Thứ Ba, 31 tháng 12, 2024

Con Thầy thì phải giống Thầy


 

Huờn Cung Đàn (Tam Giáo Điện Minh Tân)

quận Tư, Sài Gòn

Tý thời 30 rạng 01 tháng 6 Nhâm Dần

(Chủ Nhựt 01-7-1962)

THI

Một vùng mây bạc nhẹ chơn Tiên

Giáng bút Huờn Cung sắc chỉ truyền

Đàn nội cung nghinh chầu Thánh Giá

Hầu nghe dạy rõ máy cơ Thiên.

BẠCH HẠC ĐỒNG TỬ

Tiểu Thánh chào chư Thiên mạng, chào chư liệt vị. Tiểu Thánh báo tin: Đàn tiền đại tịnh kiến giá Đức Chí Tôn lâm đàn. Chào chung. Hộ điển. Lui.

TIẾP ĐIỂN

THẦY LINH HỒN CÁC CON

Thầy mừng mỗi trẻ.

Hôm nay Thầy giáng để cùng các con nam nữ gọi là ân huệ của Thầy ban cho các con. Thầy miễn lễ. Các con an tọa, nghe Thầy phân đây.

THI

Nhơn loại đang cơn chịu đảo huyền

Lòng Thầy dạ trẻ nỡ ngồi yên

Đường trần tăm tối khêu thần đuốc

Bể tục mênh mông chống nhã thuyền

Chuyển hướng để đời sang cõi thiện

Phổ thông cho Đạo sớm quy nguyên

Công phu dày dạn từ năm ấy

Chỉ một kỳ nầy Phật, Thánh, Tiên.

Hỡi các con! Cơ Đạo đến giờ phút nghiêm trọng nầy chắc các con không lạ gì với cuộc chuyển hướng khắp nơi, chớ không riêng một địa phương nào.

Các con ôi! Nhơn loại đang lâm vào cảnh đen tối của kiếp sống thừa thì cơ Đạo phải hoát khai, liên hợp để thực hiện nghĩa tình huynh đệ đại đồng; phải giàu lòng bác ái, mở cửa từ bi, để rước đưa nhơn sanh về nơi cõi giác.

Giờ nầy, Thầy rất buồn mà thương cho các con vì không hiểu rõ được Thánh ý, nên huynh đệ lâm vào đường hướng bất hòa, đó là bởi tại các con chưa thấu rõ Thiên điều, cũng như chưa đi đến chỗ thuần chơn vô ngã.

Thầy rất đau lòng khi cơ Đạo phải đình trệ chưa thực hiện được chương trình của Thầy ban cho các con, trong khi ấy các con lại chẳng hòa. Hỡi ôi!

Vậy các con hãy bình tâm kiểm xét lại bổn phận và trách vụ của các con đối với Thầy, với Đạo, với nhơn sanh.

Giờ nầy, Thầy phân thêm đôi đoạn để các con suy nghiệm:

BÀI

Lòng trời đất bao la vạn vật

Hỡi các con duy nhứt Cao Đài

Con Thầy thì phải giống Thầy

Giống Thầy ở chỗ đủ đầy thương yêu.

Cơ chuyển hướng vẹn điều danh nghĩa

Lối phổ thông thấm thía Đạo mầu

Không còn xẻ áo chia bâu

Đại đồng thế giới năm châu hòa bình.

Thầy đã chọn đất linh mở Đạo

Mượn Rồng Tiên xây dựng nền nhân

Giữa đời mạt kiếp phong vân

Hóa hoằng cứu vớt nguyên nhân trở về.

Vì tư dục mọi bề chi phái

Bởi lòng phàm nhơn loại đấu tranh

Thầy đâu nỡ bỏ con đành

Tùy phương chuyển hướng lập thành bảng Tiên.

Dụng quyền pháp thiêng liêng vận động

Cho mị tà mất bóng tan hình

Để con về nẻo quang minh

Khỏi cơn ác mộng giữ gìn lý chơn.

