Thứ Năm, 6 tháng 6, 2024

HIỆP HÀNH CHĂM SÓC MÔI SINH

 


HIỆP HÀNH CHĂM SÓC MÔI SINH THEO GÓC NHÌN CAO ĐÀI

HUỆ KHẢI

Tôn giáo Cao Đài có thể ảnh hưởng tốt đẹp tới việc chăm sóc môi sinh (môi trường sinh thái) theo nhiều cách.

1. Định hình nền tảng đạo đức nội tại ở mỗi tín đồ Cao Đài

Giáo lý Cao Đài có những nguyên tắc luân lý nhằm mục đích định hình nền tảng đạo đức cho tín đồ, trong đó ắt có thể tìm thấy không ít các nguyên tắc hướng dẫn tín đồ chăm sóc môi sinh. Các nguyên tắc này ban đầu mang tính mệnh lệnh ngoại lai nhưng khi tín đồ Cao Đài thấm nhuần và áp dụng nhuần nhuyễn, sau cùng chúng trở thành nền tảng đạo đức nội tại của mỗi tín đồ. Nhờ thế, tín đồ biết ý thức và vui vẻ, tự nguyện chăm sóc môi sinh, không còn thấy có sự bó buộc, miễn cưỡng. Khi ấy, dù không có ai giám sát, tín đồ vẫn sẵn lòng không làm tổn hại môi sinh. Tức là con người chăm sóc môi sinh một cách tự nhiên. Thánh giáo Cao Đài nói về tính cách tự nhiên này như sau:

“Nếu có một hành động xấu trái với tự nhiên, dù là ai thì cũng không dám bắt tay vào; đó không phải vì sợ tội lỗi mà chính vì sự trái với tự nhiên của con người đã tạo lấy.” ([1])

Chẳng hạn, nhờ tuân thủ nghiêm nhặt giới cấm sát sanh và thực hành ăn chay (nhất là ăn chay trường), tín đồ đạo Cao Đài tự nguyện không sát hại động vật. Tín đồ Cao Đài cũng không chăn nuôi gia súc, gia cầm để lấy thịt hoặc kinh doanh. Chăn nuôi gia súc, gia cầm là một trong những tác nhân chính gây ra khí thải nhà kính, phá rừng, ô nhiễm nước và làm mất đa dạng sinh học.([2]) Như vậy, giữ giới không sát sanh và thực hành ăn chay chính là góp phần ý nghĩa vào việc chăm sóc môi sinh.

2. Giáo dục để xây dựng nhận thức về chăm sóc môi sinh

Đạo Cao Đài có thể góp phần đáng kể trong việc giáo dục tín đồ hiểu biết về các vấn đề môi sinh và thực hành chăm sóc môi sinh. Điều này có thể làm được bằng cách khéo léo đưa các chủ đề chăm sóc môi sinh lồng ghép vào các bài thuyết giảng giáo lý. Chẳng hạn, người đạo Cao Đài có thể kết hợp giảng đạo với chủ đề chăm sóc môi sinh bằng cách trích “Kinh Sám Hối” (có từ năm 1925) như sau:

- Câu 387 ngăn cấm: “Đồ dơ giặt đổ rạch sông”, để không làm ô nhiễm nước.

- Câu 214 ngăn cấm: “Lưới rập chim, thuốc cá, đốt rừng”, để bảo vệ hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Một số Hội Thánh Cao Đài có được truyền thống tổ chức cho thanh thiếu niên Cao Đài đến sinh hoạt tập thể theo từng nhóm tuổi tại các thánh thất vào những Chủ Nhật. Nếu biết khéo léo kết hợp một cách có chủ ý các chủ đề chăm sóc môi sinh với sinh hoạt của giới trẻ thì có thể hướng dẫn thanh thiếu niên Cao Đài hiểu biết và tập làm quen với việc chăm sóc môi sinh. Chẳng hạn, tổ chức sinh hoạt dã ngoại kết hợp với việc chăm sóc cây xanh, khai thông cống rãnh, dọn dẹp rác thải, v.v...

Liên quan tới việc dọn dẹp rác thải, có thể khuyến khích thanh thiếu niên Cao Đài bằng cách trích ba câu 126, 127, 128 trong Kinh Sám Hối như sau:

Thấy trên đường miểng bát, miểng chai,

Hoặc là đinh nhọn, chông gai,

Mau tay lượm lấy, đoái hoài kẻ sau.([3])

3. Gắn kết tâm linh với thiên nhiên

Giáo lý Cao Đài nhấn mạnh rằng thiên nhiên là linh thiêng và con người sẵn có mối liên kết tâm linh với thiên nhiên. Quan điểm tâm linh này rất hữu ích vì nó có thể nuôi dưỡng lòng trân trọng sâu sắc của tín đồ Cao Đài đối với môi sinh và thúc đẩy họ biết bảo vệ môi sinh để thể hiện lòng tôn kính đối với các tạo vật của Tạo Hóa.

