@ Hiền
muội Nguyễn Thị Tú Anh (Cơ Sở Đạo Thanh Hóa, Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài,
thị trấn Tĩnh Gia, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa). Điện thư ngày 28-4-2019:
Trong bài thánh thi ban trao tại Minh Lý Thánh
Hội (Sài Gòn), Tuất thời, ngày 21-7 Mậu Thân (Thứ Tư 14-8-1968), Đức Vạn Hạnh
Thiền Sư dạy:
Thời xưa đã lắm kẻ ra đi
Một gánh san hà, một túi thi
Gõ phách hát câu an Chiến Quốc
Nhịp cần đợi vó hội tương tri
Non sông gởi gắm tình trăm họ
Đạo pháp mong chờ nghĩa nhứt
vi
Nhả hết tằm tơ cho xứng phận
Gian lao đã có Đấng từ bi.
Kính
nhờ Đạo Uyển giúp con hiểu nghĩa bài thơ này. Con rất cảm ơn ạ.
Huệ Khải: Chào hiền muội.
Từ lúc tạm rời Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo trở về quê nhà, hiền muội luôn
hăng say góp tâm sức vào Cơ Sở Đạo Thanh Hóa, đặc biệt là dịp lễ vừa qua - kỷ niệm mười năm
thành lập Cơ Sở Đạo Thanh Hóa (15-3 Kỷ Sửu, 2009 / 15-3 Kỷ Hợi, 2019). Tôi vui lắm
khi xem những hình ảnh và tin tức tốt lành được chia sẻ qua Facebook của hiền
muội.
Bài thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng của Đức Vạn
Hạnh Thiền Sư quả thật không dễ hiểu ngay, nhất là cặp thực (câu 3-4) và cặp
luận (câu 5-6).
Tôi thử trình bày cách tôi hiểu nơi đây và mong ước
quý đạo hữu gần xa nếu thấy tôi nhầm lẫn, sai sót thì vui lòng góp ý để tôi
được dịp học hỏi thêm. Tôi chân thành cảm ơn trước.
Để cùng tìm hiểu bài thánh thi, chúng ta cần xác định
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy các vị nào bài này? Và dạy trong trường hợp nào?
Hôm ấy (14-8-1968) dư chấn biến cố Tết Mậu Thân vẫn
còn. Nỗi đau đớn, thống khổ vì mất mát người thân, tan nát cửa nhà, tiêu tan
sản nghiệp hãy còn giày vò quá đông, quá nhiều đồng bào, đồng đạo ở các tỉnh
thành. Do đó, Ơn Trên dạy các bậc hướng đạo Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài
Giáo Việt Nam
(mới được Đức Chí Tôn thành lập năm 1965) hãy tổ chức phái đoàn đi thăm hỏi, an
ủi, giúp đỡ đồng bào, đồng đạo sau cuộc binh lửa khốc liệt đầu xuân.
Trước khi ban trao bài thánh thi, Đức Vạn Hạnh Thiền
Sư dạy:
Bần
Tăng gởi tặng phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý đi thăm viếng đồng bào, đồng
đạo các tỉnh miền Nam
một bài thi thân hữu.
Sau khi ban trao bài thánh thi, Đức Thiền Sư ân cần
khuyến dụ thêm:
Đã là
sứ đồ, khá hiểu câu “Nghịch hành ấy là bổn phận”, nghĩa là: Thấy những
cái mà thường nhân không muốn thấy, hiểu những điều thường nhân không dè để mà
hiểu, nói những lời thường nhân không từng nói, và làm những điều thường nhân không thích làm.
Bần
Tăng mong rằng một chuyến Nam du của phái đoàn có khác hơn một chuyến Tây du
của Tam Tạng về phương diện Tam Tạng đi thỉnh kinh, còn phái đoàn lại đi tứ
kinh, tứ tình thương, và thâu thập mọi kinh nghiệm vui buồn trong quá khứ để
làm đề tài hành đạo ngày mai.
Chư
Thiên mạng, chư hiền hữu đạo tràng! Hôm nay, thật là một sự bất ngờ cho chư vị hội ngộ Bần Tăng, nhưng
có bất ngờ mới có lý thú và mối tình sâu sắc nhứt đã gợi lại trong thời quá khứ
trên tình dân tộc và đạo pháp.