Cơ tiền định không hơn không thiệt

Luật Thiên điều phải biết phải lo

Trước kia Thầy đã dặn dò

Thầy thương con chớ phải do luật hình.

Đã đến lúc thuyết minh giáo lý

Và đúng kỳ cơ chỉ quy nguyên

Nên Thầy cùng Phật Thánh Tiên

Ban hành sắc lịnh giáo truyền phổ thông.

Con nên nhớ chỗ không mà có

Chớ đừng mơ nơi có lại không

Nếu con quên lý đại đồng

Thì bao cuộc diện Tiên Rồng dở dang.

Kìa nhơn loại tai nàn bi thảm

Đạo lấy gì bảo đảm nhơn sanh

Vì chưng cơ Đạo tan tành

Hỏi phần tội ấy Thầy dành cho ai?

Hỡi con ngoan đây ngày Thầy định

Mượn tài con trấn tĩnh phái chi

Quy nguyên cho kịp thời kỳ

Gieo truyền Chơn Đạo cứu nguy vạn loài.

Kể từ nay, Thầy đã sắc lịnh chư Phật Thánh Tiên đều đồng xây chuyển để các nơi đồng lo chuẩn bị ngày quy nguyên Đại Đạo để thức tỉnh nguyên nhân giữa cuộc đời phong ba khói lửa, lập đại hội vạn linh hầu chuyển cuộc thanh bình càn khôn vũ trụ.

Thầy mong mỗi con nên hiểu lấy trách vụ mà Thầy đã ban bố. Đó là một đặc ân các con được hưởng đầu tiên, bởi trải qua thời gian các con đã dày công với bảng hiệu Cao Đài Thống Nhứt”. Giờ nầy, Thầy khuyên các con nên hàn gắn nghĩa đệ tình huynh, lo cơ đồ Đại Đạo trong thời kỳ chuyển hướng. Còn các con cứ mãi bàn luận danh từ mà không thực hiện được đúng theo lý Đạo thì cũng vô bổ.

Các con ôi! Cơ Đại Đạo còn phải trải qua nhiều giai đoạn khảo lòng. Vì Thầy biết trước, khi lịnh chuyển hướng, đồng một nhịp, Thầy đã sắc lịnh giáo truyền các con đề tài chữ “Tâm” cũng như bao nhiêu đàn dạy về chơn lý Đạo, nhưng cũng không tránh khỏi sự khảo lòng các con.

Giờ nầy, Thầy muốn cho các con khỏi phải lạc lối, Thầy ban chiếu chỉ hoãn đàn cơ đến thất ngoạt, thập tứ nhựt; các con phải tựu tề đông đủ để nghe lời Thầy giáo dỗ.

Trong thời gian hoãn đàn, các con hãy tiếp tục phận sự, xét mình với trách vụ. Các con không được bỏ bê phận sự và chừng ấy đàn cơ sẽ dạy các con tận tường giáo lý hay chỉ khuyến khích sự tu hành cho các con là tùy trong giai đoạn nầy các con biết xét mình.

Con ôi! Thầy mong rằng các con sẽ là viên linh đơn hơn là mụt ung thư của Đạo.

Thầy nhắc các con: Khi các con hướng về một đường lối mà Thầy đã điểm nhuận thì Thầy mong các con hãy nhận định cho tinh tường, nghiên cứu đến tột lý và phục vụ cho cơ Đạo, chớ không nên lâm vào những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Đó là điều mà các con phục vụ cho một cá nhân hay một nơi chật hẹp. Lời dặn của Thầy từ xưa, các con nên nhớ. Các con phải nghĩ rằng Thầy chủ sử vạn loại, hơi thở của mỗi con do Thầy ban cho, thì mong rằng lúc nào các con cũng tưởng đến Thầy.

Con ôi!

Tâm trần dù có mê si

Cũng còn chút ít lương tri của Thầy.

THI

Hỡi các con ôi! Hỡi các con!

Thương Thầy mến Đạo liệu sao tròn

Nam bang nếu chẳng về quy nhứt

Dòng giống còn đâu với nước non.