Chẳng hạn, trong đạo Cao Đài, kinh Đại Thừa Chơn Giáo (có từ năm 1936) nhấn mạnh rằng mỗi tạo vật trong thiên nhiên (như khoáng sản, thảo mộc, cầm thú, và con người) chính là một “tiểu linh quang” 靈光 (micro sacred light) vì tất cả đều phát xuất từ Thượng Đế là khối “Đại Linh Quang” 靈光 (Macro Sacred Light); do đó, Thượng Đế và con người cũng như các tạo vật khác trong thiên nhiên đều có cái chung (đồng bản thể) là “linh quang” 靈光 (ánh sáng thiêng liêng). Mối liên quan này được Đại Thừa Chơn Giáo minh họa như sau:


Vì con người và muôn vật có cùng bản thể “linh quang”, thế nên Kinh Sám Hối (câu 207, 208, 209, 210) khuyên tín đồ không sát hại sinh vật hay tàn phá thực vật, và như thế tức là góp phần quan trọng vào việc chăm sóc môi sinh:

Thượng cầm hạ thú lao xao,

Côn trùng thảo mộc, loài nào chẳng linh.

Nó cũng muốn như mình đặng sống,

Nỡ lòng nào tuyệt giống dứt nòi ...

Khi nhận thức được mối liên kết tâm linh tự hữu với thiên nhiên, tín đồ Cao Đài có thể bồi dưỡng ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với môi sinh cũng như tham gia vào các hoạt động bảo tồn và duy trì sự bền vững môi sinh. Khi gắn kết tâm linh với thiên nhiên, tín đồ Cao Đài được thúc đẩy sống hài hòa với thế giới tự nhiên, chăm sóc nó chứ không tìm cách triệt để chế ngự nó.

4. Lựa chọn lối sống

Đạo Cao Đài khuyến khích tín đồ sống giản dị, chừng mực,([4]) và quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Lối sống này có thể phát triển thành lối sống thân thiện với môi sinh, bằng cách giảm tiêu thụ, tiết kiệm năng lượng và nước, và thực hành nông nghiệp bền vững.([5])

5. Hợp tác liên tôn

Thay vì nỗ lực chăm sóc môi sinh một cách riêng lẻ thì các tôn giáo rất nên “hiệp hành” với nhau để gia tăng hiệu quả ở quy mô rộng lớn hơn. Một thánh giáo Cao Đài ban trao tại Sài Gòn ngày 14-9-1970 diễn tả hiệu quả tích cực của sự “hiệp hành” ấy qua hai câu lục bát như sau:

Một tầm tay vói chẳng xa,

Nhiều tay kết lại giăng ra đại đồng.

Không chỉ có thế, sự hợp tác liên tôn về chăm sóc môi sinh còn có thể tăng cường tình thân ái, hiểu biết nhau, tôn trọng nhau giữa các tôn giáo để mở rộng hợp tác sang các lãnh vực khác hơn chăm sóc môi sinh. Bằng cách này, có thể góp phần hóa giải dần dần những xung khắc tín ngưỡng do ngộ nhận gây nên.

6. Thay lời kết

Nhìn chung, các tôn giáo vốn có mạng lưới xã hội và cơ cấu tổ chức vững chắc. Vì thế, các tôn giáo có thể truyền bá rộng rãi các thông điệp chăm sóc môi sinh trong đông đảo tín đồ cũng như huy động họ tham gia các sáng kiến về chăm sóc môi sinh.

Thật vậy, các tôn giáo có tiềm năng đáng kể đóng góp tích cực vào việc chăm sóc môi sinh bằng cách truyền cảm hứng cho các tín đồ nhận ra trách nhiệm chung của mình đối với trái đất và hành động để bảo tồn và duy trì tài nguyên của trái đất cho các thế hệ tương lai.

Hơn thế nữa, ở nhiều quốc gia, các tôn giáo còn có thể vận động cho các chính sách của nhà nước có lợi cho các nỗ lực chăm sóc môi sinh ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Bằng cách phát biểu về các vấn đề môi sinh, các nhà lãnh đạo tôn giáo đầy uy tín có thể định hình ý kiến công chúng và tác động đến chính sách. Họ có thể tận dụng ảnh hưởng của mình để ủng hộ cho các luật về bảo tồn môi sinh và các sáng kiến phát triển bền vững.