Những chữ gạch dưới là tôi nhấn mạnh, để chúng ta
cùng lưu ý trước khi bàn tới cặp luận (câu 5-6).
Ghi chú: Tứ 賜 là ban trao, trao tặng (conferring,
bestowing, granting). Tứ kinh là
trao tặng kinh (hay thánh giáo). Tứ tình
thương là đem tình thương trao gởi những người khổ đau, kém may mắn thể
hiện qua thuốc men, tiền bạc, phẩm vật các loại để cứu trợ.
Bằng lời khuyến dụ trên, Đức Thiền Sư hàm ngụ trong
đó nhiệm vụ các bậc hướng đạo Cao Đài trong chuyến Nam
du (từ Sài Gòn đi đến các tỉnh thành miền Nam).
Sau đây, chúng ta thử tìm hiểu từng câu thánh thi.
* Câu 1: Thời xưa đã lắm kẻ ra đi.
Đức Vạn Hạnh Thiền
Sư nhắc tới người thời xưa là để
khuyên người thời nay biết noi gương cũ. Phái đoàn Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý
sắp thực hiện chuyến Nam du không phải để vui chơi nhàn tản, mà là để tuân lịnh
Ơn Trên, đem tình thương, tình đạo đến với bá tánh đang thống khổ, đớn đau
trong cảnh tang tóc, điêu tàn vì lửa đạn chiến tranh gây ra. Phái đoàn Cơ Quan sắp
ra đi âu cũng là nối gót, theo gương lắm bậc tiền nhân thuở trước đấy thôi.
Suy rộng thêm: Việc
lên đường giúp dân giúp nước, giúp Thầy giúp Đạo hãy nên nối tiếp nhau đời này
sang đời khác, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Người hôm nay đang kế
tục những dấu chân người xưa, và rồi người mai sau cũng sẽ kế tục những dấu
chân người nay. Đất nước muốn được trường tồn, đạo pháp muốn được trường lưu đều
phải nhờ vào các thế hệ ý thức, nối tiếp nhau cùng gìn giữ và phát huy.
* Câu 2: Một gánh san hà, một túi thi.
Một gánh san hà hay một gánh giang sơn (a burden of the homeland) đặt lên vai bậc chí sĩ thì đâu phải
chuyện đùa. Bởi thế, khi gánh cả sơn hà giữa lúc Mông Cổ (quân Nguyên) tham tàn
xâm lăng nước Việt, Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bộc lộ hết gan hết ruột:
Ta thường thì tới bữa quên ăn, giữa đêm vỗ gối, nước mắt
tràn xuống đầy mép, tấm lòng đau như bị đâm, vẫn lấy cái sự chưa thể ăn thịt
nằm da, nuốt gan uống máu của chúng [quân Mông] làm tức. Dẫu cho một trăm cái thân của ta
phải đem đốt ở đồng cỏ, một nghìn cái thân của ta phải đem bọc vào da ngựa, ta
cũng vui lòng. (Hịch Tướng Sĩ, Ngô
Tất Tố dịch)
Một túi thi là một túi chứa các bài
thơ. Kẻ sĩ nhàn nhã thời xưa hay mang theo bầu rượu, túi thơ mà ngao du chốn
thiên nhiên hữu tình. Gặp chỗ thích chí thì dừng chân nhắp rượu trong bầu trợ hứng
(inspiration), hạ bút làm thơ xong
thì cất vào túi vải hay túi gấm. Chẳng hạn, bài Chí Làm Trai của Nguyễn Công Trứ (1778–1858) kết thúc như sau: Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo / Thảnh
thơi thơ túi rượu bầu.
Túi thơ (thi nang 詩囊 : a pouch of poems)
là điển cố liên quan tới nhà thơ Lý Hạ 李賀 (790-816) danh tiếng đời Đường. Toàn Đường Văn 全唐文 , quyển 780 chép rằng Lý Hạ
đi đâu lưng cũng đeo túi gấm xưa cũ nát, hễ gặp điều chi đắc ý thì viết ra rồi
bỏ vào trong túi ấy. (Bối nhất cổ phá cẩm
nang, ngộ hữu sở đắc, tức thư đầu nang trung. 背一古破錦囊 , 遇有所得 , 即書投囊中 .)