Các con phải xem tất cả những đàn được chư Phật Tiên và Thầy khuyến dỗ. Tại các con chưa thông đạt nên mới chịu phần khảo đảo.

Thầy giờ nay ban ơn lành cho toàn cả các con nam cũng như nữ từ khắp nơi về chầu lịnh.

[Hải Thần bạch ...]

Đã hoãn thì có nghĩa sao?

Ngày Trung Nguơn xá tội, các con phải đông đủ chầu lịnh.

[Hải Thần bạch ...]

Con có hiểu nghĩa hoãn không? Thay vì bế.

Đàn vừa qua có đôi phần thiếu nghĩa, Thầy dạy các con nên sửa trang nhứt: “Thái dương nhựt nhựt chiếu.”

Trang hai, hàng nhị thập cửu: “rành” thay vì “rằng”. “Tiêu luật” không đúng: “Thiên luật”. Vì điển văn nghe chẳng rõ, bài thi của Tổng Lý chia làm hai chớ chẳng phải một.

Thầy vẫn biết trong thời gian bế đàn, các con sẽ không được hữu phước chầu Thầy cùng Phật Thánh Tiên, nhưng Thầy muốn để cho các con tự xét mình và ôn lại những điều mà các con đã được giáo dỗ từ lâu.

Những đàn qua có nhiều nơi dạy ẩn nhưng Thầy biết rằng không một con nào hiểu nỗi. Vậy các con cố tầm rồi sau sẽ được lịnh chỉ, nếu các con không tìm ra.

Đàn Trung Nguơn các con nam cũng như nữ phải về chầu lịnh đông đủ. Các con có xem kỹ lại những đàn thì mới thấy được sự nghĩ của các con không đúng theo Thiên ý.

NGÂM

Giờ lành giáng bút dạy con

Khuyên con lớn nhỏ lo tròn phận con

Cuộc đời còn lắm mỏi mòn

Chỉ tu mới đặng ngôi son an nhàn

Ban ơn con trẻ trần gian

Đường tu con rán Thiên Đàng Thầy thăng.

 


Thứ Hai, 16 tháng 9, 2024

trùng quang; trùng quan / GIÓ BỐN PHƯƠNG -- tập Hai

 

GIÓ BỐN PHƯƠNG -- tập Hai (đang soạn)

trùng quang; trùng quan

Trong một thánh giáo ban cho tại Ngọc Kinh Thánh Tòa (Hội Thánh Cao Đài Bạch Y Liên Đoàn Chơn Lý) nhân dịp Trung Thu năm Nhâm Dần (1962), Đức Mẹ than: “Hỡi ôi! Tâm trí con ta chẳng những bất đồng, mà tư tưởng lại cách xa vạn dặm trùng quang! Con như thế ấy, hành đạo biết chừng nào đi đến nơi thành tựu!” Tệ muội phân vân, không biết bản cũ ghi là “trùng quang” có đúng không? Hay nên sửa là “trùng quan” mới đúng?

ĐT. Bích Vân (Mong Thọ, Kiên Giang). Tin nhắn ngày 16-9-2024.

Huệ Khải  phúc đáp:

Hiền tỷ có phải là cô giáo dạy văn không mà đặt câu hỏi tinh tế đến thế! Trước hết, ta thử tìm hiểu ý nghĩa “trùng quang” và “trùng quan”.

1. Trùng quang 重光 nghĩa đen là tái thứ kiến đáo quang minh 再次見到 (thấy lại ánh sáng lần nữa: seeing the light once more); nghĩa bóng làquang phục光復 tức là khôi phục nguyên hữu đích lãnh thổ恢复原有的領土 (khôi phục [lấy lại] lãnh thổ của mình lúc trước: recovering one’s original or former territory).

1.1. Do “trùng quang” có nghĩa là “lấy lại được đất nước đã mất” nên nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940) khi xưa sáng tác tiểu thuyết Trùng Quang Tâm Sử 重光心史 (tạm dịch là: Sử Lòng Phục Quốc) lấy bối cảnh nước Nam bị quân Minh đô hộ (đầu thế kỷ 15), với mục đích truyền bá tư tưởng yêu nước, kêu gọi đồng bào chống thực dân Pháp, giành lại độc lập.

