Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017

ĐỌC SÁCH THÁNG 6/2017


ĐỌC SÁCH
PHẬT GIÁO HÒA HẢO
MỘT TÔN GIÁO CẬN NHÂN TÌNH
TRONG LÒNG DÂN TỘC
(Đăng nguyệt san Công Giáo Và Dân Tộc,
số 270, tháng 6 năm 2017)


Kể cả bốn phụ lục và “Duyên Khởi”, hiệp tuyển này có ba mươi tám bài viết. Sách in đẹp, vừa được Nxb Tổng Hợp Tp. Hồ Chí Minh phát hành trên toàn quốc vào đầu tháng 6-2017. Về hai người chủ biên tập sách, thì Bùi Thanh Hải là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thuần thành, còn Trần Văn Chánh “không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo, và cũng chưa tín ngưỡng bất kỳ một tôn giáo nào khác.” (tr. 5).
Chẳng riêng nhà nghiên cứu tên tuổi họ Trần, trong số hơn ba mươi tác giả có bài viết góp phần hình thành nội dung quyển sách dày dặn này, có thể thấy phần lớn cũng là những cây bút không phải tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo.
Ở đây, chính yếu tố “không Hòa Hảo” của các tác giả này thật sự khiến cho hiệp tuyển càng thêm giá trị một khi những ý kiến, suy tư, nhận định của họ về Đức Huỳnh Giáo Chủ và nền Đạo do Ngài khai sáng đều là những xác định với ngôn từ rất tốt đẹp và đầy lòng trọng kính.
Đặc biệt, qua những trang viết của những cây bút “không Hòa Hảo”, người đọc tìm thấy đáp án cho ba câu hỏi tôi thử nêu ra như sau:
1. Đức Huỳnh Giáo Chủ (Đức Thầy) là ai?
a. Ngài là một thánh triết.
Đây là minh định của Phạm Công Thiện (1941-2011), một tác gia tên tuổi từng được biết tiếng với pháp danh Thích Nguyên Tánh: “… ít ai biết rằng Đức Huỳnh Giáo Chủ là một triết gia Việt Nam. Chẳng những thế, không phải chỉ triết gia Việt Nam như bất cứ một triết gia nào xứng đáng được gọi là ‘triết gia’ mà Đức Huỳnh Giáo Chủ lại đúng là một minh triết, một thánh triết, trong mọi ý nghĩa cao siêu nhất của danh từ.” (tr. 118)
b. Ngài là người phục hưng một xã hội suy đồi.
Nhà sử học Phạm Cao Dương viết:
“… Ngài còn chú trọng nhiều hơn tới tình trạng suy đồi của toàn thể xã hội Việt Nam về nhiều phương diện, trong đó có sự suy đồi của cuộc sống đạo đức theo quan niệm bình thường và theo quan niệm của Khổng Giáo. Ưu tư về sự suy đồi của đạo đức xã hội này đã được Đức Thầy nói tới rất nhiều trong Sấm Giảng. Suy đồi trong quần chúng cũng như suy đồi trong hàng ngũ giới trí thức mới, trong giới trẻ cũng như giới già. Một sự suy đồi đến độ cùng cực…” (tr. 152)
“… Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã không giới hạn các cố gắng của mình trong phạm vi Phật Giáo thuần túy mà đã hướng tất cả vào một phong trào to lớn hơn, quan trọng hơn và phức tạp hơn. Đó là phong trào phục hưng toàn quốc xã hội Việt Nam, ít ra là miền châu thổ sông Cửu Long, về mọi phương diện tôn giáo, chính trị, văn hóa và xã hội, đặt trên căn bản phục hưng con người Việt Nam truyền thống.” (tr. 154)
c. Ngài có đủ quyền phép mầu nhiệm.
Lê Văn Siêu (1911/1912?-1995) viết: “Huỳnh Giáo Chủ cũng không làm gì khác hơn những vị Giáo Chủ của tôn giáo khác. Sự chữa bệnh cho bá tánh bằng nước lạnh, tàn nhang, lá cây trong vườn, có thêm nhân điện của mình và lòng tin tưởng của đương sự, có kết quả linh nghiệm nhãn tiền, cùng những lời mách bảo trước về tai ương, được kẻ nọ đồn đến tai người kia là rất đúng, đã khiến xã hội nông thôn xôn xao mà rùng rùng từ khắp nơi kéo nhau đến bái yết vị hóa thân của Phật Thầy Tây An.” (tr. 325)
d. Ngài không chỉ là vị Phật sống (hoạt Phật).
Tác giả Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam là Nguyễn Bá Thế viết: “Ngẫm suy tường tận, tinh thần và phong thái của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua thi văn Sấm Giảng của Ngài, thật phải nhận Ngài là hoạt Phật, là nhà cách mạng ái quốc chân chính, là một thi nhân có một tâm hồn trác luyện tuyệt vời…” (tr. 320)