Một gánh san hà và một túi thi (như vừa nói trên) là hai hình ảnh tượng trưng, mang ý
nghĩa rất đối lập nhau. Vậy, tại sao lại đặt chung vào một câu thơ?
Tôi nghĩ vụng rằng Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ngụ ý là xưa nay
các bậc chí sĩ, hiền tài nặng lòng lo việc nước hay việc đạo, nếu đã vui với lý
tưởng cao đẹp của mình thì đứng trước mọi thử thách, gian hiểm vẫn ung dung, tự
tại. Đây cũng là tâm trạng một bậc hướng đạo tài đức của Hội Thánh Truyền Giáo
Cao Đài - ngài
Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982). Trong chuỗi ngày nguy nan trên đường sứ
mạng hoằng giáo ở Trung Kỳ giữa thời tao loạn, ngài có bài thơ như sau:
Ta có gì mà
thương mà tiếc
Ta có gì mà thiết mà tha
Tấm thân không cửa không nhà
Con là non nước, vợ là cỏ cây
Thân sá gì rày đây mai đó
Chí những mong nước nọ non nầy
Phương trời chim mặc sức bay
Nước khơi cá lội thú thay ngũ hồ.
* Câu 3: Gõ phách hát câu an Chiến Quốc.
Phách là loại nhạc cụ
gõ để giữ nhịp, làm từ gỗ, tre, v.v… Phách gồm một thanh gỗ (hay tre) và hai
dùi gỗ, gõ thành tiếng gọn và giòn.
Chiến Quốc (Chiến Quốc thời kỳ 戰國时期 :
the Warring States period) là thời kỳ
Trung Quốc bị phân tranh, các chư hầu nhà Chu đánh nhau liên miên, kéo dài từ khoảng
thế kỷ 5 trước Công Nguyên (TCN) cho tới khi nhà Tần thống nhất Trung Quốc vào
năm 221 TCN.
Gõ phách hát câu
an Chiến Quốc ám chỉ tích Trâu Kỵ, danh nhân nước Tề đời Chiến Quốc.
Trâu Kỵ 鄒忌 (khoảng 385-319 TCN) là người dĩ cổ cầm du thuyết Tề Uy Vương 以鼓琴游說齊威王 tức là “dùng chước đánh cầm tới
thuyết phục Tề Uy Vương” áp dụng chính sách của ông. Vua Tề tin dùng họ Trâu,
phong làm tướng quốc (tạm hiểu như chức thủ tướng ngày nay). Trâu Kỵ cải cách
việc cai trị, sửa đổi pháp luật, tuyển chọn hiền tài, thưởng phạt phân minh. Nước
Tề ngày một cường thịnh, dân chúng hưởng thái bình; các nước khác không còn dám
kéo quân sang quấy nhiễu ở biên giới như trước kia nữa.
Khi sáng tác tiểu thuyết Đông
Chu Liệt Quốc (một trăm lẻ tám hồi, tức chương), ở hồi thứ tám mươi
sáu, nhà văn Phùng
Mộng Long 馮夢龍
(1574-1646) kể lại việc Trâu Kỵ mượn chước đánh cầm để “tiếp thị” bản thân với Tề
Uy Vương rất hấp dẫn. Tóm lược như sau:
Từ khi lên làm vua, Tề Uy Vương say đắm tửu sắc, ham
mê đàn hát, bỏ bê việc nước. Trong khoảng chín năm, các nước Hàn, Ngụy, Lỗ,
Triệu thường đem quân đến khuấy rối ở biên giới, và Tề thường thua trận.
Một hôm có người dân nước Tề họ Trâu, tên Kỵ vào
triều xin đánh đàn cho vua nghe. Tề Uy Vương cho vào, mời ngồi trước mặt, sai
người mang ra cây cầm. Trâu Kỵ lên dây đàn xong nhưng không gảy.
Tề Uy Vương hỏi: “Ông lên dây mà không gảy, là chê
đàn không tốt ư? Hay là chê ta không biết nghe đàn?”
Trâu Kỵ đáp: “Đời xưa Phục Hy chế ra cây cầm có năm
dây. Dây lớn là vua, dây nhỏ là bề tôi. Đời Văn Vương và Vũ Vương, mỗi vị lại
thêm một dây nữa, để hợp cái tình ý vua tôi. Xem vậy đủ biết rằng vua tôi có
tương đắc thì mệnh lệnh mới hòa hợp. Phép trị nước cũng như thế mà thôi.”