1.2. Bởi vì “trùng quang” đồng nghĩa với “quang phục” nên năm 1912, nhà cách mạng Phan Bội Châu đã thành lập một tổ chức lấy danh xưng là “Việt Nam Quang Phục Hội” 越南光 復會, với mục đích quy tụ đồng bào yêu nước đánh đuổi người Pháp, khôi phục lãnh thổ Việt Nam.

1.3. Nói thêm, chí sĩ Phan Bội Châu một đời xả thân vì quốc gia, dân tộc Việt Nam. Sau khi tạ thế, Ngài đắc quả QUẢNG THÀNH THÁNH ĐỨC. Giờ Tý, ngày rằm tháng 11 Tân Sửu (Thứ Sáu 22-12-1961), Đức Thánh giáng cơ dạy bài “Tự Trọng Thân Danh”, in trong “Phẩm Trung Thừa” của bộ Tam Thừa Chơn Giáo, là bửu kinh “trấn môn” của Hội Thánh Trung Ương Trung Việt Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định).

1.4. Xét ý nghĩa như nói trên, hai chữ “trùng quang” không phù hợp ngữ cảnh câu thánh ngôn Đức Mẹ dạy khi xưa.

2. Trùng quan gồm “quan” và “trùng” ghép lại.

2.1. “Quan” là cửa ải, biên ải giáp ranh nước khác (frontier pass). Chúng ta có ải Nam Quan , tức là ải của nước Nam.


Chốn biên ải vốn xa xôi, hiểm trở, có núi non; do đó, văn học hay nói “quan san” 關山 (cửa ải và núi) hàm ngụ rằng đường đi xa xôi, cách trở. Bởi vậy, diễn tả lúc nàng Kiều và người tình là Thúc Sinh ly biệt, Nguyễn Du (1766-1820) hạ bút viết hai câu diễm tuyệt: “Người lên ngựa, kẻ chia bào / Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.” (Chữ nhuốm này là thần bút; ai viết sai thành “nhuộm” thì Tố Như khóc thét.)

2.2. “Trùng” là nhiều lần; chồng chất; nhiều từng (tầng); lớp lớp. Do đó, “ trùng ba” 重波 là nhiều lượn sóng. Nói về cảnh khổ cõi đời trần tục này, kinh sách có câu “khổ hải vạn trùng ba” 苦海萬重波 (biển khổ vô vàn lượn sóng).

Cũng thế, “trùng san” 重山 là nhiều dãy núi. Vương An Thạch 王安石 (1021-1086) có câu thơ: “Chung San chỉ cách sổ trùng san” 鍾山只隔數重山 (Núi Chung chỉ cách mấy lớp núi.)

2.3. Xét các nghĩa như trên, suy ra “trùng quan” 重關 nghĩa là nhiều lượt ải quan, là lớp lớp ải quan, tức là xa xôi cách trở vô vàn, khó mong đi tới nơi.

Thế thì, tư tưởng lại cách xa vạn dặm trùng quan có nghĩa là giữa đồng đạo với nhau mà tư tưởng khác biệt nhau, xa cách nhau vô chừng vô tận. Đã bất đồng tư tưởng như thế thì người đạo đành phải rơi vào cảnh huống đáng buồn như Đức Mẹ than: Con như thế ấy, hành đạo biết chừng nào đi đến nơi thành tựu!”

HK.

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2024

Nhà văn HỒ BIỂU CHÁNH đắc quả Thánh

 


Nhà văn HỒ BIỂU CHÁNH

đắc quả Thánh có giáng cơ

HUỆ KHẢI

Minh Đức Nho Giáo hình thành qua cơ bút, khởi đầu từ năm 1932 tại Ba Động, làng Trường Long Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.