2. Vì sao Phật Giáo Hòa Hảo thành công ngoạn mục?
a. Vì Giáo Chủ và tín đồ truyền đạo bằng thân giáo.
Nhận định về “sự thành công ngoạn mục của một tôn giáo - đạo Phật Giáo Hòa Hảo” (tr. 61), Giáo Sư Minh Chi (1919/1920?-2006), Viện Phó Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, viết: “Trong sách Phật Giáo, có từ thân giáo, nghĩa là lấy tự thân mình làm gương sáng giáo dục cho người khác. Không những các lãnh tụ như Phật Thầy Tây An và Đức Huỳnh Phú Sổ thực hành như vậy, mà mỗi tín đồ Hòa Hảo đều làm như vậy. Họ đều thực hành thuyết bốn ân, sống hòa hiếu với cha mẹ, tổ tiên, hàng xóm láng giềng v.v… Họ truyền đạo không chỉ bằng lời nói, mà bằng cuộc sống cả đời họ, cuộc sống hằng ngày của họ. Phải chăng nhờ đó mà đạo Hòa Hảo lan truyền rất nhanh từ năm 1939.” (tr. 60)
b. Vì Phật Giáo Hòa Hảo kết tinh văn hóa dân tộc trọn vẹn nhất.
Phạm Cao Dương viết: “Những chất liệu mà Đức Thầy và Phật Giáo Hòa Hảo đã lấy ra để xây dựng nền lý thuyết cho đạo mình hoàn toàn tại chỗ, hoàn toàn Việt Nam, Việt Nam một cách đơn sơ, thuần hậu, không cầu kỳ, không trí thức đến độ kiểu cách, không quá sâu sắc đến độ bí ẩn. Tất cả đều rút tỉa từ cuộc sống bình dị của người nông dân miền Nam, từ những căn bản Khổng Giáo hay Phật Giáo đã được dân tộc hóa và được trộn lẫn vào nhau trong một tinh thần cởi mở tự nhiên để đón nhận mọi tinh túy từ bốn phương không chút mặc cảm. Về phương diện này người ta có thể nói rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một kết tinh trọn vẹn nhất của văn hóa dân tộc và là một trong những biểu dương trọn vẹn nhất của truyền thống vì trong Phật Giáo Hòa Hảo người ta có thể tìm thấy được những màu sắc Khổng Giáo trong đời sống đạo đức hàng ngày, những tín ngưỡng Phật Giáo và thờ cúng tổ tiên trong sinh hoạt tôn giáo, và tình tự quê hương dân tộc trong cuộc sống tình cảm.” (tr. 154-155)
c. Vì Phật Giáo Hòa Hảo đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội Nam Kỳ thời Pháp thuộc.
Phạm Cao Dương viết: “… Phật Giáo Hòa Hảo đã đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội miền Nam vào lúc chế độ thuộc địa của người Pháp tan rã và đất nước chuyển mình. Chúng giải thích tại sao chỉ trong một thời gian ngắn tôn giáo này đã vượt được những thờ ơ, lạnh nhạt, kể cả chế giễu mà Huỳnh Giáo Chủ đã gặp phải trong mấy ngày đầu truyền đạo của Ngài, để tiến đến chỗ trở thành một tôn giáo quan trọng ở Việt Nam với hơn hai triệu tín đồ trong những năm đầu của thập niên bảy mươi [thế kỷ trước].” (tr. 155-156)
d. Vì thực dân Pháp càng đàn áp thì đạo lại càng mạnh hơn.
Lê Văn Siêu viết:
“Những tai nạn và những đối xử tàn tệ với Người mà dân tin yêu [Đức Huỳnh Giáo Chủ] đã chỉ khiến gia tăng lòng kính phục Người của tín đồ để bất cứ lúc nào Thầy dời chân đến đâu cũng có tín đồ đến thăm Thầy rồi xin những lời thơ đưa ra ngoài truyền tụng. Chính Pháp đã tiếp tay cho hình ảnh Huỳnh Giáo Chủ trở nên thiêng liêng hơn, và những lời kêu gọi của Giáo Chủ được răm rắp tuân theo bởi hết thảy tín đồ, đến đây đã được tổ chức theo kỷ cương một mối đạo.” (tr. 326)
“Điều đáng lưu ý là những lời thơ Huỳnh Giáo Chủ lại không phải để tín đồ thưởng thức suông, mà để tín đồ học thuộc lòng rồi đi khắp nơi khắp chốn, trong tất cả các làng mạc hẻo lánh xa xôi, kính cẩn đọc lại cho nhau nghe.
Thật là một cuộc tuyên vận chính trị có kết quả kinh khủng mà cả tám mươi năm ở đây, người Pháp chưa từng gặp, nên đơ tay không có cách gì đối phó cả.” (tr. 327)