Tôn giáo Cao Đài nói rằng hành động như thế tức “không đóng khung Đạo vào trong giới hạn của thánh đường, chùa thất”; nói cho gọn tức “đem Đạo vào đời”.

Đạo là đường đi, đặc biệt là hành trình lâu dài. Chủ đề cuộc hội luận hôm nay là “Hiệp Hành Chăm Sóc Môi Sinh”, hàm ý rằng các tôn giáo cần đối thoại để có thể hiệp tác lâu dài trên hành trình nhiều thử thách là chăm sóc môi sinh, bảo vệ sinh thái cho hành tinh chúng ta. Vì thế, tông thư Laudato Si(Chương Năm, 201) của Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô nhấn mạnh:

“Đa số cư dân trên hành tinh chúng ta tự xưng mình là tín đồ. Điều này nên [là lợi thế để] thúc đẩy chúng ta đối thoại liên tôn vì lợi ích bảo vệ thiên nhiên (...). Một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng cũng cần thiết giữa các phong trào sinh thái khác nhau (...). Tính chất nghiêm trọng của khủng hoảng sinh thái đòi hỏi tất cả chúng ta phải hướng tới lợi ích chung, dấn thân vào một hành trình đối thoại vốn dĩ đòi hỏi đức kiên nhẫn, tính kỷ luật và lòng độ lượng (...).”

Sài Gòn, 23-5-2024

Ghi chú

Nhân kỷ niệm chín năm (24-5-2015 / 2024) ngày Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô ban hành thông điệp Laudato Si' về việc chăm sóc và bảo vệ ngôi nhà chung là trái đất, Tòa Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Tp.HCM tổ chức buổi hội luận liên tôn chuyên đề HIỆP HÀNH CHĂM SÓC MÔI SINH tại Trung Tâm Mục Vụ thuộc Tổng Giáo Phận (6 bis Tôn Đức Thắng, quận 1) vào lúc 9:00 giờ sáng Thứ Năm 23-5-2024. Ban Tổ Chức đã mời đông đảo các thành phần chức sắc, chức việc, tín hữu các tôn giáo bạn và Công Giáo tham dự.

Lần lượt có bốn bài tham luận:

Bà Giáo Sư Yoshii Michiko (Nhật Bản): ĐIỆN HẠT NHÂN VÀ TÔN GIÁO Ở NHẬT BẢN.

Đạo hữu Huệ Khải (Cao Đài): HIỆP HÀNH CHĂM SÓC MÔI SINH THEO GÓC NHÌN CAO ĐÀI.

 Đức Giám Mục Phê-rô Nguyễn Văn Khảm (Giáo phận Mỹ Tho): ĐẠO ĐỨC MÔI SINH.

Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ (chùa Thiên Quang, Bình Dương): PHẬT GIÁO VÀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG.

Sau đó, Đức Ông Indunil Janakaratne Kodithuwakku Kankanamalage (người Sri Lanka), Thư Ký Bộ Đối Thoại Liên Tôn (Secretary of the Dicastery for Interreligious Dialogue) của Tòa Thánh Vatican đã đăng đàn chia sẻ cảm nghĩ của Ngài.

HUỆ KHẢI


([1]) Đức Đại Tiên Lê Văn Duyệt, Văn Phòng Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, đàn cơ giờ Tý, đêm 14 rạng 15-02 Canh Tuất (Thứ Bảy 21-3-1970)

([2]) “What is Animal Agriculture & How Does It Affect Global Warming?” (https://thehumaneleague.org/article/animal-agriculture)

([3]) “Đoái hoài kẻ sau” nghĩa là nghĩ tới người khác đi sau mình có thể giẫm lên các vật sắc nhọn ấy mà bị thương.

([4]) Để khuyên tín đồ sống giản dị, chừng mực, một thánh giáo Cao Đài tại thánh tịnh Ngọc Minh Đài ngày 26-12-1966 nhắc câu nói của người xưa: Nhật thực tam xan, dạ miên thất xích. 日食三餐, 夜眠七尺. (Ngày ăn ba ba, tối ngủ [giường] hai thước.) [thất xích = 0,33cm x 7 = 2,31m] Câu nói xưa này nhấn mạnh rằng nhu cầu căn bản (ăn và ngủ) của con người thật ra rất đơn giản, vậy thì không nên cố thỏa mãn nó một cách vô độ.

([5]) Nông nghiệp bền vững là phương thức canh tác nhằm bảo vệ môi trường, sử dụng tối ưu tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là các tài nguyên không tái tạo như dầu mỏ, khí đốt, và than đá, v.v...