Vốn rất thích âm nhạc, vua Tề lại nài: “Nói phải lắm,
nhưng hãy thử gảy một khúc nhạc.”
Trâu Kỵ đáp: “Tôi học đàn thì phải biết phép đánh
đàn. Đại vương lo việc nước, há không biết đạo trị nước hay sao? Hiện nay ngài
làm vua mà không trị nước, có khác gì tôi ôm đàn mà không gảy. Tôi ôm đàn mà
không gảy thì ngài không hài lòng. Ngài làm vua mà không trị nước thì muôn dân
cũng không hài lòng.”
Tề Uy Vương nói: “Ông mượn việc đánh đàn để can gián
ta. Ta hiểu ý ông rồi.”
Hôm sau Tề Uy Vương vời Trâu Kỵ vào triều cùng bàn
luận về phép trị nước. Vua Tề rất hài lòng, bèn phong Trâu Kỵ làm tướng quốc.
Nước Tề sớm trở nên cường thịnh, làm bá chủ năm nước Sở, Ngụy, Hàn, Triệu, và
Yên.
Tôi tự hỏi: Kín đáo dẫn đến tích Trâu Kỵ, phải chăng
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ngụ ý khuyên các bậc sứ đồ Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý nói
riêng (các bậc hướng đạo Kỳ Ba ngày nay nói chung) trên đường thi hành sứ mạng
Thiên ân hãy có lòng tự tin như Trâu
Kỵ ngày xưa đã rất tự tin khi đứng giữa triều đình, trước mặt Tề Uy Vương?
* Câu 4: Nhịp
cần đợi vó hội tương tri.
Cần là cần câu. Nhịp cần là cầm cần câu mà đánh nhịp, có thể trong lúc ngâm nga
thơ phú. Chứng tỏ chẳng phải chủ ý đi câu kiếm mấy con cá quèn; chỉ là mượn cớ
đi câu để ra bờ sông ngồi.
Vó là vó ngựa. Đợi vó là đợi chân ngựa đưa bậc minh
quân (ông vua sáng suốt) tới thỉnh mình ra giúp nước.
Hội 會 là gặp gỡ (hội ngộ), cũng là cơ hội,
dịp tốt.
Tương tri 相知 là hai đàng cùng biết rõ nhau, thấu
hiểu nhau. Hội tương tri là cơ hội
được gặp người biết tài đức của mình nên thỉnh mời giúp sức, và mình cũng biết
đó là người xứng đáng để nhận lời mời, đem hết trí tài ra phò tá.
Nhịp cần đợi vó hội tương tri ám chỉ tích Khương Thượng 姜尚 , tức Khương Tử Nha 姜子牙 ngồi
câu bên bờ sông Vị. Trong tập Ánh Sáng
Của Trần Gian, Diệu Nguyên có
chép tích này, lược trích như sau:
Khương Thượng sinh vào thế kỷ 12 TCN, đời nhà Thương (Trung Quốc). Năm ba
mươi hai tuổi, ngài lên núi Côn Lôn học đạo với Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn hơn bốn
mươi năm.
Vua Trụ nhà Thương đắm mê tửu sắc bỏ
bê việc triều chính, lại nghe theo lời Đát Kỷ bày ra các hình phạt vô cùng khắc
nghiệt. Các trung thần can gián đều bị xử tử, lê dân đồ thán, vận nước suy vi…
Đức Nguơn Thỉ Thiên Tôn truyền lịnh cho Khương Tử Nha xuống núi phò nhà Chu để
phạt Trụ. Tử Nha ngồi buông câu bên sông Vị hết ngày này sang ngày khác chờ
thời vận ra giúp nhà Chu.
Một hôm có người tiều phu phát hiện rằng lưỡi câu của Tử Nha không uốn cong
và không có ngạnh bén thì chế giễu. Ngài bảo: “Ta câu thời câu vận chứ nào phải
câu cá câu tôm.”
Thời vận tới với Khương
Tử Nha khi Văn Vương nhà Chu (một vì vua hiền đức luôn yêu thương dân) đến tận sông
Vị thỉnh cầu ngài về triều giúp nước. Nhờ tài đức của Khương Tử Nha mà nhà Chu hưng
thịnh, kéo dài 867 năm, và là triều đại tồn tại lâu dài nhất Trung Quốc.
