GIAO CẢM
PHẠM VĂN LIÊM
Trời Đà Nẵng vào trọng
hạ, nắng như thiêu. Ngôi Tịnh Đường nằm ẩn sau những dãy nhà cao nên chẳng đón
được chút gió lẻ loi nào. Chiếc quạt cứ chạy vù vù mà nóng vẫn nóng. Tự dưng
tôi nhớ câu “Sinh như đắp chăn đông, tử như cởi áo hạ”. Cái mảnh áo hạ tự thân
đã cũ mềm rồi mà vẫn còn ấp ủ những nỗi niềm tha thiết về con đường sứ mạng trung
hưng. Một nỗi niềm truyền thừa ưu tư từ quý tiền bối của thời khó khăn cơ đạo
miền Trung.
Cơ Đạo hồi chừ
Nhân sinh như rứa
Hướng đạo như ri
Anh em mình chừ mần răng!
Tôi miên man suy nghĩ về
những bước chân giày sành đạp sỏi hoàn toàn đã lùi vào quá khứ. Và nỗi âu lo hiện
tại về những bước chân nối tiếp hành trình cho nguồn ân phước tận độ vẫn canh
cánh bên lòng.
Tôi đang lầm thầm lại mấy
câu “cơ Đạo hồi chừ…” bỗng điện thoại reo. Người huynh đệ thân thiết, sau lời
thăm hỏi đã bày tỏ một mong cầu, rằng có người bạn giáo viên nữ dạy Văn vừa mới
nghỉ hưu, đã đọc nhiều sách của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống, trong đó có
sách của tôi. Cô ấy được thấm thấu nguồn văn hóa tâm linh Cao Đài nên đã gieo
chữ buông lời, kết thành một số sáng tác, muốn nhờ tôi hộ bút và có thể giới
thiệu vào Chương trình Chung Tay Ấn Tống, để cô tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy
nguồn văn hóa tâm linh trong thời chuyển nguơn tái tạo.
Tất nhiên là tôi vui mừng
đón nhận một tâm hướng từ đạo chúng vươn lên, cùng chung hòa quang trong ánh
sáng Đạo Thầy.
Với bút danh Như Hạnh,
cô ấy đã chuyển đến tôi bài đầu tiên (Trái
Tim Dòng Sông) như một tùy bút với ba đoản khúc.
Hàng nghìn năm con sông vẫn chảy một dòng xuôi về biển…
Tôi vẫn thường
dừng lại mỗi khi có dịp đi ngang qua dòng sông cũ. Chỉ để lắng nghe trái tim
con sông có còn đập hay không. Bờ sông kia vẫn bên lở bên bồi, chỉ có sông luôn
miệt mài chảy để thanh lọc, hóa giải những ái ố, hỷ nộ do con người thải vào
dòng nước. Rồi một mai trước khi về tới biển, sông đã kịp lắng vào lòng những
miên trường dục vọng, để con nước đơn thuần thanh trong hòa vào đại dương bao
la…
Ở đây, tôi bắt gặp một
đồng cảm về tình ý dòng sông, tôi đọc lại tập thơ Tiếng Chim Quyên, bài Dòng
Sông Chảy:
Tôi
lại nghĩ về một con sông chảy
Chở yêu thương từ buổi mới khơi dòng
Đã băng qua từng bến đục bờ trong
Từng trải nghiệm buổi sóng gào gió giật
Vẫn lắng
đọng bao phù sa lẽ thật
Cung cấp vào vườn linh địa Trung Hưng
Tôi ước mơ một mai sớm tưng bừng
Ai cũng thấy mình hòa trong ánh Đạo
Hớn
hở hóa thân vào ơn tái tạo
Bỏ sau lưng bao ngu muội vọng cầu
Những tước quyền danh vị nghĩa gì đâu
Sao cứ mãi làm dòng sông vẩn đục
Hãy
lắng xuống chìm sâu theo lá mục
Cho dòng sông con nước chảy trong ngần.
Bài Như Hạnh được tuần
tự gởi đến đều đều; tôi tiếp tục đọc và cảm nhận một văn bút dung dị mượt mà, một
văn ngôn chân chất, đầy phương ngữ, đã minh thuyết nếp sống đạo của lớp người
tín hữu Cao Đài miền Trung từ buổi dòng sông Trung Hưng mới khơi nguồn. Người
tín hữu Cao Đài đặt đức tin nền tân pháp tận độ vào cuộc sống bình thường giữa
cuộc đời vô thường. Họ thiết lập nếp sống đạo thâm nhập vào từng xóm thôn, từng
mỗi lớp người, từng mỗi hoàn cảnh sống, trong tinh thần cư trần bất nhiễm, biến
cõi trần ô trược thành cõi thanh lương.
Ta sẽ nghe Tiếng Guốc Người Xưa:
Tiếng guốc gỗ lộc cộc trong buổi đêm ngày ấy vẫn còn vang
mãi trong lòng tôi đến tận bây giờ.
Ta sẽ thấy được Đóa Từ Bi Trong Gió:
Một cơn gió thoảng qua, đám
cúc tần nghiêng người gửi theo gió một mùi thơm nhẹ có chút vị đắng và cay nồng
nàn. Từ trên đọt lá non, một chùm hoa màu tím biếc vừa chớm nở, tựa nụ cười dịu
dàng của mẹ một ngày rất xưa.
Ta sẽ Chạm Vào Bình Yên:
Đêm nay cội sứ già ngẩng đầu nhìn trăng, đánh rơi những
bông hoa trắng ngà trên lối nhỏ. Từ mặt đất, những đóa hoa mỉm cười an nhiên
trong tiếng giun dế hòa ca. Từ nay tôi sẽ như người leo núi, nhẹ nhàng buông bỏ
những âu lo, phiền muộn, bon chen, oán hận, đi chân trần đến cõi tịnh, tự tay
mình chạm vào bình yên.
Ta cũng đón được Hồng Ân Trổ Nhánh, sẽ hân hoan gợn chút
bùi ngùi với Khoảng Trời Xanh Và Chiếc Áo
Màu Đất. Với ký ức Ngàn Năm Mây Trắng,
rồi Thắp Lên Ngọn Nến, và cũng là Ngọn Nến Phúc Linh:
Người xưa đã gởi thể phách vào nơi chốn Thiêng Liêng hằng
ngự. Những gì còn lại trở nên tinh anh như hạt giống phúc linh.
*
Qua một vài trích đoạn trong nội dung tập sách, cùng với cảm nghiệm riêng, với tôi những câu chuyện của Như
Hạnh đã góp phần đưa nguồn tâm linh tân pháp Cao Đài đến gần với sanh chúng.
Nói như linh mục Anthony de Mello, thì “khoảng
cách ngắn nhất giữa con người và chân lý là một mẩu chuyện.” *
Xin gởi đôi lời giao cảm
về tập tản văn, truyện ngắn NGỌN NẾN PHÚC LINH để: Ngày trăm sông hòa dòng về với biển. Lòng chung lòng thắp sáng một đức
tin.** Ước mong tập sách sẽ gây được nhiều cảm hứng cho nhiều bước
chân nối tiếp hành trình gieo rải hạt giống tâm linh tân pháp Cao Đài khắp đó
cùng đây.
Trung Tông Thánh Tịnh
Trọng hạ Giáp Thìn ( 2024)
PHẠM VĂN LIÊM