3. Sấm Giảng (sấm vãn) của Đức Huỳnh Giáo Chủ có giá trị văn chương thế nào?
a. Giá trị ấy chưa được đánh giá đúng mức.
Sơn Nam (1926-2008) xác định: “… bấy lâu nay chúng ta đánh giá không đúng mức là sự xây dựng về văn chương: Đó là những lời khuyến dạy về đạo lý được diễn đạt bằng lời lẽ bình dân, theo văn Nôm và theo thể thơ lục bát. Nhiều đoạn trong sấm vãn [sấm giảng] đã thật sự trở thành ca dao ở vùng biên giới.” (tr. 308)
b. Văn chương của Ngài giản dị, thấm thía, bừng đẹp, đanh thép, bay bướm, gợi cảm.
Nguyễn Bá Thế viết:
“Khi phải dùng đến văn chương làm phương tiện thuyết giáo, giọng văn Sấm Giảng của Đức Huỳnh Giáo Chủ giản dị mà thấm thía, như tấc lòng tu sĩ từ bi bác ái do cuộc sống đạm bạc mà tinh thần tư tưởng được cao khiết phi đằng: (…)
Nhưng khi tâm tư rung cảm, văn chương Đức Giáo Chủ lại bừng đẹp vô ngần. Là một nhà truyền giáo có biệt tài dùng văn chương bình dân để lôi cuốn bình dân quy ngưỡng, là một chính khách khéo sử dụng văn chương đanh thép để khích động quần chúng, Đức Huỳnh Giáo Chủ lại còn là một thi nhân có tâm hồn tuyệt đẹp, văn chương bay bướm, gợi cảm …” (tr. 317)
*
Trên đây tôi thử đặt ra ba câu hỏi và thử trả lời bằng cách trích tuyển các tác giả tên tuổi có bài in trong sách PHẬT GIÁO HÒA HẢO: MỘT TÔN GIÁO CẬN NHÂN TÌNH TRONG LÒNG DÂN TỘC. Dĩ nhiên, với gần năm trăm trang, nội dung sách không chỉ có ngần ấy, mà phong phú hơn hẳn những gì tôi vừa trưng dẫn trên đây để minh họa cho cái hay của sách. Tôi thử đóng vai một người hướng dẫn du khách, đưa mọi người tới một cảnh quan bao la xinh đẹp, và tạm giới thiệu một vài góc cạnh nho nhỏ, phần tổng thể còn lại tôi mời mỗi người tự tìm tòi, đích thân khám phá để rồi thú vị nhiều hơn. Vì sao thế?
Vì với những ai chưa từng tìm hiểu Phật Giáo Hòa Hảo, tập sách mở ra một cơ duyên để chiêm ngưỡng, thán thưởng. Và với những ai xưa nay đã ít nhiều biết đến nền Đạo của Đức Thầy, đặc biệt là hàng môn sanh đệ tử của Đức Huỳnh Giáo Chủ, thì tập sách vẫn cứ là một cơ duyên để “ôn cố tri tân”, để thấy rõ rệt hơn những nét tân kỳ, độc đáo mà bấy lâu vì quá quen thuộc với bầu khí của tôn giáo mình, có thể “người trong nhà” không nhận thức được trọn vẹn, thấu đáo, nên cũng cần một dịp ngắm nghía các báu vật trong ngôi nhà chính mình qua góc nhìn của “người ngoài nhà”.
Cảm thụ được cả hai cơ duyên ấy lồng chung trong một tập sách, tôi tin rằng đây là thành công của hai người chủ biên (Trần Văn Chánh, Bùi Thanh Hải), và cũng là “mắt xanh” của nhà xuất bản Tổng Hợp TpHCM khi mạnh dạn chấp nhận bản thảo và tích cực trong các công đoạn kỹ thuật để sách kịp phát hành vào thời điểm trùng hợp với dịp mấy triệu tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo long trọng tổ chức đại lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy khai Đạo (18 tháng 5 âm lịch hằng năm).
HUỆ KHẢI
Nhiêu Lộc, 14-6-2017