Tôi lại tự hỏi: Kín
đáo dẫn đến tích này, phải chăng Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ngụ ý khuyên các bậc
hướng đạo Kỳ Ba hãy biết xuất xử (hành
tàng) đúng lúc như ngài Tử Nha?
* Câu 5:
Non sông gởi gắm tình trăm họ.
Non sông hay sơn hà 山河 , giang sơn 江山 là đất nước, quốc gia.
Trăm họ hay bách tính, bá tánh 百姓 là nói chung dân chúng một nước. Tình trăm họ là tình thương dân chúng, thương
đồng bào (love for all citizens).
Non sông gởi gắm tình trăm họ nghĩa là về mặt quốc gia, Ơn Trên gởi gắm bậc hướng đạo
Kỳ Ba tấm lòng thương dân thương nước, nhất là trong hoàn cảnh Việt Nam đang khói
lửa điêu linh vào thời ấy (1968), khi Đức Vạn Hạnh Thiền Sư ban cho bài thánh
thi này.
* Câu 6: Đạo pháp mong chờ nghĩa nhứt vi.
Nghĩa 義 tức là lẽ phải (đạo
lý) ở đời, là ân tình đối đãi với nhau trong cuộc sống. Ta hay nói tình nghĩa, đạo nghĩa là do hai ý này.
Nhứt vi theo tôi hiểu là
nói tắt câu thành ngữ Trung Hoa: Nhứt
nhựt vi sư, chung thân vi phụ 一日為師 , 終身為父 (một ngày là
thầy, trọn đời [xem thầy] là cha). Thành ngữ này nhằm tôn cao đạo nghĩa của kẻ
học trò đối với thầy dạy mình; dù học với thầy chỉ một ngày thì trọn đời vẫn
xem thầy là cha mình.
Trong tiểu thuyết Tây Du Ký (Hồi thứ ba mươi mốt), khi tìm
tới động Thủy Liêm ở núi Hoa Quả để van nài Tôn Hành Giả đi cứu Đường Tăng đang
bị yêu quái Hoàng Bào hãm hại, thì Trư Bát Giới đã khuyên sư huynh hãy nghĩ tới
cái tình nhứt nhựt vi sư, chung thân vi
phụ mà quên phứt những hiểu lầm đáng tiếc giữa hai thầy trò khi trước.
Khi xét ý nghĩa
thành ngữ Nhứt nhựt vi sư, chung thân vi
phụ, chúng ta nhớ rằng trong đạo Cao Đài, Đức Chí Tôn vừa là Thầy, vừa là
Cha (Đại Từ Phụ) của chúng ta.
Đạo pháp mong chờ nghĩa nhứt vi tức là về mặt đạo pháp (học đạo tu thân, hành đạo độ
đời), Ơn Trên hằng mong đợi các môn đệ Cao Đài hãy luôn luôn vẹn tròn đạo nghĩa
với Thầy mình. Thầy là Đức Chí Tôn đã phế Ngọc Kinh xuống trần cứu thế Kỳ Ba,
không thành đại nguyện thì Thầy không trở về ngôi nữa. Trò đã nhờ ơn Thầy dẫn
dắt vào đạo Kỳ Ba, thì ráng sức đền đáp ơn Thầy, ráng học đạo tu thân cho kết
quả để theo gương Thầy tận tụy đem đạo cứu đời, trước tiên là cứu dân mình, cứu
nước mình thoát khỏi cơn tai kiếp thời hạ nguơn mạt pháp. Đó là thương Thầy
thật sự, đúng cách.
Hai câu Non sông gởi gắm tình trăm họ / Đạo pháp
mong chờ nghĩa nhứt vi của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư bộc lộ rất rõ giá trị nhân bản (humanistic value) của đạo Cao Đài ở góc cạnh này: Đạo pháp gắn liền dân tộc; trước khi nói
tới chúng sanh khắp năm châu bốn biển bao la thì hãy nói tới dân mình nước
mình, đồng bào mình và Tổ Quốc mình. Đức Thiền Sư cũng nhắc khéo ý này trong
những lời bảo ban ở cuối bài thánh giáo:
Hôm nay, thật là một sự bất ngờ cho chư vị hội
ngộ Bần Tăng, nhưng có bất ngờ mới có lý thú và mối tình sâu sắc nhứt đã gợi
lại trong thời quá khứ trên tình dân tộc và đạo pháp.