Người có công gầy dựng buổi ban sơ là ông Ngô Nghiêm Sanh, thánh danh Chơn Minh Sanh, tạ thế năm 1980, đắc quả vị Thiên Minh Quang Bồ Tát. Cùng góp công đức gầy dựng là ông Ngô Minh Bè (bào huynh ông Sanh) đắc quả vị Huỳnh Quang Bồ Tát.

Do lịnh Ơn Trên qua cơ bút, Minh Đức Nho Giáo cất Khổng Thánh Miếu ở Trà Vinh, mở hai đàn Chí Thiện (Trà Vinh) và Tân Dân (Nha Rộn, Bạc Liêu; sau dời về Sài Gòn) để Ơn Trên dạy đạo qua cơ bút.

Trước năm 1975, bộ phận thông công Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam (nay gọi là Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, số 171B Cống Quỳnh, quận 1, TpHCM) vâng lịnh Ơn Trên có về Trà Vinh lập đàn cơ tại Khổng Thánh Miếu của Minh Đức Nho Giáo.

Qua cơ bút tại Minh Đức Nho Giáo, nhà văn Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung, 1884-1958) đã nhiều lần giáng đàn.

Sinh thời, ông làm công chức hành chánh, thăng lên đến ngạch đốc phủ sứ (1936), được bổ làm chủ quận (quận trưởng) nhiều nơi, có tiếng là thanh liêm, mẫn cán, yêu dân, thương người nghèo khổ.

Ông viết rất khỏe, gồm nhiều thể loại: 64 tiểu thuyết; 12 tập truyện ngắn và truyện kể; 2 truyện dịch; 12 vở kịch và tuồng hát; 5 tập thơ và truyện thơ; 8 tập ký; 28 tập khảo cứu, phê bình; nhiều bài diễn văn.

Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh nôm na, bình dị. Ông mượn tiểu thuyết nhằm đề cao phẩm hạnh phụ nữ và các giá trị luân lý truyền thống theo đạo đức Nho Giáo.

Hồ Biểu Chánh đích thực là cây bút dùng văn chương chở chuyên đạo lý (văn dĩ tải đạo) với chủ đích góp phần xây dựng xã hội Nam Kỳ thời thuộc Pháp đang bị băng hoại nhiều giá trị về nhân luân phẩm tiết.

Hồ Biểu Chánh đắc quả Thánh

Tam Nguơn Giác Thế Kinh (Cần Thơ: nhà in Phương Nam, 1953), trang 36, có một thánh giáo ngày 02-11 Tân Mùi (10-12-1931) do Đức Thần Oai Viễn Trấn Quan Thánh Đế Quân giáng cơ dạy:

“Phàm người tu hành mà đặt đặng một bộ kinh sám khuyên chúng làm lành thì người ấy đặng thành Tiên. Còn người văn chương quân tử mà làm đặng một pho sách dạy chúng luân thường đạo lý thì người đặng thành Thánh.”

Lời dạy này được minh chứng qua trường hợp nhà văn Hồ Biểu Chánh.

Thật vậy, Hồ Biểu Chánh suốt cuộc đời không phải là thầy tu, nhưng lại trọn vẹn làm người hiền đức, thanh liêm, cần cù. Nhà văn hăng say, miệt mài mượn sách vở, chữ nghĩa để củng cố luân thường đạo lý xã hội giữa thời nước mất nhà tan, phong hóa suy đồi. Sáu mươi bốn quyển tiểu thuyết của ông là “con thuyền” chở chuyên đạo lý Khổng Mạnh. Ngoài ra, ông còn viết không ít khảo luận, diễn văn về tôn giáo như:

- Giáo Lý Của Đạo Phật (diễn văn, Gò Công 1948).

- Mạnh Tử Với Chủ Nghĩa Dân Chủ (diễn văn, 1945).

- Nho Giáo Và Chánh Trị (diễn văn, 1946).

- Nho Giáo (diễn văn, Gò Công 1948).

- Nho Giáo Tinh Thần (khảo cứu, 1951).

- Nho Học Danh Thơ (khảo cứu, Gò Công 1948).

- Phật Giáo Cảm Hóa Trung Hoa (khảo cứu, 1950).

