cây thân gỗ khá lớn, thường ví như người cha là trụ cột chính trong nhà.

([28]) kim bằng: Bạn vàng. nghĩa kim bằng: Tình nghĩa bạn bè quý báu.

([29]) thượng lưu, nữ liệt: Những vị tinh tấn hơn người. (thượng lưu: Hạng người ưu tú trong xã hội. nữ liệt: Người con gái có khí tiết anh hùng.)

([30]) khải Nho Giáo: Mở mang Nho Giáo.

([31]) xá chi: Xá tha, tha thứ người khác.

([32]) Tam Tòa: Tam Giáo Tòa.

([33]) Tiêu Điện: Linh Tiêu Điện, nơi Đức Thượng Đế thiết triều.

([34]) trần lao: Trần gian như lao tù nhốt con người trong mọi nỗi đau khổ và rất khó thoát ra.

([35]) gấm vóc: Gấm là hàng dệt có hoa văn đẹp. Vóc (từ cổ) là một xấp vải đủ may một áo hay quần. Ngày nay nói vải vóc (gọi chung các loại vải), gấm vóc (các thứ gấm nói chung, nghĩa rộng là xinh đẹp, quý báu). gấm vóc trau dồi: Luyện hồn cho tốt đẹp.

([36]) phẩm vàng: Ngôi vị trên Thiên Đình. hương vị: Mùi thơm, tượng trưng cho tiếng tốt truyền xa. phẩm vàng hương vị: Đạt được ngôi vị trên Thiên Đình thì tiếng tốt sẽ truyền xa.

([37]) Chương Tòa: Tam Giáo Tòa.

([38]) tương giao: Giao thiệp, kết thân với nhau.

([39]) Người tu phải đoàn kết lại thành một khối để giáo hóa chúng sanh.

([40]) sổ vàng tô đậm: Những ai lập được công sẽ được ghi vào sổ vàng của Ơn Trên.

([41]) Mượn các chữ in đậm tạm đặt nhan đề cho bài thánh giáo này.

([42]) Ở trên có ba mối đạo vững chắc và quý báu. (thung: Một loài cây thân gỗ khá lớn, rất vững chắc. quế: Một loại cây quý, có mùi thơm nồng, dùng làm thuốc.)

([43]) Tại Khổng Thánh Miếu ở Trà Vinh có nhiều tín đồ ra vào. (đài liên: Đài sen, chỉ nơi tu hành.)

([44]) quy thống: Trở về và thống nhất. Kỳ Ba: Tam Kỳ, thời kỳ thứ ba Đức Thượng Đế mở Đạo cứu độ nhơn sanh.

([45]) Thầy nhắn nhủ người tu phải cố gắng quy Tam Giáo (Nho, Thích, Lão). (đào viên kết nghĩa: Sự tích kết bái huynh đệ của ba vị Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi tại vườn đào Trương gia; ở đây ý là ba tôn giáo Nho, Thích, Lão gắn kết lại với nhau.)

([46]) Nho Giáo cũng nằm trong Đại Đạo nên phải liên kết với những tôn giáo khác. (Khổng Gia: Nho Giáo.)

([47]) tứ lượng: Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả).

([48]) siêu vi: Sâu kín, mầu nhiệm.

([49]) thường: Tam cang (quân thần cang, phụ tử cang, phu thê cang) ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). nhân thường: Đạo của người quân tử.

([50]) Nho đường: Nho Giáo. đường: Nhà.

([51]) tà tà bóng ác: Cảnh trời chiều, ý nói cuộc đời ngắn ngủi. (ác: Mặt trời.)

Minh Đức Nho Giáo Đại Đạo (Trà Vinh) chú thích