* Câu 7: Nhả hết tằm tơ cho xứng phận.
Tằm tơ (tàm ty 蠶絲) là sợi tơ do con tằm (silkworms) ăn lá dâu (tang
diệp 桑葉 ; mulberry leaves),
rồi nhả ra.
Truyện Kiều của Nguyễn
Du (1765-1820) có câu: Con tằm đến thác
hãy còn vương tơ. Đời Đường, Lý Thương Ẩn 李商隱 (813-858) viết bài thất
ngôn bát cú Vô Đề 無題 có câu: Xuân tàm đáo tử ty phương tận 春蠶到死絲方盡 (Tằm xuân đến chết tơ mới hết).
Ngoài ý nghĩa hàm
ngụ tình yêu nam nữ vướng vít lâu bền như hai câu thơ danh tiếng vừa dẫn trên,
hình ảnh con tằm trong văn chương thế gian hay thánh giáo Cao Đài còn mang ý
nghĩa là cống hiến hết mình (tận hiến)
cho cuộc đời để trả ơn đời, phụng sự đời, và câu thánh thi của Đức Vạn Hạnh
Thiền Sư là ví dụ. Hay là: Tằm quặn mấy
mùa tơ chửa trọn / Vẫn toan báo đáp nghĩa xanh dâu (HK).
Phận 分 (duty) là bổn phận, phận sự, chức phận mà
người môn đệ Cao Đài đã thọ nhận do Thầy ban, do Hội Thánh giao phó. Xứng phận là xứng đáng với chức phận mà
mình nhận lãnh trong đạo.
Nhả hết tằm tơ cho
xứng phận nghĩa là các sứ đồ Cơ Quan Phổ Thông
Giáo Lý nói riêng (hay những bậc hướng đạo Kỳ Ba nói chung) hãy dốc hết tấm
lòng và tài tuệ ra phụng sự cho xứng đáng với chức phận của mình đã được Ơn
Trên (hay Hội Thánh) ban trao; đừng mang danh Thiên ân chức sắc, chức việc mà
thật ra sự cống hiến ở bản thân từng vị xét ra vẫn chưa đúng mức so với những
gì Luật Đạo quy định cụ thể cho từng bậc giáo phẩm. Nếu hiểu rốt ráo như vậy,
thì mang phẩm sắc chính là mang gánh nặng nhọc nhằn, lòng luôn nơm nớp sợ sệt,
chứ chẳng phải cứ nài xin cho được áo mão để có thể làm oai cùng tín hữu mộc
mạc, hiền ngoan.
* Câu 8: Gian lao đã có Đấng từ bi.
Gian lao là khó khăn và vất
vả. Đấng từ bi là Thầy (Đức Chí Tôn),
hiểu rộng ra cũng là các vị Phật Tiên, Thánh Thần, Bồ Tát, v.v...
Việc hành đạo, đem
đạo độ đời vô cùng khó khăn (có khi còn nguy hiểm tánh mạng nữa). Đức Vạn Hạnh
Thiền Sư vì vậy an ủi, khuyến khích, mà cũng là cam kết (giao ước) rằng luôn luôn
có Ngài cũng như các Đấng thiêng liêng sẵn sàng chở che, phù trợ cho những ai
xứng phận, biết quên mình vì danh Thầy danh Đạo.
Hai câu kết (7-8) rõ
ràng là cái tình của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư đối với các bậc hướng đạo Kỳ Ba.
Như tôi từng có dịp bày
tỏ: (. . .) thánh giáo Đức Thiền Sư vừa quyến rũ vừa huyền
thâm, khiến người học đạo phải nghiền ngẫm suy tư, tham bác miệt mài mà không
thôi nơm nớp rằng vẫn còn sơ sót nên ngộ nhận, lệch sai! Bài thánh
thi trên đây của Đức Vạn Hạnh Thiền Sư là thêm một minh chứng cho lời tôi thú
nhận.
Vì vậy, một lần nữa,
tôi rất mong sẽ được quý đạo hữu hoan hỷ chỉ giáo để tôi học hỏi thêm, kịp thời
điều chỉnh lỗi lầm trong phần trình bày trên đây. Tôi xin trân trọng cảm ơn quý
đạo hữu.
*