- Phật Giáo Vào Việt Nam (khảo cứu, 1951).

- Phật Tử Tu Tri (khảo cứu, Gò Công 1948).

- Thiền Môn Chư Phật (khảo cứu, Gò Công 1949).

Theo giáo lý Cao Đài, ông đã làm tròn bổn phận về phần Nhơn Đạo. Nhờ công đức to tát ấy ông đã được Đức Thượng Đế ban phong phẩm Thánh, và Thiên Đình cho phép ngài Hồ Biểu Chánh trở lại trần gian, mượn cơ bút Minh Đức Nho Giáo (Khổng Thánh Miếu) để dạy đạo.

1/ Ngày 08-01 Quý Dậu [28-02-1993], nhân dịp làm lễ an vị đàn Tân Dân (mới dời về đường Đông Hồ, phường 8, quận Tân Bình, Tp.HCM), ngài giáng cơ cho bài thơ xưng danh như sau:

HỒ nước trong ta mà cố lược

VĂN TRUNG đây mực thước nào xê

Chánh tâm rồi được quy về

An lòng tự tại nhàn quê mỉm cười.

Đây là lối thơ quán thủ, lấy ba chữ đầu câu thơ ghép thành tên khai sanh của ngài thuở còn tại thế gian là Hồ Văn Trung.

2/ Ngày 13-3 nhuần năm Quý Dậu [04-5-1993], tại Chí Thiện Đàn, ba Đấng thiêng liêng cùng giáng đàn, xưng danh qua bài thơ tứ tuyệt vừa quán thủ (Lê Văn Duyệt), quán tâm (Phan Thanh Giản), và quán yêu (Hồ Văn Trung). Liền sau đó ba vị ban cho hai vé thơ song thất lục bát khuyến tu.

ngọt PHAN an HỒ nước đầy

VĂN nhơn THANH dạ VĂN hòa xây

DUYỆT lòng GIẢN(g) TRUNG còn trực

Tạo đức phước lành đệ tử gây.

3/ Ngày 24-12 Quý Dậu [04-02-1994] tại Tân Dân Đàn, ba Đấng thiêng liêng (Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Hồ Văn Trung) lại cùng giáng cơ lần nữa, xưng danh qua bài thơ như sau.

thanh PHAN ánh nước HỒ trong

VĂN THANH thanh VĂN toại lòng

DUYỆT lại GIẢN(g) bài TRUNG liệt sĩ

Chào mừng thọ ký chánh dày công.

4/ Ngày 03 Giêng Ất Hợi [02-02-1995], ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ tại Tân Dân Đàn:

Đạo công bồi HỒ trong nước biếc

VĂN TRUNG thành nhiều việc phải làm

Chánh tâm tứ đức không tham

Lợi danh chẳng mến cố làm hiền nhân.

Nhớ khi xưa ở trần nhẫn nhục

Đặt văn chương un đúc khách tài

Thành công mới được hôm nay

Văn nhân mặc khách làm hoài không ngưng.

5/ Ngày 07-12 Nhâm Thân [30-12-1992], tại Chí Thiện Đàn, ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ dạy:

HỒ nước trong vẹn bề cố lược

VĂN trau giồi mới được thành nhân

TRUNG kiên BIỂU CHÁNH chuyên cần

Cũng như đại hội Phong Thần Thầy cho.

Về nơi đây trường Nho tái thiết

Học Thánh Nhân còn biết nhiều bài

Mong rằng nhu sĩ thới lai

Tuyển thi quân tử anh tài dày công.

Đức Chí Tôn xét duyệt sách của Hồ Biểu Chánh

và phong ngài làm Thánh

Ngày 07-12 Nhâm Thân [30-12-1992], tại Chí Thiện Đàn, ngài Hồ Biểu Chánh giáng cơ dạy:

HỒ VĂN TRUNG tự BIỂU CHÁNH. Tôi chào mừng.

Để quy nguyên đại đồng Vân Hội

Đức mãi trau, đức trội lòa lòa

Nhìn xem hiền sĩ nghìn hoa

Vun phân tưới nước để hoa đủ màu.

Lòng nhân ái thanh cao từ huệ

Mượn trường Tiên sớm kệ chiều kinh

Hòa chung trở lại Thiên Đình

Hòa chung khách tục vẹn gìn sử bia.

Nầy các hiền sĩ, tôi là HỒ VĂN TRUNG tự là BIỂU CHÁNH, hôm nay được Đức Ngọc Đế và Tam Giáo Tòa cho về đây là:

Nhờ công khó đặt nhiều bài tốt

Để lại đời người dốt còn xem

Minh tâm Ngọc Đế vén rèm

Lựa thi tuyển chọn còn đem trở về.

Mỗi bài ra châu phê trước án

Để lại đời bậu bạn hiền nhu

Khi xưa tôi cũng biết tu

Tròn xong Nhơn Đạo hiền nhu Thầy chờ.

Lật trang sách để nhờ kiểm duyệt

Đức Ngọc Hoàng chẳng tiếc phê cho

Sử kinh bổn phận làm trò

Còn tôi đoạt bảng như hò cống xê.

Tuy nói rằng đường dê sẵn vạch

Phận làm người phân tách Trời ban

Trời thương nên mở khoa tràng

Sĩ nhu quân tử leo thang khứ hồi.

Người chánh trực nào bôi tên tuổi

Tuy sự đời có rủi có may

Sao bằng tu với Cao Đài

Sao bằng Tiên Phật mỗi ngày chấm phê.

Bởi vì tôi là đại nguyên nhân lâm phàm nên biết đặt sách ra cho thế nhân xem học hỏi. Tôi làm xong phận sự ở quan trường, tôi thương dân chúng, đặt sách răn đời.

Hôm nay bỏ xác rồi, tôi được Đức Ngọc Đế chấm phê là trung hậu, nhân đức. Sách tôi để lại dù không văn hoa lý sự như bây giờ, nhưng ẩn tàng đạo đức kinh luân. Nên khai [Hội] Long Vân nầy mới được Ngọc Đế chấm phê vào hàng Thánh, được ngang với các vị Thánh trung quân ái quốc. Gần đây các vị lão thành thì biết mặt, còn các em nghe danh vậy.

Hôm nay tôi về đây cho biết rằng tu chơn tạo đức thì bao giờ cũng thành đạo được. Như tôi vào quan trường mà hiền lương đạo đức, đặt sách để dạy đời mà còn được vào hàng Thánh; huống chi quý em đây thay mạng Trời [thực thi] Nho Tông chuyển thế, tế độ quần sanh mà không bằng tôi sao?

Có vị tu kỳ nầy không biết có được về [trời] hay không? Tôi xin tạm trả lời: Hễ có công làm ruộng thì có lúa gạo ăn, trồng cây gì thì ăn cây nấy. Các vị vào trường Tiên khai hóa chúng sanh để thay Trời làm việc nghĩa [thì sẽ được về trời].

Hôm nay chúng tôi được phép Đức Ngọc Đế và Tam Giáo Tòa về viếng thăm quý hữu, thấy trường Tiên nầy:

Siêu quang tọa vị   

Quý hiền thi Vân Hội

Mẹ Thầy dẫn lối     

Thánh Phật đưa đường

Tiên Thánh còn thương

Thần đường soi ngõ

Cố mà chịu khó                 

Để có lập công

Xong Hội Hoa Long         

Tròn xong phận sự

Trời thương ân tứ

Để lại tử tôn

Thân xác lấp chôn  

Thần hồn xán lạn.

Vậy tôi có đôi lời viếng thăm quý hữu. (…) Vậy thì:

Cám ơn quý hữu thiện thành

Chí tâm đàn nội Nho sanh chực chờ

Phật Tiên ra những dòng thơ

Thầy thương ân thưởng, Mẹ chờ rước đi

Phải trang chí sĩ tu mi

Phải người liệt nữ kiên trì sắt son.

Xin kiếu.

HUỆ KHẢI

 (Trích HỒ BIỂU CHÁNH XƯA VÀ NAY. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2014.)